Tiền giống như giác quan thứ 6 mà không có nó bạn không thể sử dụng tốt các giác quan khác được.
20 tuổi, tôi từng có suy nghĩ nực cười thế này: Tuổi trẻ chạy theo đồng tiền là một tuổi trẻ "xấu xí". Ngày đó, tôi thực sự không quan tâm đến tiền, và cảm thấy "dị ứng" với những người hùng hục kiếm tiền ngoài kia. Kiếm tiền để làm gì khi thời gian chẳng có để mà hưởng thụ?
Đến 24 tuổi, thật may mắn, tôi kịp thời bừng tỉnh để lao vào guồng quay kiếm tiền.
Trong một buổi phỏng vấn, khi được hỏi về mức lương mong muốn, bạn tôi trả lời:"Điều tôi cần bây giờ không phải là tiền. Khi vào đây, tôi mong muốn có cơ hội được trau dồi, phát triển bản thân trong một môi trường làm việc năng động, chuyên nghiệp."
Nhà tuyển dụng đáp:"Bạn à, tôi không quan tâm bạn đã nói những gì. Thời điểm bạn bảo bạn không làm vì tiền, tôi có thể an tâm gạch tên bạn để trao cơ hội cho những ứng viên khác được rồi."
Không có tiền bẩn, chỉ có những người "bốc mùi"
Một nguyên tắc bất di bất dịch trong kiếm tiền: Quan tâm đến những người sẵn sàng tiêu tiền vì mình. Còn với những người khác, không cần quan tâm.
Rất nhiều người có ác cảm với những người bán hàng đa cấp. Họ nói những đồng tiền những người này kiếm được là "bẩn".
Nhưng phần nào đấy trong tôi thực sự ngưỡng mộ họ, bởi họ đã thành công trong việc kiếm tiền. Những "mưu mô", "thủ đoạn" của họ có thể khiến người đời dè bỉu, coi khinh, nhưng đó là chất xám, là thành quả của thời gian miệt mài suy nghĩ cách kiếm tiền. Họ nuôi sống được bản thân họ, chăm sóc được cho gia đình họ. Chỉ thế là đủ. Họ đâu cần lãng phí thời gian để quan tâm đến nạn nhân - những người mà họ không hề quen biết. Những người phê phán những đồng tiền những người kinh doanh đa cấp kiếm được, có dám khẳng định những đồng tiền mình kiếm hoàn toàn minh bạch, liêm khiết?
Tiền bẩn hay tiền sạch đều là tiền, đều có giá trị sử dụng. Khi kiếm tiền, quan tâm đến cảm nhận của những người xa lạ là tốt, nhưng việc đấy liệu có thực sự cần thiết đến mức bắt buộc phải có?
Tiền không phải là tất cả, nhưng không có tiền thì vất vả thế thôi.
Tiền không phải là tất cả, nhưng muốn có tất cả phải cần tiền.
Vì vậy phải chăng chúng ta nên làm tất cả để có tiền?
Không có đồng tiền bẩn. Người kiếm được tiền, dù bằng bất cứ cách gì, đều phần nào nên được ngợi khen.
Những người không kiếm được tiền, xong luôn miệng chê bai, dè bỉu thành công của người khác, mới thực sự là những người "bốc mùi".
Đồng tiền là một người trọng tài công minh. Đồng tiền không bán độ, không thiên vị. Ai nỗ lực kiếm tiền hơn, đồng tiền sẽ trao phần thắng về phía người ấy.
Những người đang sống vui vẻ và hạnh phúc, đa phần đều là những người dư dả về tiền bạc. Dù sớm hay muộn, bạn cuối cùng cũng sẽ nhận ra mình cần tiền. Nhưng đừng để mình nhận ra điều này quá muộn rồi phải bẽ bàng đối mặt với những "khủng hoảng" tuổi trung niên. Khi vẫn còn trẻ, hãy nhanh chóng khao khát kiếm tiền, chỉ như vậy, bạn mới có đầy đủ sự chuẩn bị tốt nhất để vững bước tới tương lai.
"Cô A sinh năm 1988, năm 2011 sau khi tốt nghiệp trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam, cô ở lại Hà Nội mở xưởng vẽ.
Cô thường lui đến xưởng để tìm cảm hứng vẽ. Vào cuối tuần, cô trưng bày các sản phẩm của mình, không thu phí vào cửa.
Cô biết mình cần phải kiếm tiền. Nhưng với cô khi ấy, tiền chỉ là thứ yếu, cô dành nhiều sự quan tâm hơn đến việc thể hiện chất nghệ sĩ của mình. Cô muốn nhiều người tiếp cận được với các tác phẩm của cô, thích thú quan sát, tìm kiếm những người đủ khả năng để hiểu được dụng ý nghệ thuật cô lồng ghép trong các tác phẩm.
