CEO Wefit Nguyễn Khôi: Làm start-up giống như...bán giầy cho bộ tộc CHƯA BAO GIỜ đi giầy

"Tôi không sợ sản phẩm của mình bị thất bại, tôi chỉ sợ mình đơn độc...", CEO Wefit Nguyễn Khôi bộc bạch.

Nguyễn ­Khôi - Startup trẻ 27 tuổi là nhà sáng lập ứng dụng Wefit, được Forbers Việt Nam vinh danh là một trong 30 gương mặt nổi bật dưới 30 tuổi trong các lĩnh vực như kinh doanh, khởi nghiệp công nghệ, hoạt động xã hội, giải trí, thể thao…năm 2018.

PV CafeBiz đã có cuộc trò chuyện với chàng trai trẻ 9x về những khó khăn, stress trong hành trình khởi nghiệp và những chia sẻ xoay quanh cách anh vượt qua những áp lực căng thẳng của công việc và cuộc sống.

PV: Chào Khôi, Wefit hiện tại đã được khá nhiều người biết đến và sử dụng, anh có thể giới thiệu một chút về tình hình kinh doanh của mình không? 

Nguyễn Khôi: Wefit thành lập từ tháng 9 năm 2016 đến nay, với tốc độ phát triển tương đối nhanh, trung bình tăng 40%/tháng. Hiện tại Wefit có 600 đối tác bao gồm cả đối tác về Fitness và BeutySpa trên thị trường trên cả Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh với hàng chục ngàn khách hàng.CEO Wefit Nguyễn Khôi: Làm start-up giống như...bán giầy cho bộc tộc CHƯA BAO GIỜ đi giầy - Ảnh 1.

PV: Khôi là người tiên phong áp dụng công nghệ vào lĩnh vực thể thao, làm đẹp... mà người tiên phong thì chưa bao giờ dễ dàng?

Nguyễn Khôi: Làm Startup thường có những khó khăn kinh điển, đầu tiên là nghiên cứu thị trường bởi vì mô hình làm ra hoàn toàn mới, thậm chí có những thứ chưa bao giờ tưởng tượng có ở trên đời nên việc giải thích cho mọi người về sản phẩm của mình và lợi ích của nó mang lại, nhất là đối với những sản phẩm công nghệ không hề dễ dàng.

Giống như câu chuyện vui thôi: Chúng ta bán đôi giầy cho 1 bộ tộc chưa bao giờ đi giầy, công việc là phải giải thích cho họ đôi giầy là cái gì? Lợi ích của việc đi giầy chứ không chỉ đơn giản là bán hàng. Với mô hình Wefit, chúng tôi phải rất kiên trì mới có thể giải thích, thuyết phục cả khác hàng lẫn đối tác, thay đổi nhận thức của rất nhiều người về việc rèn luyện sức khỏe. Đây là một công việc thực sự rất khó khăn khi khởi nghiệp.

Thứ 2 đa phần các Startup trẻ đều gặp những khó khăn về tài chính, vốn của anh em không có nhiều mà luôn phải sống trong áp lực phải làm ra sản phẩm rất nhanh để tấn công vào thị trường và tránh sự cạnh tranh của các "ông lớn". Có những lúc anh em rất khổ sở, tôi đã phải nợ lương mọi người vì không đủ tiền trả và phải chờ cho đến khi có đủ vốn từ các nhà đầu tư.

PV: Đã bao giờ khó khăn đến mức anh muốn từ bỏ đứa con tinh thần của mình chưa?

Nguyễn Khôi: Đó là mối lo thường trực trong tôi, liệu ngày mai mình tỉnh dậy có còn đủ sức để theo đuổi công việc này không. Bởi vì các startup trẻ đều hiểu công việc của họ có mức độ rủi ro rất cao mà thành công thường rất ít, nhưng nếu đã thành công thì rất rực rỡ. Tôi luôn băn khoăn là mình có đủ sức để tồn tại đến khi có thành quả được hay không. Mỗi lúc như thế tôi lại quay lại nhìn lý do mình đã bắt đầu để vượt qua những khó khăn, áp lực đó.

PV: Vậy lý do anh bắt đầu là gì?

