Tham vọng sở hữu Vinamilk - vốn được giới đầu tư mệnh danh là 'hoa hậu' sáng giá nhất trên thị trường Việt của tỷ phú Thái có thể bị “ngáng đường” bởi một đối thủ mới rất khó chịu. Diễn biến này cho thấy tình hình thêm phức tạp, nhưng lại khiến thị trường sôi động hơn.
Cứ tưởng tỷ phú Thái sẽ “một mình một ngựa” trong cuộc đua đến cổ phiếu Vinamilk, nhưng cuộc vui trở nên thú vị hơn khi xuất hiện kẻ “ngáng đường” khó chịu. Đó là quỹ Platinum Victory thuộc Tập đoàn Jardine Cycle & Carriage (JC&C), đang nỗ lực thâu tóm cổ phiếu VNM.
Cuối tháng 11 năm ngoái, Platium Victory mua lại hơn 48,3 triệu cổ phiếu VNM, tương ứng tỉ lệ sở hữu 3,3%, với mức giá 186.000 đồng/cổ phiếu.
Đây là số cổ phần bị “ế” của SCIC trong đợt thoái vốn vào cuối năm 2016. Trong đợt thoái vốn lần đó, 2 quỹ thuộc tập đoàn F&N (Singapore nhưng cũng thuộc sở hữu của tỷ phú Thái) cũng đã mua vào hơn 78 triệu cổ phiếu (chỉ chiếm 60% lượng chào bán), với mức giá 144.000 đồng/cổ phiếu, bằng với giá khởi điểm.
Như vậy, đại gia JC&C chấp nhận mua giá cao hơn cả tỷ phú Thái. Sau thương vụ này, JC&C cho biết đã sở hữu tổng cộng 10% cổ phần, để ngỏ khả năng mua thêm. Từ đó đến nay, tập đoàn này liên tiếp đăng ký mua vào để tăng tỷ lệ sở hữu, thông qua giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận trên sàn.
Nhìn đối thủ liên tiếp tăng sở hữu có lẽ đại gia Thái cũng phải nóng mặt, gấp rút đẩy nhanh quá trình mua thêm cổ phiếu. Thậm chí từ năm 2016 đến nay, F&N liên tục liên tục đăng ký mua vào cổ phiếu VNM đến hàng chục lần.
Thực tế, cái tên F&N và người của đại gia này đã xuất hiện trong HĐQT của Vinamilk từ năm 2005. Khi cổ đông lớn nhà nước bắt đầu thoái vốn dần tại chú bò sữa chiếm số 1 thị phần Việt Nam, F&N đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt.
Những tưởng Vinamilk sớm hay muộn cũng thuộc về người Thái, nhưng diễn biến hiện nay cho thấy tình hình thêm phức tạp, nhưng lại khiến thị trường sôi động hơn.
Đẳng cấp của đại gia JC&C cũng không hề thua kém tỷ phú Thái. Tập đoàn đầu tư đa ngành này có trụ sở tại Hongkong, hoạt động chủ yếu ở thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á với số lượng nhân viên lên đến cả gần nửa triệu người.
Đại gia Hongkong này đồng thời cũng rất am hiểu thị trường và cách chơi tại thị trường Việt, thông qua nhiều thương vụ đầu tư vốn cổ phần vào các doanh nghiệp hàng đầu trong cả chục năm nay. Hiện nay, JC&C sở hữu 25% cổ phần của CTCP Ô tô Trường Hải, hay 23% cổ phần của CTCP Cơ điện lạnh (REE).
Trong khi JC&C đầu tư đa ngành thì tỷ phú Thái vẫn tập trung vào bán lẻ và mảng thực phẩm, đồ uống. Cuối năm ngoái, tỷ phú Thái nổi danh với thương vụ vay 5 tỷ USD để thâu tóm Sabeco, thương hiệu bia có thị phần số 1 Việt Nam, cũng như hàng loạt thương vụ thâu tóm doanh nghiệp bán lẻ khác như Metro, B’Mart, Phú Thái, khách sạn Melia,... Nhưng bên cạnh đó, tỷ phú Thái Lan, ông Charoen Sirivadhanabhakdi cũng đồng thời được biết là phất lên từ bất động sản.
