Cứ thấy cái gì "ở mình chưa có" là đem về kinh doanh
"Lúc nhỏ nhà tôi rất nghèo, mà "nhà bên cạnh thì buôn bán, hàng chở đi ngày ngày, suốt ngần ấy năm nó hình thành trong đầu mình rằng chỉ có đường kinh doanh thì mới giàu được. Phi thương bất phú mà..."
Từ mái hiên di động…
Khao khát làm giàu từ bé, nên trên trên chuyến đi chơi Sài Gòn vào năm 1997, khi thấy sản phẩm mái hiên di động mới lạ, Hồ Hoàng Hải - hiện là Chủ tịch HĐQT công ty CP Phú Thành - lập tức chớp lấy ngay cơ hội đem về Hà Nội bán.
"Đang đi trên đường có một bà đang đứng trên vỉa hè đang quay một cái mái hiên, trên đầu bà là cái mái hiên cứ vươn ra.
Mình thấy lạ lùng quá, dừng lại hỏi thì biết đó là mái hiên di động. Thì lập tức nảy ra ý định đưa cái này ra Hà Nội, nghĩ rằng đây là cơ hội ao ước bấy lâu nay," Hồ Hoàng Hải kể về cơ duyên kinh doanh đầu đời.
Hải liền tìm đến gặp chủ, đề nghị làm đại lý bán hàng ở Hà Nội.
Sau 1 tháng ở Sài Gòn học lắp đặt mái hiên, Hải về... "rải truyền đơn khắp Hà Nội:"
"Tôi chụp ảnh sản phẩm, in tờ rơi đi tiếp thị. Tôi chịu khó đi khắp phố phường Hà Nội, đi tới từng người, từng nhà một xin gặp để giới thiệu."
Khi khách hàng đồng ý hợp đồng, Hải là người trực tiếp đi lắp. Một phần nhờ may mắn, sản phẩm dần phổ biến, sau 2 năm thì thành trào lưu.
Phi vụ kinh doanh đầu tiên của Hồ Hoàng Hải đã thành công.
…đến dịch vụ chụp ảnh kỹ thuật số
Khi thị trường mái hiên di động vẫn đang đi lên, năm 1999 Hải muốn tìm đường xuất khẩu cho sản phẩm. Trong chuyến đi Thái Lan với ý định đó, tình cờ khi đi qua một hiệu ảnh trong trung tâm thương mại ở Thái Lan, Hải lại thấy lạ lùng quá: "Người đang đen chỉnh thành trắng, béo thành gầy, nốt ruồi biến mất. Vừa chụp phông xanh lát sau đã thấy... bắt tay tổng thống Mỹ Bill Clinton."
"Ở thời điểm đấy công nghệ kỹ thuật số cực kỳ mới mẻ. Tôi chưa thấy kiểu chụp ảnh nào mà vừa chụp một cái rồi chỉnh béo thành gầy như thế. Cái công nghệ đó cuốn hút tôi," Hải nhớ lại.
Thế là Hồ Hoàng Hải lại vào đặt vấn đề với chủ hiệu ảnh, đề nghị mua phần mềm và học nghề để đem dịch vụ "ảo diệu" này về Việt Nam.
Chủ hiệu ảnh đồng ý. Hải được copy cả đĩa Photoshop, hàng nghìn các frame khung ảnh, và còn học "nghề" cắt ghép chỉnh sửa ảnh.
Thế là khi về Việt Nam, Hải mở cửa hàng ảnh trên đường Kim Mã vào tháng 12/1999, lấy tên Phú Thành Digital, đem "nghề" học được ở Thái Lan dạy lại cho các nhân viên vi tính ở Phú Thành.
Khác hẳn với sản phẩm đầu tiên, lần này không cần Hải phải "rải truyền đơn" mà giới trẻ lập tức quan tâm đến dịch vụ độc đáo này. Dịch vụ chụp ảnh kỹ thuật số của Phú Thành Digital "tung ra một cái là bùng nổ ngay. Giai đoạn từ năm 2002 đến 2005 cực kỳ rực rỡ."
"Sau này phát triển thì mở được một chuỗi hàng chục cửa hàng trên toàn quốc, phát triển đến trăm nhân viên," Hải cho hay.
…và đèn quảng cáo điện tử
Năm 2002, trong một lần đi công tác nước ngoài, một sản phẩm khác mà Việt Nam chưa có lại lọt vào tầm mắt Hải, là bảng điện tử.
Về nước, Hải vào trường Đại học Bách Khoa hỏi thăm về công nghệ, sau đó đặt hàng sản xuất và cho ra những sản phẩm đầu tiên.
"Sau này phát triển thêm biển quảng cáo, bảng điện tử chữ chạy, bảng điện tử số dùng trong các ngân hàng, bảng 2 dòng trong các công ty chứng khoán. Và sau nữa là chiếu sáng đèn LED," Hải cho biết.
