Không phải ngẫu nhiên mà trong đại hội đồng cổ đông của Coteccons vừa qua, hàng loạt các cổ đông lớn đã lên tiếng đề nghị nhà thầu số 1 Việt Nam này gia tăng tỉ lệ sở hữu của họ tại Ricons – một trong top 5 nhà thầu tư nhân lớn nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà tháng 12 vừa qua hàng loạt các quỹ đầu tư quốc tế đã trở thành nhà đầu tư chiến lược của Ricons khi chi hơn 600 tỷ đồng mua vào cổ phiếu công ty này. Vậy điều gì đã khiến Ricons trở thành mối quan tâm lớn của thị trường tài chính lúc này?
Trong giai đoạn 2014-2017, nhà thầu xây dựng Coteccons đã làm chao đảo thị trường tài chính khi cổ phiếu của công ty này có những bứt phá mạnh mẽ, có những thời điểm tăng giá gấp 4 chỉ sau 1 năm. Doanh thu cũng như lợi nhuận của Coteccons cũng có những bước chuyển mình kinh ngạc khi tăng trưởng lần lượt 255% và 400% chỉ sau 3 năm. Backlog của nhà thầu xây dựng này có lúc lên tới con số khủng khiếp gần 30.000 tỷ đồng với hàng loạt các dự án từ Bắc tới Nam.
Tuy nhiên, với một số nhà đầu tư “sành sỏi”, những gì Coteccons đã làm được trong giai đoạn vừa qua, Ricons hoàn toàn có thể tái hiện, thậm chí làm tốt hơn.
Nếu quan sát quá trình phát triển của Công ty Ricons từ nhiều năm trước, có lẽ không ai bất ngờ khi Ricons đã có những chuyển mình mạnh mẽ từ năm 2014. Nếu như doanh thu của Coteccons tăng tới 3,5 lần từ năm 2014 tới nay thì Ricons còn đạt mức doanh thu tăng trưởng còn ấn tượng hơn 4,1 lần trong cùng giai đoạn. Chưa dừng lại ở đó, nếu như lợi nhuận sau thuế của Coteccons tăng 5 lần chỉ sau 3 năm thì lãi ròng của Ricons thậm chí còn tăng 7 lần trong cùng giai đoạn.
Năm 2018, Ban lãnh đạo Công ty Ricons tự tin cho biết họ hoàn toàn có để cán mốc hoặc thậm chí vượt qua con số 9.000 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 37% so với năm ngoái trong khi nhiều đối thủ cùng ngành đang có dấu hiệu chững lại hoặc thậm chí thụt lùi so với những năm trước.
Sự tự tin này không phải là không có cơ sở khi giá trị hợp đồng ký mới của Ricons trong hai năm qua đạt con số 24.000 tỷ đồng còn giá trị hợp đồng chuyển tiếp (Backlog) cho giai đoạn 2018-2020 là 17.000 tỷ đồng. Ricons cũng không áp dụng chính sách đòn bẩy tài chính giống như Coteccons khi nợ vay của Công ty gần như bằng 0. Bên cạnh đó, Ricons còn thu về hơn 850 tỷ đồng từ hai đợt tăng vốn gần nhất từ các nhà đầu tư tài chính lớn cũng như các cổ đông hiện hữu.
Với lợi thế là người đi sau, được thừa hưởng tất cả giá trị tinh tuý nhất từ Tập đoàn xây dựng hàng đầu Việt Nam – Coteccons, Ricons đã ứng dụng công nghệ 4.0 cùng những sáng tạo không ngừng nhằm kiện toàn hệ thống của công ty. Ngoài ra, những cải tiến, những ứng dụng khoa học công nghệ mới cũng được Ricons áp dụng trong công tác thi công ngoài hiện trường nhằm nâng cao năng suất lao động cũng như đem lại cho khách hàng những công trình có chất lượng vượt trội.
Đây chính là nền tảng vững chắc để Ricons khẳng định vị thế của mình trong ngành xây dựng. Vốn xuất thân từ lĩnh vực đầu tư Bất động sản với hai dự án có tiếng vang trong giới đầu tư lúc bấy giờ là Botanic Towers (quận Phú Nhuận) và Saigon Pavillon (quận 3), Ricons tự tin trong việc hoàn thiện chuỗi giá trị của ngành xây lắp như hình thành hệ sinh thái với các hoạt động từ kinh doanh vật liệu xây dựng, tư vấn thiết kế cho tới phát triển thương hiệu Rihome (đơn vị môi giới và phân phối bất động sản), Risa (đơn vị quản lý tòa nhà), hay mới đây Ricons đã tiến hành khởi công nhà máy cơ khí đầu tiên tại Đồng Nai. Hệ sinh thái này nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của Ricons đồng thời phát huy tối đa lợi thế của ngành xây lắp.
Có lẽ, nhìn thấy được tiềm năng của Ricons trong thời gian tới với cơ sở tài chính vững chắc cùng nguồn công việc ổn định, không ai bất ngờ khi hàng loạt cổ đông lớn của Coteccons vừa qua đã đề nghị tiến hành việc sáp nhập giữa hai ông lớn ngành xây dựng càng sớm càng tốt.
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/tai-sao-coteccons-mong-muon-sap-nhap-ricons-a19819.html