Tham vọng nửa tỷ đô của bà Thái Hương trong ngành gỗ

Hơn 45.000 ha đất rừng được quy hoạch làm vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến gỗ Nghệ An của tập đoàn TH.

Cuối tháng 1 năm 2018 ngành chế biến gỗ xuất khẩu đón nhận tin vui đặc biệt: Kim ngạch xuất khẩu lâm sản (gỗ và mây, tre, cói) đạt gần 8 tỷ USD. Thành tích này về đích sớm 3 năm so với mục tiêu đề ra trong Chương trình Mục tiêu Phát triển Lâm nghiệp Giai đoạn 2016-2021 của Việt Nam.

Từ lâu, xuất khẩu gỗ đã một ngành quan trọng đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu cả nước. Năm 2017, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,7 tỷ USD, đứng thứ 6 trong số các mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn nhất.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam dự báo, ngành này sẽ tiếp tục tăng trưởng và đạt giá trị 10 tỷ USD vào năm 2020 nhờ nhu cầu thị trường đồ gỗ nội thất trên thế giới vẫn tăng trưởng mạnh.

Thị trường xuất khẩu gỗ hấp dẫn đang thúc đẩy một số doanh nghiệp lớn tham gia vào, trong đó có tập đoàn TH của bà Thái Hương. Ít ai biết, không chỉ xây dựng một trang trại bò sữa quy mô nhất Đông Nam Á ở Nghệ An, TH còn đầu tư lớn vào một dự án nhà máy chế biến gỗ tại đây.

Thành lập năm 2010, Công ty cổ phần Lâm Nghiệp Tháng Năm (May Forestry) khởi công xây dựng nhà máy trên diện tích 40ha tại khu công nghiệp Nghĩa Đàn vào năm 2013. Đây là một phần trong dự án chế biến gỗ và trồng rừng có tổng đầu tư 300 triệu USD (hơn 6.000 tỷ đồng) được tập đoàn TH công bố. Một nguồn tin khác cho biết, tổng đầu tư của dự án này có thể lên đến 500 triệu USD.

Cuối năm 2016, Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An được khánh thành nằm trong giai đoạn 1 của dự án với giá trị đầu tư 100 triệu USD. Nhà máy này gồm dây chuyền chế biến gỗ thanh có công suất 12.000 m3/năm và dây chuyền chế biến ván sợi MDF công suất 130.000 m3/năm.

Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An)

Để chuẩn bị nguyên liệu cho nhà máy, từ năm 2013, công ty đã được Tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu để đảm bảo cho hoạt động chế biến gỗ. Theo đó, trong giai đoạn 1, công ty chủ yếu thu mua gỗ từ các khu rừng đã trồng trên địa bàn 12 huyện với diện tích là 16.000 ha.

Sang giai đoạn 2, công ty sẽ mở rộng công suất chế biến lên 400.000m3/năm cho sản xuất gỗ ép MDF và 70.000m3/năm cho sản xuất ván ghép thanh. Khi đó, mỗi năm diện tích rừng cần khai thác là 5.000 ha, diện tích trồng mới hàng năm là 6.000 ha. Theo kế hoạch, rừng sẽ được trồng từ năm 2014 và bắt đầu khai thác từ 2021, như vậy tổng nhu cầu đất để cho nhà máy hoạt động đủ công suất sẽ vào khoảng 45.000 ha.

Theo quy hoạch này, Công ty Lâm Nghiệp Tháng Năm dự kiến sẽ thuê đất khoảng 11.589 ha và liên kết, liên doanh phát triển 33.422 ha. Công ty đã cùng với tập đoàn TH thành lập hai doanh nghiệp để phát triển vùng nguyên liệu gồm Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nguyên liệu TH vùng Đông Bắc và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nguyên liệu TH vùng Phủ Quỳ.

Sau khi đi vào hoạt động, May Forestry dự kiến sẽ có quy mô doanh thu hàng năm từ 30 triệu USD đến 50 triệu USD (660 tỷ đồng – 1.100 tỷ đồng) và lợi nhuận từ nhà máy chế biến gỗ từ 7 đến 8 triệu USD (khoảng 150 tỷ đồng).

