"Không ai ngu, không ai dốt cả! Chỉ có lãnh đạo biết sử dụng và điều động đúng khả năng của mỗi người, cho họ có những động lực cần có, rồi sau đó dẫn họ nhào vào trận chiến uy dũng hơn ai. Người lãnh đạo giỏi sẽ biến những người tầm thường thành nhân viên phi thường", GS Phan Văn Trường viết trong cuốn sách về quản trị của mình. Đây là được xem là bài học quản trị vô giá trong suốt 40 năm làm nghề của ông.
Thế nhưng điều đặc biệt là bài học này đã được Cha của GS Phan Văn Trường chia sẻ từ năm ông 24 tuổi. Đó là năm 1970, GS Phan Văn Trường vừa tốt nghiệp kỹ sư Trường quốc gia cầu đường tại Pháp. Hồi đó, cha ông đang làm việc trong công ty bông gòn Sicovina với 1.000. GS Trường thường tới văn phòng của cha một phần bởi niềm hãnh diện, lý do khác ông muốn gia nhập với tư cách của kỹ sư mới ra trường.
Tuy nhiên cha ông biết ý nên luôn luôn khuyên nhủ:
"Ở Việt Nam người ta phải chạm trán với một thực tế khác hẳn với các xứ văn minh như Pháp, Mỹ, Đức. Ví dụ như việc quả lý sử dụng tiền mặt trong công ty không đi theo phương pháp bài bản cua Âu Tây mà phải ứng xử theo nhịp độ của lạm phát… Một ví dụ khác công nhân thường hay đình công vì những lý do khác hẳn với lý trí, chẳng giống gì bên Âu Tây… Tất nhiên để giải quyết các vấn đề này lại cần nhiều kinh nghiệm hơn là kiến thức.
Con mới ra trường, con nên tập sự tại Pháp. Sau vài năm, hồi hương cũng chưa muộn".
"Thế thưa Cha, Cha đánh giá vấn đề gì là khó nhất trong việc quản trị doanh nghiệp, con muốn hỏi để sau này tập trung vào đó mà tiến…", ông nhớ lại điều mình hỏi cha.
Cha ông đáp với giọng ấm áp, vẻ mặt nghiêm nghị nhưng nhân ái: "Tự con sẽ thấy sau này việc quản trị doanh nghiệp dính liền với quản lý nhân sự. Nhân sự bất bình là doanh nghiệp đảo điên, nhân sự mà vui vẻ thì mọi việc sẽ trơn tru tiến tới, kết quả chẳng mấy mà khó đạt."
Nhưng câu hỏi tiếp theo của GS Trường là làm sao để nhân viên lao động vui vẻ?
"Con ạ, không riêng gì trong doanh nghiệp, mà có thể áp dụng cho cả xã hội thường ngày, hễ lãnh đạo mà đạo đức, làm gương trên chính cái gì mình nói, hễ lãnh đạo biết tỏ ra thương nhân viên, với bằng chứng của tình thương hẳn hoi, ví dụ như có bánh là chia đều, có nước là đẻ cho kẻ khát nhất uống chứ không cứ là lãnh đạo uống trước, hễ có công khó là lãnh đạo tiến lên hàng tiền đạo, hễ có vinh danh thì lãnh đạo lại nhường chỗ cho nhân viên đã đóng góp, hễ có thưởng phạt thì lãnh đạo nghĩ trước tới nhân viên đang gặp khó khăn rồi đến mình là chốt, đôi khi còn nên bù phần của mình vào cho đầy đặn… Con ạ, quản trị ở nước nhà là phải như thế đấy… đúng vào lúc đó, nhân viên sẽ quý mến và đóng góp hết mình…", cha ông chia sẻ thêm.
Nhân sự bất bình là doanh nghiệp đảo điên, nhân sự mà vui vẻ thì mọi việc sẽ trơn tru tiến tới, kết quả chẳng mấy mà khó đạt
Và ông lại nói thêm:
"Con hãy nhớ một điều tiên quyết: các doanh nghiệp hơn nhau ở chỗ nhân viên có động lực cao và nhất lòng theo lãnh đạo hay không, chứ nói chung, nhân viên ở đâu cũng na ná giống nhau thôi. Nếu họ nhiệt tình họ sẽ không làm việc gì sót, họ sẽ báo cáo trung thành và ngay ngắn, họ sẽ tự động não để tìm giải pháp thay luôn cả lãnh đạo, họ sẽ chế tạo ra những phương pháp làm việc mới, những sản phẩm mới mà chỉ có trí óc bừng nóng nhiệt tình mới tìm ra, họ sẽ che chở lãnh đạo mà họ mến quý, họ sẽ gắn bó với tương lai của doanh nghiệp, họ sẽ không quản làm việc 24 tiếng trên 7 ngày suốt năm chỉ để nhận lãnh vinh dự của nhân viên trong công ty đứng hàng đầu.
Nhưng trước hết, người lãnh đạo phải cho họ, cho công ty, hết tất cả những gì có thể cho, một cách thành thật, chân chính, và tất nhiên vẫn hợp lý…
Vào đúng lúc đó, con sẽ cảm nhận được ý nghĩa thật của cuộc đời nghề nghiệp, đó là vinh dự, hạnh phúc và mồ hôi nước mắt được chia sẻ đồng đều, trong tinh thần bình đẳng chứ không trên quan hệ chủ tớ. Chuyện này con sẽ không bao giờ thấy được ở nước ngoài, vì phản ứng của nhân sự các nước Âu Tây khác ta lắm."
Và ông kết luận:
"Con hãy học những phương pháp về lãnh đạo và quản lý bài bản. Nhưng khi học những thứ đó xong con hãy trở về với nhân sự, với phong cách đạo đức chân tình, với tình cảm nhân ái bình đẳng. Vì xã hội là người với người. Chân lý nằm đúng ở chỗ đó. Hạnh phúc cũng nằm đúng ở chỗ đó. Thành công cũng vậy, nó sẽ tới một cách dĩ nhiên, ngẫu nhiên. Cha chúc con một cuộc đời nghề nghiệp mà con có thể mãn nguyện".
"Tôi không ngờ rằng ngay lúc mới 24 tuổi đời, tôi đã nghe một bài học về quản trị mà 40 năm sau tôi không cần thêm bớt", GS Phan Văn Trường kết luận.
Ông cho rằng thời gian và kinh nghiệm cũng như sự tiến hóa của thế giới đã và sẽ cho chúng ta có thêm nhiều dụng cụ để quản lý. Nhưng con người vẫn là con người muôn thuở. Những nguyên tắc và nghệ thuật quản trị sẽ không bao giờ mất thời gian tính, vì nó không có thời gian tính.
* Nội dung bài viết tham khảo cuốn sách Một đời quản trị- GS Phan Văn Trường.
Theo Thảo Nguyên/Trí Thức Trẻ