Vietjet đội sổ chậm chuyến, Vietnam Airlines dẫn đầu hủy chuyến

Trong 6 tháng đầu năm đã có 20.566 chuyến bay bị chậm giờ và 434 chuyến bị hủy, trong đó Vietjet Air có hơn 10.000 chuyến bay chậm, còn Vietnam Airlines hủy 140 chuyến.

Tình trạng chậm và hủy chuyến có xu hướng tăng cao, các hãng giá rẻ như Vietjet, Jetstar nằm trong danh sách của cảng vụ theo dõi - Ảnh: C.TRUNG
Tình trạng chậm và hủy chuyến có xu hướng tăng cao, các hãng giá rẻ như Vietjet, Jetstar nằm trong danh sách của cảng vụ theo dõi - Ảnh: C.TRUNG)

Báo cáo về công tác chất lượng dịch vụ 6 tháng đầu năm 2018 về Cục hàng không, cảng vụ 3 miền Bắc - Trung - Nam đều cho biết tình trạng chậm hủy chuyến có xu hướng tăng cao, nhất là hàng không giá rẻ.

Số liệu từ Phòng vận tải hàng không - Cục hàng không Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm 2018, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar và Vasco thực hiện hơn 150.000 chuyến bay, tăng 9% so với cùng kỳ 2017.

Trong số đó, số chuyến bay cất cánh đúng giờ là 129.000 chuyến, 20.566 chuyến chậm giờ và hủy 434 chuyến.

Hãng Vietnam Airlines chậm 6.840 chuyến, hủy 140 chuyến trong tổng số 64.221 chuyến khai thác.
Vietjet Air khai thác 60.362 chuyến và có 10.235 chuyến bị chậm cùng với 66 chuyến phải hủy.

Trong khi đó, Jetstar chậm 3.577 chuyến, hủy 102 chuyến trong tổng 18.439 chuyến khai thác trong nửa đầu năm 2018.

Theo Cảng vụ hàng không miền Bắc, từ ngày 15-12-2017 đến 13-6-2018 tổng số chuyến bay bị chậm, hủy của các hãng 7.534 chuyến, trong đó nổi bật là Vietjet Air với 3.661 chuyến chậm và huỷ 35 chuyến.

Cảng vụ hàng không miền Bắc đã kiểm tra giám sát đặc biệt thời gian quay đầu máy bay khai thác quay đầu của hãng Vietjet Air tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài nhằm xác định nguyên nhân hàng loạt chuyến bay của Vietjet bị chậm.

Kết quả cho thấy 28/35 chuyến bay quay đầu của Vietjet chiếm 80% có thời gian phục vụ máy bay vượt quá thời gian được Cục hàng không phê duyệt từ 5-10 phút.

Thời gian quay đầu thực tế trung bình mỗi chuyến bay hết 43 phút 36 giây. Theo cảng vụ miền Bắc, đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các chuyến bay kế tiếp bị chậm do ảnh hưởng dây chuyền nếu máy bay tiếp tục được quay đầu tại điểm đến.

Theo báo cáo, tình trạng chậm hủy chuyến Cảng vụ hàng không miền Trung của một số hãng cao so với 6 tháng cuối năm 2017, trong đó chủ yếu do máy bay về muộn.

Số lượng hành khách khiếu nại phức tạp kéo dài cũng tăng cao so với thời điểm cuối năm ngoái và tình trạng chậm chuyến vẫn tăng cao, theo bà Phương.

Trong khi đó, Cảng vụ hàng không miền Nam nhấn mạnh việc chậm, hủy chuyến chủ yếu xảy ra ở hàng không giá rẻ, trong đó có Vietjet và Jetstar.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam, tình trạng quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất và việc tăng số chuyến bay và hành khách trong dịp cao điểm gây áp lực cao đối với nhân viên phục vụ của các hãng.

Điều này dẫn đến nhiều phản ánh về chất lượng dịch vụ, xếp hàng kéo dài dẫn đến chậm giờ ra máy bay...

Theo Cục hàng không, các nhóm nguyên nhân chính gây nên việc chuyến bay bị chậm vẫn tập trung ở hai nhóm chính là do máy bay về muộn và do hãng hàng không.

71 hãng hàng không nước ngoài khai thác đến Việt Nam

Theo Cục hàng không, thị trường hành khách hàng không tiếp tục có sự tăng trưởng cao, hiện đang có 71 hãng hàng không nước ngoài từ 28 quốc gia/vùng lãnh thổ khai thác các chuyến bay quốc tế thường lệ đến Việt Nam.

Bên cạnh đó, đội máy bay cánh bằng của các hãng Việt Nam khai thác vận chuyển hàng không gồm 167 chiếc, tăng 6 chiếc so với cùng thời điểm năm 2017 với độ tuổi bình quân là 5 tuổi, tỉ lệ sở hữu đạt 33,7% (56 máy bay sở hữu).

Theo Công Trung/Tuổi Trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/vietjet-doi-so-cham-chuyen-vietnam-airlines-dan-dau-huy-chuyen-a24534.html