Nguyễn Khôi: Đối với cá nhân, tôi luôn khát khao làm thứ gì đó có sức ảnh hưởng đến nhiều người, tạo ra một điều gì đó vĩ đại mang tên mình. Đích đến của tôi là dùng công nghệ thay đổi cuộc sống của nhiều người để có thể thay đổi một số vấn đề nhân văn trong xã hội như sức khỏe, giáo dục…

PV: Lý do vì sao khi đang rất thành công ở Topica anh lại từ bỏ để theo đuổi sự nghiệp của mình khi mọi thứ vẫn còn đang rất sơ khai?

Nguyễn Khôi : 2 năm ở Topica tôi học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm quý báu, tôi đã có thành tựu nhất định đó là phát triển thành công phần mềm Edumall, đây là một sản phẩm rất tâm huyết. Tôi thấy Topica là một môi trường rất tốt, rất phù hợp với mình nhưng có vẻ lại quá an toàn khiến những áp lực cũng như là động lực trong tôi đang dần mất đi. Tôi quyết định nghỉ để thoát ra vòng an toàn đó và tạo cho mình một thử thách lớn hơn.

PV: Quyết định "bơi ra biển lớn" vốn chẳng bao giờ dễ dàng, thậm chí xuất hiện nỗi ân hận và bế tắc...

Nguyễn Khôi : Trong lúc làm Wefit có những thời điểm vô cùng khó khăn và cuộc đời thật oái oăm khi nhiều sự không may mắn đều đến cùng một lúc. Gia đình có chút rắc rối, công việc gặp quá nhiều mệt mỏi, trục trặc, có lúc tôi rơi vào trạng thái căng thẳng tột độ.

Khoảng tháng 4/2017 vừa rồi là một khoảng thời gian rất khó khăn với Wefit và cả với bản thân tôi: Công ty vừa mới có một chiến dịch rất lớn, tài chính gần như đã hết sạch nhưng kết quả không hề như kì vọng: tiền thì cứ mất nhưng lại không có doanh số, chúng tôi thực sự chưa biết làm thế nào để thuyết phục khách hàng sử dụng dịch vụ của mình. Đó là khoảng thời gian "ngàn cân treo sợi tóc" của Wefit, chấp chới giữa việc đi tiếp hay dừng lại.

Và tôi đã phải huy động tất cả mọi người đã cùng nhấc máy để gọi điện cho khách hàng, cùng họp lại để thay đổi kịch bản Sale, cùng nhau lắng nghe nhu cầu thưc sự của khách hàng để thay đổi, cải tiến chất lượng dịch vụ cũng như nhận thức của khách hàng. Một tháng ấy ngày nào chúng tôi cũng gọi điện từ sáng đến tối. Cứ cuối mỗi ngày mọi người đều ngồi lại để phân tích xem mình còn chưa tốt chỗ nào để cùng nhau khắc phục.

Lúc đó cũng là lúc Wefit bị khủng hoảng về nhân sự vì giữa những người mới và người cũ khi chưa hiểu nhau nên gặp rất nhiều mâu thuẫn. Tôi vô cùng lo lắng chuyện người ở người đi, mà bạn biết đấy "an cư" thì mới "lạc nghiệp" được, cũng như ổn định đội ngũ nhân sự thì bộ máy mới có thể vận hành tốt được.

CEO Wefit Nguyễn Khôi: Làm start-up giống như...bán giầy cho bộc tộc CHƯA BAO GIỜ đi giầy - Ảnh 2.

PV: Quá nhiều khó khăn bủa vây, hẳn nhiên trong anh, những nỗi sợ hãi đã có thể gọi được tên?

Nguyễn Khôi: Tôi không sợ sản phẩm của mình bị thất bại, tôi chỉ sợ mình đơn độc, tôi sợ mọi người không còn tin mình nữa. Khi mình đã ở vị trí dẫn đầu thì mình và mọi người đã có một khoảng cách nhất định rồi. Nếu có xảy ra sự mất đoàn kết thực sự tôi rất đau lòng bởi vì tôi luôn coi họ là những người anh em của mình dù tôi cũng biết có những người chỉ gắn bó với mình một đoạn đường.

