Chạy theo bà chủ giàu có, nam vệ sĩ 'ôm trái đắng'

Được bà chủ giàu có bao bọc, Hải có điều kiện chơi bời. Để khỏi mang tiếng ăn bám, anh nhận chạy việc vặt và thi thoảng đi nhận tiền, ký giấy vay nợ hộ người tình.

Anh Trương Việt Dũng (SN 1980) chia sẻ để trở thành một vệ sĩ, người đó phải hội tụ nhiều tố chất và trải qua giai đoạn huấn luyện kỹ lưỡng.
Anh Trương Việt Dũng (SN 1980) chia sẻ để trở thành một vệ sĩ, người đó phải hội tụ nhiều tố chất và trải qua giai đoạn huấn luyện kỹ lưỡng.)

Nghề vệ sĩ có mặt ở Việt Nam từ khá lâu nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, công việc này bắt đầu phát triển mạnh mẽ.

Mức lương hậu hĩnh, di chuyển bằng xe hơi, khám phá nhiều nơi, ăn mặc sang trọng... Nghề này đang dần trở thành nghề hot hiện nay.

Tuy nhiên không phải ai cũng đủ tiêu chuẩn làm được vệ sĩ bởi tiêu chí tuyển chọn khá gắt gao và yêu cầu khắt khe khi làm nghề.

Anh Trương Việt Dũng (SN 1980 - Chủ tịch HĐQT của một công ty chuyên cung cấp và đào tạo vệ sĩ ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, bất cứ ai muốn trở thành vệ sĩ, đều phải có ngoại hình cao từ 1m70 trở lên.

Ngoài yêu cầu thể hình tốt, họ còn phải có khả năng ứng biến, xử lý tình huống, nhẫn nại và trên hết phải có cả lòng đam mê với nghề.

Do tính chất áp lực của công việc, luyện tập gian khổ, khắc nghiệt nếu không có đam mê họ sẽ sớm nản lòng, bỏ nghề.

Bên cạnh đó, các ứng viên phải có tư cách đạo đức tốt, lý lịch trong sạch, trình độ học vấn tối thiểu tốt nghiệp THPT và biết võ thuật.

Đặc biệt, các công ty vệ sĩ ưu tiên những trường hợp biết ngoại ngữ, là công an phục viên, bộ đội xuất ngũ hoặc đã từng được đào tạo cơ bản trong môi trường quân ngũ.

“Tất cả những người đã được sàng lọc, rèn luyện qua lực lượng vũ trang đều có nhiều tố chất để trở thành vệ sĩ. Có lẽ cũng chỉ những người chịu được cuộc sống, công việc có tính kỷ luật cao như trong quân đội, công an mới bám trụ được với nghề này” - anh Dũng nói.

Phần lớn các vệ sĩ nam chiếm 90% nhân sự, còn vệ sĩ nữ chỉ chiếm khoảng 10%. Lý giải về điều này, anh Dũng cho hay do đặc thù công việc vất vả, nhiều nguy hiểm nên ít nữ giới ứng tuyển.

Người đàn ông SN 1980 cho biết thêm, trong suy nghĩ của nhiều người, nghề vệ sĩ còn bị đánh đồng với công việc bảo vệ.

Tuy nhiên theo anh hai lĩnh vực này hoàn toàn khác nhau. Nếu như bảo vệ là chốt tại các địa điểm tĩnh (tòa nhà, khu công nghiệp, ngân hàng… ), bảo đảm an toàn về tài sản, an ninh trật tự cho tập thể thì vệ sĩ lại phụ trách an toàn cho một cá nhân.

Trong quá trình đào tạo, các vệ sĩ tương lai phải trải qua 3 giai đoạn.

Đầu tiên, họ sẽ được kiểm tra thị lực, thính lực và thể lực qua động tác chống đẩy (vòng kiểm tra thể lực diễn ra trong 45 giây, tương đương chống đẩy 45 lần).

Tiếp đó, họ sẽ bước vào khóa đào tạo chính thức. Thời gian này, các vệ sĩ được nghiên cứu về pháp luật, sơ cứu ban đầu, phòng chống cháy nổ, nhận biết bom mìn và học võ thuật.

