Mường Thanh là hệ thống khách sạn tư nhân lớn nhất cả nước, hiện diện ở hầu hết các điểm du lịch nổi tiếng trên cả nước nhưng kết quả kinh doanh bất ngờ thua lỗ lớn.
Thành lập năm 1997 với khách sạn đầu tiên đặt tại thành phố Điện Biên Phủ, Mường Thanhhiện là hệ thống khách sạn lớn nhất Việt Nam với gần 50 khách sạn trải dài trên cả nước.
Phần lớn khách sạn của Mường Thanh công bố tiêu chuẩn 4 sao hoặc 5 sao có thương hiệu là Mường Thanh Luxury và Mường Thanh Grand. Số ít khách sạn còn lại được gắn với thương hiệu Mường Thanh Holiday và Mường Thanh Standard.
Người đứng đầu tập đoàn Mường Thanh – ông Lê Thanh Thản gây ấn tượng nhờ chiến lược phát triển kinh doanh âm thầm. Vị doanh nhân được mệnh danh là “đại gia điếu cày” này hiếm khi xuất hiện trên truyền thông và cũng ít nhắc tới kinh doanh khách sạn.
Chỉ trong khoảng 10 năm, ông Thản gần như đã hoàn thành mục tiêu xây dựng khoảng 50 khách sạn trên cả nước. Gần như tất cả những điểm du lịch nổi tiếng trên cả nước đều có sự xuất hiện của khách sạn Mường Thanh.
Tốc độ phát triển của Mường Thanh tỉ lệ thuận với tốc độ phát triển của ngành du lịch và hàng không giá rẻ tại Việt Nam. Song song với hệ thống khách sạn, một số địa điểm đặt Mường Thanh đều có thêm các khu căn hộ cao cấp để tối ưu hóa lợi thế sử dụng đất.
Mặc dù vậy, việc phát triển nhanh số lượng khách sạn chưa mang lại lợi nhuận cho Mường Thanh do đặc thù phải đầu tư ban đầu lớn trong lĩnh vực này.
Hiện tại, hầu hết các khách sạn Mường Thanh thuộc quyền sở hữu của 2 công ty lớn của ông Thản là CTCP Tập đoàn Mường Thanh và Doanh nghiệp tư nhân xây dựng tư nhân số 1Tỉnh Điện Biên (Xây dựng số 1). Cả 2 doanh nghiệp này đều có kết quả kinh doanh không mấy tích cực với những khoản thua lỗ cả trăm tỷ đồng, theo các số liệu tài chính đến năm 2016.
Với CTCP Tập đoàn Mường Thanh, đây là đơn vị quản lý các chuỗi khách sạn Mường Thanh mới và cao cấp như Mường Thanh Grand Nha Trang, Mường Thanh Hà Nội Centre, Mường Thanh Quy Nhơn, Mường Thanh Quảng Bình,…
Năm 2016 doanh thu của Công ty này đạt 315 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm trước đó. Doanh thu đến từ việc Mường Thanh liên tục đưa thêm các khách sạn mới đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, do tỷ suất lợi nhuận thấp và chi phí vận hành cao, Công ty đã báo lỗ 93 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với khoản lỗ 65 tỷ đồng trong năm 2015.
Trên thực tế, thua lỗ không phải tình trạng mới xảy ra ở tập đoàn này. Trước đó, tập đoàn này cũng đã có nhiều năm chịu lỗ, dẫn tới khoản lỗ lũy kế ngày một tăng lên. Tính tới cuối năm 2016, số lỗ lũy kế đã lên tới gần 200 tỷ đồng.
Để phù hợp với quy mô ngày càng lớn, năm ngoái CTCP Tập đoàn Mường Thanh cũng gấp rút tăng vốn điều lệ từ 200 tỷ đồng lên 2.200 tỷ đồng. Mới đây, tập đoàn này tiếp tục tăng vốn điều lệ lên hơn 2.674 tỷ đồng. Hai cổ đông lớn nhất vẫn là ông Lê Thanh Thản và bà Lê Thị Hoàng Yến, con gái ông Thản.
Quản lý số lượng lớn khách sạn Mường Thanh khác là công ty Xây dựng số 1. Thành lập năm 1987, đây là doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi của ông Lê Thanh Thản với các dự án bất động sản nổi tiếng trong lĩnh vực đầu tư khu đô thị mới, tập trung vào phân khúc thị trường trung cấp và bình dân.
Đây cũng là đơn vị chịu trách nhiệm xây các khách sạn Mường Thanh và đồng thời sở hữu khoảng 20 khách sạn Mường Thanh trên cả nước. Năm 2016, công ty xây dựng số 1 cũng cho thấy kết quả kinh doanh không mấy khả quan khi đạt doanh thu thuần 732 tỷ đồng nhưng lỗ hơn 114 tỷ đồng.
Có thể thấy, hoạt động kinh doanh khách sạn không hề ‘ngon ăn’. Với Mường Thanh, sau giai đoạn liên tục mở rộng, từ giữa năm 2017 đến nay, chuỗi khách sạn này cũng cho thấy bước đi cẩn trọng hơn và không khai trương thêm các khách sạn mới.
Bên cạnh đó, Mường Thanh còn phải giải quyết các vấn đề liên quan tới pháp lý, chủ yếu đến từ việc xây dựng các căn hộ cao cấp. Ngày 21/6 vừa qua, cơ quan chức năng Đà Nẵng cho biết sẽ tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ 104 căn hộ xây dựng sai phép của Mường Thanh tại dự án Mường Thanh Đà Nẵng.
Tương tự, tại Khánh Hóa, Sở Xây dựng tỉnh được UBND tỉnh yêu cầu triển khai các thủ tục pháp lý có liên quan để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của chủ đầu tư dự án Mường Thanh Khánh Hòa. Dự án do Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư đã xây tới 43 tầng, trong khi quy hoạch chung của TP Nha Trang chỉ cho phép xây tối đa 40 tầng.
Theo Bình An/TheLeader
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chuoi-khach-san-muong-thanh-cua-dai-gia-le-thanh-than-thua-lo-hang-tram-ty-dong-a23779.html