Chặng đường mới của các cựu lãnh đạo Trần Anh: Hành trình tìm lại ngôi vị số 1

Chặng đường mới của các cựu lãnh đạo Trần Anh: Hành trình tìm lại ngôi vị số 1 - Ảnh 1.

Ông Trần Xuân Kiên đón chúng tôi tại văn phòng mới, trụ sở của công ty CoGo vừa hoàn thiện. Khu làm việc tại đây được thiết kế trên 2 tầng mặt sàn của một tòa nhà văn phòng lớn, trước đây từng là nơi kinh doanh của Parkson Hà Nội.

Chặng đường mới của các cựu lãnh đạo Trần Anh: Hành trình tìm lại ngôi vị số 1 - Ảnh 2.

"Tháng 7/2017, chúng tôi chốt xong thương vụ với Thế giới di động, tháng 8 tiến hành chuyển giao. Tháng 9 phía đối tác tiếp quản toàn bộ nhân sự và hệ thống. Từ tháng 9 tới cuối năm ngoái, chúng tôi thực hiện nốt các thủ tục chuyển giao. Trong thời gian đó tôi cũng rảnh, mới nghĩ xem tiếp theo mình làm gì. Tại thời điểm chuyển giao, tôi thậm chí vẫn chưa nghĩ ra.

Tới tháng 12, nhận thấy coworking là lĩnh vực hay, có thể làm được, chúng tôi quyết định bắt tay vào thực hiện", ông Kiên nhớ lại.

CoGo là kết quả của suy tính đó. Đây là tổ hợp co-working mới được ông Kiên cùng các đồng sự đưa vào sử dụng từ trung tuần tháng 6 vừa qua. Ngoài ông Kiên, dự án còn có sự góp mặt cùng nhiều cựu lãnh đạo khác ở Trần Anh, những người đã có từ 10-16 năm làm việc với nhau vô cùng ăn ý.

Có nhiều lý do để ông Kiên lựa chọn "dứt tình" với ngành điện máy sau 16 năm gắn bó, và cũng nhiều lý do để ông lựa chọn "kết duyên" với coworking space (hệ thống văn phòng chia sẻ). Tuy nhiên, tất cả có thể gói gọn vào mong muốn rất chính đáng của một doanh nhân: Giành lấy vị trí số 1.

Chặng đường mới của các cựu lãnh đạo Trần Anh: Hành trình tìm lại ngôi vị số 1 - Ảnh 3.

Từ nhiều năm trước, Trần Anh đã là cái tên được tín nhiệm hàng đầu trong thị trường bán lẻ điện máy đối với khách hàng miền bắc và liên tục nhiều năm liền nắm giữ thị phần số 1 tại khu vực này. "Tôi quyết định dừng kinh doanh điện máy sau khi hết quý 1/2017", ông Kiên chia sẻ.

Quyết định này được đưa ra trên cở sở đánh giá vị thế của Trần Anh trong cuộc đua đồng thời cũng bởi nhu cầu điện máy không còn tăng trưởng mạnh như giai đoạn trước. Bên cạnh đó, ngành thương mại điện tử lên quá nhanh, chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến bán lẻ truyền thống.

"Tôi thấy nguy cơ khi thương mại điện tử đi lên, người tiêu dùng sẽ chuyển dịch sang kênh đó. Trong khi hàng điện máy mua online hay offline thì khi nhận hàng sẽ giống nhau, nơi nào rẻ người ta sẽ tìm đến mua", ông Kiên nhìn nhận.

Chặng đường mới của các cựu lãnh đạo Trần Anh: Hành trình tìm lại ngôi vị số 1 - Ảnh 4.

