Larry Fink: 'Người hùng thầm lặng' phố Wall

Larry Fink là một trong những nhân vật quyền lực nhất ngành tài chính Mỹ và cũng là người kín tiếng nhất.

Chắc không ai trong giới tài chính chưa nghe về BlackRock - công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, rất ít người biết đến cái tên Larry Fink, người đàn ông đứng sau đế chế này.

"Fink ở nhóm đầu với những cái tên như Jamie Dimon và Warren Buffett", Kyle Sanders, một nhà phân tích của công ty đầu tư Edwards Jones, Mỹ, nói. Theo ông, người ta phải nhìn vào vị CEO 65 tuổi này khi nghĩ đến quản lý tài sản.

Vượt qua một thất bại "ê chề" để trở thành điểm tựa tài chính của cả Washington và phố Wall, câu chuyện của Fink có lẽ là giai thoại đáng nhớ nhất của ngành tài chính Mỹ.

Huyền thoại phố Wall và bài học 100 triệu USD

Tốt nghiệp ngành khoa học chính trị và tài chính bất động sản, Fink bắt đầu tìm việc trên phố Wall vào 1976, khi mới 23 tuổi. Giữa nhiều lựa chọn, ông quyết định làm việc tại Công ty đầu tư First Boston, phụ trách giao dịch trái phiếu. Chỉ sau 3 năm, ông được giao nhiệm vụ xây dựng và kinh doanh các sản phẩm chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp.

10 năm sau đó, Fink trở thành một huyền thoại trên phố Wall. Cùng với Lewis Ranieri, ông có công trong việc phát triển thị trường chứng khoán phái sinh dựa trên nợ ngân hàng. Thị trường trị giá hàng tỷ USD này đã biến đổi bức tranh ngành tài chính trước khi vượt khỏi tầm kiểm soát vào 2008. Fink từng mang về khoảng một tỷ USD lợi nhuận cho First Boston và trở thành giám đốc điều hành kiêm thành viên trẻ nhất ủy ban quản lý công ty.

Mọi chuyện thay đổi vào quý II/1986 khi ông làm công ty mất 100 triệu USD vì một dự đoán sai về lãi suất. Ông “từ ngôi sao thành tội đồ” gần như chỉ sau một đêm. Đồng nghiệp thậm chí còn không nói chuyện khi gặp ông ở hành lang.

Fink phải ra đi sau sai lầm đắt giá này. Dù không dùng từ "sa thải", công ty tuyên bố rõ ông không còn lựa chọn nào khác.

“Tôi không được đối xử như một đối tác hay với sự tôn trọng mà tôi mong đợi", Fink chia sẻ. Ông không biết phải làm gì tiếp theo nhưng chắc chắn một điều ông quá mệt mỏi với phố Wall - về cách các công ty đối xử với mọi người, dù đó là nhân viên hay khách hàng.

BlackRock

Sau cú ngã tại First Boston, Fink thề sẽ không bao giờ đầu tư khi không hiểu hết rủi ro trên thị trường. Ông nhận thấy ít khách hàng quan tâm về rủi ro và gần như phó mặc cho các công ty phố Wall, trong khi chính những chuyên gia đó cũng rất kém về mặt này. Vì vậy, Fink quyết định xây dựng một công ty không chỉ mang tiền của khách hàng đi đầu tư mà còn xây dựng một hệ thống quản lý rủi ro siêu việt.

BlackRock ra đời năm 1988chỉ với 5 triệu USD vốn vay khi Fink đang làm ở quỹ đầu tư chủ động Blackstone. Đến năm 1993, công ty quản lý hơn 20 tỷ USD. Một năm sau, Fink tách khỏi Blackstone vì xung đột với chủ tịch Stephen Schwarzman. Lúc này, công ty quản lý 53 tỷ USD.