Trong những năm trở lại đây, công nghệ đèn LED là mảng kinh doanh chính của công ty Phú Thành, doanh thu hàng năm trên dưới 100 tỉ đồng.
"Làm người tiên phong, quét gọn ghẽ thị trường trước khi xuất hiện đối thủ cạnh tranh," Hồ Hoàng Hải nói về những thành công đó.
Hải cho biết, từ mái hiên di động đến dịch vụ chụp ảnh kỹ thuật số rồi bảng điện tử, trước khi bắt đầu Hải đều chưa có kiến thức kinh doanh bài bản. "Lúc đấy chỉ có 4 năm kinh doanh thôi mà," nên khi nói về lý do thành công, Hồ Hoàng Hải nhắc đi nhắc lại từ "chịu khó."
"Một người từ trước đến nay tay trắng, luôn khao khát làm giàu như thế thì khi có cơ hội sẽ nhảy vào quyết tâm lớn như thế nào, tôi đam mê làm không biết mệt mỏi, làm ngày làm đêm."
"Đã nhảy vào làm là phải làm quyết tâm," Hải kết luận.
Và những kỉ niệm buồn
Nói về kỉ niệm buồn, không thể không đến đến dịch vụ chụp ảnh kỹ thuật số rực rỡ một thời.
"Bây giờ sinh nhật con thì có mang đi chụp ảnh đâu, ở nhà iPad iPhone. Chụp xong không rửa ảnh mà up lên Facebook," Hải ngậm ngùi kể.
Cách đây khoảng 6 năm, do thói quen người tiêu dùng thay đổi, sau khi phải bù lỗ một thời gian, Hồ Hoàng Hải chấm dứt toàn bộ hệ thống Phú Thành Digital một cách đầy tiếc nuối.
Nhưng ngoài chuyện kinh doanh đi xuống vì hết thời, trong 21 năm kinh doanh, Hồ Hoàng Hải cũng có những lần ngậm ngùi khác do thiếu cẩn trọng.
Cửa thép vân gỗ - kỉ niệm buồn tốn mười mấy tỷ đồng
Thất bại đó cách đây hơn 10 năm, là sản phẩm cửa thép vân gỗ Hải phát hiện ra khi đi triển lãm nước ngoài - cũng lại là một sản phẩm chưa từng có ở Việt Nam lúc ấy.
"Hiện nay, loại cửa này hiện đang được sử dụng khá rộng rãi trong các chung cư cao tầng. Một tòa chung cư có hàng trăm hàng nghìn căn hộ. Gỗ đâu mà nhiều thế nên là các chung cư hiện nay hầu hết dùng cửa thép, trên đấy in cái vân gỗ, nhìn vào cảm giác là cửa gỗ nhưng thật ra là thép," Hải giải thích về sản phẩm đã để "vuột" qua tay.
Tại thời điểm đó, sau 2 thành công là sản phẩm mái hiên di động và dịch vụ chụp ảnh kỹ thuật số, Hải đã tích lũy được số vốn kha khá nên quyết định "khô máu," đầu tư quy mô lớn hẳn cho lần này.
Hải nhớ lại: "Tôi đã nhiều lần sang tận nhà máy bên Trung Quốc, làm việc với các đối tác, đàm phán, quyết định về mở nhà máy đầu tiên ở Việt Nam để sản xuất cái ngành hàng này.
Về phía Việt Nam cũng đã liên hệ địa điểm xây nhà máy, mua máy móc dây chuyền và lập một team để xây dựng đội ngũ sales, lập công ty Cửa thép vân gỗ Phú Thành.
Mọi sự chuẩn bị rất bài bản, tiền đầu tư khá nhiều rồi, mở showroom, mở công ty tuyển người. Làm hẳn một chiến dịch truyền thông tốn kém."
Theo phân tích của Hồ Hoàng Hải lúc ấy thì: "Sản phẩm vừa túi tiền khách hàng, có thị trường. Mọi chỉ số đều rất đẹp…"
"Tôi đặt sản xuất trước ở bên kia, gắn thương hiệu Phú Thành Door vào đấy, lập nhãn mác, đặt một lô hàng lớn, và tổ chức hẳn một buổi ra mắt hoành tráng ở khách sạn 5 sao," Hải kể.
Sau khi mọi thứ đã xong xuôi hết rồi, khi chuẩn bị bỏ ra hàng triệu đô để nhập dây chuyền về Việt Nam thì Hải lại có một suy nghĩ đến: "Nên chăng là mình thử tung sản phẩm ra, chưa đầu tư nhà máy vội, xem là nó có đầu ra thực sự hay không?"
Và khi sản phẩm tung ra thì khách hàng rất quan tâm, nhất là chủ đầu tư các khu đô thị.
Nhưng rồi, "năm ấy là năm 2008, lại có cuộc khủng hoảng về bất động sản. Nhà nước thắt tín dụng và các doanh nghiệp bất động sản lao đao."
