Cậu ấy vừa bị công ty đuổi việc. Mấy ngày trước có đến tìm tôi đi ăn, nhắc tới lý do nghỉ việc, Linh nói với tôi rằng: "Sếp của tớ thật đáng ghét, tớ đã làm việc ở đây suốt 3 năm vậy mà không hề tăng lương cho tớ.
Cậu thử nói xem, đã vậy tớ việc gì phải chịu vất vả mà cống hiến đúng không? Kết quả là ông ta đã đuổi việc tớ, nói tớ năm nay toàn đi muộn, làm việc cũng không chuyên tâm. Ông ta đãi ngộ tớ như thế còn muốn tớ chăm chỉ làm việc sao? Ông ta nghĩ tớ ngu ngốc sao?"
Tôi hỏi cậu ấy: "Vậy năm nay cậu đã cố gắng làm việc thật tốt chưa?"
Cậu ấy bảo: "Đương nhiên là không rồi, tớ chỉ dùng một phần nhỏ công sức của mình thôi. Như vậy tớ mới có thời gian làm thêm việc khác, nào lên mạng đọc tiểu thuyết này, lướt Facebook này, bán hàng online thêm này. Nói tóm lại đã không tăng lương cho tớ thì tớ cần gì tớ phải cố gắng bán sức cho họ chứ".
- "Vậy là cả nguyên 1 năm nay cậu không chuyên tâm vào công việc như vậy?"
- "Chứ sao, đáng lẽ tớ phải nghỉ việc từ lâu rồi. Thời đại kinh tế đi đầu, nhiều người trẻ đã lên làm chủ rồi, vậy mà tớ vẫn cứ mãi là một nhân viên quèn. Tất cả là do lão sếp của tớ kìm hãm tớ bao nhiêu lâu, nếu không tại sao giờ tớ lại tìm không ra việc cơ chứ".
Nếu bạn không có năng lực, ngay cả khi có cơ hội thì cơ hội cũng không giành cho bạn
Rất nhiều bạn trẻ có cùng suy nghĩ rằng sếp thật đáng ghét khi mãi mà không chịu thăng chức tăng lương cho mình, đãi ngộ cho nhân viên không tốt, và lúc nào cũng đang chĩa mũi nhọn vào bạn.
Tự cho rằng trả công và quyền lợi không xứng đáng, do đó bắt đầu lười nhác và không chuyên tâm làm việc. Nghĩ đến việc một ngày nào đó sẽ từ bỏ công việc đang làm, rời xa ông chủ hiện tại và tìm một vùng trời mới. Nhưng các bạn cứ mãi làm biếng vì cảm thấy rằng tuy hiện tại bỏ ra ít công sức mà vẫn có lương đều hàng tháng, nhưng quay đầu nhìn lại thì đã mất mấy năm.
Đến lúc tuổi tác đã cao, sức cạnh tranh không còn nữa, bị đẩy ra ngoài mới bắt đầu hối hận vì sao không quyết định ra đi sớm hơn. Thế nhưng, các bạn làm biếng suốt mấy năm, ông chủ có bị tổn thất không?
Đương nhiên không. Khi bạn không làm việc thì những đồng nghiệp khác của bạn vẫn đang nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của công ty. Bạn làm biếng thì chỉ làm mất thời gian và ảnh hưởng đến tiền đồ của bạn mà thôi.
Rất nhiều người nghĩ rằng cứ nghỉ ngơi ở công ty cũ chờ cơ hội mới, lúc nào có việc tốt hơn thì lập tức ra đi, nhưng chờ mãi chờ mãi, một năm rồi hai năm qua đi mà cơ hội mới chả thấy đâu, rồi một ngày cơ hội đến thật.
Nhưng trong thời gian ngủ đông ấy, bạn không tích cóp thêm được chút kinh nghiệm nào, năng lực làm việc thì yếu dần đi, liệu bạn có còn đủ năng lực để nắm giữ cơ hội hay không?
Sếp vì sao mãi không thăng chức tăng lương cho bạn?
Tôi nhớ có lần đi học ngoại ngữ, giáo viên đưa ra chủ đề thảo luận là: sếp vì sao lại thăng chức tăng lương cho bạn? Lúc thảo luận, rất nhiều người nghĩ rằng là do họ đã hoàn thành công việc của họ, đồng thời biểu hiện xuất sắc trong công việc, đương nhiên là sẽ được thăng chức tăng lương rồi.