Trong tư duy đại gia Thái Lan, Việt Nam là thị trường trọng điểm tiếp theo, bên cạnh Singapore, Malaysia hay Thái Lan. Còn xét về góc độ kinh doanh, Vinamilk rõ ràng rất hấp dẫn, không chỉ vì điểm chung là nắm giữ thị phần số 1 trong ngành hàng của mình, mà còn có hệ thống phân phối, quản trị rất đáng để sở hữu.
Như vậy, trong cơ cấu cổ đông của Vinamilk hiện nay, Platinum Victory đang là cổ đông lớn thứ 3 (hơn 10%), còn nhóm cổ đông F&N tới tỷ lệ sở hữu gần 20%. Dự kiến, cuộc đia sẽ còn khốc liệt hơn khi các đại gia liên tục chào mua thêm cổ phiếu trên thị trường và “nhăm nhe” vào những đợt thoái vốn tiếp tục của cổ đông nhà nước là SCIC, hiện đang giữ tỷ lệ 36%.
Sau cuộc đấu giá gần đây nhất của SCIC vào tháng 11, sự xuất hiện của “tay chơi” JC&C rất “chịu chi” đã khiến cổ phiếu VNM tăng giá đi lên, có thời điểm lên gần 215.000 đồng/cổ phiếu, tức tăng 70% so với thời điểm đầu năm 2017.
Cục diện này vô tình đưa đến lợi thế cho SCIC, tổ chức mong giá cổ phiếu ngày càng cao hơn để bán được giá.
Tuy nhiên, giá cổ phiếu VNM đang có xu hướng giảm cùng thị trường, hiện đã về mức thấp hơn 168.000 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là cơ hội cho các bên tăng cường tỷ lệ sở hữu.
Nhưng có mua vào qua sàn thì cũng là mua lẻ, các nhà đầu tư ngoại mong muốn là mua sỉ. Điều này thì còn phải nhìn vào động thái của ông lớn SCIC.
“Chốt chặn” của hoa hậu Vinamilk thì vẫn tỏ ra đủng đỉnh. SCIC vẫn chưa có kế hoạch thoái vốn khỏi VNM trong năm nay. Thống kê cho thấy, từ năm 2005 đến nay, khi mở rộng bắt đầu vòng tay chào đón F&N, thì tỷ lệ sở hữu của SCIC giảm từ mức 50% về mức 36%.
Như vậy, hiện nay, các bên vẫn sẽ phải tiếp tục “săn” hàng trên thị trường chứng khoán với giá bán lẻ, thay vì mua sỉ.
Chú bò sữa Vinamilk khó có con số kinh doanh tăng trưởng cao vì đã quá lớn, nhưng một khi đã chiếm hơn 50% thị phần sữa nước cùng doanh thu lên đến tỷ USD, cổ tức hàng năm mà Vinamilk mang lại cho các nhà đầu tư là rất hấp dẫn. Vì vậy, không quá khó hiểu khi SCIC thích rao bán từ từ hơn là bán sỉ một lần.
Hiện tại, 36% vẫn là tỷ lệ đủ để SCIC vẫn là cổ đông lớn nhất và vẫn đảm bảo khả năng phủ quyết. Tỷ lệ này có giảm hay không vẫn còn tùy thuộc vào phía cơ quan quản lý.
Dù vậy, theo quan sát của một chuyên gia chứng khoán, F&N chỉ muốn gom dần cổ phiếu VNM trên sàn với giá hợp lý chứ không phải mua bằng mọi giá. Tổ chức này lại mới rao mua thêm hơn 14,5 triệu cổ phiếu trong tháng 7, sau khi mua vào thất bại vào tháng trước.
Các chuyên gia tài chính cho rằng các nhà đầu tư ngoại rõ ràng không thiếu tiền, nhưng chỉ mạnh tay mua vào với tỷ lệ đủ để kiểm soát. Như trường hợp của tỷ phú Thái với Sabeco, chỉ cần muốn là vay luôn 5 tỷ USD để mua lại 53,6% cổ phần với mức giá cao từ cổ đông nhà nước, lên đến 320.000 đồng/cổ phiếu.
Thông thường, để mua thâu tóm, nắm quyền “sinh sát” thì bên mua sẽ phải chấp nhận trả thêm một mức phí nữa, bên cạnh mức định giá cơ bản về công ty. Sắp tới, bên nào sẽ “chịu chơi” hơn?
Theo Gia Hưng/VietNamNet
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/dai-gia-hong-kong-nhom-ngo-hoa-hau-viet-ty-phu-thai-deo-bam-khong-buong-a25284.html