Kỳ lạ chuỗi cà phê chẳng tốn 1 xu cho quảng cáo, không có vị trí đắc địa, dùng toàn cốc tái chế và toàn bộ nhân viên là người vô gia cư

Change Please chuỗi cà phê đường phố giúp đỡ người vô gia cư, mang đến thông điệp đẹp cho toàn thế giới.

Làm sao để tạo ra được một cốc cà phê hoàn hảo? Theo công thức của một vài chuỗi cà phê cao cấp thì đó là: chi hàng triệu cho tiếp thị và làm thương hiệu, thuê hàng ngàn vị trí đắc địa đắt đỏ, chi nhiều tiền mời chuyên gia về điều hành. Sau đó dùng phần tiền còn lại để mua cà phê và trả cho nhân công mức lương tối thiểu để họ làm việc.

Trong 2 năm vừa qua, doanh nghiệp xã hội Change Please ở London đã hành động theo một cách hoàn toàn khác biệt. Giờ đây, công ty này đã phát triển nhanh chóng trở thành một thương hiệu có tiếng trong ngành cùng mục tiêu trở thành chuỗi cà phê lớn thứ tư tại Anh.

Vừa qua, Change Please đã trở thành người thắng cuộc trong giải thưởng Chivas Venture 2018, giải thưởng cho những công ty hoạt động xã hội tốt nhất trên toàn thế giới.

Trong khi các chuỗi cà phê lớn đang đau đầu để giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa thì Change Please đã làm nhiều điều hơn thế để tạo ra những tác động tích cực.

Đầu tiên, 100% cốc của họ có thể được tái chế. Hạt cà phê được mua từ những nông trại có những hành động giúp đỡ cộng đồng địa phương. Một nhà cung cấp ở Peru giúp những nạn nhân bị lạm dụng còn nhà cung ứng khác ở Tanzania hỗ trợ những người bị thương do mìn.

Khi hạt được chuyển đến Vương quốc Anh, những người vô gia cư sẽ rang và được đào tạo thành nhân viên pha chế làm việc tại 17 địa điểm của công ty. Change Please trả họ theo mức lương tối thiểu tại London là 10,2 bảng mỗi giờ. Công ty còn giúp nhân viên mở tài khoản ngân hàng, thuê nhà, trị liệu,... Tất cả lợi nhuận có được dùng vào việc giảm bớt tình trạng vô gia cư.

Kỳ lạ chuỗi cà phê chẳng tốn 1 xu cho quảng cáo, không có vị trí đắc địa, dùng toàn cốc tái chế và toàn bộ nhân viên là người vô gia cư - Ảnh 1.

Nhà sáng lập Cemal Ezel với một trong những chiếc xe cà phê của công ty

Làm sao Change Please có thể làm hết những điều này? Đơn giản là lợi nhuận của ngành kinh doanh cà phê vô cùng lớn. Còn phần lớn số tiền bạn mua cà phê mỗi sáng lại không đến đúng chỗ.

Dù đã có sự cải thiện trong vài năm gần đây, chúng ta vẫn thấy những người nông dân sản xuất nhỏ tại các nước nghèo chịu nhiều rủi ro khi giá thu mua cà phê biến động. Trong khi đó, họ cũng chỉ nhận được lợi ích rất nhỏ của việc kinh doanh này tại các nước giàu có. Những nhân viên phục vụ cũng nhận được một khoản nhỏ từ số tiền mà các công ty lớn thuê họ thu được.

Đây cũng chính là lý do ý tưởng một cốc cà phê có thể làm được nhiều điều ý nghĩa "chạm đến" cảm xúc của người tiêu dùng. Nhà sáng lập Ezel cho rằng cà phê là một ngành công nghiệp toàn cầu rộng lớn, nhiều tiềm năng tạo ra những tác động tích cực.

Sự quan tâm của các ông lớn đến Change Please cũng đang tăng vọt. Ezel có kế hoạch mở 22 địa điểm mới tại Anh trong năm nay ở Sainsbury hay Ocado. Chuỗi này cũng đang phục vụ cà phê tại các văn phòng của Ngân hàng New York và UBS.

