Mất 7 năm nghiên cứu giới nhà giàu: Đây là lý do họ thành công trong khi bạn chỉ biết ngồi chờ cơ hội

Tác giả Alex Banayan đã dành 7 năm và hàng ngàn giờ để nghiên cứu về thành công từ những người nổi tiếng như Bill Gates, Lady Gaga, Warren Buffett và rút ra 3 điểm chung trong tư duy dẫn tới thành công của họ.
Tôi đã dành ra hàng ngàn giờ tìm hiểu, đọc hàng trăm tiểu sử, lý lịch và gặp gỡ những người thành đạt.

Trong kinh doanh, tôi đã phỏng vấn Bill Gates; về âm nhạc, tôi phỏng vấn Lady Gaga; về khoa học máy tính tôi gặp Steve Wozniak; trong thơ ca là Maya Angelou. Tôi cũng đã phỏng vấn Larry King, Jane Goodall, Pitbull, Jessica Alba, Quincy Jones, và nhiều người khác.

Mục đích của tôi không phải là tìm ra "một chìa khóa" dẫn tới thành công.

Điều tôi phát hiện ra, là mặc dù tôi phỏng vấn nhiều người từ nhiều lĩnh vực khác nhau, song họ đều có chung hệ tư duy để thành công.

Tất cả bọn họ đều coi cuộc đời, sự nghiệp, thành công,... như một câu lạc bộ đêm. Luôn có 3 lối đi vào và họ đều chọn một.

"Cửa thứ nhất" là cửa chính, nơi hàng dài người xếp hàng chờ đợi được vào. Có tới 99% người đứng chờ cửa thứ nhất.

"Cửa thứ hai" là lối đi VIP, chỉ dành cho các tỷ phú và người nổi tiếng.

Nhưng không ai nói cho bạn biết rằng luôn có "cửa thứ ba". Đó là nhảy ra khỏi hàng, xuyên các ngóc ngách, gõ cửa hàng trăm lần, cạy cửa sổ, lén vào qua phòng bếp.

Bất kể là Bill Gates khi bán phần mềm đầu tiên hay Steven Spielberg trở thành giám đốc studio trẻ tuổi nhất lịch sử Hollywood, thì họ đều chọn cùng một lối đi.

Vậy những người thành công nhất đã đi qua cửa thứ ba như thế nào?

1. Nhấc điện thoại lên - Tự tạo cho mình cơ hội

Khi Bill Gates 19 tuổi, công ty điện tử MITS phát hành bộ máy tính mini đầu tiên trên thế giới. Bill và người bạn thân nhất của ông là Paul Allen đã viết một lá thư cho người sáng lập MITS để đề nghị bán phần mềm chạy cho máy tính này.

Khi họ không nhận được hồi âm, họ bắt đầu thảo luận xem phải làm gì tiếp theo.

Bill đưa điện thoại cho Paul.

"Không, tôi không gọi đâu" - Paul từ chối - "Cậu làm đi."

"Tôi không gọi đâu" - Bill đáp - "Cậu đi!"

Tôi đoán kể cả người được định mệnh lựa chọn làm người đàn ông giàu nhất thế giới cũng sẽ phải đối mặt với nỗi sợ hãi như thế này.

Cuối cùng họ đi đến một thỏa thuận: Bill gọi điện, nhưng xưng là Paul.

Người sáng lập MITS đã nhận điện thoại và nói họ có thể đến văn phòng công ty ở New Mexico để giới thiệu demo phần mềm.

Bill rất vui sướng, chỉ có điều, họ còn chưa thực sự làm ra một phần mềm nào.

Sau 9 tuần, Bill và Paul đã hoàn thành phần mềm. Paul và Bill đã thành công ký hợp đồng và bán được phần mềm đầu tiên.

Bài học mà chúng ta rút ra được chính là, cho dù Gates tài năng đến đâu, nếu ông ta không vượt qua nỗi sợ hãi để nhấc điện thoại lên và gọi cho MITS thì cơ hội sẽ không bao giờ đến với ông.

Tiềm năng mở khóa tương lai nằm trong chính tay bạn, nhưng trước hết bạn phải nhấc điện thoại lên.

