Ông trùm có doanh nghiệp thuộc top đầu trên sàn ở vào thời điểm 5 năm trước giờ đang chìm ngập trong khó khăn, bán nhà đất, công ty con cũng chưa thoát khỏi cái bẫy do chính mình đặt ra.
CTCP Hùng Vương (HVG) của ông Dương Ngọc Minh vừa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2018, niên độ tài chính bắt đầu từ 1/10 và kết thúc vào 30/9 năm sau với khoản lỗ ròng thêm 208 tỷ đồng và bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.
Đây là một kết quả tồi tệ của doanh nghiệp mà chỉ vài năm trước đó là ông trùm trong lĩnh vực thủy sản, với hàng loạt vụ thâu tóm khủng, dự án lớn nhằm xây dựng một chuỗi từ giống cho đến nuôi trồng, chế biến và phân phối thủy sản trong và ngoài nước.
Giá cổ phiếu HVG thuộc trong số các mã hiện đã giảm xuống đáy 1 năm, tụt giảm hơn 70% trong vòng 6 tháng qua. Nếu tính trong 3 năm qua, cổ phiếu của ông Dương Ngọc Minh đã giảm khoảng 7 lần, vốn hóa mất hơn 3.400 tỷ đồng.
Theo kiểm toán, trên cơ sở giả định tập đoàn sẽ tiếp tục hoạt động, thì trong kỳ kế toán từ 1/10/2017 đến 31/3/2018 HVG đã phát sinh gần 380 tỷ đồng lỗ, nâng tổng lỗ lũy kế đến cuối kỳ lên trên 697 tỷ đồng và tổng nợ ngắn hạn cũng vượt quá tài sản ngắn hạn là gần 750 tỷ đồng. Các điều này dẫn đến yếu tố trọng yếu cho thấy sự nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.
Thời gian gần đây, Hùng Vương đang trong quá trình tái cơ cấu lại hoạt động kinh doanh và phải bán một số khoản đầu tư và tài sản cố định như việc bán 100% vốn tại Thực phẩm Sao Ta; thoái vốn tại Thức ăn chăn nuối Việt Thắng (trên 50%); thanh lý BĐS tại công ty con, lô đất 765 Hồng Bàng, TP.HCM.
Bên cạnh đó, công ty cũng đã đóng cửa một số cửa hàng, nhà máy chế biến thủy sản hoạt động không hiệu quả; thỏa thuận với ngân hàng về vốn,... Ban giám đốc tin rằng tập đoàn sẽ khắc phục được khoản lỗ lũy kế hiện tại và do đó BCTC sẽ được lập trên cơ sở hoạt động liên tục.
Theo kiểm toán, nguyên nhân Hùng Vương rơi vào khó khăn do đã dùng vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn. Một khi thị trường biến động tiêu cực, dự án không sinh lời thì không thể gánh các khoản nợ nần. Hùng Vương của ông Dương Ngọc Minh rơi vào chính bẫy nợ từ cuộc chơi đòn bẩy tài chính.
Trước đó, Hùng Vương là doanh nghiệp có tài sản khủng và luôn nằm trong tốp những doanh nghiệp lớn mạnh nhất sàn chứng khoán. Tuy nhiên, tham vọng tỷ USD với hàng loạt vụ thâu tóm và mở rộng hoạt động sản xuất trong nước cũng như sang tận Nga,... đã đẩy doanh nghiệp này cũng như các doanh nghiệp con vào tình trạng khó khăn, nợ nần chồng chất.
Sau một chuỗi ngày vung tiền ngàn tỷ vào hàng loạt các vụ thâu tóm trong ngành thủy sản, gần đây, HVG của ông Dương Ngọc Minh đã phải bán tài sản trả nợ. HVG thoái vốn và giải thể CTCP Địa ốc An Lạc, thanh lý hết các bất động sản hiện có thuộc Địa ốc An Lạc, bán Thủy sản Sao Ta cho Pan,...
