Bầu Đức: tuổi thơ kéo cày, xẻ đất
Đại ia Đoàn Nguyên Đức (sinh năm 1962) tại Bình Định. Người ta biết đến ông như một doanh nhân “khét tiếng” trên sàn chứng khoán, bất động sản và kinh doanh đa ngành nghề. Chỉ nhìn vào tài sản của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) lên tới gần 48 ngàn tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD), còn HAGL Agrico có tài sản gần 23,5 tỷ đồng, báo cáo tài chính quý III/2015 doanh thu từ đàn bò áp giá trị lên tới gần 1,4 ngàn tỷ đồng, nguồn vốn của HAGL tăng gần 31% so với đầu năm, tương đương mức tăng khoảng 11 ngàn tỷ đồng … đã thấy bầu Đức là đại gia vững mạnh như thế nào trên thương trường.
Trước khi trở thành một doanh nhân thành đạt, đại gia Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) cũng phải trải qua một thời kỳ đầy sóng gió, tuổi thơ cơ cực vì sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, lại đông anh em ở Bình Định.
Suốt nhiều năm ròng rã, tuổi thơ của đại gia này gắn liền với công việc dắt trâu ra đồng, kéo cày, xẻ đất, phụ cha mẹ công việc đồng áng, bữa cơm độn sắn, độn khoai. Đây cũng là quãng thời gian mà ước mơ thoát nghèo, làm giàu, học giỏi thoát bần hàn càng thêm mãnh liệt. Những lần chăn trâu, cắt cỏ là những lần tranh thủ học bài để thi đại học. Tuy nhiên, ước mơ vào đại học của bầu Đức đã không thành sự thật, đây cũng là một trong những bước ngoặt để đại gia này dấn thân sang con đường kinh doanh.
Năm 1990, bầu Đức điều hành một phân xưởng mộc nhỏ, chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại xã. Sau đó, ông mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất hàng nội thất rồi nhiều lĩnh vực khác. Chỉ ba năm sau đó, doanh nghiệp tư nhân Hoàng Anh Pleiku ra đời, đánh dấu mốc đầu tiên cho con đường kinh doanh thành đạt của ông sau này.
Đại gia triệu đô Khải Silk: vốn kinh doanh đủ làm 2-3 cái áo
Trên trang cá nhân của mình, đại gia Hoàng Khải (Khải Silk, sinh năm 1964) đã chia sẻ về những ngày gian khó, vất vả của mình trước khi nổi danh với khối tài sản khổng lồ đáng ngưỡng mộ hiện nay. Người ta biết đến Khải Silk với hàng loạt tài sản giá trị cả triệu đô, với hệ thống cửa hàng tơ tằm, một lâu đài 15 triệu đô, một trung tâm thương mại đẹp nhất Sài Gòn và hàng loạt resort hạng sang… nhưng ít ai biết ngày đầu khởi nghiệp, ông chỉ có đủ tiền để làm 2-3 chiếc áo để bán. Mỗi lần bán hết lại làm tiếp để xoay vòng vốn.
Doanh nhân Hoàng Khải cũng cho biết lúc đó gia đình ông nghèo khó. Ý tưởng sản xuất lụa tơ tằm mở cửa hàng bán cho người nước ngoài sống, làm việc và du lịch đến Việt Nam chỉ lóe lên khi thấy một người bạn nước ngoài muốn tìm mua một món quà ý nghĩa cho người thân, và đang tìm mua lụa tơ tằm. Nhen nhóm ước mơ, bằng tài kinh doanh, ông là doanh nhân đưa sản phẩm tơ tằm thương hiệu Khaisilk trở nên nổi tiếng và ra trường quốc tế.
