Chốt phiên giao dịch 28/6, giá cổ phiếu YEG của Tập đoàn Yeah1 đứng ở 343.000 đồng/cổ phiếu. Giá này đã bỏ xa các bluechip khác và duy trì vị trí độc tôn trên sàn chứng khoán.
Giá cao: Chỉ là ý đồ và chiến lược của nhau?
Trong phiên giao dịch ngày 28/6, giá cổ phiếu YEG tăng trần từ đầu phiên nhưng khối lượng khớp lệnh cũng không đáng kể. Điểm khác biệt với 2 phiên giao dịch trước đó là bên bán đã bắt đầu “nhả” hàng. Tuy nhiên, do số lượng chào bán nhỏ giọt nên các lệnh bán đều nhanh chóng hấp thụ hết.
Kết thúc phiên giao dịch, trên 80.000 đơn vị đã được khớp lệnh thành công. Nhưng mức giá cao ngất của YEG được cho là "ảo" và sẽ gây nhiều rủi ro.
Cổ phiếu YEG đang có những phiên đầu "lên đồng" trên sàn chứng khoán. |
Công ty chứng khoán FPT (FPTS) đưa ra khuyến nghị nhà đầu tư chỉ nên theo dõi cổ phiếu này.
Phân tích của Công ty chứng khoán FPT, với EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) theo kế hoạch năm 2018 của YEG đạt 4.997 đồng/cổ phiếu, giá cổ phiếu hiện tại tương đương PE (hệ số giá trên lợi nhuận) của YEG ở mức 1.000 lần, đang cao hơn 4 lần so với PE bình quân của VN-Index.
Ngoài ra, FPTS phân tích Yeah1 có cơ cấu cổ đông phức tạp với nhiều công ty con trực tiếp và công ty con gián tiếp; kế hoạch chuyển nhượng cổ phiếu cho các quỹ đầu tư và phát hành riêng lẻ cho Chủ tịch HĐQT cũng được đánh giá là phức tạp.
Theo ban lãnh đạo công ty, hiện chỉ có khoảng 600.000 cổ phiếu (tương đương 2,2%) được nắm giữ bởi các cổ đông bên ngoài. Do yếu tố sở hữu cô đặc, thanh khoản và diễn biến giá YEG sẽ phụ thuộc rất lớn vào định hướng giao dịch của nhóm cổ đông lớn, cổ đông nội bộ.
FPTS nói rằng YEG là doanh nghiệp mới niêm yết và ít thông tin, nên cần thêm thời gian để đánh giá hiệu quả hoạt động và minh bạch.
Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển khẳng định việc cổ phiếu tăng trần liên tục và neo ở mức cao vẫn chưa thể nói được cổ phiếu này thực sự tốt hay không? Có những giao dịch giữa các đối tác, cổ đông lớn thì đều có những ý đồ và “chiến lược” khác nhau.
"Một cổ phiếu giá cao được đánh giá tốt là khi giao dịch tự do nhiều chứ không phải là mua đi bán lại giữa các cổ đông. Hoặc có những quỹ đầu tư uy tín, độc lập chịu trách nhiệm đầu tư cho cổ đông một cách phổ biến thì giá trị mới được ghi nhận đúng bản chất. Có thể thấy, một công ty mới lên sàn có giá trị giao dịch lớn thì trong ngắn hạn thì không phải là giá thị trường", ông Hiển cho biết.
Trong phiên hôm qua, YEG có giao dịch thỏa thuận 7,84 triệu cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị 2.352 tỷ đồng, giúp thị trường có phiên mua ròng lớn của khối ngoại. Về giao dịch này, chuyên gia cho rằng cổ phiếu được giao dịch thỏa thuận chỉ là cuộc chơi riêng của một nhóm cổ đông nhất định, không đánh giá đúng giá trị chung trên thị trường.
Theo ông Hiển, cách đây khoảng 10 năm, có một nhà đầu tư/quỹ đầu tư nước ngoài tham gia thị trường Việt Nam thì nhà đầu tư cá nhân sẽ mua theo, vì đa phần đều biết rằng khối ngoại mua sẽ có phân tích rất kỹ. Nhưng hiện nay tình hình đã khác. Một quỹ đầu tư nước ngoài đầu tư ở Việt Nam vẫn chưa thể khẳng định được sự tin cậy về giá trị cổ phiếu như trước đây.
Vì thế, chuyện khối ngoại mua thỏa thuận khối lượng lớn cổ phiếu này trong phiên giao dịch ngày 27/6 không mang lại ý nghĩa.
Yeah1 có gì để định giá đến 8.000 tỷ đồng?
Công ty Yeah1 với mức định giá lên tới 8.000 tỷ đồng, trong khi số vốn đầu tư ban đầu khiêm tốn cũng đang đặt ra một câu hỏi rất lớn. Các chuyên gia tài chính khẳng định với thị trường Việt Nam hiện nay, chưa có doanh nghiệp được định giá kiểu như vậy mà thành công, chủ yếu đẩy giá để kiếm lợi nhuận ngắn hạn.
Với công ty truyền thông như Yeah1 mà mức định giá tới 8.000 tỷ đồng, một mức giá cực kỳ lớn như thế thì là quá bất thường với thị trường.
Chuyên gia Đinh Thế Hiển nói thêm nếu lấy mẫu chung là giá trị như của Yeah1, thì thị trường giải trí và thế giới số nội địa đang quá hấp dẫn. Trong khi Yeah1 không có gì vượt trội các mô hình doanh nghiệp tương tự, lại có vốn hóa đến 8.000 tỷ đồng là rất khó hiểu. Bởi nhìn vào thực tế, thị trường giải trí và thế giới số ở Việt Nam có tiềm năng nhưng chưa hấp dẫn đến mức đó, để thu hút các nhà đầu tư dưới sàn.
Ngoài ra, cũng theo ông Hiển, Yeah1 công bố mức lợi nhuận khoảng 70 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận này phải được ghi nhận một cách xuyên suốt từ tăng trưởng doanh thu ít nhất 3 năm thì mới có cơ sở nhận định sức khỏe doanh nghiệp. Song thực tế nếu con số 70 tỷ đồng này là lợi nhuận bền vững thì lại quá vô lý, vì quá nhỏ so với vốn hóa 8.000 tỷ đồng.
“Nếu Yeah1 đặt niềm tin vào PE tương lai với tốc độ gia tăng lợi nhuận thì tôi cho rằng điều này không thực sự rõ ràng. Thật sự nếu Yeah1 ở mức vốn hóa vài trăm tỷ thì tôi thấy đã là thành công, bởi họ không đầu tư nhiều về hạ tầng, và tôi sẽ tìm hiểu xem nó đã phát triển như thế nào, tiềm năng tương lai ra sao. Nhưng với con số 8.000 tỷ đồng thì tôi không quan tâm nữa, bởi đó chỉ là giá ảo", ông Hiển nói.