Cô cho rằng, những người làm nghệ thuật như cô, có thể nghèo, nhưng không bao giờ "hèn", thậm chí nếu may mắn, còn được nhiều người tôn trọng.
Cô không quan tâm đến tiền, kết quả tiền không đến được với cô. Lăn lộn trong nghề 3 năm, cô không những nghèo, thậm chí còn nợ nần chồng chất.
Năm 2013, cô kết hôn. Không lâu sau đó, cô hạ sinh một đứa con nhỏ. Bởi vì không có tiền, cuộc sống vợ chồng nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Cuộc sống của cô khi ấy luôn ồn ào, loanh quanh trong tiếng khóc của trẻ thơ và tiếng cãi vã với chồng…
Đến năm 2017, cô bắt đầu thay đổi suy nghĩ. Toàn bộ những "thành tựu" cô đạt được tính đến thời điểm hiện tại, hoá ra chỉ là hữu danh vô thực. Cô có thể được nhiều người biết đến, nhưng điều đó có giúp ích được gì cho cô, khi cô nghèo vẫn hoàn nghèo.
Càng giả bộ không thích tiền, càng không có động lực để kiếm tiền. Sau khi nhận ra điều này, cô đóng xưởng vẽ, ly dị chồng, tìm công việc mới, cố gắng hết sức để kiếm tiền. Cuộc sống của cô dần dần được cải thiện."
Sau khi đọc xong bài viết này, tôi cảm thấy nhột nhột.
Khi tôi học đại học, tôi không có tiền, nhưng tôi chẳng hề bận tâm, hoặc cũng có thể tôi đã giả vờ như vậy. Hồi đó tiền thì không có, nhưng trong đầu luôn ấp ủ những chuyến đi du lịch. Mỗi lần đi chơi là một lần tôi đau đầu suy nghĩ xem chi tiêu thế nào cho tiết kiệm.
Nhưng cuối cùng tôi vẫn luôn xoay sở được. Tôi "nghiện" những tour du lịch 0 đồng, nhiệt tình chia sẻ bí quyết đi du lịch giá rẻ của tôi với bạn bè. Thậm chí, tôi còn bắt đầu thấy "xót" cho những người bạn mình. Họ kiếm tiền đến hết cả thời gian, họ tiền nhiều nhưng không mua nổi hạnh phúc, thật đáng thương!
Quan điểm "Giàu bất hạnh, nghèo sung sướng" càng được củng cố vững chắc khi tôi đọc được một quyển sách viết về cuộc đời của một cô gái. Cô gái này 22 tuổi, làm việc cho một công ty nước ngoài. Sau khi làm được 1 năm, cô bỏ việc đi du lịch. Cô có thể nghèo, nhưng cô luôn cảm thấy hạnh phúc. Đọc xong tôi tấm tắc mãi, cho rằng cuộc đời thế này mới đáng sống. Tiền tài, địa vị, danh vọng, tôi không màng những thứ "tầm thường" ấy.
Những người bạn của tôi khi ấy cũng không quan tâm đến chuyện tiền nong lắm. Khi rủ nhau đi chơi, bọn tôi luôn thao thao bất tuyệt về cuộc sống tự do tự tại, không bị ràng buộc vì bất kì điều gì, được thoải mái làm những điều mình muốn.
Tôi từng có đợt đi "du lịch bụi" vào Sài Gòn với 50 ngàn trong túi. Tôi xin làm đủ mọi nghề, sau 3 tháng mới kiếm đủ tiền đề về nhà. Trong khoảng thời gian đó, tôi vẫn ba hoa với bố mẹ rằng: "Đi du lịch kiểu này mới là nhất, sau chuyến đi này con đã có nhiều trải nghiệm quý giá, không thể nào quên."
Bây giờ mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn coi tuổi thanh xuân của tôi khi ấy là khoảng thời gian đẹp nhất. Nhưng thực sự, tôi không thể hiểu nổi tại sao mình từng có suy nghĩ cổ hủ như vậy.
Nếu thời gian có thể quay trở lại, tôi sẽ nhắn nhủ bản thân: "Thời trẻ không quan tâm đến tiền, cả đời khó lòng kiếm nổi tiền."
Một người rất giàu tham dự một buổi hội thảo. Tại đây, rất nhiều câu hỏi được đưa ra cho ông, điển hình có một câu: "Tại sao anh lại giàu hơn tôi?".
Ông suy nghĩ một hồi, sau đó ôn tồn hỏi lại: "Anh có muốn kiếm tiền không?"