PV: Trong giai đoạn khó khăn, anh đã trải qua những căng thẳng và áp lực nhưng đến bây giờ khi đã có thành công nhất định thì những áp lực, căng thẳng ấy có còn thường trực? 

Nguyễn Khôi: Khi công việc ngày càng tiến triển, bản thân càng dễ rơi vào trạng thái stress hơn. Bản thân mình có nhiều  nỗi sợ hơn, sợ nhất là bị mất những thứ mà mình đã nỗ lực rất nhiều mới có được, không còn với tâm thế "không có gì để mất" như thời kỳ đầu. Chưa kể, kì vọng của mọi người, của xã hội và kì vọng của chính bản thân mình vào con đường, lựa chọn của mình cũng tăng lên. Nó cũng tạo ra một áp lực vô cùng lớn. Tôi sợ thất bại sẽ tạo ra hiệu ứng tiêu cực, ảnh hưởng đến nhiều người.

PV: Hầu như trong chúng ta, bất cứ ai cũng đã từng rơi vào trạng thái stress trong công việc, cuộc sống, gia đình... Mỗi người sẽ có cách riêng để "chung sống" hoặc vượt thoát khỏi nó. Với riêng anh, anh sẽ làm cách nào để đi qua chuỗi ngày u ám ấy?

Nguyễn Khôi: Tôi nghĩ rằng mệt mỏi, căng thẳng là một phần của cuộc đời, là gia vị không thể thiếu, cũng như hỷ - nộ - ái - ố luôn tồn tại trong cuộc sống con người, mình không nên gạt bỏ đi và xoáy quá sâu vào nó.

Trước đây khi có một khách hàng chê sản phẩm, chê chính tâm huyết của mình, tôi sẽ thấy buồn và dằn vặt rất lâu. Còn bây giờ tôi đã tự biến sự không vui ấy thành sức mạnh, tôi sẽ tìm mọi cách để làm cho sản phẩm của mình phù hợp hơn, tốt hơn.

Thậm chí, có khi bị khách hàng mắng rất thậm tệ, ví như khách hàng khi đi tập không tuân thủ nội quy khiến đối tác của tôi cắt hợp đồng, lúc ấy lại chính khách hàng quay sang trách mình không giữ được đối tác. Tôi và nhân viên luôn bình tĩnh lùi lại một bước để giải quyết cảm xúc tiêu cực của mình trước, tránh làm ảnh hưởng đến khách hàng. Tôi luôn tìm những điều tích cực, làm những điều khiến mình cảm thấy vui để tạm thời quên đi những cảm xúc tiêu cực. Khi đầu óc thực sự tỉnh táo, bình tĩnh, tôi mới giải quyết vấn đề một cách ngọn ngành.

Tôi thường tìm kiếm niềm vui ở những điều nhỏ bé, vụn vặt để giải tỏa stress hoặc tìm những người để có thể chia sẻ, trò chuyện. Và quan trọng hơn, tôi biết đằng sau mình là một đội ngũ lớn, tôi không bao giờ cho phép bản thân quên đi trách nhiệm của một leader, tuyệt đối không để thất bại vì có thể làm ảnh hưởng tới nhiều người khác. Tôi chọn đối diện với áp lực, stress và khống chế chúng một cách thông thái.

PV: Anh có lời khuyên thế nào với những người trẻ, những người mà luôn luôn đối diện với áp lực công việc và cuộc sống?

Nguyễn Khôi: Tôi nghĩ các bạn hãy giữ một cái đầu luôn mở và một tinh thần luôn lạc quan. Cần xác định rõ đích đến của mình, nên coi mọi thất bại chỉ là những bụi rậm ở ven đường. Đừng quên nghỉ ngơi và tận hưởng cuộc sống. Không nên tự bóp nghẹt mình trong những khuôn khổ chật hẹp, luôn linh hoạt, sáng tạo để thay đổi. Hãy nhớ rằng, mọi con đường đều dẫn đến thành Rome mà!

PV: Cảm ơn Nguyễn Khôi về những chia sẻ này!

Theo Phúc Lê/Trí Thức Trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ceo-wefit-nguyen-khoi-lam-start-up-giong-nhu-ban-giay-cho-bo-toc-chua-bao-gio-di-giay-a21701.html