Bí quyết quản trị của vợ chồng chủ thương hiệu kim chi Ông Kim’s

Mô hình quản trị gia đình không phải thật sự là xấu nhưng phải biết giới hạn và công ty phải là công ty

Tổ ấm của đôi vợ chồng doanh nhân Hàn - Việt Kim Tae Kon và Nguyễn Thị Kim Hạnh nằm trong con hẻm nhỏ đường Nguyễn Văn Tần, nơi họ gầy dựng cuộc khởi nghiệp lần thứ hai với thương hiệu cà phê “quý tộc” Yellow Chair Specialty Coffee.

Hương cà phê dịu nhẹ, cách bài trí lịch lãm, vợ chồng chị tiếp đón khách như thể những người bạn, nhẹ nhàng thanh thoát và đậm chất nhân văn, đó cũng chính là cuộc sống của họ, là cách để họ có thể cân bằng, lan tỏa những giá trị thực đến cộng đồng doanh nghiệp trẻ.

Ít ai biết 11 năm về trước, đôi vợ chồng Kim & Kim đã bắt đầu sự nghiệp của mình với 20 hộp kim chi đi bỏ mối cho siêu thị Maximax trên đường 3/2, để đến bây giờ, kim chi Ông Kim’s đã có mặt ở hầu hết hệ thống siêu thị, bán lẻ khắp 42 tỉnh thành Việt Nam và lọt vào mắt xanh của tập đoàn CJ Hàn Quốc với thương vụ M&A vài triệu USD.

Chất keo của niềm tin và tình yêu

Cơ duyên với kim chi bắt đầu từ Kim Tae Kon, một người đàn ông xứ Hàn mê kim chi, mang kim chi-home-made đi theo mình bất cứ nơi đâu và dùng mỗi ngày cùng với nhân viên Việt Nam, từ đó nhân viên của anh cũng “nghiện”, kim chi nhanh hết, thế là anh phải tự làm kim chi, rồi nhờ vợ đi chọn nguyên liệu.

Được dùng kim chi mỗi ngày, tham gia làm thử, mua chọn nguyên liệu, Kim Hạnh nhận ra sự ngon và lành đó là cả một nghệ thuật văn hóa ẩm thực cần được chia sẻ cho người Việt Nam, thế là kim chi Ông Kim’s ra đời.

Bắt đầu từ một phòng lab trên sân thượng ở quận 3 (TP. HCM), nơi đặt văn phòng làm việc của Kim Tae Kon và nhóm thương mại điện tử. Trong suốt 3 - 4 tháng nghiên cứu, muối kim chi đến tận nửa khuya để tìm ra đâu là nguyên liệu ngon và kim chi ngon nhất, rồi đến những chuyến xe chở nhau đi đếm từng hộp kim chi vơi dần trên kệ, những cuộc gọi điện cho những cô sinh viên làm thêm để nghe phản hồi của những khách hàng đầu tiên.

Ròng rã 3 tháng liên tục, thất bại đầu tiên của vợ chồng chị là dồn hết vốn và nguồn lực vào một chiến dịch chưa phù hợp ngay thời điểm "khởi sự" (dựa vào phân tích thị trường và hành vi đối tượng khách hàng chưa đầy đủ). Kết quả trong 5 ngày đầu đem đổ bỏ hết 5 tấn kim chi và bắt đầu làm lại từ 50kg.

“Nhưng đó lại là khởi sự may mắn, chúng tôi tìm thấy cơ hội trong cái rủi ấy”, Kim Hạnh chia sẻ. Chính những thử thách ấy đã tạo chất keo của niềm tin và tình yêu giữa họ và nhân viên: “Tài chính và nhân sự là hai cam go lớn nhất mà chúng tôi và cả đội ngũ đã vượt qua. Khi tôi là người thực thi lo về bán hàng, doanh số và cũng là người hoạch định tài chính chung với phòng tài chính cho minh bạch và rõ ràng, mà thiếu tiền trả lương đúng ngày hay trả nhà cung cấp đúng ngày, thì cả hai chúng tôi cùng nắm tay nhau cúi đầu xin lỗi nhân viên và kêu gọi sự thông hiểu từ họ và nhà cung cấp.

Cũng nhờ sự thông hiểu của mọi người mà chúng tôi vượt qua được khủng hoảng, niềm tin ấy thể hiện trong công việc mỗi ngày, mỗi đầu tuần chúng tôi đều có buổi ngồi uống trà với nhau cùng nhân viên, có những lúc thì cùng chào hỏi thăm từng công nhân".