Trong những năm tiếp theo, BlackRock phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc: IPO năm 1999, mua hàng loạt công ty lớn từ hàng trăm triệu USD đến trăm tỷ USD, bao gồm cả những tên tuổi lớn như Quản lý Đầu tư Merrill Lynch hay Quản lý Tài sản Toàn cầu Barclays. Đến nay, hãng nắm trong tay 6.300 tỷ USD của nhà đầu tư trên toàn cầu.

Lượng tài sản Fink quản lý tăng mạnh từ khi IPO. Nguồn: BlackRock

Aladdin

Bên cạnh quy mô ấn tượng, yếu tố tạo nên sự khác biệt ở BlackRock là hệ thống đánh giá và quản lý rủi ro hàng tỷ USD được biết đến với cái tên Aladdin. Mạng lưới này bao gồm 5.000 máy tính chạy 24/24 giờ và thực hiện 200 triệu phép tính mỗi tuần. Nhiệm vụ của Aladdin là mô phỏng mọi kịch bản diễn biến trên thị trường tài chính và kiểm tra hiệu suất của hàng trăm nghìn mã chứng khoán trong nhiều tình huống khủng hoảng toàn cầu.

"Chuyện xảy ra tại First Boston là một trong những sự kiện để đời", bạn của Fink, giám đốc quản lý tài sản Greg Fleming, Morgan Stanley, nói. Cú sốc khiến Fink bắt bản thân phải hiểu rõ những kịch bản có thể xảy ra trước khi hành động.

Điểm tựa của Washington và phố Wall hậu khủng hoảng

Ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhiều lãnh đạo phố Wall - kể cả đến từ những tên tuổi kỳ cựu như J. P. Morgan Chase hay Morgan Stanley - đều tìm đến Fink nhờ giúp đỡ. Thậm chí chính phủ Mỹ cũng nhờ ông tư vấn trong quá trình cứu trợ ngành tài chính.

Ông quản lý 130 tỷ USD tài sản xấu mà kho bạc Mỹ mua lại, giám sát bảng cân đối 5.000 tỷ USD của 2 đế chế cho vay thế chấp Fannie Mae và Freddie Mac, đánh giá rủi ro hàng ngày cho 1.200 tỷ USD chứng khoán thế chấp của chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang (Fed) ở New York.

Người hùng thầm lặng

Khó để tìm được bất kỳ cá nhân hay công ty nào trên phố Wall đạt được những thành tựu của Fink và BlackRock sau cuộc khủng hoảng kinh tế.

Fink phần lớn làm điều này trong bóng tối, Ken Langone - cựu giám đốc Sở giao dịch chứng khoán New York - nhận xét. Ngay đến thước đo thành công phổ biến nhất - tài sản cá nhân - cũng không thể cho thấy tầm vóc của ông.

Fink mới thành tỷ phú hồi tháng 4 với con số tài sản cũng ở mức tối thiểu, theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg. Trong khi đó, sếp cũ của ông, Schwarzman, hiện có hơn 12 tỷ USD, dù Blackstone chỉ quản lý 434 tỷ USD tài sản. Buffett là một trong những người giàu nhất thế giới với 84 tỷ USD.

Fink chỉ nắm giữ 0,7% BlackRock vì ông muốn chia cổ phần cho 13.000 nhân viên, chiến lược thu hút nhân tài. Năm ngoái, ông nhận 27,7 triệu USD tổng lương thưởng - một con số quá nhỏ khi so với khoản tiền 786 triệu USD Blackstone trả cho Schwarzman.

Fink cống hiến hết tâm trí và sức lực cho BlackRock, như một nhà tài chính từng nói: "Đó là cuộc sống và danh tính của ông ấy". Và có lẽ, việc công ty được đánh giá là khoản đầu tư tốt nhất thế kỷ 21, cổ phiếu lãi hơn 3.600% kể từ khi niêm yết năm 1999, đã là quá đủ với vị tỷ phú này.

Theo Lâm Ngọc/NDH

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/larry-fink-nguoi-hung-tham-lang-pho-wall-a17393.html