Nhưng tôi nhớ rằng sếp của tôi đã từng nói một câu: "Cậu hoàn thành tốt công việc thì vẫn không được thăng chức, chỉ khi có năng lực làm được những việc ở vị trí cao hơn bây giờ thì khi đó mới được cân nhắc".
Cũng có thể nói, nếu bạn chỉ làm tốt những công việc hiện tại thì chỉ có thể chứng minh rằng bạn phù hợp với vị trí mà bạn đang đảm nhiệm, đồng thời không chứng tỏ rằng bạn có năng lực phù hợp với yêu cầu của một vị trí cao hơn.
Câu nói này tôi luôn khắc cốt ghi tâm, mỗi lần cảm thấy tâm lý không cân bằng thì lại lên trang mạng của công ty xem thế nào là vị trí cao hơn vị trí mà tôi đang đảm nhiệm, năng lực công việc yêu cầu có phải đã đạt thành chưa.
Nếu như chưa đạt được thì đừng suy nghĩ gì nữa cả. Nếu như năng lực đã đạt đến thì hãy đi tìm gặp sếp và yêu cầu thăng chức, tăng lương.
Bạn nhìn xem, thực chất có rất nhiều người đang có suy nghĩ sai lầm như vậy, cảm thấy mình đã làm tốt công việc của mình rồi, vậy sao sếp mãi không thăng chức tăng lương cho mình chứ?
Sếp chắc chắn đang có cầu thị với mình, sói mói này kia. Nhưng các bạn đều không nghĩ rằng, bất kỳ một vị sếp nào cũng đều mong muốn nhân viên cấp dưới của mình trở thành trợ thủ đắc lực cho mình.
Chỉ có như vậy, sếp mới có thể càng thăng tiến hơn nữa, nếu không thì sếp vẫn mãi chỉ có thể làm sếp của các bạn chứ không thể thăng thêm một cấp mới.
Nếu công ty và sếp của bạn thực sự không tốt thì bạn nên làm thế nào?
Có người hỏi rằng, vậy cả công ty và sếp của tôi thực sự đều không tốt, tôi phải làm thế nào? Tôi không thích công việc của tôi một tí nào, do đó sau khi tan ca tôi đã làm việc khác, nhưng cuộc sống như thế thật phân tâm, đi làm đã vất vả, tan ca còn tiếp tục làm, thật mệt mỏi, tôi nên tiếp tục ở lại đây hay là ra đi?
Thực chất, mỗi lần nghe được câu hỏi này, tôi đều không biết phải làm thế nào, đã biết là không thích công ty này một chút nào, không thích đơn vị này, cũng không thích làm những việc hàng ngày thường phải làm, tại sao không quyết định ra đi?
Tại sao lại phải dùng 8 tiếng đồng hồ để đi làm việc mà mình cảm thấy là làm nó thật đau khổ rồi sau đó lại bỏ ra 2 tiếng đồng hồ để làm việc của mình?
Thích thì mới thấy hứng thú còn không thích thì chỉ thấy chán ghét. Câu nói này không chỉ đúng trong tình yêu mà còn đúng ngay cả trong công việc.
Khi bạn lựa chọn công việc thì ít ra công việc đó cũng có một điểm nào đó thu hút bạn, ví dụ như nội dung công việc, sếp tốt hoặc là lương không tồi... Nếu như tất cả đều không có, bạn còn chần chừ gì mà cứ ở mãi không đi?
Tại sao lại không tìm một công việc khác?
Có nhiều khi vấn đề không phải là người khác có tốt với chúng ta hay không mà là chúng ta cứ mãi quen với việc lấy sự đối đãi tốt xấu của người khác ra để quyết định hành vi của mình.
Sếp tốt với tôi, tôi sẽ nỗ lực cố gắng, còn không thì tôi sẽ không cố gắng gì hết. Thế nhưng ở nơi làm việc, ngày ngày không nỗ lực, chỉ cần một thời gian là sẽ trở nên lạc hậu so với tất cả. Khi bạn cảm thấy cái này không tốt mà cái kia cũng không tốt, thì hãy nhìn xem mọi người trong công ty, tại vì sao họ đều biểu hiện rất xuất sắc?
Cũng giống như lúc còn nhỏ chúng ta thường trách móc trường học không tốt, giáo viên không giỏi, nhưng cùng một khóa với bạn lại có những người học rất tốt.
Tóm lại là do mình chưa đủ tốt hay là môi trường không tốt? Bản thân đã thực sự nỗ lực hay chưa, hay đang buông thả tiền đồ của mình đi làm những việc ngốc nghếch?
Theo Triển An/Trí Thức Trẻ