Chúa đảo Tuần Châu: Làm đủ nghề mưu sinh
Chúa đảo Tuần Châu – Đào Hồng Tuyển (sinh năm 1954) khiến nhiều người phải kiêng nể về khối tài sản đồ sộ mà vị đại gia này sở hữu, 14 công ty, 34 nhà máy cùng hàng loạt các dự án bất động sản trị giá hàng triệu đô. Mới đây, đại gia này đã đấu giá siêu xe trị giá 16 tỷ đồng để ủng hộ đồng bào Quảng Ninh vượt qua khó khăn, hoạn nạn trong đợt lũ kỉ lục hồi tháng 7/2015.
Trước khi trở thành doanh nhân giàu có nhất nhì Việt Nam, đại gia Đào Hồng Tuyển cũng từng có những ngày cơ cực, vật lộn để kiếm sống. Công việc những năm đầu sau khi rời quân ngũ, ông Tuyển làm bưng bê tại quán nhậu, dọn chuồng lợn… vật lộn đủ nghề mưu sinh. Bốn bề là nhà, khắp vỉa hè, công viên của Sài Gòn cũng có thể thành nơi nghỉ lưng, kiếm giấc ngủ sau những giờ làm việc vất vả.
Chính căn nhà mà ông từng ngủ ngoài bậc thềm mỗi đêm lang thang, sau này, khi đã giàu có, ông mua lại như muốn đánh dấu, nhắc nhở chính mình về những ngày khốn khó đã trải qua.
Tuổi thơ nghèo khó của đại gia Trầm Bê
Ông Trầm Bê sinh năm 1959 tại Trà Vinh. Ông được biết đến như một đại gia có tiếng trong ngành ngân hàng. Tuổi thơ của vị đại gia này cũng trải qua những ngày sóng gió, đi ở đợ, chăn vịt, chở củi thuê... quanh năm chỉ bộ đồ dính da.
Từ khi còn rất nhỏ, cậu bé Trầm Bê đã đi ở đợ và làm thuê chăn vịt, nuôi gà, lợn bán ra chợ, phụ tiền nuôi cha mẹ. Nhiều người ở vùng quê nghèo Hàm Giang (Trà Vinh) vẫn còn nhớ hình ảnh một cậu bé chân đất, quần áo rách, một bộ mặc quanh năm chăm chỉ làm lụng. Không chỉ có vậy, người ta vẫn thấy Trầm Bê hay đứng ngó bạn bè học trong lớp. Tuy sáng dạ, học nhanh, nhưng gia đình vất vẻ, theo học vài năm, Trầm Bê cùng mẹ lên thành phố Sài Gòn để làm thuê, làm mướn.
Năm 13 tuổi, cậu bé Trầm Bê lại ở đợ cho một nhà giàu trên thành phố, rồi chuyển đủ nghề, làm bốc vác cho nhà máy. Chính tuổi thơ cơ cực, bần hàn đã tạo nên ý chí sắt đá và khát vọng làm giàu của vị đại gia này. Ông khởi nghiệp tại Công ty Chế biến Lâm sản Đông Anh từ năm 1991. Sau 10 năm làm trong ngành gỗ, từ năm 1991 - 2001, Trầm Bê đầu tư ngành bất động sản bằng việc đầu tư vào BCCI (Công ty CP Đầu tư xây dựng Bình Chánh) và phất giàu nhanh chóng.
Năm 2004 đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp khi Ông Trầm Bê tham gia đầu tư và trở thành thành viên Hội đồng Quản trị của Ngân hàng Phương Nam. Ước tính số tài sản của ông Bê khoảng 2.000 tỷ đồng căn cứ vào cương vị cổ đông chính của Ngân hàng Phương Nam và Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Triều An (TP Hồ Chí Minh). Thương vụ đình đám với ngân hàng Sacombank được xem là một trong những dấu mốc đáng nhớ của sự nghiệp đại gia Trầm Bê.
Theo Báo Doanh Nghiệp
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/thoi-ngheo-kho-khong-tuong-cua-nhung-dai-gia-giau-co-nhat-viet-nam-a19372.html