1. Lượng sách bạn đọc được quan trọng đến thế nào?
Có một vị hiệu trưởng đã từng nói: "Nếu không đọc đủ lượng sách cần thiết, thì những đứa trẻ tương lai có dự định đi du học sẽ là một chuyện đáng cười". Mãi đến tận sau này khi đã đi du học tôi mới thấm thía đạo lý trong câu nói ấy.
Học ở Mỹ, thường giáo viên lên lớp sẽ không chỉ giới hạn kiến thức trong sách giáo khoa, mà yêu cầu sinh viên tự mình tìm những cuốn sách có liên quan đến kiến thức học. Đây cũng chính là yêu cầu trong một thời gian ngắn bạn phải có năng lực khái quát nhanh và hiểu được nội dung chính, cũng như tinh hoa của một lượng lớn các văn bản, dữ liệu nằm ở đâu.
Ngoài ra, mỗi kì học của trường kéo dài ba tháng, mỗi tháng sẽ có một lần thi giữa kì bằng cách viết một bài luận và khi đến cuối kì lại hoàn thành một bài luận và để hoàn thành những bài luận đó cần đọc rất nhiều những văn bản, tài liệu, những sách chuyên ngành liên quan, và từ đó đưa ra quan điểm cá nhân của mình.
Không chỉ ở Mỹ, mà hiện nay ở rất nhiều những trường đại học đều áp dụng phương pháp học tổng quát này, chính vì vậy nếu như kiến thức nền của chúng ta không tốt, chúng ta không biết bản thân chúng ta có hứng thú về lĩnh vực gì, thì sẽ rất mông lung và lúng túng trong quá trình học của mình.
Ví dụ như các trường danh tiếng như Harvard, Yale mang hơi thở nhân văn rất đậm, vì vậy nếu như bạn không có sự luyện tập về việc đọc số lượng lớn những tác phẩm nổi tiếng đã quá quen thuộc thì rất khó có thể hòa nhập được với môi trường học tập ở đây.
Hơn nữa, đến sau này tôi mới phát hiện ra rằng những cấu trúc và cách dùng từ kinh điển trong tiếng Anh đều bắt nguồn từ những tác phẩm nổi tiếng.
Nhớ lại khi đi du học, lớp của tôi có các bạn đến từ Mỹ, Anh, Brazil... Xét về số lượng đọc, chúng tôi cũng không thua kém, thế nhưng xét về mặt cảm nhận tác phẩm, những bạn sinh viên Mỹ quả thực cảm nhận rất tốt, họ có thể trong một thời gian rất ngắn khái quát và nắm bắt được đại ý của cả văn bản, và rất nhanh chóng đưa ra những nhận xét và đánh giá của bản thân.
Điều này chắc chắn có nguyên nhân, đó chính là chúng ta đã quen với lối tư duy của phương Đông chính vì vậy đối với các văn bản phương Tây chúng ta thường phải suy nghĩ và xem xét nhiều hơn. Thế nhưng, có một điều rất quan trọng nữa chính là sự rèn luyện trong việc đọc của họ trong hệ thống giáo dục từ tiểu học rất mạnh!
2. Đọc nhiều sách không có nghĩa bạn có năng lực đọc.
Tôi đã từng có một khoảng thời gian ngắn được trải nghiệm trong một trường trung học ở Mỹ, được trải nghiệm các tiết học đọc của họ, quả là sự rèn luyện trong việc đọc của họ khác với chúng ta rất nhiều.
Chúng ta thường rất chú trọng vào đáp án đúng, chú trọng vào việc tác giả đã diễn tả những ý gì, bối cảnh sáng tác, ý tưởng tác phẩm. Nhưng họ lại khác, họ chú trọng hơn vào những kiến thức có trong tác phẩm, từ đó đi phân tích và tìm hiểu tác phẩm.
Bài tập đọc của họ cũng không giống với chúng ta. Những câu tổng kết vấn đề của bài tập đọc thường có câu: "Vậy ý chính của bài khóa trên là gì?".
Còn bài tập của họ thường là viết luận, họ sẽ không nói với chúng ta ý chính của văn bản là gì, mà sẽ cho chúng ta một vài gợi ý, để chúng ta xem xét một sự việc, một đoạn văn, một quyển sách, tất cả đều giúp chúng ta có những khởi điểm để xem xét một vấn đề.
