Không như kỳ vọng, cổ phiếu TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) bị bán tháo khối lượng lớn ngay trong ngày đầu lên sàn 4/6 khiến giá giảm sàn, từ mức tham chiếu 128.000 đồng/cp xuống 102.400 đồng/cp.
Trong phiên thứ 2 trên sàn chứng khoán, Techcombank tiếp tục giảm mạnh 6.400 đồng (-6,25%) xuống còn 96.000 đồng/cp.
Như vậy, tổng cộng trong 2 phiên đầu tiên có mặt trên thị trường chứng khoán (TTCK) tập trung của Việt Nam, cổ phiếu TCB của nhà ông Hồ Hùng Anh và Tập đoàn Masan đã giảm tổng cộng hơn 25%, một kết quả thiếu ấn tượng.
Trước khi Techcombank lên sàn, cặp đôi doanh nhân Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang được xem là cặp bài trùng hiếm có trong giới tỷ phú Việt, dắt tay nhau trở thành những tỷ phú USD Việt. Hai doanh nhân này đều có mối quan hệ gần gũi khi cùng nhau tạo dựng và lãnh đạo Masan và Techcombank và sự thành công giàu có của họ cũng gắn liền với 2 DN này.
Ông Hồ Hùng Anh sinh năm 1970, thành viên HĐQT Techcombank từ 2004-2005, là phó chủ tịch thứ nhất tại HĐQT Techcombank từ 2006 đến 2008. Từ tháng 5/2008 tới nay, ông Hùng Anh là chủ tịch Techcombank.
Để ngồi ở vị trí chủ tịch Techcombank, trong tháng 4/2018 vừa qua, ông Hồ Hùng Anh đã từ nhiệm chức vụ Phó chủ tịch Tập đoàn Masan sau 10 năm nắm giữ vị trí này.
Trong vụ cổ phiếu bốc hơi vừa qua, khối tài sản của ông Hồ Hùng Anh đã giảm khoảng 6.300 tỷ đồng, khiến cho con đường lọt danh sách tỷ phú USD Forbes của ông Hồ Hùng Anh trở nên dài hơn.
Hiện tại, ông Hồ Hùng Anh đang sở hữu 13,1 triệu cổ phiếu Techcombank. Vợ con và mẹ ông Hùng Anh nắm giữ một số lượng lớn cổ phiếu TCB. Nhà ông Hồ Hùng Anh nắm tổng cộng 159,3 triệu cổ phiếu TCB, tương đương gần 14% vốn điều lệ.
Với mức giá dự kiến chào bán cổ phiếu với giá 128.000 đồng/cp, gia đình nhà ông Hồ Hùng Anh có thể sẽ sở hữu số cổ phần trị giá lên tới gần 20,4 ngàn tỷ đồng, nhiều gấp đôi tài sản nhà ông Ngô Chí Dũng, chủ tịch HĐQT VPBank.
Tuy nhiên, sau cú rớt hơn 25%, khối tài sản nhà ông Hồ Hùng Anh hiện còn là 15,3 ngàn tỷ đồng.
Mặc dù vậy, sự giảm giá chỉ là nhất thời. Đại gia kín tiếng này đang có kế hoạch khủng.
Theo đó, vào ngày 14/6 tới, Techcombank sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường nhằm trình cổ đông thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng lên gần 35 ngàn tỷ đồng, tức gấp 3 lần so với hiện tại.
Nguồn để tăng vốn điều lệ là vốn chủ sở hữu gồm lợi nhuận sau thuế, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và vốn thặng dư. Với mức vốn mới, Techcombank đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2018 là 8 ngàn đồng, tăng 24% so với năm 2017.
Với mức chia tách 1:2 như sắp tới, giá cổ phiếu Techcombank sau khi điều chỉnh sẽ về mức khoảng 30.000 đồng/cp. Đây là một mức giá “dễ nhìn” hơn và do vậy khả năng tăng trở lại có thể sẽ lớn hơn nếu ngân hàng này có kết quả hoạt động kinh doanh tốt hơn sau khi tăng vốn để lọt top những ngân hàng có quy mô vốn lớn.
Cho dù giá giảm, IPO và chào sàn của Techcombank vẫn được xem là thành công. Trước khi lên sàn, Techcombank thông báo IPO thành công và đã bán được cho các tổ chức đầu tư nước ngoài 164,4 triệu cổ phiếu với giá 128.000 đồng/cp, thu về tổng cộng 922 triệu USD.
Trong đó số cổ phiếu bán giá cao cho các tổ chức, có 64,4 triệu cổ phiếu quỹ và 100 triệu cổ phiếu của một số cổ đông.
Mức giá 128.000 đồng là rất cao nếu so với mức giá chỉ khoảng 10.000 đồng/cp trên thị trường phi tập trung (OTC) cách đó tròn 1 năm khi Techcombank tổ chức đại hội cổ đông 4/2017.
Cổ đông nào là người bán cổ phần Techcombank trong đợt IPO hồi tháng 4 cho khối ngoai vẫn chưa rõ. Nhưng với mức giá trên, đó là thương vụ thành công của Techcombank.
Trước đó, Techcombank cũng đã từng có một đợt bán 93,2 triệu cổ phiếu quỹ hồi tháng 3 cho 2 pháp nhân thuộc Warburg Pincus với mức giá 91.000 đồng/cp.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), chỉ số VN-Index tiếp tục tăng điểm và vững chắc trên ngưỡng 1.000 điểm.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng có dấu hiệu yếu. Ngoài Techcombank, Vietcombank, BIDV, ACB, TPBank,... cũng đã giảm giá. Trong khi đó, nhóm xây dựng, bất động sản, thực phẩm, dầu khí, thủy sản lại tăng mạnh.
Một số CTCK cho rằng, áp lực điều chỉnh có thể sẽ xuất hiện bởi sự phân hóa đã xuất hiện. VPBS cho rằng, sự giằng co rung lắc có thể sẽ mạnh hơn. Áp lực chốt lời ngắn hạn gia tăng trên diện rộng ở nhiều nhóm cổ phiếu.
Kết thúc phiên giao dịch 5/6, VN-index tăng 8,96 điểm lên 1.022,74 điểm; HNX-Index giảm 0,14 điểm xuống 118,18 điểm. Upcom-Index giảm 0,03 điểm xuống 53,3 điểm. Thanh khoản đạt 280 triệu cổ phần. Giá trị đạt 8,7 ngàn tỷ đồng.
Theo V. Hà/VietNam Net