‘Gieo quẻ’ chức danh chủ tịch VietinBank

Ngày 13/7, ông Nguyễn Văn Thắng, chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank đắc cử chức vụ Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh. Thị trường đang dõi mắt về VietinBank xung quanh câu chuyện: Ai sẽ kế nhiệm vị trí chủ tịch ngân hàng này?
1
Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank. Ảnh: Phúc Lâm)

Trao đổi với người viết khi được hỏi: “Ông lựa chọn và đề xuất ai với cơ quan quản lý về việc đảm trách chức vụ chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank”, ông Nguyễn Văn Thắng chỉ lấp lửng: “Truyền thống của VietinBank là vẫn muốn tuần tự nội bộ đi lên”.

Ghế nóng chờ ai?

“Tuần tự” ở đây, ý ông Thắng có thể đang nhắm đến ông Lê Đức Thọ, hiện là thành viên Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc ngân hàng. Ở VietinBank, trước khi ông Thắng rời đi, ông Thọ là nhân vật thứ hai.

Ông Lê Đức Thọ sinh năm 1970, tốt nghiệp chính quy Đại học Kinh tế Quốc dân khoá 1987 – 1991, ngôi trường số 1 về chuyên ngành kinh tế.

Kể từ khi ra trường, ông Thọ có hơn 25 năm gắn bó với VietinBank, ngoại trừ 8 tháng (tháng 8/2013 – 4/2014) giữ chức vụ Chánh Văn phòng Ngân hàng Nhà nước mà ở phần sau, bài viết sẽ đề cập đến câu chuyện luân chuyển thú vị này.

Như mọi cán bộ tín dụng ngân hàng thời đó, ông Thọ là người “đi từ đất” rồi từng bước trở thành cán bộ nguồn của ngân hàng.

Giai đoạn ông Phạm Huy Hùng làm chủ tịch, năm 2010, ông Thọ có sự thăng tiến nhanh với chức vụ Phó Tổng giám đốc ngân hàng, lúc 40 tuổi.

Không đơn giản để có thể khẳng định được mình, nhất là dưới thời kỳ ông Phạm Huy Hùng, vốn nổi tiếng là người “làm được, nói được” nhưng rất nghiêm khắc, thậm chí hà khắc.

Vị thủ lĩnh mà nhiều người nhận xét là “yêu ai, yêu đến chết nhưng đã ghét thì phải xúc đổ đi”. Từng có những lãnh đạo cấp phó có cá tính, khi ông Phạm Huy Hùng giữ chức chủ tịch Hội đồng quản trị, đã nhanh chân chuyển sang đơn vị khác và sau này trở về làm lãnh đạo VAMC là một ví dụ.

Cấp dưới của ông Hùng chỉ cần sơ sểnh mắc lỗi nghiệp vụ hay vi phạm thì coi như cầm chắc bị hạ lương, thôi việc.

Bởi vậy, giai đoạn trước năm 2014, trong số 4 ngân hàng thương mại Nhà nước chi phối vốn, VietinBank là đơn vị đứng đầu về số đơn thư phân trần, kêu ca và thậm chí là kiện cáo gửi lên Ngân hàng Nhà nước do bị kỷ luật, bị thôi việc như nói ở trên.

Cũng chính vì sự nghiêm khắc có phần thái quá của ông Phạm Huy Hùng mà người trong giới đồ rằng, đó chính là một trong những lý do để Ngân hàng Nhà nước chọn người giữ vị trí Chánh Văn phòng.

Chưa biết sự thể đến đâu nhưng có một thực tế không hề ngẫu nhiên là từ 2012 đến nay, đã 4 lần, vị trí Chánh Văn phòng Ngân hàng Nhà nước đều là người từ VietinBank.

Ví dụ: ông Nghiêm Xuân Thành, ông Lê Đức Thọ, sau khi rời cương vị Chánh Văn phòng Ngân hàng Nhà nước thì họ trở thành chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank và Tổng giám đốc VietinBank.

