Bạn cùng tôi, chúng ta cùng thử một trải nghiệm nho nhỏ. Chúng ta nhắm mặt lại 30 giây, thử tưởng tượng: Nếu bây giờ chúng ta sống cuộc đời của một người khổ hơn mình. Và cùng nhau bắt đầu hành trình ấy.
Nếu bạn là một sinh viên, hãy tưởng tượng mình đang làm phục vụ, rửa bát ở mấy quán hàng bạn hay lui tới.
Nếu bạn là một người làm việc văn phòng, đang ngồi điều hòa mát mẻ, hãy thử tưởng tượng bạn là một người xe ôm, trạc tuổi bạn, đứng ở ngã tư đường, ngóng từng người qua lại, mời chào, hay chen chúc, luồn lách ở các bến xe để tranh giành khách.
Nếu bạn đang chán nản vì ra trường mà mãi không xin được việc, hãy thử tưởng tượng mình đang đứng ngóng ở chợ người Hà Nội, và may mắn có một anh đi xe hơi qua, gọi bạn vào xử lý bể phốt, mừng mừng tủi tủi.
Nếu bạn đang online và thấy quá chán vì Facebook không có gì thú vị, thử tưởng tượng đêm nay mình sẽ đi bốc hàng ngoài bãi.
Nếu giờ bạn đang ăn cơm hộp, hay ngoài quán ăn bình dân và bạn chạnh lòng khi thấy người khác đi ăn món gì ngon lắm, hãy tưởng tượng tầm trưa nắng này bạn là người đội nắng giao từng hộp cơm cho người ta, như hộp cơm bạn đang ăn.
Và cuối cùng, nếu bạn đang không muốn sống nữa vì cuộc đời này quá chán, hãy tưởng tượng bạn mới phát hiện mình bị ung thư giai đoạn cuối. Đấy mới chỉ là tưởng tượng.
Nếu đó là trải nghiệm thực, tôi tin sẽ có nhiều điều thú vị. Còn bây giờ, tôi sẽ kể cho bạn câu chuyện của tôi, lúc tôi 24 tuổi.
Tôi sinh ra trong một gia đình bình thường, bố mẹ là công chức, đủ ăn đủ mặc, không giàu có nhưng tôi từ bé tới lớn sống trong suôn sẻ. Nhưng, tôi đã từng rất nhiều lần nghĩ rằng mình khổ lắm. Cuộc sống dễ dàng làm tôi như một kẻ bị cớm nắng, đúng ở cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Những việc khó, gặp vấn đề, tôi chẳng biết xoay xở ra sao. Nhưng đấy có lẽ đã là ngày xưa, dần dà cuộc đời cho vài cú đánh đau, bắt buộc tôi tỉnh ngộ ra mà sống cho thành hồn. Tôi có nhiều điểm chưa tốt, nhưng may có điểm tốt là luôn muốn hoàn thiện mình.
Dạo gần đây tôi có một thử thách, tôi chuyển từ một anh dân văn phòng sang một người giao hàng. Mỗi ngày tôi chở một thùng hàng to tướng, hàng đằng trước, hàng đằng sau, hàng vây quanh mình. Đợt nắng cao điểm vừa rồi, chính là đợt tôi vừa trải qua.
Và rất nhiều trải nghiệm đáng quý tôi nhận được sau thời gian này, chia sẻ lại cùng bạn. Nếu mình tự hào với công việc mình làm, không ai có thể coi thường. Điều tôi phải đối mặt đầu tiên khi trở thành một người giao hàng, chính là sự ái ngại, xấu hổ của bản thân. Tôi xếp đầy hàng vào thùng rồi, người tôi ướt đẫm mồ hôi rồi. Tôi bắt đầu mang cái thùng to tướng ấy ra đường. Rồi trước mặt tôi, đằng sau tôi là muôn vàn ánh mắt mà tôi tưởng tượng ra, giống như ai cũng đang nhìn tôi vậy.
Tôi cảm thấy xấu hổ khi làm công việc đó. Nhưng kỳ thực, chẳng có ai biết tôi là ai. Dừng đèn đỏ, tôi lại tưởng tượng chắc mình nổi bật nhất, nhưng không phải như cách tôi thích. Nhưng kỳ thực, chắc chẳng ai quan tâm tôi là ai. Tôi lo sợ nếu tôi gặp người quen thì sao, bạn tôi gặp tôi thì thế nào? Hay người yêu cũ tôi thì sao? Hay thậm chí, nhân viên cũ của tôi gặp tôi thì sẽ thế nào?
Sau đó thì không cần phải tưởng tượng nữa, tôi bắt đầu bị những con mắt coi thường thật. Những người mà tôi giao hàng cho họ, cách họ nói chuyện với tôi, cách họ nhìn tôi, mà thực chất họ không thèm nhìn tôi. Tôi thấy sự coi thường trong mắt họ. Điều mà khi còn là nhân viên văn phòng, không mấy khi tôi gặp.
