Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung được đánh giá là sẽ gây ra không ít “thương vong” không chỉ đối với hai nền kinh tế lớn nhất thế giới mà còn ảnh hưởng tới nhiều quốc gia liên quan. Tuy nhiên, cũng không ít nền kinh tế khác sẽ hưởng lợi, trong đó có thể có Việt Nam nếu biết tận dụng thời cơ.
Vào 0h00 sáng ngày 6/7 theo giờ Washington, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức áp mức thuế mới 25% đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc. Phần 16 tỷ USD còn lại trong kế hoạch đánh thuế 50 tỷ USD hàng hóa này của Mỹ sẽ được triển khai sau 2 tuần.
Danh mục các mặt hàng Trung Quốc bị áp mức thuế mới do Cơ quan đại diện thương mại Mỹ (USTR) công bố gồm 1.102 hạng mục, các hàng hóa bao gồm: người máy công nghiệp, sắt thép vật liệu, nhôm, chế phẩm hóa học, vaccine, thiết bị nha khoa, máy rửa bát, lò nướng, máy vắt sữa và thiết bị nhũ hóa… nhưng không bao gồm các sản phẩm người tiêu dùng Mỹ thường mua như smartphone, tivi. Việc áp thuế được chia làm hai đợt, đợt đầu gồm 818 hạng mục với tổng trị giá 34 tỷ USD; đợt 2 có hiệu lực sau 2 tuần gồm 284 mục tổng trị giá 16 tỷ USD.
Đây là lần đầu tiên Mỹ trực tiếp áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc sau nhiều tháng buộc tội Bắc Kinh ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ và khiến thâm hụt thương mại của Mỹ ngày càng phình to.
Đáp trả ngay lập tức, Bắc Kinh tuyên bố áp thuế tương tự lên 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ; trong đó bao gồm hạt đậu – được coi là ảnh hưởng lớn nhất đến bang Iowa quê hương ông Donald Trump. Khu vực trồng đậu tương lớn nhất của Mỹ nằm ở vùng Midwest, nơi ông Trump đã nhận được sự ủng hộ mạnh của cử tri là nông dân trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.
Danh mục hàng hóa Mỹ bị áp thuế gồm 545 loại, trong đó bao gồm: xe hơi (xe điện và xe hybird – dùng động cơ hỗn hợp); các loại nông sản như đậu tương, đại mạch, tiểu mạch, cao lương; thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm; chế phẩm sữa; rau, nấm…
Phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh đã không "nổ phát súng đầu tiên", nhưng buộc phải đáp trả vì Mỹ "đã châm ngòi cuộc chiến tranh thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế".
Hai bên đã trải qua ba vòng đàm phán nhằm hạ nhiệt căng thẳng, nhưng không mang lại kết quả. Ở thời điểm hiện tại, chưa có dấu hiệu nào cho thấy hai nước sẽ sớm đi đến được một thỏa thuận để giải quyết mâu thuẫn.
Thậm chí, vào ngày thứ Năm, Tổng thống Mỹ đe dọa sẽ đánh thuế 10% lên thêm 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nếu Bắc Kinh từ chối thay đổi chính sách. Ông chủ Nhà Trắng còn cảnh báo tổng giá trị số hàng Trung Quốc chịu thuế có thể lên hơn 500 tỷ USD trong tương lai.
Các cổ phiếu Trung Quốc đã giảm sâu trong những tuần gần đây, khi nhà đầu tư lo ngại về chiến tranh thương mại cùng khả năng kiểm soát nợ của Trung Quốc. Chứng khoán Mỹ chỉ tăng nhẹ hơn 2% trong năm nay khi các nhà đầu tư đã cân nhắc mối đe dọa thương mại đối với nền kinh tế Mỹ.
Cây bút Cindy Sui của tờ BBC - người sinh trưởng ở Trung Quốc và từng sống ở Mỹ - đã lý giải vấn đề thương mại của Trung Quốc dưới góc nhìn lịch sử. Cindy Sui cho biết, theo quan niệm truyền thống của người Trung Quốc, người buôn bán khôn ngoan nhất xứng đáng nhận được giao dịch tốt nhất.
Người bán hàng sẽ chào giá cao hơn nhiều so với giá bán chính thức của họ. Người mua, đặc biệt là những người có kinh nghiệm, sẽ trả một mức giá thấp hơn nhiều. Trong quá trình kì kèo giá, người bán có thể giả vờ thất vọng với mức trả giá quá thấp của người mua, còn người mua có thể giả vờ đi sang gian hàng khác. Song người bán hầu như luôn luôn gọi người mua quay lại để bán và giả bộ không hài lòng vì bán không được giá.
Nhưng thực tế, người bán không bao giờ bán với giá lỗ, còn người mua cũng nghĩ rằng họ đã mua được hàng với mức giá hời. Kết thúc giao dịch, thường là cả hai bên đều tỏ ra vui vẻ vì họ nghĩ rằng họ đã nhận được những gì họ muốn.