Kể về chồng mình, người đồng hành đã chia sẻ với chị mọi gian truân, và chắp cánh cho những ước mơ của riêng mình, Kim Hạnh cười rạng rỡ: “Ông Kim là một người lớn tuổi nhưng luôn luôn trẻ tuổi, hình như anh ta không bao giờ già cỗi về tư duy. Là người luôn luôn tự đứng dậy sau té ngã, luôn hướng về phía trước, chắc có lẽ 99% người Hàn là như thế nên Hàn Quốc là một nước Á Châu nhỏ bé nhưng có nhiều cái nhất thế giới.

Đeo đuổi sản xuất sạch không hóa chất, không chất bảo quản, chúng tôi đã từng 1 tuần liên tục mang hàng đến siêu thị xong, chiều tối lại mang về vì tủ lạnh siêu thị không giữ lạnh tốt, hàng bị chua do không bỏ chất bảo quản, cuối cùng chúng tôi mới nghĩ ra là thanh trùng " miếng đậu hủ" để có thể giữ lâu mà không cần chất bảo quản.

Anh ấy là người đối mặt và giải quyết với sứ mệnh rõ ràng và chân trời lạc quan, mọi khó khăn với anh ấy đều là cỏn con, thực thi còn lại là tôi chạy theo lo, để anh ấy đi đến chân trời đã định là sống chết ở tại đất Việt Nam - quê hương thứ 2.

Chúng tôi có khát vọng cùng nhau thực hiện giấc mơ đem kim chi đến cho người Việt, hơn 10 năm tôi giúp anh ấy mang chuông đi đánh xứ người, và đã có niềm tin yêu nhất định trong tim người tiêu dùng Việt Nam và người nước ngoài sống tại Việt Nam.

Giờ đây, cà phê là ngành mũi nhọn của Việt Nam, anh ấy lại giúp tôi thực hiện giấc mơ của riêng mình, mang ra thế giới một góc nhìn mới " cà phê đặc sản" cao cấp Việt Nam đúng theo chuẩn quốc tế, với sự sáng tạo và nghiên cứu độc đáo. Một cách làm, kinh doanh cà phê chính thống và có cơ sở để thế giới yêu cà phê và tìm đến để khám phá”.

Phân chia quyền lực rõ ràng, nhưng phải tự hiểu… có người này mới có người kia

Ngay từ những ngày đầu thành lập và kéo dài cho đến hôm nay, sự phân chia quyền lực giữa vợ và chồng đã được thực hiện khá nghiêm cẩn.

Với công ty kim chi Ông Kim's, Kim Tae Kon là CEO, quyết định về mặt chiến lược và chuyên môn công thức chế biến, còn Kim Hạnh là giám đốc điều hành (Managing Director), quản lý và thực thi báo cáo kết quả các mục tiêu đặt ra theo chiến lược đó.

Đối với Công ty cà phê Specialty Việt nam "The Yellow Chair" thì Hạnh là CEO kiêm Managing Director, tức là chịu trách nhiệm về chiến lược và chuyên môn công thức chế biến + thực thi một phần, còn anh Kim Tae Kon là giám đốc đối ngoại (International Relation Director) chuyên lo marketing và sales cho thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, các việc mang tính chất quyết định sống còn thì cả hai bàn và quyết khi thì người này nghe và làm theo ý kiến người kia khi thì ngược lại.

“Việc bố trí và phân bổ này cũng do định hướng nhóm khách hàng mục tiêu và cá tính thương hiệu. Kim chi thì phải đại diện là người Hàn, cà phê Việt Nam thì phải là người Việt đại diện, nhưng rất ngộ, Kim chi anh Kim làm ra Hạnh phải là người nếm, chọn vị, loại kim chi phù hợp và kể câu chuyện kim chi cho người Việt biết.

Chị Hạnh đang trao đổi với người trồng cà phê

Đối với cà phê là Hạnh làm ra nhưng người nếm và chọn vị là anh Kim và chính anh Kim là người kể chuyện và giới thiệu cà phê Việt Nam đã rang cho thế giới biết, phân chia công việc rất rõ ràng”. Kim Hạnh chia sẻ

Nhưng để “thuận vợ thuận chồng”, không thể không có tranh cãi thẳng thắn, đôi khi vô cùng quyết liệt. Vậy điều gì giúp họ vượt qua tự ái, quyền lợi cá nhân, để bảo toàn thương hiệu? Một hố sâu mà hiếm khi vợ chồng doanh nhân nào có thể vượt qua?

