"Muốn đánh giá cuộc đời của ai đó, hãy nhìn vào những mối quan hệ của họ." – Tony Robbins.
Khi bạn có được những mối quan hệ tốt đẹp, bền vững, không thứ gì có thể đánh gục bạn hay khiến bạn "thêm một lần đau".
Nhưng khi phần lớn các mối quan hệ của bạn chỉ dừng lại ở mức "xã giao", hời hợt, cho dù bạn thành đạt đến đâu, mọi thành tựu bạn đạt được sẽ chỉ như "mây mù giăng lối", vô nghĩa lắm bởi khi ấy, bạn sẽ không có một ai bên cạnh để cùng nhau hoan hỉ và nâng cao chiếc cup vô địch.
Trong một nghiên cứu gần đây, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Hoa Kỳ (NSF) đã phỏng vấn 1500 người về việc họ có bao nhiêu người bạn để cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn.
Và thử đoán xem, kết quả họ thu được ra sao? 1/4 trong số những người được hỏi chia sẻ rằng họ không có lấy một người bạn thân để cùng trò chuyện. 2/3 trong số đó cho biết hơn 90% số "người thương" của họ "cũng hóa người dưng" chỉ sau 10 năm. Khá khẩm hơn, nhiều người lại cho hay họ có 2 người bạn thân (cũng có thể là ít hơn).
Tại sao phần lớn chúng ta lại có những mối quan hệ "dần chết yểu" đến vậy? Thậm chí, một số người còn không có cho mình lấy một mảnh tình (bạn) vắt vai.
Tại sao phần lớn chúng ta không thể xây dựng và gìn giữ được những mối quan hệ tốt đẹp?
Bởi cụm từ "học cách giao tiếp hiệu quả" nghe thì hay ho, mà lắm kẻ lại ngại khó khi tiếp thu và thực hành nó.
"Khi ai đó đang nói, hãy chú tâm lắng nghe. Đa số chúng ta chẳng bao giờ lắng nghe cả." – Ernest Hemingway.
Khi vợ chồng tôi tham gia buổi tư vấn tiền hôn nhân, chúng tôi đã đọc cuốn sách với tựa đề "5 ngôn ngữ của tình yêu".
Và 5 ngôn ngữ này chính là:
-Thời gian "chất lượng" dành cho nhau
-Cử chỉ thân mật
-Những lời nói chân thành
-Sự chiều chuộng
-Quà tặng
Mọi người luôn muốn yêu và được yêu theo 5 phương thức này. Nhưng tình trạng các mối quan hệ đang dần "chết mòn" của một số cá nhân đều bắt rễ sâu sa từ việc họ không hề nỗ lực tìm hiểu xem đối phương muốn được yêu thương theo cách nào.
Và khi không hề hay biết người thương của bạn muốn được yêu theo cách nào, đừng hỏi tại sao "chúng ta không thuộc về nhau".
-Một người cha sống-để-làm-việc thay vì làm-việc-để sống, luôn mua cho con mình mọi thứ, mà không hề hay biết món quà mà chúng thực sự khao khát là thời gian cùng bố chơi một trận bóng chày.
-Một người chồng chẳng bao giờ có hứng trò chuyện cùng vợ trên bàn ăn, mà chỉ có hứng trên chiếc giường ái ân.
-Một người bạn luôn dán mắt vào smartphone thay vì người bạn thân của mình đang trút bầu tâm sự.
Đa số chúng ta đều tỏ ra ngần ngại khi phải học cách giao tiếp và bày tỏ tình yêu của ta đến bạn bè/ bạn đời theo cách họ muốn "được yêu". Và khi đó, các mối quan hệ chỉ là đóa phù dung sớm nở tối tàn.
Việc giao tiếp vốn chẳng dễ dàng gì. Nó luôn đòi hỏi mỗi người chúng ta cần phải có sự cảm thông, sự chú tâm và nỗ lực để trao cho bạn bè ta thứ mà họ thực sự cần, chứ không phải thứ mà ta nghĩ họ sẽ cần.
Bởi như Jim Rohn đã từng chia sẻ: "Nếu bạn cứ tiếp tục duy trì lối sống cũ kỹ hiện tại, tương lai cũng chẳng thể khấm khá hơn."
"Giọt nước mắt đắng cay nhất thường lăn dài trên gò má vì những lời chưa kịp nói, những việc chưa kịp làm." – Harriet Beecher Stowe
Trong buổi tư vấn tiền hôn nhân, chuyên gia tư vấn cũng tặng chúng tôi một lời khuyên vô cùng quý giá:
Hãy luôn là người chủ động.
Ý nghĩa của câu nói này vô cùng dễ hiểu: nếu bạn có thể cứu sống mối quan hệ khi nó đang dần thoi thóp, đừng chần chừ, hãy hành động luôn đi. Tại sao phải đợi chờ cho tới khi đối phương chủ động ngỏ lời trước?
