Giữa lúc nhiều hãng xe nước ngoài lớn như Toyota, Honda, Mitsubishi, Tesla, GM hay VinFast (Việt Nam) đang nỗ lực phát triển các dòng xe điện thế hệ mới thì nhà đầu tư Trung Quốc Tianqi Lithium đang âm thầm xúc tiến một thương vụ đắt giá: chi 4,1 tỉ USD để sở hữu 24% cổ phần trong nhà sản xuất lithium hàng đầu thế giới SQM (Chile). Trước đó, doanh nghiệp này đang vận hành 2 trong số các mỏ lithium lớn nhất thế giới tại Trung Quốc và đang xây dựng một nhà máy mới tại Úc. Nếu thương vụ mua lại cổ phần ở SQM thành công, Tianqui có thể sẽ kiểm soát đến 70% tổng lượng cung lithium trên toàn cầu và có thể tạo ra tầm ảnh hưởng rất sâu rộng.
Giá mỗi tấn nguyên liệu lithium đã tăng chóng mặt trong thời gian qua, từ 6.500USD năm 2015 lên gần 20.000USD những tháng đầu năm 2018. Đáng nói là cơn sốt giá này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhưng vì sao lithium lại gây sốt như vậy? Câu trả lời là do ăn theo cơn sốt khác mang tên ô tô điện. Hiện nhiều hãng xe đang chạy đua phát triển các dòng xe điện để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, cũng như nhằm thay thế các dòng xe chạy bằng xăng và diesel truyền thống theo lộ trình cắt giảm khí khải mà chính phủ nhiều nước đang triển khai.
Volkswagen cho biết sẽ sản xuất ít nhất 2 triệu chiếc xe điện mỗi năm kể từ năm 2025. Ford lên kế hoạch đầu tư 11 tỉ USD vào 13 mẫu xe điện mới trong 5 năm tới. Tại Volvo, tất cả các dòng xe sẽ được trang bị động cơ điện kể từ năm 2019. Toyota thì đặt mục tiêu bán 1 triệu chiếc xe điện vào năm 2030... Một số nhà phân tích cho rằng nhu cầu xe điện sẽ bắt đầu vượt qua xe chạy bằng xăng kể từ năm 2030, mang lại triển vọng kinh doanh sáng sủa cho các hãng nếu đầu tư ngay từ thời điểm này.
Lithium được xem là “hàng hiếm” trong ngành ô tô điện do là nguyên liệu chính để chế tạo pin. Việc sở hữu các mỏ lithium quan trọng không những giúp doanh nghiệp Trung Quốc đảm bảo nguồn cung ứng đầu vào cho ngành ô tô nước nhà, mà còn giúp thu được lợi nhuận đáng kể từ việc kinh doanh khi nhu cầu xe điện đang đứng trước ngưỡng cửa bùng nổ.
Lo sợ tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của các nhà đầu tư Trung Quốc, các hãng xe khác đang nỗ lực bảo đảm nguồn cung ứng lithium với mức giá ổn định trong các năm tới. BMW đang đàm phán ký kết hợp đồng dài hạn với nhà cung ứng, trong khi Tesla vào đầu tháng 5 đã ký hợp đồng thu mua lithium dài hạn với Kidman Resources (Úc). Cuộc chiến kiểm soát các mỏ lithium cũng nóng lên.
Đó còn là nguy cơ bong bóng tài sản. Nhu cầu tăng đã kéo theo nhiều mỏ quặng lithium hơn xuất hiện ở Chile, Úc, Bolivia hay Trung Quốc. Việc gia tăng nguồn cung lithium trong các năm tới có thể đẩy giá bán giảm sâu kể từ năm 2021, theo dự báo của Morgan Stanley. “Chúng tôi dự báo 2018 sẽ là năm cuối cùng thiếu hụt lithium. Kể từ năm 2019, tình hình sẽ thay đổi theo chiều hướng ngược lại”, các chuyên gia Morgan Stanley cảnh báo.
Muốn chiếm phần thắng trong cuộc đua lithium là không dễ khi rào cản và rủi ro là khá lớn. Đã xuất hiện hoài nghi về khả năng hỗ trợ ngầm về tài chính của Chính phủ Trung Quốc trong kế hoạch bành trướng của tập đoàn khoáng sản nước này, như trong trường hợp của Tianqui. Tianqui xuất thân từ quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước năm 2004 và khó tránh khỏi các mối quan hệ “sâu sắc” với giới chức chính phủ - điều này có thể là lý do để một số quốc gia cản trở các thương vụ thâu tóm của nhà đầu tư Trung Quốc.Đầu năm nay, Toyota mua 15% cổ phần của nhà khai thác quặng Orocobre (Argentina), trong khi Ganfeng Lithium (Trung Quốc) thâu tóm xong Lithium Americas (Canada) hay đang chạy đua với nhiều đối thủ khác để mua lại 49% cổ phần trong mỏ quặng Wodgina (Úc).
Sơn Thanh/NCDT
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/the-gioi-gianh-giat-cac-mo-lithium-a22985.html