Hiện tại, Chánh Văn phòng Ngân hàng Nhà nước là ông Nguyễn Văn Du, cũng là một Phó Tổng giám đốc VietinBank.

Giỏi nghiệp vụ thì không cần phải bàn, bởi trong cả 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, ngoi lên vị trí giám đốc khối nghiệp vụ đã phải rất giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, chứ chưa nói đến vị trí phó hay tổng giám đốc.  Thế nên, không ai nghi ngờ năng lực chuyên môn của họ.

Tuy nhiên, để được lựa chọn giữ vị trí Chánh Văn phòng Ngân hàng Nhà nước không chỉ có vậy.

Ngoài nghiệp vụ của một ngân hàng thương mại thì cần phải có độ chín về chính trị và đặc biệt là khả năng linh hoạt, mềm dẻo nhưng không đánh mất yếu tố tuân thủ.

Đây chính là điểm khác biệt mà thời kỳ ông Phạm Huy Hùng với “lò bát quái” của mình, đã tạo ra một thế hệ, được coi là vàng trong hệ thống VietinBank.

Trở lại với câu chuyện ứng viên cho vị trí chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank, nếu xem xét mọi góc độ, có thể thấy, ông Lê Đức Thọ là ứng viên hội tụ nhiều điểm mạnh.

Ngoài ra, ông Thọ còn một lợi thế so sánh khác, chính là quá trình “trui rèn” kiến thức vĩ mô, điều hành hệ thống qua hơn một năm làm Chánh Văn phòng Ngân hàng Nhà nước.

Giai đoạn 2013 - 2014, cả hệ thống vẫn nháo nhào với lãi suất ngất ngưởng và tín dụng đình trệ do nợ xấu quá cao; quan hệ ngân hàng và doanh nghiệp trở nên xấu chưa từng có.

Ngân hàng Nhà nước liên tục cử các đoàn công tác xuống các tỉnh mở hội nghị “kết nối ngân hàng doanh nghiệp” để khơi thông tín dụng.

Đây chính là giai đoạn mà ông Thọ có điều kiện thâm nhập thực tế, hiểu rõ bức tranh tổng quan hoạt động của ngân hàng và doanh nghiệp qua những hội nghị kể trên.

Chuyện chưa phải đã gần

Phân tích như trên, để thấy rằng, ông Thọ là người có nhiều lợi thế, tuy nhiên, ứng viên vị trí này vẫn bị chi phối bởi một số yếu tố khác, ví như quyền quyết định của Ngân hàng Nhà nước.

Theo giả định này, một ứng viên khá nặng ký là ông Nguyễn Văn Du, hiện là Chánh Văn phòng Ngân hàng Nhà nước.

Ông Du sinh năm 1962, từng là phó Tổng giám đốc VietinBank, giữ cương vị Chánh Văn phòng Ngân hàng Nhà nước từ 1/6/2016 đến nay.

Như thông lệ, chủ tịch, tổng giám đốc các ngân hàng thương mại Nhà nước đều phải thông qua ý kiến và do Ngân hàng Nhà nước chọn lựa. Vì vậy, không quá nhiều ngạc nhiên nếu ông Du ngồi vào chiếc ghế chủ tịch VietinBank, nhất là các điều kiện về học vấn, nghiệp vụ, trải nghiệm và tiền lệ, ông đều đáp ứng và không kém cạnh ai.

Tuy nhiên, vào độ tuổi 56, ông Du còn 4 năm nữa là về hưu, thực chất là 3 năm, bởi với cán bộ Nhà nước, thường rục rịch nghỉ hưu vào tuổi 59.

Nhiều người đánh giá ông Du là người có năng lực, đầy trải nghiệm, kín kẽ, tốt tâm và luôn hài lòng với chính mình.

Nhưng, dù Ngân hàng Nhà nước chọn ai thì quy trình bổ nhiệm là cả một vấn đề.

