Đại diện Lazada Việt Nam vẫn từ chối trả lời, nhưng theo nguồn tin NCĐT có được, sự thay đổi nhân sự đã có từ đầu năm 2018.
Đã có kế hoạch từ trước
Q.A, cựu nhân sự cao cấp của Lazada Việt Nam, cho biết từ ông Zhang YiXing (quốc tịch Trung Quốc) đã bắt đầu làm việc ở Việt Nam đầu năm. Ông có trách nhiệm báo cáo trực tiếp cho Lazada Group ở Singapore, bà Lucy Peng, một trong những người sáng lập tập đoàn Alibaba.
Ông Alexandre, bị thay thế với lý do liên quan đến việc cá nhân. Ngoài ra, cũng có thông tin cho thấy, ông cũng "chịu trách nhiệm" khi để Shopee Việt Nam vượt mặt.
Một số thống kê chưa kiểm chứng cho đến quý I/2018 cho biết số lượng đơn hàng một ngày Shopee Việt Nam đã vượt mức 140.000 đơn. Con số này qua mặt Lazada Việt Nam, khoảng hơn 100.000 đơn/ngày. Tuy nhiên, giá trị trung bình mỗi đơn hàng của Lazada Việt Nam vẫn cao gần gấp đôi Shopee Việt Nam.
Từ cuối năm 2017 đến đầu 2018, ghi nhận của NCĐT cho thấy có khá nhiều nhân sự cao cấp của Lazada Việt Nam chuyển sang làm việc cho Shopee Việt Nam. Vẫn chưa thể xác định được có phải là do sự xuất hiện của ông Zhang YiXing hay không.
Một cựu nhân sực khác của Lazada Việt Nam cho biết việc thay đổi nhân sự diễn ra ở các nước trong khu vực chứ không riêng Việt Nam. Vị này giải thích rằng Alibaba muốn kiểm soát việc vận hành tốt hơn để tối ưu chi phí hoạt động vì trước khi về tay doanh nghiệp này, Lazada Group là một công ty được Rocket Internet xây lên để bán.
Sự trỗi dậy của Tencent
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam được dự đoán sẽ đạt con số 4 tỉ USD vào năm 2020, theo Euromonitor. Trong khi đó, bộ Công Thương nhận định rằng doanh thu thị trường thương mại điện tử sẽ cán mốc 10 tỉ USD vào năm 2020.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại phần lớn miếng bánh thị phần thương mại điện tử Việt Nam đang nằm trong tay các doanh nghiệp có nguồn gốc đầu tư từ Trung Quốc là Alibaba và Tencent. Nếu như Alibaba thông qua Lazada Group để giành thị phần thương mại điện tử Việt Nam thì Tencent dùng Sea, công ty sở hữu ứng dụng mua sắm Shopee để tạo thế cạnh tranh. Mặt khác, Tencent cũng đầu tư gián tiếp vào Tiki.vn thông qua đối tác JD.com.
Các công ty này tạo ra rào cản chi phí về tiếp thị và đầu tư hạ tầng giao nhận rất lớn đểkhông một doanh nghiệp nào có thể theo nổi, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Kể từ khi Lazada Việt Nam hoạt động từ năm 2012, ước tính các doanh nghiệp thương mại điện tử có vốn ngoại đã đổ vào thị trường vài ngàn tỉ đồng để quảng cáo thu hút người sử dụng, xây dựng hệ thống kho hàng, giao nhận.
Cũng phải nói thêm, Tencent và Alibaba là hai doanh nghiệp cạnh tranh gay gắt trong việc giành thị phần thương mại điện tử ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Và trong khi Lazada Việt Nam đang cải tổ bộ máy hoạt động thì Tencent đang đang thắng thế hơn Alibaba nhờ sự mở rộng đầu tư của các đối tác ở Việt Nam. Hồi cuối tuần trước, Tiki.vn đã bắt đầu ra mắt dịch vụ đặt hàng xuyên biên giới với cửa hàng đầu tiên của JD (Trung Quốc).
Về phần mình sau khi mua lại Now (tên cũ là Foody) Sea đã gia tăng đầu tư vào đơn vị này để chiếm thị phần giao thức ăn ở Việt Nam. Mặt khác, để đảm bảo khâu giao vận của Shopee Việt Nam, Sea cũng được cho là đầu tư vào Giao Hàng Tiết Kiệm.
Không như Lazada Việt Nam, Sea và các công ty con của họ đóng cửa hoàn toàn với giới truyền thông nên rất khó xác nhận các thông tin trên. Tuy nhiên có thể dễ dàng thấy tốc độ phát triển của Now và Giao Hàng Tiết Kiệm trong hơn một năm trở lại đi. Một số nguồn tin chưa kiểm chứng còn cho rằng Sea đã rót hơn 600 tỉ đồng vào cả hai công ty trên trong thời gian qua.
Theo Huy Vũ/NCDT
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/vi-sao-lazada-viet-nam-thay-ceo-a25440.html