Đa số chúng ta vẫn có những mối quan hệ khá hời hợt, căng thẳng với gia đình hay thậm chí cả bạn bè. Đó chính là những tàn dư còn sót lại khi ta cứ luôn luôn chờ đợi người khác chủ động trước... chủ động cất lời chào trước, chủ động ngỏ lời hẹn hò trước và phổ biến nhất, chủ động xin lỗi trước.
Bạn cho rằng người phải chủ động xin lỗi trước là bạn chứ không phải đối phương tức là bạn đang phải hạ thấp cái tôi vĩ đại của mình hay sao? Và suy nghĩ đó chính là con dao tàn nhẫn cứa nát các cuộc hôn nhân, những tình bạn và thậm chí, là cả các gia đình.
Nếu bạn muốn xây đắp những tình bạn, tình thân trong gia đình sâu sắc, vẹn tròn ý nghĩa, hay thậm chí cả những mối quan hệ mới chớm nở với những người xa lạ, hãy chủ động, hãy mạnh mẽ lên. Hãy là người đầu tiên:
-Bắt đầu cuộc trò chuyện
-Gửi những dòng tin nhắn thân thương
-Thổ lộ rằng bạn thực sự nhớ họ hay yêu họ biết nhường nào
-Xin lỗi và xin được tha thứ
-Ngỏ lời mời hẹn hò
-Động viên, khích lệ họ
-Cảm ơn họ
-Nói cho họ biết rằng bạn trân quý những gì họ hi sinh vì bạn biết bao
Trước đây, mỗi khi tôi muốn thì thầm với mấy đứa em của mình rằng: "Anh yêu tất cả các em", nỗi ngại ngùng khó tả đã chặn lưỡi tôi lại và tôi không thể thốt ra chính tâm tư của lòng mình.
Còn bây giờ, tôi sẵn sàng thổ lộ điều giản đơn mà khó thốt thành lời ấy bất cứ lúc nào, khi nhắn tin, lúc gọi điện, thậm chỉ cả khi cuộc khủng hoảng khắc nghiệt ập xuống đầu tôi. Tôi tâm sự với cả bạn bè, gia đình, đồng nghiệp để nói cho họ biết rằng họ trở nên đặc biệt với tôi như thế nào.
Cảm giác ngại ngần khi thổ lộ những điều "sến sẩm" ấy với người thương nghe có vẻ khó hiểu. Nhưng, ở ngoài kia, nhiều người vẫn không thể thốt lên nổi một "tiếng lòng" giản đơn mà có thể hàn gắn cả một mối quan hệ sắp rạn nứt.
-Anh yêu em.
-Vâng, em cũng yêu bản thân em.
Vâng, đa số chúng ta đều biết quan tâm đến người khác, nhưng họ còn bận quan tâm đến chính bản thân họ nhiều hơn.
Tác giả Stephen Pressfield đã từng viết: "Không ai trong chúng tôi muốn lắng nghe nhu cầu cần được quan tâm và chú ý của bạn cả. Tại sao? Bởi nó quá nhạt nhẽo. Bởi nó chỉ xung quanh bạn, chứ không phải chúng tôi."
Cũng như một người nghệ sĩ chỉ có thể tương tác với khán giả của mình bằng cách trao cho họ một giá trị nào đó, để sở hữu những mối quan hệ sâu sắc, bạn phải biết học cách cho đi.
Cho những gì? Hãy cho đi vài giây phút trong quỹ thời gian của bạn, sự chú tâm, năng lượng, tình yêu nồng nhiệt của bạn để xây đắp và nuôi dưỡng mối quan hệ đó.
Không phải ai cũng đủ hào phóng để cho đi lắm cùng "tài sản" quý giá đến vậy. Nhưng "đắt xắt ra miếng", bất cứ ai làm được điều đó đều sẽ nhận lại những mối quan hệ đẹp đẽ như ý.
Bởi, "Thế giới sẽ trao tặng cho những người sẵn sàng cho đi và sẵn sàng lấy đi bất cứ thứ gì của những kẻ chỉ thích nhận lại" – Adam Grant.
Trong các câu hỏi điển hình mà các chuyên gia trong "lĩnh vực quan hệ xã giao" thường tự hỏi chính họ, bạn tự hỏi mình được mấy câu?
"Người thành công thường sẵn sàng làm những thứ mà kẻ thất bại không dám làm" – Darren Hardy.
Và tương tự, những bậc thầy ngoại giao thường đối đãi với bạn bè theo cách hoàn toàn khác biệt. Họ thường tự hỏi chính mình những câu hỏi mà phần lớn chúng ta không hề nghĩ tới.