Nếu như việc không nhìn thấy cơ hội lên vị trí trí số 1 Việt Nam của Trần Anh khiến cựu chủ tịch Trần Xuân Kiên quyết định dừng cuộc chơi từ quý 2/2017, thì cơ hội giành vị trí số 1 trong mảng coworking space đã thúc đẩy doanh nhân này bắt tay đầu tư vào tháng 12/2017, ngay sau khi rời công ty cũ. Theo tính toán của ông Kiên, sau khi 5 tổ hợp coworking space của CoGo được đưa vào vận hành tại Hà Nội, quy mô của chuỗi này sẽ là hệ thống coworking space lớn nhất tại Việt Nam.

Mô hình coworking space có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng. Trên thế giới, mô hình này đang trên đà phát triển với tốc độ trung bình hơn 50%/năm trong vòng 5 năm qua. Trị giá các công ty kinh doanh coworking space cũng tăng nhanh, điển hình là WeWork chỉ sau 7 năm ra mắt đã trở thành startup kỳ lân lớn thứ 3 tại Mỹ và thứ 6 trên thế giới với trị giá hơn 20 tỷ USD. WeWork cũng là mô hình mẫu được CoGo học hỏi khi tiến hành thiết kế văn phòng coworking space ở Việt Nam.

Ông Kiên cho biết, mô hình này giải quyết được rất nhiều các vấn đề mà văn phòng truyền thống không làm được, bao gồm việc mở rộng hay thu hẹp văn phòng một cách linh hoạt, tăng tính hiệu quả trong công việc, gia tăng cơ hội kết nối và đa dạng văn hóa giữa các thành viên trong cộng đồng các doanh nghiệp, tiết giảm chi phí set up, bảo trì và các tiện ích có thể chia sẻ được giữa các công ty…

Chặng đường mới của các cựu lãnh đạo Trần Anh: Hành trình tìm lại ngôi vị số 1 - Ảnh 5.

"Trần Anh cũng từng đi lên từ quy mô nhỏ, cũng từng có những khó khăn và bỡ ngỡ. Tôi đứng trên suy nghĩ rằng ngày xưa khi mới khởi nghiệp thì mình cũng quy mô như thế, mình phải đau đầu giải quyết cái gì, mô hình này có giải quyết được không, thì tôi thấy nó giải quyết được phần lớn và rất tối ưu".

Theo người đứng đầu CoGo, một trong số những khó khăn của các doanh nghiệp nhỏ khi đi thuê văn phòng kiểu truyền thống là sự linh hoạt khi mở rộng hay thu hẹp quy mô kinh doanh, cũng như chi phí vận hành trong quá trình hoạt động. Ông Kiên cho biết, các doanh nghiệp khi đi thuê văn phòng thường chỉ quan tâm là 1 tháng sẽ phải trả bao nhiêu tiền thuê nhà / văn phòng, mà quên mất đi kèm với nó là hàng loạt các chi phí khác mà công ty nào cũng phải cần đến, như chi phí sửa chữa cải tạo văn phòng, chi phí duy tu bảo trì, chi phí điện nước, lễ tân, bảo vệ, mua sắm đầu tư các trang thiết bị văn phòng, đầu tư diện tích cho phòng họp, phòng ăn, khu sinh hoạt chung…

Chặng đường mới của các cựu lãnh đạo Trần Anh: Hành trình tìm lại ngôi vị số 1 - Ảnh 6.

Tất cả những vấn đề này sẽ được tối ưu hiệu quả khi cùng chia sẻ trong coworking space với chi phí hợp lí nhất và đơn giản nhất. Theo ước tính, chi phí trong coworking sapce sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được lên đến 50% so với chi phí thuê văn phòng truyền thống.

Những vấn đề này ông Kiên đã từng gặp khi còn vận hành chuỗi siêu thị điện máy Trần Anh và đã được đặc biệt chú ý phân tích khi tìm hiểu và xây dựng mô hình coworking space.

Dưới đây là một số chia sẻ của ông Trần Xuân Kiên với chúng tôi dưới cương vị mới là Tổng giám đốc Chuỗi tổ hợp coworking space CoGo.

Xin ông cho biết khách hàng của CoGo gồm những ai?