"Hàng của mình giá trị lớn mà đi bán cho những doanh nghiệp sắp chết thế này thì khác gì tự sát?" Hải băn khoăn.
Nửa năm sau đó, khách hàng một là mua không trả tiền, hai là không mua, về phần Hải thì "bộ máy phình lên khá lớn, tiêu tốn mười mấy tỉ, càng ngày càng lún sâu."
Sau gần một năm, thấy tình hình không khả quan để có thể cầm cự dài hạn, Hải quyết định đóng cửa công ty: "Đứa con mình đã ấp ủ rất nhiều kỳ vọng, đầu tư rất nhiều công sức, tiền của vào, cuối cùng là tự tay mình phải dập nó đi."
Công tắc điều khiển từ xa
Hồ Hoàng Hải kể về một sản phẩm tiềm năng khác:
"Có một thời điểm, kỹ sư Phú Thành nghiên cứu ra một hệ điều khiển, giống điều khiển ô tô. Công tắc đấy có thể gắn với bất cứ thiết bị gì, gắn vào quạt thành điều khiển quạt, gắn vào đèn thành điều khiển đèn. Rất tiện và ứng dụng thì rất rộng."
Theo phân tích của Hồ Hoàng Hải lúc đó, "giá cả tốt, thị trường chưa ai cạnh tranh, thương hiệu Phú Thành có rồi. Mọi chuyện đều tốt đẹp."
Thế là, "cũng lại tung ra ào ào, cũng lại tổ chức đội quân sales, thậm chí còn tạo thị trường giả. Tức là đi kí gửi sản phẩm ở đồ điện trên phố Trần Phú, Nguyễn Công Trứ. Rồi lại cho người rải đi, suốt ngày hỏi: "Ở đây có sản phẩm công tắc điện điều khiển từ xa không, nghe bảo sản phẩm đấy đang hot lắm," để tạo nhu cầu giả," Hải kể lại.
Tuy nhiên, sau một thời gian bán hàng thì lại nảy sinh ra một vấn đề không ngờ: Ở Việt Nam có khí hậu trời nồm, gây chập điện, sản phẩm chập chờn, chưa kể nguy cơ cháy nổ trong gia đình.
Thế là ngay lập tức Hải cho dừng bán lại, nghiên cứu thêm. "Nhưng mà loay hoay sản phẩm công nghệ trong nhiều tháng, thì khắc phục lúc được lúc không, không ổn định."
Hải kể lại: "Lúc đó, thấy thương hiệu Phú Thành cất công xây dựng mười mấy năm rồi, không thể nào mạo hiểm như thế được. Thậm chí, không phải chập cháy mà gây cháy nhà chết người, lúc đấy là sạt nghiệp, thậm chí còn liên quan đến pháp luật tù tội."
Cuối cùng, Hồ Hoàng Hải lần thứ 2 phải ngậm ngùi "khai tử" đứa con tâm huyết.
Nói về thất bại với hai sản phẩm mới trên của mình, Hải nói: "Làm người tiên phong cũng có nghĩa là làm con chuột bạch:"
'Chưa lường hết được rủi ro thị trường. Chưa lường hết khó khăn gặp phải, chưa đủ chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực mới," Hồ Hoàng Hải chỉ ra.
Hiện tại, sau 21 năm kinh doanh và trải qua cả thành lẫn bại, khi được hỏi về các yếu tố để quyết định đầu tư vào một sản phẩm mới, Hải đúc kết 2 yếu tố: đam mê và đầu ra cho sản phẩm.
"Đam mê là điều kiện cần. Nhưng cái tiên quyết là sản phẩm phải có tiềm năng phát triển. Quan trọng nhất là bán được hàng."
"Yếu tố khách hàng vẫn là quan trọng nhất. Cần đặt mình vào địa vị khách hàng, đặt câu hỏi: Tại sao khách hàng lại cần sản phẩm này, lý do gì khách hàng mua hàng của mình, thậm chí khảo sát để có câu trả lời, chứ mình không đưa ra những con số mơ mộng nữa. Và các bước đường sẽ bài bản hơn chứ không ào ào."
Hiện tại, Hồ Hoàng Hải vẫn duy trì cơ sở sản xuất mái hiên di động Phú Thành, và 2 công ty: một về đèn chiếu sáng LED, một về biển quảng cáo.
Khi được hỏi về định hướng tương lai, Hải cho biết:
"Xác định là sẽ tập trung vào cái mảng mình có thế mạnh và phát triển ngành nghề cốt lõi (bảng điện tử, biển hiệu quảng cáo LED, chiếu sáng...).
Tất nhiên là vẫn cứ tiếp tục kiếm tìm những cơ hội mới nhưng tới đây mà có những cơ hội như thế thì cách đánh của mình sẽ khác. Sẽ không ùn ùn như trước nữa, mà sẽ bài bản hơn và có dự phòng rủi ro."
Theo Thảo Thảo/ Trí Thức Trẻ