Mặc dù vậy, khó khăn vẫn bủa vây doanh nghiệp của ông Dương Ngọc Minh.
Tình hình dường như càng trở nên xấu đi khi HVG mở rộng hoạt động kinh doanh, chuyển hướng chăn nuôi heo với dự án 2 ngàn tỷ đồng, từ thức ăn gia súc gia cầm cho tới trang trại, sản xuất thuốc, logistics,...
Từ vị trí top 10 trong danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán, ông Dương Ngọc Minh, người tình tin đồn của ca sỹ Mỹ Tâm rớt dài, sắp ra khỏi top 200 và oằn mình với gánh nặng nợ nần.
Tính tới hết 31/3/2018, Hùng Vương ghi nhận tổng nợ đã giảm mạnh, nhưng vẫn còn hơn 7,8 ngàn tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn lên tới gần 8 ngàn tỷ đồng. Đây là những con số nợ ở mức lớn đáng lo ngại so với quy mô hơn 2 ngàn tỷ đồng của doanh nghiệp.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK) , còn rất nhiều doanh nghiệp khó khăn và cổ phiếu tụt giảm mạnh hơn nhiều so với mức điều chỉnh chung của thị trường trong 3 tháng qua. Nhiều cổ phiếu tụt xuống đáy 1 năm với những cái tên nổi bật như: FRT của Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT, CTCP Đầu tư Sao Thăng Long (DST) của ông Ngô Quang Hòa, TSC của Công ty Cổ phần Vật tư kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ,...
Trong 3 tháng qua, TTCK đã điều chỉnh giảm mạnh, từ đỉnh cao 1.204 điểm hôm 9/4 xuống hiện còn khoảng 900 điểm.
Dòng tiền có xu hướng rút ra khỏi TTC) cơ sở, không chảy vào vàng, vào trái phiếu doanh nghiệp và ngân hàng, trong khi có dấu hiệu đầu cơ vào USD và tăng mạnh trên TTCK phái sinh.
Thị trường tài chính Việt Nam chịu ảnh hưởng từ những biến động trên thế giới, nhất là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung nổ ra từ hôm 6/7.
Sau cú áp thuế với hàng hoá Trung Quốc trị 34 tỷ USD, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố danh sách đánh thuế thêm 200 tỷ USD.
Nhiều cổ phiếu trụ cột giảm vào cuối phiên 10/7 khiến thị trường đi xuống như: Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM), Vietcombank (VCB), Techcombank (TCB), Bảo Việt (BVH), Đất Xanh (DXG),...
Khối ngoại tiếp tục bán ròng phiên thứ 6 liên tiếp với những mà đứng đầu như: VIC, VHM, MSN, NVL, CII. Trong tuần đầu tháng 7, khối ngoại đã bán ròng gần 1,2 ngàn tỷ và khoảng 7 ngàn tỷ đồng trong 2 tháng trước đó.
Một số CTCK cho rằng, TTCK chưa có dấu hiệu hồi phục rõ ràng dù đã giảm mạnh.
BSC cho rằng, thanh khoản ở mức thấp và nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng cho thấy trạng thái thị trường chưa có dấu hiệu rõ ràng cho sự hồi phục, nhà đầu tư nên quan sát thêm.
VPBS cũng nhận định trạng thái hiện tại vẫn thiên về giằng co và chưa có dấu hiệu rõ ràng về sự hồi phục.
Kết thúc phiên giao dịch 10/7, VN-index giảm 4 điểm xuống 911,12 điểm; HNX-Index tăng 0,86 điểm lên 101,62 điểm. Upcom-Index tăng 0,243 điểm lên 49,55 điểm. Thanh khoản đạt 150 triệu cổ phần. Giá trị đạt 3,2 ngàn tỷ đồng.
Theo V.Hà/VietnamNet
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/lo-nang-tram-ty-dai-gia-lam-nan-ban-nha-ban-dat-chua-thoat-nguy-a24744.html