Cuối cùng là bước vào giai đoạn đào tạo các kỹ năng như giao tiếp, lái xe ô tô, khả năng quan sát nhạy bén, xử lý tình huống…

Quá trình này diễn ra từ 6 tháng đến 1 năm, công ty sẽ phối hợp với bên lực lượng vũ trang đào tạo.

Cường độ luện tập và làm việc của các vệ sĩ khá cao nhưng đổi lại thu nhập của họ vào mức cao.

Ban đầu, có thể có tới 100 hồ sơ trúng tuyển nhưng sau thời gian đào tạo, số lượng sẽ giảm đi, có khi chỉ còn khoảng 15 - 20 người.

Một phần, do các nhân sự không đáp ứng được công tác huấn luyện sẽ tự rút lui, còn đâu công ty sẽ loại dần qua các bài thi. Công việc chính của các vệ sĩ là tháp tùng, bảo vệ khách hàng tránh khỏi các rủi ro, nguy hiểm.

Để trở thành một vệ sĩ giỏi yêu cầu rất nhiều kỹ năng, cường độ làm việc lại khá cao. Đối tượng tìm đến dịch vụ vệ sĩ thường là người giàu có, ngôi sao, ca sĩ, chủ doanh nghiệp ...

Tùy theo thỏa thuận hợp đồng mà họ sẽ bảo vệ thân chủ theo giờ, theo các sự kiện hoặc toàn thời gian. Nếu thân chủ ra nước ngoài, di chuyển đến nhiều tỉnh thành, vệ sĩ cũng phải đi theo.

Phần lớn vệ sĩ không có khái niệm nghỉ lễ hay cuối tuần. Họ chỉ được nghỉ khi hợp đồng với thân chủ đó kết thúc và chưa có nhiệm vụ mới từ công ty.

“Với mức độ làm việc như vậy, quỹ thời gian những người làm nghề vệ sĩ dành cho gia đình cũng không nhiều. Đổi lại, thu nhập của họ khá cao, trung bình lương dao động từ 10 triệu - 20 triệu/1 tháng” - anh Dũng bộc bạch.

Nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực này, anh Dũng đã chứng kiến không ít những câu chuyện dở khóc dở cười, khi vệ sĩ gặp nạn do bản thân không giữ được đạo đức nghề nghiệp.

Giọng chậm rãi, anh Dũng kể: “Đó là trường hợp của một vệ sĩ ở công ty tôi. Vệ sĩ đó được lựa chọn để bảo vệ cho người phụ nữ giàu có (SN 1970). Bà ta là người Phú Thọ nhưng sinh sống và buôn bán bất động sản ở Hà Nội”.

Theo lời anh Dũng, trong quá trình làm ăn, bà bị một số đối tượng nhắn tin đe dọa, ném chất thải vào nhà riêng tại quận Hoàng Mai (Hà Nội). Lo sợ cho sự an toàn của mình, bà ta thuê hai vệ sĩ, kè kè bên cạnh mỗi khi ra khỏi nhà.

Hai vệ sĩ này mỗi ngày đều đưa thân chủ đi giao dịch hợp đồng, đến các bữa tiệc xa hoa của giới thượng lưu, đi du lịch.

Quá trình làm việc, vệ sĩ tên Hải lọt vào mắt xanh của thân chủ. Người phụ nữ SN 1970 muốn Hải rời công ty để làm vệ sĩ riêng cho mình.

“Một trong những nguyên tắc khi làm nghề là đạo đức, không được để nảy sinh tình cảm nam nữ, gần gũi với khách hàng. Tuy nhiên, Hải đã không giữ được bản thân mình trước lưới tình của người phụ nữ. Ngay sau đó, anh bị sa thải vì vi phạm quy định của công ty.

Được người tình giàu có bao bọc, Hải có điều kiện chơi bời. Để khỏi mang tiếng ăn bám, anh nhận chạy việc vặt và thi thoảng đi nhận tiền, ký giấy vay nợ hộ người tình.

Chẳng ngờ, người phụ nữ đó vỡ nợ, bỏ trốn. Nhà cửa, xe cộ của chị ta bị tịch thu. Hải phải chịu trách nhiệm với số tiền 4 tỷ mà mình đã ký thay” - anh Dũng nói.

Theo Nhật Linh/Vietnamnet

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chay-theo-ba-chu-giau-co-nam-ve-si-om-trai-dang-a23432.html