Trong đội sales, ngoài những vị trí được sắp đặt theo ý của sếp, còn có những vị trí mà anh em tự động giao phó cho nhau. Trong rất nhiều trường hợp, quyền lực thực sự trong đội sales nằm ở những vị trí ngầm định với nhau này.
Đó là những người có uy tín hơn hẳn so với phần còn lại và mỗi khi những người này nói, anh em đều đồng ý. Thông thường, đó là người lớn tuổi, ở lâu tại công ty hơn những người khác, hoặc người trẻ tuổi có tài ăn nói khéo, người có quan điểm rõ ràng và thích gây ảnh hưởng lên người khác hay người có thành tích cao lấy thành tích của mình để tác động.
Đặc thù là những người này là tạo ra một tư cách có quyền uy trong đội sales và khiến mọi thứ thành viên khác mong muốn đều thông phải qua họ.
Với hành vi bên ngoài, họ có những biện pháp thao túng anh em như hay gần gũi hỏi han, hay tạo ra một thói quen chung, chẳng hạn như cứ 8h30 họp xong là rủ cả đội đi uống nước, hoặc đứng đầu đại diện công ty đi các đám ma chay cưới hỏi, hay bố trí đội bóng, đưa ra quyết định ăn gì, uống gì khi liên hoan. Từ những hành động tưởng như vô hại đó, họ sẽ dần có những cách khác nhau để tác động lên từng người, người thì khen thật nhiều để lấy lòng, người thì có động tác dằn mặt và tạo uy bằng những thứ thông tin không thật.
Một số cách điển hình mà tôi hay gặp ở những người này có thể kể ra như sau: "Nói không phải để khoe, ở đây cứ mỗi khi có việc gì anh em hay hỏi anh, vì anh ở lâu biết sếp tính như thế nào và nói thế nào cho lọt".
Họ có cách lôi kéo quan điểm: "Cậu công nhận không, ở đời sống là phải biết hưởng thụ, chả lẽ mình làm đây 8h mỗi ngày mà lại phải về nhà nghĩ tiếp công việc? Tại sao mình không tìm ra cách giúp mình có cuộc đời đáng sống hơn, lát đi uống café với anh".
Họ cũng có thể trở thành chuyên gia tư vấn không lương: "Về phong thuỷ á, để anh giới thiệu ông này cho cậu, xem trăm phát trăm trúng, xem xong nhà cậu chỉ có phất".
Về thủ thuật đằng sau, họ sẽ khiến trong cuộc họp, tuy sếp chủ trì nhưng khi có vấn đề phát sinh, anh em đội sales đều chờ họ phản ứng để phản ứng theo, hoặc khi họ trung lập không nói gì thì anh em cũng không dám quyết, để sau giờ họp ra quán nước đầu ngõ buôn họ mới thẽ thọt để lèo lái và đó mới chính là lúc anh em nghe và quyết làm theo.
1. Dạng hữu danh vô thực: Họ chỉ thích được người khác quý mến và thích thú, nhưng vô hình chung tạo ra một thế phân quyền rất hài hước, cứ có chuyện gì, anh em toàn phải chờ ông vua quyết định rồi nói lại sếp. Thành ra, sếp không trao đổi được trực tiếp với cả đội sales mà phải thông qua nhân vật này dù họ không lộ diện hẳn hoi.
2. Dạng tìm cách lũng đoạn đội ngũ: Là nhất nhất phải theo ý của người này, là khi sếp muốn tăng doanh số không được, vì vị này không thích và sếp tưởng doanh số tháng này giảm thì người này làm tăng vọt: "Cho ông ấy hiểu ở đây ai nắm quyền". Trường hợp này có lỗi rất nặng của sếp là quá hiền hoà mà không nhìn ra vấn đề hoặc nhìn ra mà không dám động tay chân để xử lý.
3.Dạng trục lợi: Sau khi co cụm thành một "nhóm lợi ích" bên trong, ông vua không ngai sẽ tìm ra kẽ hở để lấy tiền từ việc không dùng hết khuyến mại trong thực tế nhưng vẫn đòi phải tăng lên. Họ thậm chí có thể bỏ cả tiền huy động của anh em để gom khi công ty có hàng khuyến mại lớn sau đó hết đợt thì tung ra, hoặc điều chuyển hàng khuyến mãi giữa các vùng, từ vùng bán kém sang vùng bán tốt, giảm đi vài phần % để ăn thêm lợi, hoặc cấu kết với trung gian, khách hàng, đại lý để đòi sếp hỗ trợ rồi mới lấy hàng.
Thông thường, mọi chuyện bắt đầu dưới dạng lợi dụng bằng tình cảm, sau đó chuyển dần sang thao túng quyền lực và cuối cùng hướng tới quyền lợi. Sếp phải nhìn bằng cả trí óc lẫn con tim mới nhìn ra và khoanh vùng để khống chế nhanh những ông vua không ngai này. Còn nếu sếp giỏi hơn nữa, hoàn toàn có thể coi như không biết gì, nhưng mỗi khi ra quyết định thì tận dụng cả đường chính thống lẫn tận dụng chính những ông vua này.
Đỗ Xuân Tùng – Giám đốc Công ty Tư vấn và Đào tạo Nhân Việt/Trí Thức Trẻ
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/vua-khong-ngai-trong-doi-sales-nhung-tiem-an-nguy-hiem-cho-he-thong-kinh-doanh-cua-doanh-nghiep-a20693.html