Theo quy định hiện hành đối với ngân hàng thương mại Nhà nước chi phối vốn, ngân hàng phải tiến hành Đại hội đồng cổ đông miễn nhiệm người cũ và giới thiệu người mới, sau đó trình kết quả này lên Ngân hàng Nhà nước chuẩn y. Ngân hàng giới thiệu ai, phải là người trong diện được Ngân hàng Nhà nước quy hoạch.

Tiếp theo, nếu Ngân hàng Nhà nước đồng ý, sẽ gửi ý kiến chỉ đạo về ngân hàng thương mại; ngân hàng phải tiến hành xin ý kiến thường vụ đảng uỷ, Hội đồng quản trị, Ban điều hành.

Kế đó, ngân hàng trình báo cáo lần thứ 2 lên Ngân hàng Nhà nước phê duyệt chủ trương chính thức để lấy phiếu tại hội nghị toàn hệ thống.

Bước cuối cùng là Ngân hàng Nhà nước bổ nhiệm.

Tuy nhiên, quy trình bổ nhiệm chức danh nhân sự chủ chốt ngân hàng thương mại Nhà nước (quy trình 1956) hiện đang… sửa. Chính xác là đang trong tình trạng dự thảo.

Vì vậy, giống như BIDV, không có gì ngạc nhiên rằng, trong một thời gian dài, VietinBank chưa có ai ngồi lên chiếc ghế chủ tịch Hội đồng quản trị.

Điều đó là bình thường vì điều hành hoạt động ngân hàng được quyết định bởi bộ máy quản trị chứ không hẳn là một cá nhân. Và đó là khoảng thời gian để cuộc sống tiếp tục vận động.

Và, trong khi câu chuyện chiếc ghế chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank chưa xong thì thị trường đang xôn xao về chiếc ghế tổng giám đốc ngân hàng này.

Rất có thể truyền thống “tuần tự” ở VietinBank như lời ông Thắng nói sẽ xảy ra. Và, lần này là đến với một nữ giám đốc khối, kiêm thành viên Hội đồng quản trị ngân hàng.

Điểm nhấn hoạt động ngân hàng thời kỳ ông Lê Đức Thọ làm Tổng giám đốc, kiêm thành viên Hội đồng quản trị:

- Xử lý nợ xấu: đưa nợ xấu từ 2014 đến nay chỉ xoay quanh 1%/tổng dư nợ

- Ngày 29/6/2018, phát hành thành công 2,43 nghìn tỷ đồng trái phiếu cấp 2 để tăng vốn trong bối cảnh cổ tức phần vốn Nhà nước không được giữ lại.

- Triển khai mạnh mẽ công nghiệp 4.0 vào hệ thống ngân hàng thông qua thay thế core banking (Core SunShine), một dự án lớn nhất trong lịch sử 30 năm của ngân hàng. Tạp chí The Asian Banker đã trao giải Dự án ngân hàng lõi tốt nhất - Core Banking cho VietinBank.

Quá trình học vấn, công tác của ông Lê Đức Thọ:

- Học vấn:

+ Cử nhân, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội (1987 - 1991);

+ Thạc sỹ Kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, chuyên ngành Quản lý Kinh tế (1996 - 1999);

+ Tiến sỹ Kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, chuyên ngành Quản lý Kinh tế (2001 - 2005);

+ Cao cấp lý luận Chính trị - Hành chính, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh (2009 - 2010).

- Công tác:

+ 1992: Cán bộ Phòng Kế toán Ngân hàng Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Vĩnh Phú.

+ 9/1996 - 12/1996: Tổ trưởng tổ thẩm định thuộc Phòng Kinh doanh Ngân hàng Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Vĩnh Phú

+ 11/2003 - 2/2006: Phó Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp và Đầu tư Ngân hàng Công Thương Việt Nam

+ 3/2006 - 3/2010: Trưởng Phòng Đầu tư Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam

+ 4/2010 - 8/2013: Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam

+ 26/08/2013 - 28/4/2014: Chánh Văn phòng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

+ 28/4/2014 - nay: Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam.

Theo Phúc Lâm/VietnamFinance

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/gieo-que-chuc-danh-chu-tich-vietinbank-a25584.html