Tính đến tháng 3/2018, tỷ phú Mã Hóa Đằng là CEO của Tập đoàn Tencent sở hữu số tài sản 47 tỷ đô, tăng so với 25 tỷ đô cùng kỳ năm ngoái và chính thức soán ngôi Jack Ma, trở thành tỷ phú số 1 Trung Quốc. Ông cũng được bình chọn là 1 trong 10 CEO có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới năm 2018.
Ông Pony Ma sinh năm 1971 tại Sán Đầu, Quảng Đông. Sau khi tốt nghiệp bằng khoa học máy tính tại Đại học Thâm Quyến năm 1993, Mã Hóa Đằng đã làm việc cho một doanh nghiệp viễn thông.
Tại thời điểm đó ở Trung Quốc, trung bình cứ 100 người thì có 1 chiếc máy tính. Mã Hóa Đằng vẫn làm việc tại công ty viễn thông ở Thâm Quyến với mức lương 176 đô la mỗi tháng. Và ông đang có cơ hội lớn trước sự bùng nổ công nghệ ở Trung Quốc giữa những năm 90.
5 năm sau khi tốt nghiệp, Mã Hóa Đằng cùng 4 người bạn thành lập nên Tencent và bắt đầu phát triển phần mềm cho máy nhắn tin. Họ tạo ra một nền tảng nhắn tin trên máy tính cá nhân QQ, giống hệt AOL, có thể kết nối dễ dàng giữa máy tính cá nhân và điện thoại di động. QQ nhanh chóng trở thành phần mềm nhắn tin phổ biến nhất Trung Quốc.
Tencent bắt đầu kiếm tiền qua hoạt động quảng cáo và thu phí duy trì tài khoản nâng cấp của người dùng QQ. Năm 2001, công ty đã huy động được hơn 32 triệu đô tiền vốn đầu tư. Năm 2011, Tencent cho ra mắt ứng dụng trò chuyện WeChat dành riêng cho thiết bị di động. Ứng dụng nhắn tin này được mệnh danh là "một ứng dụng cai trị tất cả".
Ở Trung Quốc, Facebook bị cấm và Wechat nghiễm nhiên là mạng xã hội thống trị quốc gia hơn 1 tỷ dân này. Nhưng mô hình "siêu ứng dụng" của WeChat còn phát triển xa hơn Facebook với hơn 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng. Nó không chỉ là một ứng dụng nhắn tin mà còn cho phép người dùng gọi điện, chơi game, gửi tiền, mua sắm, thanh toán tại nhà hàng, gọi taxi, thậm chí là tham gia hẹn hò trực tuyến.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, bí quyết thành công của Pony Ma là sự nhanh nhạy với thị trường tiềm năng. Phần mềm QQ của Tencent ra đời đúng lúc đã làm thay đổi cả thói quen liên lạc của người Trung Quốc. Tại thời điểm QQ ra đời, học sinh phổ thông có thể không dùng di động, nhưng không thể thiếu QQ. Khi chia tay bạn bè, họ không nói "gọi điện cho mình nhé" mà bảo rằng "Q cho mình nhé".
Tuy nhiên, giới chuyên môn phần lớn các sản phẩm của Tencent đều mang dấu vết sao chép của người khác. Nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới kinh doanh Trung Quốc tỏ ý không tán thành hướng đi này.
Jack Ma từng công khai nói: "Vấn đề lớn nhất của trang web paipai của Tencent là không có bất cứ sự sáng tạo nào. Tất cả mọi thứ đều sao chép".
Vương Chí Đông, nguyên Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Sina.com, thì cho rằng: "Mã Hóa Đằng là vua sao chép nổi tiếng trong giới, hơn nữa ông ta còn công khai sao chép…".
Trước những ý kiến phê phán, tỷ phú Mã Hóa Đằng cho rằng "sao chép có thể hiểu là học tập, là một kiểu tiếp thu, một kiểu lấy dài bù ngắn".
Trong những năm gần đây, Pony Ma và Jack Ma liên tục hoán đổi cho vị trí tỷ phú số 1 Trung Quốc. Trong khi ông chủ của Alibaba là một người sôi nổi, thích chia sẻ thì ông chủ của Tencent là một người trầm tính, thận trọng và ít nói.
Hiện nay, Tencent đang là đối thủ cạnh tranh đáng gờm của người khổng lồ Alibaba và đang nỗ lực vươn xa hơn tại Trung Quốc và quốc tế. Công ty này đã phát triển thành công các nhánh khác như cung cấp điện toán đám mây, phát triển trí tuệ nhân tạo và giải trí. Tencent cũng đầu tư vào hàng loạt các công ty công nghệ lớn như 5% cổ phần ở Tesla, 10% cổ phần ở Snap và đang thương lượng để có 10% cổ phần của Spotify.
Năm ngoái, Tencent vượt qua Alibaba, trở thành tập đoàn công nghệ châu Á đều tiên đạt giá trị hơn 500 tỷ đô la và hiện nay là công ty có giá trị lớn nhất tại châu Á.
Theo Minh Anh/Infonet