Thế giới này, luôn có rất nhiều người tự đánh giá quá cao về bản thân mình, cho rằng những việc mình không làm được thì người khác cũng chưa chắc làm được, còn nếu ai đó mà làm được thì nhất định không phải tự thực lực bản thân họ mà là dựa vào những việc làm không quang minh chính đại nào đó.
Ví như thấy ai đó thi TOELF hay GMAT mà đạt điểm tuyệt đối, thì sẽ nghĩ rằng: “Sao lại có thể, chắc người này nhất định sống ở nước ngoài từ nhỏ.” Hay nhìn những người trẻ tuổi mà được xếp vào danh sách những doanh nhân trẻ thành đạt thì lập tức đoán là: “Chắc chắn làm chủ doanh nghiệp của gia đình họ.” Hay nhìn thấy những thiếu niên ít tuổi đã thành danh do tham gia những gameshow trên truyền hình thì sẽ nghi ngờ rằng: “Đó đều là do có sự sắp đặt từ trước”…
Những trường hợp giống như trên hầu như ngày nào cũng xảy ra, và bản thân tôi cũng từng gặp phải trường hợp tương tự. Đó là trong một lần chuẩn bị tham gia phỏng vấn xin việc tại một công ty liên doanh, họ yêu cầu thí sinh khi đến phỏng vấn mang theo một bản lý lịch cá nhân không quá 30 chữ.
Đọc yêu cầu của họ, tôi tròn mắt ngạc nhiên: 30 chữ? Liệu họ có nhầm không nhỉ? Tôi chỉ cần liệt kê tên công ty mà mình đã từng công tác và tên các trường tôi đã học thì hơn 30 chữ rồi. Tôi suy đi nghĩ lại, nghĩ không thể có chuyện như vậy được, chắc họ viết thiếu một số 0 cũng nên? Vì thế, tôi cũng chả buồn nghĩ nhiều nữa.
Đến ngày đi phỏng vấn, tôi mang bản lý lịch cá nhân mà tôi cho rằng đã rất súc tích của mình theo, vừa đi vừa suy nghĩ về rất nhiều thứ mà tôi đã không thể viết vào trong bản lý lịch nhằm thể hiện những ưu điểm vượt trội của bản thân, nhưng không còn cách nào khác, chỉ có thể cố gắng lược giản nhất để phù hợp với yêu cầu của công ty.
Đến công ty, tôi vừa nộp bản lý lịch cá nhân của mình xong thì ba giám khảo phỏng vấn tôi đều cau mày. Một người đàn ông ngoại quốc hỏi tôi: “Bản lý lịch này của cậu vượt quá 30 chữ rồi, nó chắc khoảng 400 chữ, tại sao cậu không làm theo những gì chúng tôi yêu cầu?”
Tôi sững người, gì cơ? 30 chữ thật sao? Không phải họ nhầm? Tôi có chút hoài nghi hỏi lại: “30 chữ? Nhưng để viết một bản lý lịch cá nhân mà chỉ có 30 chữ là điều không thể.”
Nghe vậy một vị giám khảo khác nghiêm giọng nói: “Không thể? Nếu như là việc không thể sao chúng tôi lại yêu cầu cậu làm?” Nói xong vị này đưa cho tôi xem các bản lý lịch cá nhân của những người khác và nói tiếp: “Tại sao họ đều làm được, còn cậu lại không?”
Tôi ngượng đỏ cả mặt, ấp úng không nói lên lời. Một vị giám khảo trung tuổi khác vội nói:“Thôi được rồi, mời cậu ra ngoài. Cậu cho rằng có những điều không thể trên thế giới này là bởi vì cậu chưa thử cố gắng làm nó”.
Nghe vậy, tôi liền nói: “Cám ơn các vị, tôi đã hiểu vấn đề của tôi ở đâu rồi. Liệu có thể cho tôi xem một vài bản lý lịch cá nhân của những người khác được không, vì tôi chỉ muốn biết tôi kém cỏi đến mức nào thôi ạ.”
Ba vị giám khảo nhìn nhau một lúc rồi gật đầu đồng ý và đưa cho tôi một tập lý lịch cá nhân của những người khác.