Nhưng tôi đi giao hàng, tôi có tội lỗi gì mà coi thường tôi? Sau những xấu hổ ban đầu ấy, tôi dần nghĩ: Tôi đi giao hàng, một công việc lương thiện, lao động chân chính, tôi nên tự hào vì điều đó chứ? Và từ khi ấy, gặp mỗi người tôi đều cười trước một cái. Tôi bắt đầu nghĩ rằng mình không hề thua kém bất kỳ ai.
Từ những suy nghĩ ấy, tôi bắt đầu lấy lại sự tự tin, không cho phép ai coi thường mình, đặc biệt là chính mình, không được coi thường bản thân. Coi thường người khác - không đưa mình lên vị trí cao hơn.
Một chị làm văn phòng, đứng tuổi, làm việc tại một tòa nhà sang trọng bậc nhất Hà Nội, tòa nhà này thuộc một tập đoàn nhà nước. Cái cách mà chị ta nghe điện thoại của tôi, cách bước ra đi về phía tôi, cách mà chị ta hỏi tôi một câu cụt ngủn: "Hàng gì đấy?". Tất cả đều làm tôi cảm thấy bị coi thường.
Món hàng của chị có giá 295 nghìn, chị ta đưa tôi tờ 500 nghìn, tôi trả lại 210 nghìn vì không tài nào kiếm ra tờ 5 nghìn trong ví. Chị ta bảo để chị ta đi đổi tiền chỗ quầy bảo vệ. Trời lúc đó trời nắng lắm, vì đang tầm trưa, tôi cứ đứng đó đợi. Lát sau chị ta quay lại và không đổi được. Chị ta lại quay sang hỏi cũng một người ở tòa nhà này, cũng đang nhận hàng ở dưới.
Chị kia cũng không có, lúc này chị ta rất bức bối vì không đổi được tiền. Chị ta lại nói trống không với tôi: "Đợi tí qua cây rút tiền thử xem". “Ôi lạy giời lạy đất, tôi chưa gặp ai nghĩ cây rút tiền lại có 5 ngàn và cũng chưa gặp ai có ý định rút 5 ngàn từ cây rút tiền ra cả”, tôi nghĩ thầm thế. Tôi liền gọi giật chị ta lại: "Thôi chị ơi, chị cầm hết đi ạ". Tôi quay đi luôn, còn mặt chị ta thì đơ ra, miệng: “Ơ ơ, thế còn 5 nghìn của em”. Chuyện thật mà như đùa.
Chuyện tôi đi giao hàng và khách không cần thối lại tiền là chuyện bình thường, thậm chí có người thừa cả mười mấy hai chục nghìn. Có bạn sinh viên mua hàng khuyến mại, xong thừa 6 nghìn, bảo tôi: "Thôi anh cầm mà đi uống nước, trưa nắng như thế này". Tôi vui khôn tả.
Lại một chị khác, làm ở một văn phòng gì đó đoạn gần Vincom Bà Triệu, ngoài có ghi là dự án giáo dục gì đó. Lúc đó cũng nắng lắm, bảo vệ không cho người giao hàng đứng trước cửa, tôi đứng phía bên này đường, nhìn dáng vẻ như chưa bao giờ ra nắng của chị ta, không nhầm chị ta còn phẩy phẩy tay ra điều có thể người tôi "bốc mùi" lắm, miệng thì giục nhanh nhanh lên kẻo nắng.
Đưa thừa 5 nghìn cho tôi, tôi vội vã rút ví trả lại, chị ta nói luôn: "Thôi thôi, khỏi phải trả, lắm hơi!". Cái giọng điệu bố thí ấy, tôi chỉ muốn ném trả ngay đồng 5 nghìn vào mặt chị ta. Lúc ấy tôi cũng tủi thân lắm. Nhưng nếu có mùi, có lẽ tôi nên bịt mũi vì cái thái độ của chị ta thì đúng hơn.
Trong mắt tôi, những người với thái độ thiếu tôn trọng tôi ấy, họ chẳng hề làm tôi kính nể gì hơn. Thậm chí tôi cảm thấy họ nhỏ bé trong mắt tôi, thậm chí còn thua cả bạn sinh viên tôi nhắc đến ở trên. Vài đồng bạc lẻ, chẳng làm tôi giàu lên được, nhưng thái độ coi thường người khác, tôi chắc chắn làm họ nghèo đi!
Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ dành phần ai? Đi giao hàng tôi thấm lắm câu này. Tôi dành nhiều thời gian trong lúc đi giao hàng, để quan sát mọi thứ. Bởi tôi biết sau một vài tuần thử thách này, tôi sẽ có những góc nhìn khác, về cuộc sống này, giữa thành phố bon chen này, nên tôi cố quan sát thật nhiều. Mỗi một ngày, tôi tiếp xúc với cả mấy chục người, và mỗi người một kiểu, tốt có xấu có, đủ thứ có.
Đi, tôi gặp nhiều người giống mình, ý tôi là những người làm những công việc chân tay, lao động phổ thông, giao hàng. Tôi rất hay quan sát những người giao hàng khác, trông họ khắc khổ, mồ hôi nhễ nhại, chắc trông tôi cũng thế. Nhiều người lớn tuổi hơn tôi, hàng hóa của họ cũng cồng kềnh hơn tôi, xe họ không tốt bằng xe tôi.
