Bà Nguyễn Thị Nga làm Chủ tịch Hapro, DN nhiều đất vàng nhất Hà Nội
Sau khi một công ty con của BRG bỏ ra gần 2.000 tỷ đồng để trở thành cổ đông chiến lược tại Hapro, bà Nguyễn Thị Nga được bầu làm chủ tịch của doanh nghiệp này.
Sáng 24/6, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2018, thông qua kế hoạch kinh doanh sau cổ phần, bầu hội đồng quản trị (HĐQT) và ban kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ 2018-2023.
Danh sách ứng viên HĐQT gồm 5 cá nhân là bà Nguyễn Thị Nga (Chủ tịch Tập đoàn BRG, Phó chủ tịch Ngân hàng TMCP Đông Nam Á - SeABank), bà Trần Thị Tuyết Nhung (Chủ tịch Vinamotor), bà Nguyễn Thị Hằng; ông Vũ Thanh Sơn và ông Trần Tuấn Anh.
Bà Nguyễn Thị Nga được bầu làm tân Chủ tịch Hapro; ông Vũ Thanh Sơn là Tổng giám đốc.
Tại đại hội, các vấn đề cổ đông Hapro mong muốn là định hướng phát triển kinh doanh, tình hình sử dụng nhiều khu đất vàng ở Hà Nội. Cổ đông đề xuất chuyển đổi phương thức sử dụng đất sang đầu tư bất động sản, để giúp doanh nghiệp gia tăng lợi nhuận.
Trả lời cổ đông, bà Nguyễn Thị Nga cho biết sau cổ phần hóa, Hapro sẽ giữ nguyên hoạt động cốt lõi, phát triển các sản phẩm và tập trung vào xuất khẩu. Toàn bộ nhân viên của công ty sẽ vẫn tiếp tục làm việc bình thường, không ai phải nghỉ việc.
Tuy nhiên, HĐQT sẽ tái cơ cấu lại bộ máy công ty, từ phó tổng giám đốc trở lên, sắp xếp và cơ cấu lại lao động theo năng lực phù hợp với từng vị trí.
Với đề xuất của cổ đông chuyển hoạt động kinh doanh của công ty tập trung sang bất động sản, bà Nga cho rằng hiện nay chuyển đổi hình thức sử dụng đất không đơn giản. Nếu như muốn mua lại đất thuê lâu dài phải nộp tiền theo giá thị trường.
Mặt khác, trước khi cổ phần hóa, UBND TP. Hà Nội đã thu lại 63 điểm bán hàng của Hapro, trong đó có nhiều điểm vị trí rất đẹp tại phố Hàng Khay, Hàng Bồ… Ngay cả miếng đất lớn rộng khoảng 23 ha tại huyện Đông Anh đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư cũng phải trả lại.
Sau cổ phần hóa, nhà đầu tư chiến lược Vinamco (một công ty con của Tập đoàn BRG) nắm 65% vốn của Hapro, người lao động giữ 0,45% vốn và cổ đông khác (chào bán qua IPO) nắm 34,55%.
Doanh nghiệp đặt mục tiêu năm 2018 đạt kim ngạch xuất khẩu 115 triệu USD, tăng 31% so với năm 2017. Doanh thu toàn tổng công ty 6.400 tỷ đồng, lãi trước thuế khoảng 70,5 tỷ đồng.
Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã có quyết định phê duyệt cho Vinamco mua toàn bộ 65% cổ phần Hapro và trở thành cổ đông chiến lược. Theo tính toán, Vinamco phải bỏ ra ít nhất 1.830 tỷ đồng để sở hữu 65% cổ phần Hapro.
Hapro được biết là một trong những doanh nghiệp Nhà nước có quỹ đất nhiều bậc nhất thủ đô. Trước cổ phần hóa, công ty quản lý và sử dụng 183 cơ sở nhà đất. Theo phương án phê duyệt, sau cổ phần hóa, Hapro được giao nắm giữ 114 địa điểm là cơ sở nhà, đất tại Hà Nội và các tỉnh thành.
Loạt đất vàng mà Hapro nắm giữ sau cổ phần có thể kể đến như: số 19-21 Đinh Tiên Hoàng (280 m2), nhà số 1 Điện Biên Phủ (500 m2); nhà số 135 Lương Đình Của (1.843 m2); địa chỉ C12 Thanh Xuân Bắc (1.780 m2); D2 Giảng Võ (1.230 m2)…
Doanh nghiệp còn sở hữu tổ hợp thương mại văn phòng 15 tầng số 11B Cát Linh (2.933 m2); phòng 15 tầng số 11B Cát Linh (2.933 m2); tòa nhà số 362 Phố Huế (7 tầng nổi, 1 tầng hầm có diện tích đất 618 m2); dự án trung tâm thương mại văn phòng số 5 Lê Duẩn (cao 9 tầng diện tích đất 1.624 m2); trung tâm kinh doanh chợ Thượng Đình (3.108 m2)...
Ngoài ra, đơn vị này được tiếp tục sở hữu hàng loạt khu công nghiệp thực phẩm; trung tâm kinh doanh chợ đầu mối Bắc Thăng Long; dự án điểm đỗ xe; cụm nhà ở với diện tích đất lên đến hàng trăm nghìn m2... Tại các tỉnh thành khác, Hapro cũng sở hữu loạt khu đất có diện tích không hề nhỏ.