Gửi các bạn chưa giàu: Khuếch đại khó khăn chỉ dành cho kẻ yếu bóng vía; bạn xuất phát điểm có thể nghèo, nhưng tuyệt đối tư duy không thể nghèo!

"Người giàu biết nhìn xa trông rộng, kẻ nghèo chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt."

Gửi các bạn chưa giàu: Khuếch đại khó khăn chỉ dành cho kẻ yếu bóng vía; bạn xuất phát điểm có thể nghèo, nhưng tuyệt đối tư duy không thể nghèo!

15 năm trước, sau khi tốt nghiệp đại học, bởi vì yêu thích viết lách, lãnh đạo khoa tìm tôi, nói rằng nếu tôi nguyện ý ở lại trường, ông sẽ giúp tôi giữ lại một chỗ, nhưng điều kiện trước tiên là tôi phải nộp về nhà trường 30 triệu làm tiền đảm bảo, nhưn khoảng tiền này tương lai sẽ được hoàn trả lại

Lúc đó chỉ nghiên cứu sinh mới có đủ tư cách ở lại trường, còn tấm bằng duy nhất trên tay tôi cử nhân.

Khi đó, học phí nửa năm của tôi gói gọn trong 2 triệu, tiền sinh hoạt phí không vượt quá 300 nghìn, tiền nhuận bút một bài chưa đến 50 nghìn.

Bởi vậy, 30 triệu đối với tôi mà nói, giống như một con số trên trời xa vời tít tắp.

Tôi nghĩ đến ba mẹ tôi, những người suốt ngày quần quật làm việc, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, chẳng dễ dàng gì mới chu cấp cho tôi học lên đến đại học, nếu như chỉ về vấn đề ở lại trường mà khiến họ lại phải vất vả chạy vạy ngược xuôi vay mượn, nghĩ như thế nào cũng cảm thấy cực kì áy náy.

Tôi không cho phép bản thân nói điều này với cha mẹ, suy nghĩ thâu đêm mấy ngày liền, tôi đến báo cáo lại với lãnh đạo khoa: "em cảm ơn thầy, nhưng em không muốn ở lại trường, em muốn đi làm."

Sau đó, những bạn học tôi những người dùng đủ mọi cách để được ở lại trường, người thì học lên thạc sĩ, rồi học lên tiến sĩ và trở thành những các bộ chủ chốt của trường, người thì được mời về các công ty lớn làm việc.

Còn tôi về một tòa báo địa phương làm một anh nhà báo quèn, tiền lương cộng tiền nhuận bút tằn tiện lắm mới đủ nuôi sống bản thân, cũng phải đi tìm một con đường khác.

Nhiều năm sau đó, khi 30 triệu không còn là vấn đề khó khăn gì tới tôi, thời gian đủ dài để tôi có thể tiếp nhận quá khứ và dũng cảm để kể câu chuyện được giữ lại trường của mình với cha mẹ.

Ba tôi mắt đỏ nói với tôi: "Người giàu biết nhìn xa trông rộng, kẻ nghèo chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt."

Gửi các bạn chưa giàu: Khuếch đại khó khăn chỉ dành cho kẻ yếu bóng vía; bạn xuất phát điểm có thể nghèo, nhưng tuyệt đối tư duy không thể nghèo! - Ảnh 1.

Những đứa trẻ con nhà nghèo đều có chung một bệnh, là rất dễ dàng rơi vào tình trạng tự ti, tự trách bản thân, rất sợ vấn đề của mình trở thành gánh nặng lớn cho cha mẹ. Thực ra, năm đó, nếu như tôi kể với gia đình mình, cho dù có phải chạy vạy vay mượn khắp nơi, thậm chí gán nhà, bán đất, ba mẹ tôi cũng sẽ giúp tôi nghĩ cách để gom đủ số tiền. Bởi vì không phải sinh viên nào cũng có cơ hội tốt như vậy.

Hóa ra, lỗi mà những đứa trẻ nghèo rất dễ mắc phải nhất, đơn giản chỉ là bởi vì nghèo, nên nhìn không đủ xa, luôn luôn sợ việc của mình sẽ trở thành áp lực kinh tế cho gia đình, bởi vậy chủ động từ chối sự giúp đỡ từ bên ngoài... mà quên mất rằng, có nhiều lúc, có rất nhiều cách để giải quyết vấn đề, chỉ là bản thân có nguyện ý đi làm hay không?