Hãy hỏi bản thân: Điều bạn sợ làm nhất hiện tại nhưng bạn biết nó có thể thay đổi tích cực cho sự nghiệp của mình là gì? Bạn có thể dành ra một giờ đồng hồ ngày mai để gạt bỏ nỗi sợ đó và... nhấc chiếc điện thoại lên không?

2. Đề nghị được giúp đỡ khó khăn của người khác

Tốt nghiệp đại học, Warren Buffett làm nghề môi giới chứng khoán. Tuy nhiên, mỗi khi Buffett muốn xin gặp doanh nhân nào ở Omaha cũng đều bị từ chối.

Không ai muốn gặp một gã trẻ tuổi, không có chút tín nhiệm nào, và chỉ muốn bán cổ phiếu cho họ.

Do đó, Buffett đã thay đổi cách tiếp cận: Ông gọi doanh nhân đó và làm họ cảm thấy công có thể giúp họ giải quyết khó khăn tiền bạc. Và rồi các doanh nhân bắt đầu đồng ý hẹn gặp ông.

Cứ như thế, Buffett đã có được những cuộc hẹn.

Bài học ở đây là khách hàng không muốn gặp bạn vì nhu cầu của bạn không có nghĩa là họ sẽ không gặp bạn.

Chỉ cần tìm một góc độ khác, một cách tiếp cận khác. Hãy tìm hiểu xem họ cần gì và tiếp cận họ bằng cách đó.

Hãy thành thật: Bạn có bao giờ bị từ chối mà không hiểu tại sao người ta không muốn hẹn gặp bạn không? Bạn có thể giúp gì cho họ để họ đồng ý gặp bạn?

3. Làm quản lý của chính bạn

Khi Lady Gaga ở New York bắt đầu sự nghiệp, cô đã gặp khó khăn. Cô không có tiếng tăm gì và không có nhiều đơn vị thuê cô biểu diễn.

Vì vậy cô đã dùng số tiền mình kiếm được khi làm phục vụ, đến quán in và đặt in những poster lớn cho chính mình.

Cô dán các poster ngay trước cửa quán bar, câu lạc bộ mà cô muốn biểu diễn. Và rồi cô bất ngờ nhận được những đề nghị.

Nhưng đến khi phải đàm phán thời gian diễn, cô bắt đầu ngần ngại. Thế rồi cô gọi cho các quán bar, đổi giọng và xưng "Tôi là quản lý của Lady Gaga" rồi thông báo Gaga chỉ biểu diễn khung 10 giờ.

Và cách đó đã thành công.

Bài học chính là đừng chờ đợi và hi vọng rằng người khác sẽ nhận ra tài năng của bạn. Hãy trở thành quản lý của chính mình, làm truyền thông cho chính mình. Đừng đợi người khác chọn mình, hãy tự chọn mình.

Hãy thực tế: Nếu bạn có một người quản lý cao cấp thì bạn sẽ yêu cầu người đó làm điều gì có lợi nhất cho sự nghiệp của bạn? Tại sao bạn không thể tự làm điều đó?

Đưa ra lựa chọn của bạn

Khi Bill Gates ngồi trong ký túc xá, vượt qua nỗi sợ hãi và nhấc điện thoại lên, đó là sự lựa chọn. Khi Lady Gaga tự dán poster lên các câu lạc bộ đêm, đó là sự lựa chọn.

Suốt 7 năm qua tôi đã học được rằng, mỗi người đều có năng lực lựa chọn nho nhỏ nhưng có thể tạo nên thay đổi lớn cho cuộc đời họ.

Bạn có thể lựa chọn tiếp tục chờ đợi ở cửa thứ nhất, hoặc nhảy ra khỏi hàng, luồn lách các ngóc ngách, và chọn cánh cửa thứ ba.

Theo Trang Đặng/Gia Đình Mới

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/mat-7-nam-nghien-cuu-gioi-nha-giau-day-la-ly-do-ho-thanh-cong-trong-khi-ban-chi-biet-ngoi-cho-co-hoi-a20165.html