Chuyên gia hôn nhân Dave và Polly P. đã từng chia sẻ:
"Hãy tự hỏi chính mình: Đã bao giờ tôi cho rằng cô ấy và tôi là 2 cá thể đang hòa làm một trong một mái ấm chưa hay chỉ là 2 cá thể hoàn toàn tách biệt? Bởi sự ích kỷ, luôn tự cho mình là trung tâm chính là nguồn gốc của mọi vấn đề.
Trong tâm trí bạn, bạn có bao giờ nghĩ đến các từ ngữ như ngôi nhà của chúng ta, xe của chúng ta, đồ đạc chúng ta của chúng ta?
Hay chỉ là chiếc xe của tôi, tiền của tôi, đồ đạc của tôi.
Nếu mọi thứ chỉ xoay quanh 2 chữ "của tôi" thì bạn càng chẳng hề xứng đáng với một mối quan hệ đáng mơ ước có thể đem lại cho bạn niềm vui, sự hạnh phúc."
Phần lớn chúng ta đều chằng bao giờ tự hỏi bạn thân những câu hỏi đáng suy ngẫm trên. Có một sự thật "đắng lòng" là, việc bạn chỉ có những mối quan hệ tồi tệ đồng nghĩa với việc bạn đang quá ích kỷ, luôn tự cho mình là trung tâm.
Nhưng bạn có thể nói rằng: "Tôi đỡ ích kỷ hơn tháng trước nhiều rồi" không?
Nhiều người không thể.
Nhưng tin vui là, hành trình thay đổi, lột xác luôn luôn đau đớn, nhưng sau đó, một hình hài đẹp đẽ sẽ xuất hiện.
Hành động – bạn phải thực hành, mọi thứ mới "động đẩy", chuyển biến
Tác giả Grant Cardone từng viết:
"Phần lớn mọi vấn đề chúng ta gặp phải đều là hậu quả của việc hành động chưa đủ"
Nếu bạn muốn "nâng cấp", "tăng hạng" mối quan hệ của mình từ tồi tệ lên "đỡ tệ", bạn phải thể hiện những cử chỉ, hành động mà bạn chưa từng làm trước kia.
Hàn gắn những tổn thương trong tim bạn cũng là hàn gắn các mối quan hệ
"Hai ta đều không thể chạy trốn khỏi bức tường mang tên "nỗi khốn khổ" đang ngăn cách chúng ta." – Arthur Golden.
Trong mối quan hệ, tất cả chúng ta đều có thể bị tổn thương, bị cười nhạo, bị cho "ra rìa", bị nâng lên rồi lại đặt xuống, và bị lãng quên.
Nhưng điểm khác biệt giữa người thành công và người chưa thành công là, người thành công sẽ tự cố gắng chữa lành những vết cứa cảm xúc đó, thay vì chạy trốn với một vết thương đang rỉ máu.
-Khi tôi 7 tuổi, tôi từng bị bắt nạt chỉ vì tật nói lắp của mình.
-Khi tôi 10 tuổi, đứa bạn thân Donald của tôi đã kêu gọi cả nhóm tẩy chay và ném đá tôi.
Nhưng tôi vẫn phải đứng lên sau chừng ấy lần vấp ngã và tiếp tục đường hoàng bước đi. Và tôi tin tôi mạnh mẽ, bạn cũng vậy.
Và bí quyết của các bậc thầy ngoại giao chính là họ cũng gặp những nghịch cảnh trớ trêu trong khi đang kiểm soát các mối quan hệ, nhưng họ chọn cách tự mình xử lý, gỡ bỏ các "rào cản", tổn thương về mặt cảm xúc có thể khiến họ dần mất niềm tin vào các mối quan hệ.
Và nếu bạn muốn sở hữu những mối quan hệ tuyệt đẹp, trước hết, hãy "làm đẹp" bạn đã, hãy đầu tư thời gian, năng lượng, sự tập trung để nâng cấp "hình ảnh" cũng như "nội dung" của bạn trong mắt đối phương.
Lời kết
"Ta cho đi theo cách nào, ta sẽ được nhận lại theo cách đó."
Khi bạn nỗ lực dành càng nhiều thời gian, năng lượng, sự tập trung để "làm đẹp" chính bản thân mình "từ trong ra ngoài", chất lượng mối quan hệ bạn nhận lại được càng tốt.
Nếu bạn không chau chuốt chính bản thân mình…
Nếu bạn không chịu khó học phương pháp giao tiếp tối ưu…
Nếu bạn không hề quan tâm đến việc người bạn thương muốn được yêu theo cách nào…
Bạn sẽ chỉ có những mối quan hệ tồi tàn.
Nếu bạn muốn sở hữu những mối quan hệ với tuổi thọ thách thức cả thời gian, hãy hành động và chữa lành những tổn thương trong quá khứ đang vướng chân bạn khi bạn muốn bay cao, bay xa để chinh phục các mối quan hệ tốt đẹp khác.
Theo Bích Phượng/Trí Thức Trẻ