14 năm trước, khi tôi đi làm được 2 năm, đơn vị tổ chức cho cán bộ công nhân viên thi bằng lái xe, mỗi người chỉ cần nộp 1 triệu 500 ngàn là có thể đến trường dạy nghề học lái. Trong vòng 5 năm, chỉ cần thi đỗ bất kì lúc nào có thể nhận được bằng lái.

Lúc đó, đồng nghiệp xung quanh tôi chuộng dùng Nokia, và Motorola, trong bãi đỗ xe của đơn vị chỉ có lưa thưa vài chiếc xe quân dụng, chứ đừng nói đến mấy hãng xe xa xỉ.

Tôi đứng ở phòng lấy tin lầu ba, nghĩ đến tiền lương một tháng của mình còn chưa nổi 3 triệu, kèm theo đó là tiền thuê nhà, tiền ăn uống sinh hoạt, …,bao nhiêu là thứ tiền, nghĩ, nghĩ, nghĩ mãi mà chẳng thấy tí tương lai nào.

Tự nhủ với mình, trong 10 năm có thể ở thành phố này mua được một căn nhà, đối với tôi đó là một việc chẳng hề dễ dàng gì, làm gì còn dư tiền mà mua xe?

Bởi vậy, thi bằng lái là điều không cần thiết, bởi vậy lại một lần nữa tự ép mình không đi báo danh.

Sau đó, những đồng nghiệp báo danh đi thi đều lấy được bằng lái, đồng thời đều mua được những con xe cho riêng mình, không qua đắt nhưng đủ phục vụ việc đi lại.

Tiếp sau đó, chỉ trong một vài năm ngắn ngủi, thi một bằng lái xe đã lên tới hàng chục triệu, những nhãn hàng điện thoại làm mưa làm gió một thời bị thu mua, không phá sản. Bãi đỗ xe của tòa soạn cũng bắt đầu xuất hiện những con xe Audi.

Người từng cảm thấy cuộc sống rơi vào bế tắc là tôi, cũng đã có nhà, có xe, và kết hôn.

Lúc đó, tôi mới dần dần lĩnh ngộ được.

Bần hàn - vì sao lại có thể kìm nén sức tưởng tượng của con người? Là bởi đối với những thanh niên sinh ra trong một gia đình nghèo khó, áp lực kinh tế luôn luôn đè nặng trên đôi vai của họ, vô hình chung nó trở thành bức tường rào cản tâm lý ngăn cản họ với thế giới xung quanh.

Họ luôn luôn sợ tuyệt vọng sẽ thay thế khát vọng, nên đâu dám ước mơ. Họ luôn luôn sợ hãi thất bại sẽ đánh bại thành công, bởi vậy không dám nghĩ, cũng chẳng đủ can đảm để làm.

Mà quên mất rằng, tài sản lớn nhất của mình chính là tuổi trẻ, và nỗ lực sẽ thay đổi tất cả, "không có việc gì khó chỉ sợ lòng không bền". Chỉ cần nỗ lực không ngừng nghỉ tiến về phía trước, tất cả khả năng đều có thể xảy ra.

Gửi các bạn chưa giàu: Khuếch đại khó khăn chỉ dành cho kẻ yếu bóng vía; bạn xuất phát điểm có thể nghèo, nhưng tuyệt đối tư duy không thể nghèo! - Ảnh 2.

Tôi có một người bạn, vừa mới đi làm chưa đầy một năm, tiền lương một tháng chỉ 8,9 triệu , tiền sinh hoạt phí, điện nước, thuê trọ, số tiền dư lại còn chẳng đáng là bao.

Nhưng công ty đó vừa mới lên sàn, rất có tiền đồ, lãnh đạo công ty cũng rất xem trọng năng lực của cô ấy, tiếp tục làm thêm nửa năm, hứa hẹn tiền lương sẽ lên đến hàng chục triệu.

Nhưng hiện tại, cha của cô ấy đang lâm bệnh nặng, sau khi phẫu thuật xong không thể rời khỏi giường, tình trạng càng ngày càng nghiêm trọng.

