Dù có hai phiên hồi phục gần đây, song cổ phiếu ACV đã giảm gần 13% trong vòng nửa tháng qua kéo theo vốn hoá thị trường tổng công ty này “bốc hơi” hơn 1 tỷ USD. Trong khi đó, vụ việc ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc ACV ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm nhân sự trước khi về hưu vẫn đang gây chú ý dư luận.
Phiên giao dịch hôm nay (16/7), cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đã hồi phục nhẹ 0,1% lên 80.700 đồng. Đây là phiên hồi phục thứ hai của mã này song tổng mức tăng rất khiêm tốn, chỉ là 300 đồng (0,3%).
Trước đó, ACV đã có chuỗi 11 phiên liên tục không hề tăng giá (với 10 phiên giảm) kể từ 28/6. Tính đến nay, sau hai phiên hồi nhẹ, ACV vẫn mất tới 11.800 đồng/cổ phiếu tương ứng sụt giá gần 13%. Vốn hoá thị trường của tổng công ty này theo đó cũng giảm hơn 24.600 tỷ đồng (tức giảm hơn 1 tỷ USD).
ACV đang phải đối mặt với những thông tin đầy bất lợi về việc ông Lê Mạnh Hùng, Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc ACV trước khi về hưu theo chế độ (dự kiến vào giữa tháng này) ký 104 quyết định bổ nhiệm nhân sự, trong đó riêng ngày 19/6 đã ký tới 76 quyết định (hiệu lực từ 1/7).
Được biết, Bộ Giao thông Vận tải đã thành lập đoàn thành tra để kiểm tra việc bổ nhiệm này của ACV. Trong khi đó, ACV lý giải rằng, việc bổ nhiệm cùng một lúc này đều căn cứ vào nhu cầu quản lý, điều hành và nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh được đảm bảo tiêu chuẩn, phù hợp với quy hoạch cán bộ giai đoạn năm 2016-2021
Tới đây, ACV sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 1/2018 vào 24/7 để thông qua tờ trình sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty; miễn nhiệm và bầu bổ sung Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2016-2020.
Về hoạt động kinh doanh của ACV, với việc tỷ giá USD/VND tăng khoảng 1,5% từ đầu tháng 4 tới nay trong khi tỷ giá JPY/VND giảm 6,3%, EUR/VND giảm 4%, ACV được cho là sẽ hưởng lợi do có khoản nợ lớn được vay bằng đồng yen Nhật.
Tính đến 31/3, tổng nợ vay của ACV vào khoảng 14.475,7 tỷ đồng, chủ yếu là vay đồng JPY cho các dự án xây dựng nhà ga hành khách quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, nhà ga T2 sân bay Nội Bài.
Trở lại với thị trường chứng khoán, trong khi cổ phiếu ACV hồi phục nhẹ thì VN-Index lại trải qua một phiên rung lắc mạnh trước khi đóng cửa tại mức 911,11 điểm, ghi nhận tăng 1,39 điểm tương ứng 0,15%.
Trên sàn HSX có 154 mã tăng giá trong khi cũng có 107 mã giảm. HNX có 90 mã tăng so với 63 giảm, nhờ đó chỉ số HNX-Index tăng 0,61 điểm tương ứng 0,59% lên 103,12 điểm.
Phiên này, VNM tăng 700 đồng, MWG tăng 2.200 đồng, VJC tăng 1.000 đồng, ROS, PLX và nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng giá tích cực.
Tuy nhiên, với việc VHM mất tới 3.300 đồng, MSN giảm 700 đồng, GAS giảm 600 đồng, VIC giảm 500 đồng, HPG, SAB mất giá đã kìm hãm đáng kể đà phục hồi của chỉ số.
Trong phiên đầu tuần, cổ phiếu trở lại bán ròng 1,19 triệu cổ phiếu tương ứng 88,52 tỷ đồng trên sàn HSX. Áp lực bán ròng chủ yếu tập trung tại VIC (83,46 tỷ đồng), VNM (17,59 tỷ đồng), DHG (11,8 tỷ đồng). Trong khi đó, VRE lại được mua ròng hơn 16 tỷ đồng, KDC, VCB, CTD, BID cũng được mua ròng.
Trên HNX, khối ngoại lại mua ròng 1,67 triệu cổ phiếu tương ứng 28,11 tỷ đồng. Hoạt động mua ròng mạnh diễn ra tại IVS (16,87 tỷ đồng), VGC (hơn 12 tỷ đồng).
Theo nhận định của Công ty chứng khoán SHS, trong tuần này, VN-Index có thể sẽ hồi phục trở lại với mục tiêu là ngưỡng 930 điểm với thanh khoản được cải thiện.
Tuy nhiên, nhà đầu tư ngắn hạn vẫn được khuyến nghị duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức an toàn và quan sát diễn biến thị trường để có quyết định hợp lý. Nhà đầu tư trung và dài hạn có thể tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt trong danh mục và triển vọng tăng trưởng tích cực trong thời gian tới.
Theo Bích Diệp/Dân Trí
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/sau-be-boi-nghi-chuyen-tau-vet-cua-sep-lon-co-phieu-acv-ve-dau-a25565.html