Người đặt câu hỏi khẳng định: "Đương nhiên rồi."
Ông hỏi tiếp: "Vậy một ngày anh dành bao nhiêu thời gian để nghĩ cách kiếm tiền? Về phần tôi, lúc nào tôi cũng trăn trở vấn đề này, thậm chí cả trong mơ tôi cũng thấy mình đang băn khoăn về điều đó. Đây là sự khác biệt giữa tôi và anh. Có thể anh cũng nghĩ làm thế nào để kiếm tiền, nhưng ngay sau đó anh sẽ tạm gác suy nghĩ của mình để đi làm việc khác. Chúng ta sử dụng thời gian vào những việc khác nhau, làm sao có thể kiếm ra cùng một đồng tiền được, đúng không?"
Chúng ta bắt buộc phải thừa nhận: "Càng "tham" tiền, càng nghĩ ra nhiều cách khác nhau để kiếm tiền, vì vậy càng có nhiều tiền."
Khi còn là sinh viên, rất nhiều người đi làm các công việc part - time để kiếm thêm thu nhập. Tôi cũng không ngoại lệ.
Tôi từng làm phiên dịch, đi dạy thêm, nhân viên Starbucks, nhân viên CGV,…Làm tất cả những công việc này, nhưng thực sự tôi không làm vì tiền, tôi làm vì tôi thấy vui, tôi làm vì tôi muốn tiêu bớt thời gian rảnh của mình.
Lên năm 4, bạn bè xung quanh tôi, người thì tất bật làm hồ sơ đi du học, người tích cực đi kiếm việc làm,…Thấy mọi người sống gấp như vậy, tôi thấy hơi hoang mang. Tôi bắt đầu có những đêm trằn trọc không ngủ được, nghĩ về tương lai. Nói một cách khác, tôi đang nghĩ sau khi tốt nghiệp đại học, mình sẽ kiếm kế sinh nhai thế nào.
Đấy là lần đầu tiên tôi thực sự suy nghĩ nghiêm túc về việc kiếm tiền.
Cuối cùng tôi chọn cách kinh doanh bán hàng trực tuyến. Tôi mở tài khoản Shopee, tìm hiểu các phương pháp, thủ thuật bán hàng. Lần đầu tiên kinh doanh, tôi tiếp cận và áp dụng triệt để một lý thuyết đơn giản giúp thu về lợi nhuận: Mua rẻ bán đắt.
Giá mua một chiếc balo da Hàn Quốc ngoài thị trường khoảng 300.000, lên Shopee thấy giá chiếc balo ấy chỉ khoảng 150.000. Lên mạng khảo giá, phát hiện một số shop bán hàng online để giá 400.000.
Móc chìa khoá bên ngoài bán 50.000, lên shopee giá chỉ còn 10.000.
Kính mắt thời trang các cửa hàng để giá 200.000/chiếc, lên Shopee 200.000 mua được 10 cái giống hệt.
Sau khi mở tài khoản Shopee, tầm nhìn của tôi được mở rộng. Trước môi trường cạnh tranh gay gắt giữa những người bán, tôi phải tìm hiểu phương pháp tối ưu công cụ tìm kiếm, cách làm content hiệu quả, cách thu hút người dùng mua hàng ở Shopee,…Tôi biết nếu không làm thế, tài khoản bán hàng của tôi trên Shopee sẽ không thể tiếp cận được khách hàng tiềm năng, và tôi mau chóng thất bại.
Bên cạnh Shopee, tôi cũng mở page trên Facebook để tăng lượt tương tác. Sau một hồi vận động, lượng người theo dõi đạt con số 2.215.
Những cố gắng của tôi đã đem lại hiệu quả. Tôi bán được hàng, ngay cả khi chúng có giá đắt hơn một số nơi khác. Bán được hàng không lâu, một số shop khác đã thuê người nói xấu chất lượng hàng của tôi. Do thiếu kinh nghiệm xử lí khủng hoảng truyền thông, tôi nghĩ bạn đoán được kết cục nào cho phi vụ kinh doanh của tôi rồi đấy.
Lần đó, tôi đã rút ra được một bài học quý báu: "Muốn kiếm tiền, phải dựa vào cái đầu. Muốn giữ tiền, phải cậy vào bản lĩnh."
Chỉ khi bạn thực sự để ý đến tiền, bạn mới có thể tìm ra phương pháp kiếm tiền. Kiếm tiền không phải chuyện khó, cái khó ở chỗ xác định bạn có thực sự muốn kiếm tiền hay không.
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả)
Theo Đình Trọng/Trí Thức Trẻ