Theo Cindy Sui, đó là điều còn thiếu vắng trong quan hệ thương mại Trung - Mỹ trong nhiều năm qua vì cả hai bên đều đang cảm thấy thua thiệt. Cả hai nước đều muốn kiếm lợi từ thị trường của mỗi bên nhưng họ quên rằng họ cần phải làm cho nhau thấy rằng họ đang nhận được một thỏa thuận thương mại tốt.
Song sẽ là một quá trình gian nạn để hai nước thực sự nhận thức được như vậy, theo Cindy Sui.
Chuyên gia kinh tế Lu Feng của Đại học Bắc Kinh, so với danh sách các mặt hàng Trung Quốc “dính” thuế của Mỹ vốn chủ yếu tập trung vào các sản phẩm công nghệ cao, thì danh sách của Trung Quốc đa dạng hơn, và tác động của các mức thuế trừng phạt của Mỹ đối với kinh tế nước này nói chung vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Trong khi nông dân trồng đậu tương của Mỹ đang lo ngại trước những mức thuế mà Trung Quốc đe dọa sẽ đánh vào hàng nhập khẩu từ Mỹ, thì những đối thủ của họ ở Brazil và Argentina, các nhà sản xuất rượu whiskey của Nhật Bản có thể sẽ là những đối tượng có thể được hưởng lợi từ quyết định này của Bắc Kinh.
Trung Quốc là nước tiêu thụ đậu tương lớn thứ 2 và là nước nhập khẩu đậu nhiều nhất thế giới, 86% nhu cầu của Trung Quốc dựa vào nhập khẩu; năm ngoái nhập 32,86 triệu tấn. Sau khi Trung Quốc tăng thuế nhập đối với đậu Mỹ, nhiều nhà máy chế biến phải quay sang nhập của Brazil – nước đã “đục nước béo cò” bằng cách tăng giá đậu ngay sau khi những va chạm thương mại Mỹ - Trung bắt đầu. Riêng tháng 5 năm nay, Trung Quốc đã đặt mua tới 19 chuyến tàu chở đậu từ Brazil.
Trong khi đó, với các chính sách thuế mà Mỹ đang áp vào hàng hóa Bắc Kinh, nhiều chuyên gia kinh tế cùng cho rằng sự thù địch giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ góp phần đẩy nhanh "chuyến bay" của các công xưởng tại Trung Quốc đến phần còn lại của châu Á. Trong đó, Việt Nam được nhận định là "ngư ông đắc lợi" khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra.
Từ lâu, Trung Quốc đã là điểm đến của các công ty Mỹ và châu Âu muốn sản xuất ra nước ngoài, đặc biệt là hàng tiêu dùng sử dụng nhiều lao động như quần áo, giày dép và điện tử. Tuy nhiên, khi giá nhân công của các nhà máy ở Trung Quốc tăng lên mức cao nhất trong các nền kinh tế châu Á mới nổi thì làn sóng đầu tư đã dần chuyển sang các nước đang phát triển với chi phí nhân công rẻ hơn.
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được đánh giá là sẽ thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam. Các công ty nước ngoài từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông và Trung Quốc đại lục đang đổ tới Việt Nam, chủ yếu để đa dạng hóa đầu tư. Xu hướng này đặc biệt rõ trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, ngành mà chi phí ở Việt Nam rẻ hơn rõ rệt so với ở Trung Quốc. Trong số các công ty nước ngoài dịch chuyển từ Trung Quốc đại lục sang Việt Nam, có nhiều công ty Hồng Kông.
Thế nhưng, các nhà phân tích cảnh báo rằng Việt Nam không hoàn toàn miễn nhiễm trước xung đột thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.
"Một cuộc chiến tranh thương mại không có sự tham gia của Việt Nam có thể mang lại lợi ích nói chung cho Việt Nam… Nhưng ảnh hưởng tiêu cực nằm ở chỗ Việt Nam có thể bị gộp với Trung Quốc, giống như khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên thép Việt Nam, và có thể bị áp thuế đối với những hàng hóa khác nữa", Adam McCarty, chuyên gia kinh tế trưởng của Mekong Economics tại Hà Nội nhận định.
Hồi tháng 5, Mỹ đã áp thuế mạnh lên các sản phẩm thép Việt Nam được cho là có xuất xứ từ Trung Quốc. Mỹ cho rằng thép Trung Quốc đã di chuyển qua Việt Nam để tránh thuế mà Mỹ áp lên thép Trung Quốc vào năm 2015 và 2016.
Để ứng phó cũng như tranh thủ thời cơ trước những diễn biến của cuộc chiến thương mại này, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, Chính phủ cần cập nhật danh mục hàng hóa bị áp thuế của Mỹ và Trung Quốc cũng như động thái tỷ giá của đồng USD và nhân dân tệ để doanh nghiệp có phản ứng kịp thời, có thể tìm kiếm cơ hội xuất khẩu thêm sang Mỹ những mặt hàng trước đây Việt Nam không cạnh tranh được với Trung Quốc và ngược lại.
Theo Thu Phương/Nhà Đầu Tư
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chien-tranh-thuong-mai-dong-tien-hai-mat-a24340.html