VI Group là một nhà đầu tư lớn của Galaxy Cinema
VI Group gồm 3 quỹ nhỏ, quản lý hơn 500 triệu USD, đầu tư vào doanh nghiệp trong nhiều lãnh vực khác nhau như: Thiên Minh Group, Galaxy Cinema, QSR Vietnam, Wellspring, AMA, Nam Long, Gemadept, Vinafco, VNF Vietnamfood, VN Direct, HiPT… Trước đây, VI Group chỉ quan tâm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), họ mới để mắt đến các startup trong vài năm gần đây
“Có 3 tiêu chí để VI Group quyết định có xuống tiền hay không: nhìn vào sản phẩm kinh doanh, ban quản trị và khả năng thoái vốn”, ông Phạm Lê Nhật Quang, Quản lý đầu tư cấp cao của VI Group.
Bình luận về tiêu chí thứ nhất "nhìn vào sản phẩm kinh doanh": Một ngày ông Quang gặp từ 1 đến 2 doanh nghiệp, tức mỗi năm gặp trên 1.000 công ty quy mô lớn nhỏ khác nhau. Thế nên, để không làm mất thời gian của nhau, trước khi gặp nhà đầu tư, các startup nên tự trả lời các câu hỏi sau: Sẽ lấy doanh thu ở đâu? Chủ thể khách hàng mục tiêu là ai? Tại sao họ lại đến với chúng ta thay vì người khác?.
VI Group chỉ đầu tư vào các công ty có định hướng và kế hoạch rõ ràng về mặt công nghệ. VI Group thích đầu tư vào mảng F&B vì họ nghĩ ngành F&B sẽ bất biến, không bị ảnh hưởng bởi công nghệ, hiện có khoảng 400 doanh nghiệp lớn nhỏ ở mảng này.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công nghệ hiện đang ảnh hưởng đến tất cả ngành nghề, F&B cũng không ngoại lệ. Có doanh nghiệp F&B mà VI Group đầu tư, 40% doanh thu của họ đến từ Delivery Now.
Tiêu chí thứ hai "nhìn vào ban quản trị", dù đã hoạt động được 12 năm, song VI Group vẫn không có bất cứ công thức nào trong việc đánh giá ban quản trị doanh nghiệp. Theo kinh nghiệm của ông Quang, các chủ doanh nghiệp nên dành càng nhiều thời gian cho các nhà đầu tư càng tốt, để họ biết mình là ai và như thế nào.
Ông Quang kể, trong 1 thương vụ, dù hai bên đã tiếp xúc với nhau 6 tháng, song VI Group vẫn chưa xuống tiền bởi chưa có niềm tin với chủ doanh nghiệp này. Sau đó, ông chủ doanh nghiệp mời ông Quang cùng đi thăm các cơ sở sản xuất và cung cấp nguyên liệu cho các công ty tại một tỉnh miền Trung.
Trong cái nắng gay gắt, ông chủ ghé liên tục 12 xưởng, đến xưởng nào vị lãnh đạo này cũng kiểm tra kỹ càng, quan sát mọi ngóc ngách của nhà xưởng, máy móc dây chuyền – sản phẩm.
Chính sự sâu sắc của vị lãnh đạo trong chuyến đi thực tế các nhà máy đã khiến VI Group quyết định đầu tư cho doanh nghiệp đó, vì ông chủ là một người có thể đặt niềm tin.
Về "khả năng thoái vốn", VI Group cũng như các quỹ đầu tư khác, trước khi đầu tư đều tự hỏi: mình sẽ lấy lại lợi nhuận và thoát ra như thế nào?
“Các startup cũng nên quan tâm đến gu của các quỹ đầu tư, bởi mỗi quỹ có một gu khác nhau. Ví dụ, VI Group ưu tiên các doanh nghiệp trong mảng F&B và không đầu tư nếu nhu cầu gọi vốn của doanh nghiệp quá nhỏ. Bởi hiện tại, danh mục đầu tư của VI Group đã quá nhiều – chúng tôi cần chất lượng, không cần số lượng”, ông Quang bình luận.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Quang, các startup phải hiểu bản chất của một quỹ đầu tư mạo hiểm là như thế nào. Những quỹ đầu tư mạo hiểm muốn đầu tư là phải sinh lời, thậm chí họ muốn đầu tư 10 tỷ nhưng phải thu về 100 tỷ, chứ không muốn đầu tư 10 tỷ chỉ thu về 20 tỷ. Họ mua quá khứ - hiện tại – tương lai của bạn, do đó nên bạn phải có mục tiêu và lộ trình phát triển cụ thể thì mới thuyết phục được họ quan tâm, cũng như có chấp nhận mạo hiểm đầu tư vào bạn hay không.
Chuyện định giá doanh nghiệp khi kêu gọi vốn cũng cần thiết, nhưng các startup đừng quá quan trọng chuyện đó, không nên vội vàng định giá doanh nghiệp của mình nếu thấy không thuận lợi. Quan trọng hơn là, các startup nên thỏa thuận với nhà đầu tư sẽ phân lợi nhuận sau này như thế nào.
Theo Quỳnh Như/Nhà Quản Trị