Với cách luyện tập đọc như vậy, tự khắc sẽ giúp ta giải quyết hai vấn đề:
Thứ nhất, "bề mặt" đọc.
Những học sinh Mỹ sau khi lên trung học thường sẽ rất bận, vì vậy số lượng sách đọc được mỗi kì cũng chỉ có hạn, nhưng thầy cô sẽ thường có những gợi ý cho học sinh như "Em rất hứng thú với quyển sách đó đúng không, em có thể tìm một vài tác giả khác cùng thời kì hoặc một số tác phẩm khác cùng đề tài để so sánh, làm một bài luận về chủ đề đó xem thế nào?".
Hoặc ví dụ khi một đứa trẻ đọc những cuốn sách về khoa học viễn tưởng, viết về những con robot khổng lồ, vậy thì có thể tìm thêm những sách có nói về robot khác của nhiều tác giả khác nhau để so sánh? Thông qua những sở thích của trẻ để làm cho nền đọc của bé không ngừng được mở rộng.
Thứ hai, năng lực đọc.
Rất nhiều người thích đọc tiểu thuyết bởi vì tiểu thuyết có nhiều tình tiết, câu chuyện đặc sắc, hấp dẫn. Thế nhưng chúng ta nên suy ngẫm xem đằng sau những câu chuyện và tình tiết đó tác giả muốn nói đến điều gì. Và tại sao lại dùng cách nói như vậy? Vì chỉ bằng cách xem xét, suy ngẫm những vấn đề mà tác phẩm nêu ra mới có thể giúp ta luyện tập năng lực đọc.
Bởi một tác phẩm nổi tiếng không thể chỉ cảm nhận bằng ánh hào quang qua một đoạn trích, hay một vài câu nói kinh điển trên mạng, mà tư tưởng tuyệt vời đằng sau tác phẩm mới chính là điều nuôi dưỡng tâm hồi chúng ta.
3. Nổi tiếng thế giới về đạo tạo thế hệ trẻ
Người Mỹ rất coi trọng nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách với trẻ nhỏ. Với những tiết học đọc và bài đọc chúng ta vừa nói ở trên đã tạo ra những cơ hội cho trẻ em có cơ hội thể hiện quan điểm cá nhân, không có ai đánh giá hay gây áp lực với những điều bạn nói ra, mọi người sẽ chỉ quan tâm bạn tại sao lại có những kết luận đó sau khi đọc. Điều đó giúp ta tự giác đào sâu kiến thức hơn trong quá trình đọc.
Ngoài ra nhiều trường học còn có các lớp học diễn kịch; câu lạc bộ đọc sách, bình luận, tranh luận; thư viện miễn phí... đây cũng là một trong những yếu tố giúp trẻ nhỏ đọc nhiều hơn và tạo được thói quen đọc.
Thậm chí hiện nay còn có không ít các trường tiểu học đã bắt đầu giảm bớt hoặc là bỏ bài tập về nhà (hoặc kéo dài thời gian tại trường học để học sinh làm xong bài tập rồi mới về nhà), đồng thời yêu cầu học sinh phải đọc mỗi ngày.
Họ hy vọng trẻ em có tư duy độc lập, năng lực sáng tạo và sự khai phóng trong tư tưởng ngay từ khi còn nhỏ và tất cả những điều đó được truyền tải rất tốt thông qua những cuốn sách và thông qua việc đọc.
Không chỉ người Mỹ mà tất cả những người coi trọng việc đọc trên thế giới, đều đã nghiệm chứng, những cuốn sách hay, đặc biệt là những tác phẩm kinh điển, không chỉ bởi vì những cuốn sách đó đáng để bạn đọc đi đọc lại, mà còn bởi vì chiều sâu của nó.
Một cuốn sách hay sẽ không nói cho bạn nó hay ở đâu, mà sẽ để quyền phát hiện cái hay ấy cho người đọc; một cuốn sách hay là từ cuốn sách ấy bạn thấy thật nhiều thứ, sau một thời gian cảm thấy bản thân đã lớn lên, lại muốn tìm đọc lại những cuốn sách ấy bạn mới phát hiện, hóa ra đã bị người khác nhìn thấu cuộc đời.
Một ví dụ rất điển hình đó là khi tôi học ở Mỹ tôi thấy một hiện trạng rất đặc biệt đó chính là: cùng nói về Shakespeare, nhưng cả năm cấp một, cấp hai và cấp ba họ đều học. Tại sao vậy? Bởi vì trong mỗi giai đoạn khác nhau, chúng ta lại có những lý giải không giống nhau về Shakespeare.
