Tôi, một phụ nữ 38 tuổi, là giám đốc một công ty truyền thông. So với mặt bằng chung, tôi được cho là người biết kiếm tiền và kiếm khá, nhưng khổ một nỗi, tôi không biết tiết kiệm tiền. Thậm chí, có thể bạn không tin nhưng tôi đang chật vật với khoản nợ ngân hàng của mình.
Bố mẹ tôi thì khác. Họ làm việc rất chăm chỉ và có một khoản thu nhập kha khá mỗi tháng. Nhưng họ sống rất tiết kiệm, sống có quy củ và hầu như, tôi chẳng thấy họ mua sắm bất cứ thứ gì, trừ khi cần thiết lắm.
Gia đình tôi không bao giờ đi du lịch nghỉ lễ ở đâu cả. Bố mẹ tôi cho rằng không nên đi chơi ngày lễ, vừa đông lại vừa lãng phí tiền vào thứ không đâu.
Khi còn nhỏ, tôi thường phải mặc lại quần áo cũ và dùng lại sách vở của chị mình.
Năm tôi 18 tuổi, tôi chính thức có một công việc bán thời gian tại một quán cà phê và hiển nhiên, tôi đã tự mình kiếm được những đồng tiền đầu tiên mà không cần phải xin bố mẹ nữa. Nhưng, chắc bởi đã sống lâu với việc phải tiết kiệm từng li từng tí của bố mẹ nên tôi đã cố gắng "vươn lên" bằng cách dùng số tiền mình kiếm ra được vào những thú vui chóng vánh cùng bạn bè, đi xem những bộ phim mới nhất, mua những bộ quần áo, phụ kiện hot nhất. Tôi vung tiền mua bằng được những thứ mình nhìn thấy ngay lần đầu. Nghĩ lại, hình như chẳng lần nào tôi xem mình còn bao nhiêu tiền trước khi mua một món đồ mới.
Năm tôi 23 tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi có một công việc toàn thời gian mức lương nhận được là 2.500 USD/tháng. Đây không phải số tiền mà một cô gái tầm tuổi tôi có thể nghiễm nhiên kiếm được, chính xác hơn đó là khoản thu nhập đáng mơ ước của nhiều sinh viên mới ra trường. Vẫn giữ thói quen cũ, tôi dùng tiền để chăm sóc cho bản thân, đi spa thường xuyên, đi nghỉ dưỡng, dùng bữa ở nhà hàng sang trọng, mua quà đắt tiền tặng bạn bè, người thân...
Năm tôi 30 tuổi, tôi có một tài khoản tiết kiệm trị giá 1.500 USD sau 7 năm làm việc. Tôi không lấy gì làm hoảng hốt. Thời điểm ấy, tôi cho rằng bạn bè đồng trang lứa với mình chắc chắn cũng dành phần nhiều tiền lương của họ để phục vụ sở thích cá nhân giống như tôi, chứ mấy ai đã lo đến quỹ khẩn cấp hay tiền tiết kiệm gì đâu.
Năm tôi 33 tuổi, tôi kiếm được một công việc mới với số lương nhiều gấp đôi nơi làm cũ, 5.000 USD/tháng.
Năm tôi 37 tuổi, tài khoản tiết kiệm của tôi chỉ có 3.000 USD.
Thời gian trước đây, có thể tôi chẳng mảy may lo nghĩ gì về việc mình có nên tiết kiệm hay không. Nhưng thời điểm hiện tại, tôi cảm thấy thật xấu hổ và ái ngại với bố mẹ. Chỉ chớm vài năm nữa thôi, tôi sẽ bước sang tuổi 40, vậy mà tôi chẳng có nổi tiền tiết kiệm để lo cho bản thân mình dù tôi đã đi làm trong nhiều năm.
Nguyên nhân thứ nhất, có lẽ bởi ngày nhỏ phải sống trong một khuôn khổ của cảnh khốn khó nên khi được tự do tài chính, tôi mặc sức chi tiêu để thỏa mãn bản thân.
Nguyên nhân thứ hai, vì tôi luôn quan niệm sẽ "sống như ngày mai phải chết" nên tôi phải ra sức tận hưởng ngày hôm nay. Bạn bè tôi cũng không ít người sống như vậy.
Cũng đã nhiều lần tôi tự vấn bản thân phải kiểm soát việc chi tiêu cá nhân nhưng rồi, tôi chợt nhận ra, nếu dừng mua sắm, dừng đi du lịch, dừng mọi nhu cầu yêu chiều bản thân, có thể tôi sẽ "phát rồ", thật đấy! Không biết từ bao giờ mà tôi coi đó là chuẩn mực sống đúng đắn nhất thế giới này.
Tôi chưa kết hôn và sinh con, nên tôi chưa phải gồng mình gánh trách nhiệm về tài chính.
Tôi đang sống trong một căn hộ đắt tiền với bạn mình, thoải mái, tự do tự tại.
Tôi kiếm được tiền để mua những gì mình muốn và đi những nơi mình mơ ước.
Nhưng…
Tôi thực sự đang lo lắng về tương lai của chính mình.
Một ngày nào đó, có thể, tôi mất việc hoặc bỗng dưng tôi có một khoản nợ "trời ơi đất hỡi" ở đâu đó.
Một ngày nào đó, tôi cũng sẽ phải già đi và không còn sức để làm việc.
Vậy, khi ấy, tôi phải làm gì để có kiếm ra tiền? Tôi thực sự hoang mang.
Tôi đã gặp một chuyên gia tài chính và anh ấy nói với tôi rằng không bao giờ là quá muộn để bắt đầu tiết kiệm cho tương lai. Hy vọng tôi sẽ đạt được mục tiêu của mình. Càng lớn tuổi tôi càng hoảng sợ khi lo lắng không biết ai sẽ chăm sóc bản thân mình trong tương lai.
Theo Trí Thức Trẻ