“Quyền lực thì tùy chuyện và quyền nhiều thì trách nhiệm nhiều như các bộ phận trong công ty thôi. Nếu chúng tôi bất đồng nhau thì đóng cửa cãi cho đã, quyết xong thì tự chịu trách nhiệm trước nhân viên (vì họ là người thấy tất cả và nhân viên luôn bênh vực phụ nữ vì họ thấy tôi chịu nhịn và chịu khó đối với anh và công ty).

Hiểu nhau và cùng nhau vượt khó, khi gặp khó hoặc có được thuận lợi đều phải san sẻ 50/50, nếu anh hào phóng thì cho thêm phụ nữ. Đứng trước "khách" của anh và cộng đồng của anh, tôi nói công ty và thành công là của anh 100%, tôi chỉ giúp việc. Nhưng người ta gặp tôi và anh rồi thì họ tự hiểu phải có người này mới có người kia, tức là 2 người khó có thể tách rời nhau.

Tính cách tôi và anh ấy hoàn toàn khác nhau. Tôi bình tĩnh và cân nhắc, còn anh Kim thì rất nóng và hối hả, làm liều. Có cãi nhau quyết liệt trong dự án mới, nhưng khi quyết thì quyết trong hòa bình và cả 2 đồng ý chịu trách nhiệm.

Cãi nhau trong công việc cũng làm cho các cặp vợ chồng "thật lên bờ xuống ruộng", nguyên tắc của chúng tôi là dù chúng tôi là ai, thành cái gì sau này, lúc cãi nhau phải nhớ đến những ngày đầu khó khăn đèo nhau trong hòa bình và khốn khổ thế nào để có được ngày nay, luôn luôn là như thế thì chúng tôi như có một dây thắt lại từ trong tim”, Kim Hạnh chia sẻ thật lòng về bí quyết của mình.

Sự linh hoạt trong mô hình quản trị gia đình

Bàn về những ưu và khuyết trong mô hình quản trị gia đình, nhất là khi công ty ngày càng phát triển, mở rộng lĩnh vực đầu tư và ngành nghề khác, Kim Hạnh cho rằng: “Mô hình quản trị gia đình không phải thật sự là xấu nhưng phải biết giới hạn và công ty phải là công ty.

Vấn đề là quản trị theo hệ thống khác với quản trị theo thói quen (mà ở đây gọi là gia đình), chứ bản chất công ty lúc còn nhỏ là một gia đình nhỏ và từ từ mới lớn lên, để trở thành một gia đình lớn, nên văn hóa thương yêu nhau như gia đinh là chiều hướng tốt.

Quản trị gia đình không có nghĩa là các trọng trách quan trọng toàn là người trong gia đình, không cho nhân viên bên ngoài có cơ hội. Chúng tôi không áp dụng điều này, ví dụ như con cái chúng tôi khi công ty cần và con chưa biết làm gì thì tôi cho làm công nhân đóng gói chung với công nhân. Ngay cả em gái ruột của tôi có chuyên môn không phù hợp, nhiều khi tôi cần giúp thì cho làm phụ tá trong phòng admin thôi, việc mà cô ấy có thể làm rất tốt.

Còn chuyện hai thủ lĩnh trong công ty là vợ chồng thì lại là chuyện khác nữa. Vào công ty, chúng tôi chia làm 2 phòng và họp hành riêng, khi cần thì tôi làm thư ký cho anh ấy, nhưng khi không có anh tôi thực thi công việc cùng với nhân viên và tiên phong mọi thứ, nhiều khi đứng phân trần ở giữa nhân viên và sếp bự, nên nhân viên hiểu rõ vị thế và vị trí của tôi, họ an tâm khi có cả 2 sếp (chắc do ngôn ngữ khác, nên tôi không phải dịch mà truyền tải lại ý của anh ấy đến nhân viên và diễn giải cho dễ hiểu và dễ làm).

Việc đào tạo đội ngũ kế thừa và chuyển giao quyền lực, tránh rủi ro cũng là một mối lo lớn đối với vợ chồng chị: “Chúng tôi rất cần đội ngũ kế thừa, kể cả không phải là người trong gia đình, nhưng khổ là cái ngành của tôi hơi cực và cần đam mê trong việc tạo ra sản phẩm mới, dịch vụ khác biệt.

