CTCP Tập đoàn Minh Phú (MPC) của vợ chồng ông Lê Văn Quang và bà Chu Thị Bình vừa thông qua Nghị quyết HĐQT về việc không hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty. Theo đó HĐQT cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tối đa 100% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Việc mở room ngoại lên 100% cũng là bước đệm để đón thêm các nhà đầu tư mới của Minh Phú.
Trước đó, ngày 12.6.2018, Tập đoàn Minh Phú vừa chốt danh sách cổ đông phát hành hơn 68,46 triệu cổ phiếu thưởng do tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ phát hành 1:1, tăng vốn điều lệ lên gấp đôi.
Việc tăng vốn nằm trong kế hoạch tăng vốn lên gấp 3 và quay lại sàn HOSE sau 3 năm hủy niêm yết tự nguyện của "vua tôm" Minh Phú. Kế hoạch này đã được ĐHCĐ thường niên năm 2018 thông qua.
Đây là lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ qua, vợ chồng Chủ tịch MPC Lê Văn Quang chấp nhận giảm tỷ lệ sở hữu tại Minh Phú để nâng cao sức mạnh tài chính và bổ sung nguồn vốn hoạt động cho doanh nghiệp. Những quyết định gần đây của vợ chồng “vua tôm Minh Phú” Lê Văn Quang - Chu Thị Bình nằm trong kế hoạch phát triển MPC trở thành doanh nghiệp thủy sản số 1 Việt Nam và để thực hiện giấc mơ doanh thu thủy sản tỷ USD vốn đã được đề ra từ cách đây 5-6 năm.
Rời sàn và sự tụt dốc của “vua tôm Minh Phú”
Cách đây hơn 3 năm, hồi cuối tháng 3.2015, Thủy sản Minh Phú đã chính thức hủy niêm yết tự nguyện tại Sở GDCK TP.HCM (HOSE) với mức giá đóng cửa khi đó là 122.000 đồng/cổ phiếu.
Lý do rời sàn khi đó được ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Thủy sản Minh Phú, giải thích công ty dự định tăng vốn thêm 20% và tìm đối tác ngoại để bán một nửa cổ phần, nhằm thực hiện chiến lược mở rộng kinh doanh ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Nhưng việc niêm yết trên sàn chứng khoán gây cản trở cho kế hoạch này, bởi giới hạn room ngoại ở mức 49%.
Tuy nhiên, sau khi rời sàn, tình hình kinh doanh của Minh Phú không đạt được như mong đợi. Năm 2015, doanh thu của Minh Phú đạt 12.472 tỷ đồng, chỉ bằng 82% so với doanh thu năm trước đó và lỗ hợp nhất 6,9 tỷ đồng. Năm 2016, tình hình kinh doanh của Minh Phú được cải thiện khi doanh thu đạt 12.064 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 81,89 tỷ đồng, hoàn thành 86% kế hoạch năm.
Năm 2017, tình hình cải thiện tốt hơn với doanh thu thuần đạt 16.853 tỷ đồng, tăng 41% và đạt mốc cao nhất kể từ khi niêm yết. Lợi nhuận sau thuế lên đến 714 tỷ đồng, gấp 8,7 lần so với 2016. Tuy vậy, kết quả này chỉ mới hoàn thành 85% kế hoạch lợi nhuận đặt ra hồi đầu năm.
Tuy vậy, một điểm đáng lưu ý, đó là tổng nợ phải trả của Minh Phú tại ngày 31.12.2017 là 6.506 tỷ đồng, gấp gần 2,2 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó tăng vay nợ ngân hàng ngắn hạn gấp 1,9 lần đầu năm 2017 lên gần 3.476 tỷ đồng và vay từ trái phiếu doanh nghiệp gần 2.043 tỷ đồng.
Có thể thấy, sau 2 năm rời sàn với một kế hoạch tham vọng, Minh Phú dường như chưa thực hiện được những kế hoạch mà mình ấp ủ, mà hiện mới chỉ tìm lại phong độ của thời kỳ trước. Với những khó khăn của ngành thủy sản thời gian qua gây tác động không nhỏ tới tình hình kinh doanh của Minh Phú, việc rời sàn của cổ phiếu MPC cũng có thể coi là một bước đi “tránh bão”. Tuy nhiên, trở lại với thị trường chứng khoán trong thời gian tới, Minh Phú sẽ phải tốn không ít công sức để lấy lại vị thế cổ phiếu top đầu ngành thủy sản.
Quay lại sàn Minh Phú có gì?
Tuy nhiên, sau một thời gian dài rời sàn, vốn điều lệ của MPC nhà vợ chồng ông Lê Văn Quang - Chu Thị Bình gần như không thay đổi, vẫn ở mức 700 tỷ đồng như cả thập kỷ qua.
Hiên tại, giới hạn room đã được gỡ bỏ và đây là lý do MPC quay trở lại sàn chứng khoán để huy động thêm vốn, tăng năng lực tài chính, giảm rủi ro, tránh phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Kế hoạch tăng vốn lần này được đưa ra trong ĐHCĐ thường niên năm 2018 vừa qua và gắn liền với việc trở lại niêm yết trên HOSE.
MPC quay sàn niêm yết với mục tiêu xuất khẩu 800 triệu USD ngay trong năm 2018, so với mức 692 triệu USD năm 2017. Đây cũng là 1 phần trong kế hoạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD mà ông Lê Văn Quang đã đề cập tới từ vài năm trước đây.
Theo báo cáo tài chính quý I.2018, doanh thu thuần của Minh Phú đạt 3.071 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán tăng chậm hơn mức tăng của doanh thu ở mức 11,5%, đạt 2.686 tỷ đồng. Do đó, Lợi nhuận gộp của Minh Phú đạt gần 385 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với quý 1/2017.
Chi phí tài chính của công ty giảm 26,1 tỷ đồng so với cùng kỳ, đạt 53,8 tỷ trong khi chi phí bán hàng tăng lên 46,5 tỷ đạt 192 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các loại chi phí, Minh Phú ghi nhận mức lãi sau thuế đạt 101,7 tỷ đồng, tăng 138% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến ngày 31.3.2018, tổng tài sản của Minh Phú đạt 8.322 tỷ đồng, giảm 1.188 tỷ đồng so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn của công ty giảm 1.175 tỷ đồng trong đó các khoản tương đương tiền giảm 743 tỷ đồng và khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng giảm 370 tỷ đồng. Hàng tồn kho giảm 83 tỷ đồng so với đầu kỳ.
Các khoản nợ phải trả của công ty giảm 1.229 tỷ đồng trong đó nợ ngắn hạn giảm 565 tỷ đồng và nợ dài hạn giảm 664 tỷ đồng, đây cũng là lý do giúp cho công ty cắt giảm được chi phí tài chính trong kỳ.
Sau hơn 3 năm rời sàn, cổ phiếu MPC hiện có giá khoảng 40.000 đồng/cp (đã điều chỉnh), thấp hơn khá nhiều so với mức giá trước khi rời sàn.
Bà Chu Thị Bình, vợ ông Lê Văn Quang, gần đây dính vào vụ việc bị mất 245 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm gửi tại Ngân hàng Eximbank. Bà Bình hiện đang nắm giữ 17,47 triệu cổ phiếu của MPC, chiếm khoảng 24,96% vốn điều lệ của công ty, trị giá hơn 1,2 ngàn tỷ đồng. Bà Chu Thị Bình hiện là phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó TGĐ Minh Phú
Theo Nguyễn Ngân/Dân Việt