Cầm xem tập lý lịch họ đưa, tôi không khỏi ngỡ ngàng, cả một trang giấy vẽ hình một nhân vật hoạt hình là hình tượng người đi phỏng vấn, trên cùng là tên của anh ta, sau đó là một cái đầu khổng lồ, đỉnh đầu để mở, não bộ bên trong là bộ vi mạch máy tính, chú thích rằng “computerized mind” ( tư duy vi tính hóa); tay trái cầm bảng vẽ chú thích “photoshop skiller” (kỹ năng chỉnh sửa ảnh); tay phải giữ một tập báo cáo với chú thích “report expert” (chuyên gia báo cáo); ở giữa chiếc cà vạt có hình một chiếc micro với chú thích “good presenter”(kỹ năng thuyết trình tốt); vị trí trái tim vẽ hình một con tim hình dáng kỳ lạ với chú thích “creative heart”(đam mê sự sáng tạo); chân đi giầy da sáng bóng, mặc bộ công sở không có chút nếp nhăn với chú thích “detail-cared”(chú trọng sự cẩn thận)…
Một bản lý lịch không quá 20 chữ như vậy, tôi xem xong mà đến bây giờ là bốn năm rồi vẫn nhớ như in thì mọi người có thể tưởng tượng nó đã đem lại cho tôi sự ngạc nhiên đến mức nào, cũng như nó đã để lại ấn tượng sâu sắc cho các vị giám khảo lúc bấy giờ.
Tiếp đó là các một bản lý lịch vẽ một hình tròn chia làm nhiều lát cắt, điền các điểm mạnh của bản thân, mỗi vạch chia thời gian điền các thành tựu mà họ đã làm được và dán hình ảnh các sản phẩm mà họ đã từng tham gia làm…
Tất cả, không một bản lý lịch nào quá 30 chữ cả, nhưng mỗi một bản tôi xem qua đều có cảm giác giống như một nhân vật sống đang đứng trước mặt tôi vậy, tôi biết được tính cách họ thế nào, điểm mạnh là gì, có những thành tựu và thành tích ra sao. Còn bản lý lịch của tôi, một trang giấy đầy chữ, e rằng giám khảo còn chả buồn đọc, mà nếu có đọc thì cũng chả có ấn tượng gì.
Tôi ngượng ngùng trả lại giám khảo tập lý lịch, đồng thời nói: “Thành thật xin lỗi vì đã làm mất thời gian của các vị, trước khi tới đây, tôi luôn cho rằng có những việc tôi không làm được thì sẽ không thể làm được. Cảm ơn các vị đã cho tôi nhận ra được rằng suy nghĩ này của mình ngu ngốc đến mức nào. Một lần nữa, xin cảm ơn các vị.”
Trên đường trở về nhà, tôi không buồn vì mất đi cơ hội việc làm lần này mà buồn vì trong những năm vừa qua tôi đã làm mất đi bao nhiêu cơ hội cho bản thân mình? Những thứ thực ra là có thể nhưng chỉ với tôi, tôi lại cho rằng nó là không thể, đối với một người không chịu suy nghĩ tìm phương pháp thì rất nhiều thứ sẽ biến thành không thể.
Những bạn mà thi TOEFL điểm tuyệt đối kia có khi chúng ta không biết được họ phải học ngày học đêm ôn tập miệt mài như thế nào; rồi những thanh niên ưu tú quản lý những doanh nghiệp gia đình, có thể chúng ta cũng không biết được rằng họ có những lúc ngày đêm không ngủ, nỗ lực hơn chúng ta rất nhiều; rồi những thanh niên tuổi trẻ mà nổi tiếng khắp cả nước, chúng ta cũng không nhìn thấy được họ đã khổ luyện ra sao…
Chúng ta cái gì cũng không nhìn thấy, sao chúng ta biết rằng người khác không thể làm được; chúng ta cái gì cũng không muốn thử sao biết việc đó là không thể. Kỳ thực, những việc mà chúng ta cho rằng là không thể, người khác đã thật sự làm được. Đối với một người cái gì cũng không dám làm thì tất cả đều là điều không thể.
Theo Hằng Phương/Trí Thức Trẻ