Người trong gia đình lại có đam mê riêng rồi, tôi không thể ép buộc được, người ở ngoài lại chưa hết mình, họ nghĩ không phải là của họ. Sắp tới chúng tôi đã có kế hoạch cho "Key Persons" để mỗi người tập trung vào các mảng chính và tôi sẽ chia cổ phần công ty nếu họ có cùng cái tâm và ý chí trong ngành.

Sản phẩm sạch của bản địa là hướng mà toàn thế giới nhắm tới nói chung và nông sản thực phẩm nói riêng, kinh doanh nghệ thuật ẩm thực là liên quan đến sức khỏe con người, nên chúng tôi phải nhắm tới yếu tố con người, môi trường kinh doanh phải nhân văn, môi trường sống phải văn minh, lịch lãm nhưng tinh tế và hướng về cội nguồn. Cả nhân viên và chính bản thân gia đình chúng tôi cũng lấy tiêu chí đó mà hành xử và xây dựng với nhau.

Vợ chồng Kim & Kim cũng không đặt nặng chuyện con cái kế thừa: “Tùy duyên, chúng tôi không đặt nặng vấn đề này với con cái, chúng nó học hành đầy đủ và có ước mơ riêng, cứ để chúng nó phát triển tự nhiên, nếu con cần mình giúp lúc đó mình mới giúp.

Còn “đứa con tinh thần” của chúng tôi tạo ra, nó cũng giống những đứa con bằng da bằng thịt khác, tới lúc nó lớn nó cũng phải sát nhập với gia đình của riêng nó để phát triển mạnh hơn nữa là điều bình thường. Thuộc về ai không quan trọng, khi nó hiện diện một ngày thì ngày đó phải giúp ích cho đời và luôn luôn là như thế.

Ai giữ vị thế lúc này không quan trọng mà ai sẽ làm cho công ty phát triển và bền vững, giữ vững hàng trăm công việc cho nhân viên, đóng thuế cho nhà nước đủ mới là quan trọng”, Kim Hạnh nói.

Vợ chồng Kim Hạnh trong một chuyến dã ngoại

Theo chị, gia tài lớn nhất mà anh chị để lại cho con chính là tri thức và lòng thương yêu, các con luôn xem cha mẹ là tấm gương, nên chúng ta phải sống cho thật tốt, nếu chúng ta làm chưa đúng, chúng ta cần giải thích cho con cái hiểu, và tạo mọi điều kiện để con cái có một môi trường giáo dục từ xã hội đến gia đình bằng một sự quan tâm đúng mức. Lúc đó con cái sẽ tự lớn lên và thương yêu cha mẹ và người thân như cách mình đã làm với chúng.

Chia sẻ kinh nghiệm của gia tộc trong việc nuôi dưỡng thương hiệu gia đình, Kim Hạnh kể: “Cha tôi là một kỹ sư điện ô tô và cũng ra đời kinh doanh từ khi còn rất trẻ, sau đó ông mở nhiều xưởng sản xuất bình Acqui, Môtuer và nhiều loại hãng xưởng khác, kể cả mía và làm đường, nhà máy chế biến cà phê nhân sống. Các chú tôi là em của ba đều được ba cho học hành đến cao nhất có thể.

Ba tôi quan niệm con cái, em út trong nhà đều phải có cái chữ trước nhất. Các chú và anh em tôi đều có bằng cử nhân, kỹ sư và khi họ chưa tìm được cơ ngơi việc làm như ý, thì ba tôi đào tạo nghề cho các chú và xây dựng cơ sở kinh doanh riêng để họ tự nuôi sống gia đình.

Khi thời thế thay đổi, các chú học cao hơn nữa và ra làm cho nhiều công ty nước ngoài, lấy kinh nghiệm rồi về mở công ty gia đình, đào tạo con cháu trong dòng họi biết kinh doanh, giúp đỡ chúng tôi từ khi là sinh viên đến khi ra trường giống như ba tôi đã làm với các chú.

Cứ thế gia đình tôi tương trợ nhau, với tiêu chí là phải có tri thức trước, sau đó mới phát triển theo cái riêng mình mơ ước và không hề có sự ép buộc. Chúng tôi tự hào vì truyền thống gia đinh và con cháu cũng noi theo, đó cùng là văn hóa của người Á Đông và bao gia đình Việt Nam khác".

Theo Kim Yến/TheLeader

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/bi-quyet-quan-tri-cua-vo-chong-chu-thuong-hieu-kim-chi-ong-kims-a19386.html