"Khóc liệt."
"Tàn nhẫn."
"Không thương xót."
"Tranh cãi thường xuyên."
Có lẽ ai cũng nghĩ rằng công ty với những tố chất đáng kinh sợ kia sẽ không tránh khỏi thất bại. Tuy nhiên, cũng chính công ty được báo giới và không ít nhân viên mô tả với những "tố chất tàn bạo" trên vừa đem về gấp đôi doanh thu trong năm ngoái, liên tục sinh lời trong 8 quý liên tục và "sản sinh" ra người đàn ông giàu nhất thế giới.
Nếu bạn đang nghĩ tất cả chỉ là những số liệu tài chính mà không phản ánh gì đến góc nhìn của nhân viên thì xin thưa là bạn đã tiếp tục sai lầm. Chính công ty "tàn nhẫn" kia đang chễm chệ vị trí dẫn đầu ở hàng loạt các giải thưởng về Chất lượng Dịch vụ khách hàng, đứng thứ nhì trong danh sách các công ty đáng làm việc nhất thế giới của LinkedIn và vừa "kết nạp" hơn 85.000 nhân sự mới chỉ trong năm 2016.
Văn hóa công ty - Thương cho roi cho vọt?
Công ty "khét tiếng" ở trên không ai khác chính là Amazon, với những từ ngữ diễn tả được lấy trực tiếp từ một bài báo được đăng trên tờ New York Times.
Nội dung bài báo xoáy thẳng vào Văn hóa "trừng phạt" và tinh thần "sinh tồn" mà Amazon đang áp dụng cho tất cả nhân viên của mình. Đặc biệt bài báo còn phản ánh những ký ức "đau thương" khi các nhân viên phải gục khóc tại bàn, khốn khổ với mức độ stress cao, và không khỏi chật vật để theo kịp tốc độ làm việc đến chóng mặt của gã khổng lồ công nghệ này.
Và đặc biệt là những nhân viên không đạt được chỉ tiêu mà quản lý đưa ra đều bị sa thải một cách chóng vánh, bài báo nhấn mạnh thêm.
Sau khi được đăng tải, bài viết trên đã "gây bão" trong dư luận khắp cả nước Mỹ. Rất nhiều bạn đọc và cựu nhân viên liên tục "đổ thêm dầu vào lửa" bằng cách gọi Amazon là một "kẻ bóc lột" và tố cáo công ty này thường xuyên "bắt nạt" nhân viên.
Câu chuyện sẽ dừng lại ở đó nếu như không còn một "mặt" khác của vấn đề mà ít ai có thể dễ dàng nhận ra. Xuất phát từ những chia sẻ thực tế nhất của nhân viên Amazon hiện tại, những người không mù quáng "ném đá" Amazon dần dần nhận ra rằng, các nhân viên đang phải chịu đựng môi trường "khốc liệt" kia đang ngày ngày tận hưởng "hạnh phúc" khi được làm trong một môi trường phát triển nhanh đến thế, đa phần là do họ hiểu được giá trị của bản thân đang được nâng cao, không chỉ công ty mà chính bản thân nhân viên cũng đang phát triển nhanh chóng từng ngày.
Những cuộc tranh cãi thường xuyên, những áp lực "tàn nhẫn"… đối với những nhân viên hiện tại cũng chỉ là những thử thách giúp họ trở thành một con người tốt hơn, như những điều kiện "khốc liệt" đã biến than chì thành kim cương, nhân viên Amazon luôn cảm thấy tự hào cùng công ty đạt được những thành tựu mới bất kể muôn vàn trở ngại và áp lực.
Bài học khách quan nhất từ bài báo "tàn nhẫn" của Amazon kia được gói gọn trong một câu: "Văn hóa làm việc không phù hợp với tất cả mọi người."