Ông Trần Xuân Kiên: Chúng tôi chia khách hàng thành 3 nhóm: nhóm làm việc tự do, nhóm công ty startup và nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ đã có thời gian hoạt động ổn định. Với từng địa điểm coworking space, chúng tôi có sự phân chia tỷ lệ khác nhau với từng nhóm khách hàng. Khách hàng mục tiêu của CoGo là các doanh nghiệp hoạt động đã đi vào ổn định.

Nói như vậy tức là khách hàng mục tiêu của CoGo không phải là startup?

Các coworking space ở Việt Nam trước đây tập trung quá nhiều vào việc định vị coworking space là nơi dành cho các công ty khởi nghiệp dẫn đến khách hàng hiểu chưa đúng về coworking space. Thực tế tại Wework – coworking space lớn nhất thế giới - thì hơn 40% doanh thu đến từ các khách thuê là các công ty đã hoạt động ổn định và bước qua giai đoạn khởi nghiệp, hơn 30% doanh thu đến từ các công ty lớn có tên tuổi trên thế giới.

Với sự học hỏi kinh nghiệm từ Wework, các coworking space của CoGo được thiết kế theo phong cách chuyên nghiệp và tối giản đậm chất Mỹ nhằm mang lại cho khách hàng một cái nhìn đúng đắn hơn về coworking space.

Tuy nhiên, không phải là chúng tôi không hỗ trợ các công ty khởi nghiệp. Ngay khi thành lập, chúng tôi đã đưa ra chính sách cam kết luôn dành tặng 200 vị trí ngồi làm việc miễn phí hàng năm cho các startup.

Chặng đường mới của các cựu lãnh đạo Trần Anh: Hành trình tìm lại ngôi vị số 1 - Ảnh 8.

Nhiều coworking tại Việt Nam vẫn than lỗ. CoGo có lo ngại điều này? 

Việc đầu tư coworking chắc chắn sẽ không thể có lãi trong 1-2 năm đầu tiên. Đầu tư tài sản cố định lớn vào khoảng trên dưới 10 tỷ đồng cho một điểm (tùy vị trí và quy mô), chi phí khấu hao phân bổ hàng năm có thể khiến kết quả kinh doanh không nhìn thấy lãi. Chưa kể mô hình mới cần thời gian để khách hàng xây dựng thói quen, nhận ra lợi ích, cùng các ưu đãi giảm giá để thu hút khách mới.

Để đạt tỷ lệ lấp đầy đạt điểm hòa vốn cần có thời gian, cũng giống như việc kinh doanh khách sạn. Các khách thuê trong coworking thường có hợp đồng thuê trên 1 năm để đặt trụ sở công ty, vì vậy họ rất coi trọng yếu tố môi trường làm việc. Đó là lý do CoGo không bằng mọi giá tăng nhanh tỷ lệ lấp đầy để rồi phá vỡ mất môi trường làm việc chuyên nghiệp, do không có sự lựa chọn các khách thuê phù hợp.

Vậy nguồn thu chính của công ty sẽ đến từ đâu, thưa ông?

Nguồn thu chính mà chúng tôi hướng đến là doanh thu từ các doanh nghiệp hoạt động ổn định, cần một văn phòng làm việc thực sự chuyên nghiệp.

Chúng tôi cũng sẽ không đi theo hướng tổ chức event hay các lớp đào tạo một cách tràn lan như cách các coworking space khác đang làm. Doanh thu những hoạt động này cả tháng có thể lên đến cả trăm triệu đồng tại một điểm, nhưng không phải là trọng tâm của chúng tôi. Các hoạt động này mang lại lợi ích cho chủ đầu tư nhưng lại gây ra nhiều sự bất tiện và tiếng ồn cho các khách hàng thuê trong coworking.

Chặng đường mới của các cựu lãnh đạo Trần Anh: Hành trình tìm lại ngôi vị số 1 - Ảnh 10.