Cậu em trai nhỏ vẫn chưa hiểu chuyện, đang học cấp 3, sắp bước chân vào cánh cửa đại học, mà  học đại học xong cũng tốn rất nhiều tiền. Sức khỏe của mẹ không đủ tốt, thêm cú sốc cha ngã bệnh, kinh tế gia đình càng khó khăn hơn.

Hiện tại, cô ấy muốn từ bỏ công việc này, đi kiếm một công việc khác gần nhà, cho dù lương chỉ có 4,5 triệu để có thể chăm sóc cha, chia sẻ việc nhà với mẹ.

Tôi có thể hiểu được tâm trạng của cô ấy, nhưng tôi nói với cô ấy: "Những người quay trở về những địa phương nhỏ, đều không thể đi xa. Ngược lại những người ở lại thành phố lớn, đều rất ít người hối hận vì không quay trở lại địa phương".

Đối với những đứa trẻ nhà nghèo, luôn luôn tồn tại quan niệm chữ hiếu, lớn hơn cả cái tôi của mình,

Vậy nên đừng vì gia cảnh nghèo, càng không nên vì sự khó khăn trước mắt mà từ bỏ vị trí cao hơn.

Cùng với sự cố gắng làm tất cả vì gia đình, quan trọng nhất vẫn là tích cực bôn ba hoàn thiện bản thân mình.

Có như vậy, bạn của ngày mai, mới có thể trở thành niềm hi vọng của chính mình và gia đình.

Luôn luôn sợ năng lực của bản thân mình không đủ, trở thành gánh nặng, làm lỡ hạnh phúc của gia đình, chính là điểm yếu của rất nhiều người nghèo.

Nhưng hãy thử ngẫm nghĩ:

Gia đình bình an hòa thuận, mới là tài sản lớn nhất của một gia đình .

Thế nên, những bạn trẻ con nhà nghèo:

Đừng bao giờ vì nghèo, mà không nhìn thấy ánh sáng tỏa ra từ trên người mình.

Nghèo không phải lỗi của bạn, đừng bao giờ khuếch đại khó khăn, đừng bao giờ đầu hàng trước gian khổ.

Nếu như có cơ hội hãy thử đánh cược một lần, tự bản thân thử nghiệm, khi hào quang của bạn tỏa ra khắp nơi, bạn sẽ bước từng bước về phía thành công.

Đừng bao giờ vì nghèo, mà ngăn cản khả năng vô hạn của tương lai.

Chẳng ai giàu ba họ, cũng chẳng ai khó ba đời, nghèo một chốc một lát không bao giờ sợ, sợ nhất là một đời người không nhảy ra được hố sâu của tư duy của kẻ nghèo khó.

Bạn chỉ có thể tự nhảy ra khỏi cái giếng ẩm ướt và tăm tối đó, mới phát hiện được thế giới bên ngoài tươi đẹp, sáng lạn biết bao.

Đừng bao giờ vì nghèo, mà vội vàng đóng chặt lại cánh cửa niềm tin, hi vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.

Chính bởi vì gia đình mình nghèo, nên bản thân phải học cách kiên trì hơn, bền bỉ hơn trước mọi gian khó..

Hãy sống như một cái cây cổ thụ không vì phong ba bão táp mà ngã xuống, có như vậy không chỉ gia đình bạn mà con cái  bạn sau này mới có cơ hội, niềm tin đi xa hơn, bay cao hơn .

Đừng bao giờ vì nghèo, mà quá đặt nặng vấn đề kinh tế. Nhà thơ nào đó chẳng nói đó ư: "Bàn tay ta làm lên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm". 

Người con có hiếu với cha mẹ, người đàn ông có trách nhiệm với gia đình chính là hiểu được tự bản thân mình phải không ngừng cố gắng, nỗ lực để khiến cả nhà được sống một cuộc sống tốt hơn.

Bạn sống với niềm tin mãnh liệt về một tương lai tươi sáng, mới có thể đưa gia đình bước khỏi thời kì tăm tối bằng những bước đi dũng mãnh, gan dạ.

Theo Thu Minh/Trí Thức Trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/gui-cac-ban-chua-giau-khuech-dai-kho-khan-chi-danh-cho-ke-yeu-bong-via-ban-xuat-phat-diem-co-the-ngheo-nhung-tuyet-doi-tu-duy-khong-the-ngheo-a23172.html