Tôi cảm thấy thương nhất là mấy người chở nước gạo, hay chính xác gọi đó là gì tôi cũng không rõ, đại loại là những thứ người ta bỏ đi, mang về cho lợn ăn. Có lần tôi chứng kiến một chị bị mấy thanh niên, “anh hùng xa lộ” quẹt phải, ngã xe đổ hết ra đường, hôi thối ai đi qua cũng bịt mũi. Khi ấy, tôi định bụng dừng lại xúm với chị ấy một tay, nhưng rất tiếc tôi đã không.
Ngày đó lâu rồi, chắc tôi học năm hai năm ba đại học gì đó. Có lẽ tôi vẫn còn sĩ diện quá, nên không dừng lại. Nhiều lúc mệt quá, tôi chán muốn dừng lại, vào quán làm mấy chai nước lạnh, nghỉ ngơi cho sướng. Nhưng nhìn mấy người như vậy, tôi chợt nghĩ: "Họ làm được, sao mình không làm được". Họ cũng như mình, đâu có gì khác. Cứ như vậy mà tôi đi hết mấy tuần thử thách.
Nhớ một hôm, khoảng 2 giờ chiều, trời mưa to, tôi không mang theo áo mưa. Không nhầm đó là đoạn đường Hùng Vương, tôi giao hàng cho một chị, mưa to quá, tôi vào chỗ quán nước gần đó ngồi chờ ngớt mưa. Tôi gọi một chai tăng lực, ngồi uống hả hê. Đói bụng quá, sang ngay hàng cơm bên cạnh, bán ngay vỉa hè, tôi ăn suất 25 nghìn.
Trong lúc ngồi ăn, tình cờ tôi nhìn sang một bác lao động, ngồi ngay bên cạnh mình, ăn toàn cơm trắng với vài miếng đậu phụ, tôi đoán suất đó khoảng 10 nghìn. Tôi ăn không hết một nửa phần của mình, vì nhìn thấy suất ăn bên kia sao khó ăn quá. Thấy vậy, tôi thấy mình lúc này vẫn còn sướng lắm. Khung cảnh lúc đó tôi không thể nào quên.
Đối diện chỗ tôi ngồi bên kia đường có một bác trai làm việc xây dựng, một cô bán hoa quả rong ngồi trú mưa, thấy cô ấy giở gói gì đó ra ăn. Mưa tạnh, họ lại đi ngay. Tôi ngồi thẫn thờ một lúc rồi đi tiếp. Cuộc đời dù chín người xấu vẫn còn một người tốt, hãy giữ niềm tin như vậy.
Đi giao hàng thế này, tôi cũng gặp không ít những chuyện vui. Phần lớn những người tôi giao hàng là phụ nữ, làm việc văn phòng. Có một chị ở Thụy Khuê, nhìn phúc hậu lắm, tôi nhớ chị ấy bởi vì nhận hàng xong chị ấy nói mấy câu làm mát lòng mát dạ lắm: "Sao em không vào kia mà đứng đợi cho mát, đứng ngoài này nắng lắm. Mà đi giao hàng kiểu gì vậy? Khẩu trang thì không đeo, dây mũ thì không cài?". Giống như một người chị quan tâm một đứa em vậy. Ấm lòng lắm.
Ở một góc độ nào đó, tôi thích cái văn hóa chỉ đường của người Hà Nội, đa số những người tôi hỏi đường là xe ôm và người địa phương, phần lớn họ đều chỉ đường tôi với thái độ thân thiện và nhiệt tình. Đôi khi đi trên đường, lúc tôi quên gạt chân chống xe, lúc thùng hàng của tôi bị nghiêng lệch, cũng nhiều người giúp lắm. Những lúc như vậy, càng làm tôi củng cố thêm niềm tin rằng, dù thế nào vẫn luôn có những người tử tế.
Sướng - khổ, thực ra không phụ thuộc vào hoàn cảnh. Bản thân tôi học được nhiều và rèn được nhiều điều qua thời gian này lắm. Tôi đã biết tiết kiệm hơn, xoay xở tốt hơn, bớt lóng ngóng hơn, sức chịu đựng cũng tốt hơn... Nhưng trên hết, tôi đã vượt qua chính mình. Bỏ lại sau lưng “cái tôi” dính mắc với vị trí xã hội. Biết đồng cảm với những con người có cuộc sống khó khăn hơn mình.
Sau lần thử đổi vị trí ấy, tôi học được bài học quan trọng, rằng sướng hay khổ là do thái độ của mình với cuộc sống. Đôi khi mình đang được sống trong một cuộc sống đủ đầy vật chất, suôn sẻ, nhưng cũng không chắc cho một cuộc sống hạnh phúc, nếu không biết trân trọng nó. Và ngược lại, có khi đang trong hoàn cảnh đầy thử thách, khó khăn cũng không hẳn rằng mình đang bất hạnh.
Còn bạn? Hãy thử một lần “khổ” hơn hiện tại nhé, tôi tin chúng ta sẽ nhận ra điều gì đó giá trị.
*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.
Theo Phạm Đại Bàng/Trí Thức Trẻ