Từ nhỏ nếu nói điều gì tạo ra con người của Thành Cát Tư Hãn thì phải nói đó là các nghịch cảnh mà ông ta gặp phải. Cha bị giết trong một trận đánh, bản thân bị bắt làm tù binh, nô lệ hết lần này tới lần khác. Chính môi trường tạo nên một phần tính cách của ông. Ở ông khi lớn lên luôn có một nét rất rõ ràng, đó là sự miệt mài chinh chiến, dám đi đầu trong mọi cuộc chiến lớn hay nhỏ.
Và do gặp nghịch cảnh sớm, nên ông ta có sự kiềm chế rất lớn, dù bị hành hạ hết lần này tới lần khác, nhưng dường như nỗ lực của ông không hướng tới việc trả thù, một việc dễ hiểu vào hoàn cảnh đó. Ở ông, trạng thái cảm xúc cá nhân hầu như không bộc lộ ra ngoài. Gạt bỏ những gì là chủ quan, ông chỉ tính và làm những việc cần làm. Điều này rất giống một nhân vật vĩ đại khác của Đại Việt đời nhà Trần là Trần Nhật Duật: “buồn giận không ra tới ngoài”, không mât sức vào những việc vô bổ, chỉ suy nghĩ khách quan, nhìn tình huống sáng rõ để phán quyết một cách khách quan. Nghe thì đơn giản, nhưng cứ tự luận, chúng ta thấy không phải là người có chí lớn, không bao giờ làm được những điều tưởng rằng nhỏ ấy!
Trái với các Hãn khác của người Mông Cổ, Thành Cát Tư Hãn có sự thấu hiểu tinh thần quân lính hơn những người khác. Sau mỗi trận cướp bóc trong khi các vị khác thường dành hết của cải về cho mình thì ông đã có ý thức về việc chia của cải. Chỉ giữ 1/10 những gì chiếm được, còn lại gửi cho các chiến binh tham gia trận chiến. Chính vì việc này mà sau đó ông thu hút được khá nhiều chiến binh về theo mình.
Suy rộng ra một chút, tôi thấy ông là người đầu tiên xử lý được một tình huống khó, đó là quản lý được “tình nguyện viên” một cách đúng nghĩa. Người Mông Cổ sống theo kiểu du mục, muốn đi theo ai thì đi không bị ràng buộc. Ngoài việc chăn thả, cách làm kinh tế thứ hai mà họ biết là đi cướp bóc của người khác. Trong hoàn cảnh đó, chịu thiệt về vật chất để chiếm được tinh thần của họ sau đó dùng vào định hướng lớn của mình, ông quả là một người có tầm nhìn rất xa!
Thảo nguyên khốc liệt, nơi chỉ có kẻ thắng và người bại, chứ không có chỗ cho người do dự, nhưng là nơi quân tử vượt lên trên do có những tính toán và suy luận thông minh.
Trong bộ phim Genghis Khan : The rise of Mongol – Thành Cát Tư Hãn: Sự trỗi dậy của người Mông Cổ, có một tình tiết khá hay. Vợ Thành Cát Tư Hãn than phiền người Mông Cổ ngày càng tệ vì họ toàn cướp bóc và giết chóc thì ông không bị cuốn theo cảm giác tiêu cực đó. Ông đã ngay sau đó nghĩ tới chuyện dùng cái tính cách xấu của dân mình vào việc gì.
Vậy là ông hướng họ theo ông đi chinh phục các bộ tộc khác, và sau cùng là chinh phục tới nửa thế giới thời của ông.
Trên hết, Thành Cát Tư Hãn là một người có năng lực nhìn nhận mọi sự một cách khách quan tới tận cùng. Đoạn hội thoại ngắn và hay nhất mà tôi được nghe là:
Trác Mộc Hợp: Vì sao người Mông Cổ đều sợ sấm mà người lại không?
Thành Cát Tư Hãn: Ta không có chỗ nào trốn sấm sét cả, nên ta không sợ chúng nữa!
Thời nay, tính lãnh đạo đã được mô hình hoá, thành các tiêu chí cụ thể, có thể học hỏi được, nhưng thời của Thành Cát Tư Hãn, tư cách và tầm nhìn của ông không có ai dạy mà nó tới từ tính cách vĩ đại vượt lên trên nghịch cảnh làm người khác phải kính sợ!
Đỗ Xuân Tùng - Giám đốc công ty tư vấn và đào tạo nhân việt
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/leadership-cua-thanh-cat-tu-han-bien-diem-yeu-thanh-diem-manh-a23829.html