Người London cũng sớm nhìn thấy nhiều sự hiện diện của công ty này hơn nhờ một hợp đồng với Transport for London để hoạt động trong các khu tàu điện ngầm. Một nửa số nhân viên trong các cửa hàng đó sẽ là những người đang ngủ ở gần trạm xe bus hay tàu điện ngầm trong mạng lưới của Transport for London.

Ezel cũng đang tìm cách tận dụng sự phát triển lợi ích quốc tế. Tháng trước, Change Please đã mở một điểm bán tại Perth, Australia và Ezel cũng có buổi gặp với thị trưởng New York gần đây. Các địa điểm khác trong danh sách mục tiêu mở rộng như Philadelphia, Washington và San Francisco.

Vào năm ngoái, Hoàng gia từ Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất cũng đến Peckham để thử cà phê của Change Please. "Đây thật là một điều kỳ lạ", Ezel nói.

Mục tiêu có thể cao cả nhưng Change Please cũng có được sự ủng hộ từ một số tập đoàn lớn. Sahar Hashemi đồng sáng lập chuỗi cà phê đường phố lớn đầu tiên tại Anh, Coffee Republic làm việc 2 - 3 ngày mỗi tuần cho Change Please. Paolo Peretti, cựu CEO tại Pret a Manger and Leon hiện đang nằm trong Hội đồng quản trị của Change Please. Hội đồng này có cả cựu quản lý cấp cao tại Jimmy Choo và Starbucks.

Ezel cho rằng chính nhân viên mới là những người thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Rồi anh kể một câu chuyện sâu sắc về một người Change Please đã từng giúp đỡ.

Kỳ lạ chuỗi cà phê chẳng tốn 1 xu cho quảng cáo, không có vị trí đắc địa, dùng toàn cốc tái chế và toàn bộ nhân viên là người vô gia cư - Ảnh 2.

Một số nhân viên của Change Please

Adan Abobaker từng học nghề đầu bếp tại một trường dạy nấu ăn tốt nhất nước Mỹ. Người đàn ông 45 tuổi đến từ Kingston trở thành người vô gia cư từ năm 2001 sau khi ly hôn với vợ. Ông ta mất việc và bị trầm cảm nặng.

"Vào năm 2010, một người phụ nữ nhảy cầu Blackfriars tự tử. Khi nghe tiếng hét của người phụ nữ, Adan đã cởi quần áo, lặn xuống dòng nước lạnh băng và cứu sống người phụ nữ. Vào năm 2012, ông được Nữ hoàng trao thưởng cho sự dũng cảm. Năm năm sau ông vẫn là người vô gia cư. Tại sao một anh hùng thực sự như vậy vẫn vô gia cư?".

"Ông đã đến tìm chúng tôi tại địa điểm ở Borough Market và chúng tôi đã tuyển ông. Ông ấy là một người phi thường, một nhân viên tuyệt vời, người đào tạo những người vô gia cư khác trở thành nhân viên pha chế."

Vấn đề chính của Change Please không phải là thiếu nhu cầu về sản phẩm mà là thiếu năng lực để giúp đỡ số lượng người vô gia cư ngày càng tăng ở London.

Ezel cho rằng: "Chúng tôi bị hạn chế bởi số điểm bán chúng tôi có. Chúng tôi đành phải từ chối mọi người: Tôi không thể nhận bạn ngay lúc này."

Với việc giành giải thưởng toàn cầu của Chivas Venture, khoản thưởng 1 triệu USD sẽ giúp Change Please lập thêm nhà ở tạm thời, điểm bán và cả học viện dạy pha chế.

"Khi một người đến với chúng tôi từ tổ chức từ thiện cho người vô gia cư, chúng tôi sẽ đào tạo và sau đó chuyển họ đến làm việc cùng những đối tác của chúng tôi".

Theo Mai Lâm/Nhịp Sống Kinh Tế

 

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ky-la-chuoi-ca-phe-chang-ton-1-xu-cho-quang-cao-khong-co-vi-tri-dac-dia-dung-toan-coc-tai-che-va-toan-bo-nhan-vien-la-nguoi-vo-gia-cu-a17914.html