Samsung phải dùng 200 nhà cung ứng ngoại vì doanh nghiệp Việt yếu

Samsung của Hàn Quốc sẽ đưa 200 nhà cung ứng từ nước ngoài vào Việt Nam để cung ứng cho doanh nghiệp này "là cơ hội cũng như nỗi buồn của Việt Nam", theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc.

[caption id="" align="aligncenter" width="700"]Samsung phải dùng 200 nhà cung ứng ngoại vì doanh nghiệp Việt yếu - Ảnh 1. Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2018 thu hút đông đảo đại diện các bộ ngành, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, và cá tổ chức quốc tế - Ảnh: QUỲNH TRUNG[/caption]

"Vui là vì khi nền công nghiệp phụ trợ phát triển sẽ mang lại giá trị gia tăng cho kinh tế Việt Nam. Buồn vì giá như 200 nhà cung ứng này là doanh nghiệp Việt Nam. Rất tiếc là doanh nghiệp Việt Nam không vươn lên được để trở thành nhà cung cấp cho Samsung", Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, bày tỏ.

Doanh nghiệp VN không đáp ứng được nhu cầu

Đây cũng là thông tin gây nóng tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018 diễn ra ở Hà Nội ngày 4-7.

Ông Kim Heung Soo - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham), cho rằng Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và nuôi dưỡng các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành chế tạo.

Ông Soo cho biết các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đang hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này, chẳng hạn như chương trình tư vấn của công ty điện tử Samsung dành cho 26 doanh nghiệp Việt Nam từ năm 2015-2017.

Theo ông Kim Heung Soo, chương trình trên đã giúp cải thiện hiệu suất vận hành thiết bị hơn 30%, giảm tỷ lệ lỗi hơn 20% và Samsung đang tư vấn cho các doanh nghiệp hợp tác và có kế hoạch tăng số lượng doanh nghiệp được tư vấn hàng năm.

Hiện KoCham đang khảo sát các trường hợp doanh nghiệp Hàn Quốc khác hợp tác thành công với các doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Kim Heung Soo cũng thẳng thắn chỉ ra thực tế là đa số các doanh nghiệp địa phương ở Việt Nam vẫn chưa thể sản xuất các sản phẩm phụ trợ đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Do đó, theo ông Kim, chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp FDI cần nỗ lực để cải thiện tình hình này.

Còn ông Koji Ito - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), nhận định rằng một trong những trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam là đề ra những quy định để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có môi trường hoạt động thông thoáng đến mức tối đa, trong khi vẫn bảo đảm kỷ cương chặt chẽ.

Chẳng hạn, theo JCCI, làm thế nào để hai phía gồm doanh nghiệp Việt Nam với tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, và doanh nghiệp FDI với nguồn vốn, kinh nghiệm làm ăn, tăng cường tiếp cận được với các nguồn lực mà doanh nghiệp cần như con người, sản phẩm, vốn.

Đại đa số các doanh nghiệp địa phương ở Việt Nam vẫn chưa thể sản xuất các sản phẩm phụ trợ đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp FDI.

Ông Kim Heung Soo, Chủ tịch KoCham

Doanh nghiệp VN nên từ bỏ bất động sản

Ông Tomaso Andreatta - đồng chủ tịch VBF và là Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCharm), lý giải rằng doanh nghiệp FDI ở Việt Nam vẫn phải mang các nhà cung cấp từ bên ngoài vào thay vì dùng các công ty Việt Nam.

Lý do là vì các doanh nghiệp Việt Nam thường có quy mô quá nhỏ, quá thiếu kiến thức cũng như kinh nghiệm trong việc bán sản phẩm cho các khách hàng có thị trường toàn cầu, và phải sản xuất các sản phẩm chất lượng hàng đầu với mức giá hợp lý.

[caption id="" align="aligncenter" width="700"]Samsung phải dùng 200 nhà cung ứng ngoại vì doanh nghiệp Việt yếu - Ảnh 3. Ông Tomaso Andreatta (hàng đầu, phải) - đồng chủ tịch VBF, lắng nghe các đại biểu tại diễn đàn tổ chức sáng 4-7 - Ảnh: QUỲNH TRUNG[/caption]

Theo ông Tomaso, để kết nối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, các công ty Việt Nam cần có trình độ quản lý cấp quốc tế, quản lý cấp cấp trung, cần các trường đào tạo, các công ty dịch vụ, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ…

Tuy nhiên, theo ông Tomaso, điều này không dễ thực hiện bởi vẫn còn những rào cản pháp lý và lo ngại về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp hoặc hậu quả có thể xảy ra do Luật An ninh mạng mới được thông qua.

Ông Tomaso Andreatta cho rằng việc Việt Nam thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao vẫn còn hạn chế một phần lo do những vấn đề liên quan đến thuế và hải quan, gây nhiều khó khăn tốn kém cho doanh nghiệp FDI, cả về thời gian, tiền bạc và công tác quản lý.

Nhiều công ty sản xuất tại Việt Nam phải tái xuất 100% hàng hóa, và như vậy một lần nữa đã cô lập các doanh trong nước ra khỏi các doanh nghiệp FDI.

Để tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, theo ông Tomaso, các công ty lớn trong nước của Việt Nam nên từ bỏ lĩnh vực bất động sản, thay vào đó cần chú trọng phát triển các ngành công nghiệp và công nghệ hiện đại.

Phó Chủ tịch EuroCham cũng kiến nghị Việt Nam cần có những chính sách giảm gánh nặng thuế và hải quan cho các doanh nghiệp trong nước.

Mục đích để giúp doanh nghiệp có nguồn lực đầu tư vào kiến thức và công nghệ cũng như thu hút các công ty nước ngoài sản xuất cho thị trường nội địa, qua đó mở ra cánh cửa hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.

Theo Quỳnh Trung-Lê Thanh/Tuổi Trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/samsung-phai-dung-200-nha-cung-ung-ngoai-vi-doanh-nghiep-viet-yeu-a23852.html