Thành công không đợi những kẻ "yếu tim"
Những "làn sóng ngầm" phản kháng của các nhân viên Amazon cho thấy một sự thật phũ phàng: Văn hóa công ty không nhất thiết lúc nào cũng phải "thân thiện" và "thoải mái".
Trong thời đại thông tin như "vũ bão" hiện nay, các công ty và các nhà quản lý ra sức tung ra các hình ảnh và khẩu hiệu "rập khuôn" như: Quản lý thân thiện, môi trường "gia đình"… Dư luận đang ra sức xây dựng và hướng tới một hình ảnh "nhẹ nhàng và tình cảm" cho chính nơi làm việc của mình. Nhưng ít người biết rằng đó chính là một con dao hai lưỡi!
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, và văn hóa công ty nhất định cũng phải phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Ngoài những giới hạn về đạo lý và pháp luật thông thường ra, "Văn hóa tốt" hoàn toàn khác nhau ở từng công ty, và thậm chí là đối với từng nhân viên.
Một công ty "thân thiện" và "gia đình" có thể thích hợp đối với những nhân sự mong muốn tìm một công việc ổn định để "cắm rễ". Nhưng đối với các nhân sự đang mong muốn phát triển sự nghiệp hoặc các công ty đang cạnh tranh quyết liệt trên thị trường, thứ văn hóa kia rất có thể trở thành một "gọng kìm" cho khả năng phát triển của cả nhóm, từ đó gây ảnh hưởng không hề nhỏ đến kết quả hoạt động kinh doanh của cả tổ chức.
Có rất nhiều bạn trẻ ra trường và "ổn định" trong một môi trường như thế, để rồi sau này khi mong muốn tìm kiếm một cơ hội tốt hơn, họ chợt nhận ra rằng mình không phải có 5 năm, 10 năm kinh nghiệm mà họ chỉ có cái gọi là "kinh nghiệm 1 năm nhưng được lặp lại 5 lần, 10 lần".
Amazon – Đấu trường "đẫm máu" được mọi người yêu thích
Nếu đủ tỉnh táo để suy luận về bài báo "giật tít" kia của New York Times, bạn sẽ thấy động lực cải tiến và phát triển của cả tập đoàn Amazon khổng lồ được "tiếp lửa" bằng Văn hóa cạnh tranh, quyết liệt, với những yêu cầu và mục tiêu cực kỳ khắc nghiệt.
Môi trường được nhiều người gọi là "Đấu trường đẫm máu" kia là cách mà CEO Jeff Bezos và những quản lý cấp cao của mình đảm bảo rằng mục đích của Amazon sẽ luôn được thực hiện. Mục tiêu "bất khả thi" với sự cạnh tranh khốc liệt ngay trong văn phòng là động lực to lớn cho mọi nhân viên phải đem tới cho khách hàng của mình Chất lượng dịch vụ cao nhất.
Văn hóa "độc" của Amazon đã tạo ra một môi trường luôn theo đuổi "hiệu quả", tất cả mọi nhân viên ở đây, dù có chịu áp lực đến mấy cũng luôn hướng đến mức dịch vụ khách hàng tốt nhất và qua đó liên tục phát triển. Nhờ đó, mỗi khi nhắc tới "Amazon" là người đọc liền nghĩ tới một sản phẩm sáng tạo, một trải nghiệm hoàn hảo hay một thương hiệu luôn đứng đầu.
Nhờ vào văn hóa kia, tất cả khách hàng của Amazon trở nên trung thành và sẵn sàng "dâng" túi tiền của mình. Còn đối với nhân viên, họ hiểu rằng làm việc tại Amazon sẽ mang cho họ những giá trị to lớn trong sự nghiệp tương lai và cũng vì thế mà ra sức cống hiến.
Có thể kết luận rằng, chính văn hóa của Amazon đồng thời biến đây trở thành công ty đáng làm việc nhất, điểm đến nhiều lợi ích nhất và tập đoàn thành công nhất thế giới.
Theo Lê Thanh Sang/ Trí Thức trẻ