Chi phí thuê coworking space so với thuê văn phòng truyền thống có cách biệt nhiều không, thưa ông? 

Với các công ty dưới 30 người, chắc chắn chi phí khi thuê coworking space sẽ rẻ hơn so với thuê văn phòng truyền thống, sau khi đã hạch toán tiền thuê chỗ ngồi, chi phí trang thiết bị vật tư, điện nước, điều hòa, lễ tân, nhân viên vệ sinh và khấu hao tài sản cố định…

Lý do rẻ hơn đơn giản là bởi tối ưu được những thứ mà văn phòng truyền thống sử dụng không hết công suất và không hiệu quả, chi phí trên giờ sử dụng được tối ưu khi chia sẻ cho nhiều bên trong cộng đồng.

Thực tế lợi ích của coworking space không chỉ là vấn đề về chi phí mà còn rất nhiều những lợi ích khác, như đem lại nguồn cảm hứng mới, kích thích tính cạnh tranh giúp mọi người làm việc năng suất hơn, cũng như giúp mở rộng mối quan hệ và thúc đẩy tính tương tác giữa các thành viên. Nhiều tập đoàn lớn như Microsoft, Samsung, HSBC, Deutsche Bank, General Electric … đã đưa một số bộ phận của mình vào làm việc trong không gian coworking space, nhờ những lợi ích từ việc kết nối cộng đồng mà mô hình này mang lại.

Có thể xem coworking space có nét giống như Grab, Uber, Airbnb trong môi trường cho thuê văn phòng vậy.

Vậy thách thức và mục tiêu hiện tại của CoGo là gì?

Thách thức lớn nhất của CoGo là làm sao để các khách hàng hiểu rõ lợi ích của coworking space và thay đổi thói quen làm việc tại những văn phòng kém chuyên nghiệp vào trong các coworking.

Kế hoạch năm nay của chúng tôi là đưa 5 điểm vào hoạt động, rải đều tại các quận nội thành Hà Nội, đặc biệt là các khu trung tâm văn phòng. Nếu cuối năm kế hoạch tỷ lệ lấp đầy đạt kỳ vọng, chúng tôi sẽ mở tiếp 5-7 điểm mới tại thị trường TPHCM.

Chặng đường mới của các cựu lãnh đạo Trần Anh: Hành trình tìm lại ngôi vị số 1 - Ảnh 11.

Ông và các đồng sự đặt kì vọng gì vào dự án mới? 

Với những người đã có nhiều năm kinh doanh như các cổ đông CoGo, chúng tôi bắt đầu không còn suy nghĩ rằng mình kinh doanh cái này thì mình thu lợi được bao nhiêu tiền nữa, mà bắt đầu nghĩ đến chuyện chia sẻ cho xã hội, cộng đồng. Ngoài những chia sẻ về kiến thức và kinh nghiệm thực tế trong quá trình kinh doanh của mình, chúng tôi mong muốn sẽ góp phần hỗ trợ kết nối các mối quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng CoGo coworking space.

Trong kinh doanh không tránh khỏi khi mình đi trước trong một lĩnh vực kinh doanh quá mới mẻ và cần sự đầu tư tương đối lớn, mình gặp phải những thiệt hại, nhưng đó cũng là sự đam mê của những người làm kinh doanh. Giả định như nếu mình có thất bại, số tiền mà mình phải trả giá cho thất bại cũng có thể coi là đã phần nào đóng góp cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam.

 Xin cảm ơn ông!

Chặng đường mới của các cựu lãnh đạo Trần Anh: Hành trình tìm lại ngôi vị số 1 - Ảnh 12.
Chặng đường mới của các cựu lãnh đạo Trần Anh: Hành trình tìm lại ngôi vị số 1 - Ảnh 13.
Theo Kiến Anh-7pm

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chang-duong-moi-cua-cac-cuu-lanh-dao-tran-anh-hanh-trinh-tim-lai-ngoi-vi-so-1-a25405.html