Theo công ty, 60 – 70% sản lượng gỗ thành phẩm sẽ được xuất khẩu vào những thị trường khó tính nhất như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Đây cũng là 3 trong số 4 khu vực nhập khẩu nhiều gỗ nhất Việt Nam. Trong năm 2017, Mỹ đã chiếm tới 40% kim ngạch xuất khẩu gỗ, tương đương gần 3 tỷ USD. Sau đó là Trung Quốc với 14,2%, Nhật Bản 12,9% và EU là 9,6%.

Sản phẩm gỗ trong Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An
Sản phẩm gỗ trong Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An)

Hiện tại, quy mô doanh thu của May Forestry đặt ra còn khá khiêm tốn so với với tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ tại Việt Nam. Mặc dù vậy, công ty được kỳ vọng sẽ trở thành những doanh nghiệp lớn trong ngành chế biến gỗ sau khi hoàn thành đầu tư và hoạt động hết công suất.

Đầu tư dài hạn dường như là khẩu vị yêu thích của bà Thái Hương, chủ tịch tập đoàn TH. Lĩnh vực chăn nuôi bò và chế biến sữa của tập đoàn này đang đối mặt với khoản lỗ lũy kế nhiều nghìn tỷ đồng sau 10 năm xuất hiện trên thị trường sữa. Tuy nhiên TH Milk cũng cho thấy hiệu quả nhất định khi vươn lên đứng đầu thị trường sữa tươi trong nước.

TH Milk đang tính tới việc IPO doanh nghiệp trong vòng 3 năm tới nhằm huy động thêm vốn để đầu tư phát triển thị trường trong nước và đầu tư sang Nga. Tại quốc gia này, tập đoàn TH mới hợp tác với quỹ đầu tư RDIF của Chính phủ Nga để phát triển các dự án sữa trị giá 633 triệu USD.

Với Công ty Lâm Nghiệp Tháng Năm, sau khi nhà máy chế biến gỗ đi vào hoạt động hơn 1 năm, doanh nghiệp này đã có một số bước thay đổi đáng chú ý. Cụ thể, vị trí Tổng giám đốc và người đại diện pháp luật của công ty đã được chuyển từ người Việt Nam sang người nước ngoài.

Một nguồn tin cũng cho biết, các cổ đông sáng lập của công ty đã chuyển nhượng bớt phần vốn của mình tại May Forestry và chỉ còn nắm giữ 61,5% cổ phần.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện TH không chia sẻ chi tiết về sự hiện diện của các cổ đông mới, song cho biết công ty vẫn đang dần ổn định hoạt động và chưa có kế hoạch IPO trong tương lai gần.

Có tham vọng và được hậu thuẫn lớn, song May Forestry cũng phải đối mặt với những thách thức lớn trong ngành xuất khẩu gỗ. Dù tăng đáng kể lượng nhập khẩu gỗ từ Việt Nam trong năm qua, song các thị trường lớn nhất đều đang dần có chính sách thắt chặt việc nhập khẩu.

Đáng kể nhất đó là sự thay đổi trong chính sách của Mỹ. Tổng thống Donald Trump hiện đi theo hướng giảm thâm hụt thương mại, bảo hộ mậu dịch, khuyến khích sản xuất trong nước. Hàng năm, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ khoảng 32 tỷ USD và nằm trong danh sách 6 quốc gia có mức thâm hụt lớn nhất đối với Mỹ.

Riêng đối với các mặt hàng đồ gỗ, thặng dư thương mại của Việt Nam từ Mỹ đạt trên 2 tỉ USD. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đánh giá, với mức thặng dư này, cộng với luồng đầu tư từ Trung Quốc vào ngành chế biến gỗ của Việt Nam sẽ có thể tạo ra những mối quan tâm đặc biệt từ các cơ quan quản lý Mỹ, có thể dẫn tới quyết định hạn chế xuất khẩu gốc có nguồn gốc Việt Nam.

Tại các thị trường lớn khác như Hàn Quốc và Nhật Bản, Chính phủ các quốc gia này cũng vừa ban hành đạo luật gỗ sạch, phát triển gỗ bền vững. Việc thực thi các Đạo luật này có thể đồng nghĩa với việc áp dụng các biện pháp nhằm thắt chặt kiểm soát nhập khẩu các mặt hàng gỗ, trong đó có gỗ Việt Nam vào thị trường này.

Theo Trần Anh/Nhà Quản Trị

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/tham-vong-nua-ty-do-cua-ba-thai-huong-trong-nganh-go-a23620.html