Tác giả sẽ không thuyết phục bạn, mà sẽ trải ra trước mắt bạn sự thuần khiết nhất của nhân sinh, con người với công nghệ, con người với tự nhiên, con người với con người, con người với chính bản thân họ... Vì vậy mọi thứ đều sẽ được cô đọng lại ở bên trong, ví dụ "Thế giới mới tươi đẹp" của Huxley, hay " Đường sắt ngân hà" của Ginga Tetsudou no Yoru... sẽ giúp ta luyện tập tư duy độc lập và năng lực lí giải.
4. Gợi ý cho việc đọc
Thứ nhất, mở rộng kiến thức nền, càng sớm càng tốt.
Cho dù bạn đang ở độ tuổi nào đi chăng nữa, đặc biệt đối với trẻ em, bởi trước 9 tuổi tính tò mò của trẻ rất mạnh, trẻ sẽ có khát vọng khám phá mọi thứ, mở rộng kiến thức nền vào thời điểm này sẽ làm cho trẻ thấy rằng: "Ồ thế giới có bao điều mới lạ!" Có như vậy sau này trẻ mới chủ động học tập và khám phá trong sự tò mò thích thú.
Tôi nhấn mạnh vào "nền đọc" chứ không phải "lượng đọc", bởi có rất nhiều người chỉ chăm vào việc mình đã đọc được bao nhiêu quyển sách chứ chính họ cũng không biết họ đã thu nạp được những gì và đã mở rộng được kiến thức của mình chưa, và thường lấy số lượng sách ra để so bì nhau.
Khi du học, tôi đã học được một điều rất quan trọng, đó chính là sự tương thông giữa văn học và khoa học. Chúng ta thường phân chia rất rạch ròi sách văn học và sách khoa học. Thế nhưng, những người học văn học cũng sẽ dùng số liệu để phân tích tác phẩm văn học hay những người học khoa học cũng sẽ đọc những sách viễn tưởng, để hiểu hơn về tư tưởng nhân văn của con người, hay tìm cảm hứng cho những sáng chế.
Hiện nay kiến thức nền của nhiều người còn rất kém, những ai học khoa học thì chỉ đọc sách khoa học. Thế nhưng chỉ khi bạn có kiến thức nền đủ rộng bạn mới thực sự biết rằng bản thân thích cái gì, bạn mới có thể xem xét được "tương lại bạn muốn làm gì".
Thứ hai đó chính là hãy để trẻ hòa mình vào việc đọc, chứ không phải đọc để giết thời gian.
Rất nhiều người khi đọc chỉ nhìn thấy các tình tiết của câu chuyện, nhưng lại không suy ngẫm xem xét rằng tại sao. Đọc là phải ngấm, bạn càng nâng cao được năng lực đọc, lượng kiến thức bạn thu nhận được càng nhiều, thì tư tưởng của bạn ngày một đổi mới.
Thứ ba, hãy nuôi dưỡng không khí đọc trong gia đình bạn.
Tôi rất ngưỡng mộ gia đình một người bạn của tôi, cô ấy có kiến thức nền dường như rất hoàn thiện, từ văn học đến triết học, khoa học, từ lịch sử đến tự nhiên, hay kinh tế... bởi vì gia đình của cô ấy từ ông bà, bố mẹ đều rất thích đọc sách, mà mỗi người lại có một lĩnh vực đọc yêu thích của riêng mình, chính vì thế từ sớm cô ấy đã trang bị cho mình lượng kiến thức nền khá rộng.
Cả gia đình cứ có thời gian rảnh là sẽ quây quần bên nhau cùng đọc sách, tôi rất thích bầu không khí ấy mỗi lần được mời đến chơi nhà.
Cuối cùng tôi chỉ muốn nói, có thể bạn cảm thấy việc đọc sẽ rất tốn thời gian, nhưng có những việc đáng để ta đánh đổi thời gian quý báu của mình.
Nếu đi làm không có thời gian đọc sách, nếu đi học không có những giờ học ngoại khóa cho việc đọc, vậy thì hãy tự tạo cho mình, cho gia đình mình một không gian đọc ngay tại nhà, và dần dần nuôi dưỡng tình cảm thân thiết với thói quen đọc sách.
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.
Ảnh bìa minh họa: Giulia Sagramola
Theo Chi Chi/Trí Thức Trẻ