Cổ phiếu YEG của Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 sau gần một tháng niêm yết đã có biến động lên xuống tương đối mạnh so với giá tham chiếu ngày đầu tiên lên sàn, là 250.000 đồng/cổ phiếu.
Từ khi niêm yết, mức giá cao nhất mà cổ phiếu này đạt lên tới 343.000 đồng (ngày 28/6), cao hơn 37% so với giá tham chiếu ngày đầu tiên. Đây cũng là thị giá cao nhất của một mã cổ phiếu niêm yết trên thị trường hiện nay. Tuy nhiên, cũng có thời điểm YEG giảm liên tục xuống mức 225.000 đồng/cổ phiếu, tương đương thấp hơn 10% giá lên sàn ngày đầu.
Vài phiên gần đây, YEG dao động quanh ngưỡng 250.000 đồng/cổ phiếu, với thanh khoản tương đối thấp. Trung bình 10 phiên gần nhất chỉ có khoảng 15.000 cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh trên sàn. Với mức giá này, hiện vốn hóa của Yeah1 vẫn đạt gần 7.000 tỷ đồng, là doanh nghiệp truyền thông niêm yết có vốn hóa lớn nhất hiện nay.
Chiêu thực hiện hàng loạt giao dịch nghìn tỷ
Sau lùm xùm "chơi chiêu" để bán vốn cho nhà đầu tư ngoại, ban lãnh đạo Yeah1 có báo cáo giải thích về những giao dịch cổ phiếu nghìn tỷ của các cổ đông nội bộ.
Lãnh đạo tập đoàn này cho biết thực chất các giao dịch lòng vòng cổ phiếu thời gian qua là giúp cổ đông DFJ Vinacapital bán 7,82 triệu cổ phiếu YEG đang nắm giữ cho nhà đầu tư nước ngoài.
Các giao dịch lòng vòng cổ phiếu tại Yeah1 nhằm mục đích giúp nhà đầu tư nước ngoài không phải chờ thời gian hạn chế chuyển nhượngtheo quy định. Ảnh: YEG.
Theo thỏa thuận giữa DFJ và nhà đầu tư, giao dịch sẽ được thực hiện sau khi cổ phiếu YEG niêm yết (thực hiện theo hình thức giao dịch thỏa thuận vào ngày thứ 2 sau khi cổ phiếu YEG niêm yết, tức là ngày 27/6). Tuy nhiên, do DFJ Vinacapital đang là cổ đông nội bộ, khi niêm yết không thể chuyển nhượng cổ phiếu trực tiếp cho nhà đầu tư nước ngoài theo quy định. Để DFJ Vinacapital bán được cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài, cổ đông nội bộ của Yeah1 giao dịch qua lại với nhau.
Ban đầu, DFJ Vinacapital sẽ bán 7,82 triệu cổ phiếu YEG cho ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT. Sau đó, ông Tống bán đúng 7,82 triệu cổ phiếu đó cho 6 cá nhân khác. Những cá nhân mua lại đều không bị hạn chế chuyển nhượng.
Cuối cùng, 6 cá nhân nhận chuyển nhượng số cổ phiếu trên giao dịch thỏa thuận bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài vào ngày thứ 2 (ngày 27/6), sau khi cổ phiếu YEG niêm yết.
Ngoài ra, theo cam kết, ngay sau khi các nhà đầu tư nước ngoài mua 7,82 triệu cổ phiếu với giá 300.000 đồng/cổ phiếu (tương đương giá trị hơn 2.300 tỷ), cổ đông nội bộ sẽ mua cổ phiếu mới do Yeah1 phát hành với khối lượng bằng 50% số mà nhà đầu tư nước ngoài đã mua (tương đương 3,91 triệu), cũng với giá 300.000 đồng/cổ phiếu.
Ở giao dịch này lại xảy ra mâu thuẫn, khi DFJ Vinacapital là cổ đông nội bộ mua vào, nhưng do sau khi thực hiện giao dịch bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài trên thì room ngoại tại Yeah1 đạt mức trần 49%. Điều này khiến DFJ không thể mua thêm 3,91 triệu cổ phiếu mới như kế hoạch.
Các cổ đông lớn của Yeah1 sau đó đã thống nhất ông Tống sẽ mua toàn bộ số cổ phiếu phát hành mới này, với giá 300.000 đồng/cổ phiếu, tương đương gần 1.200 tỷ đồng. Và tập đoàn này thực hiện thủ tục đăng ký tăng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài lên 100% , DFJ sẽ mua lại số cổ phiếu này từ ông Tống.
Sau hàng loạt giao dịch, ông Tống vẫn chỉ sở hữu 11,33 triệu cổ phiếu YEG, tương đương 41% vốn doanh nghiệp.
Lách luật hay mô hình chuyển nhượng mới?
Chia sẻ về mô hình chuyển nhượng cổ phần này, ông Lê Vương Hùng, Giám đốc Khối môi giới khách hàng cá nhân của VDSC, cho rằng với việc Yeah1 đã gửi báo cáo công khai lên Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM và các nhà đầu tư, thì mô hình này không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho biết mô hình chuyển nhượng cổ phần này tương đối mới với thị trường Việt Nam, và chưa được áp dụng rộng rãi.
Một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán cũng cho hay cấu trúc giao dịch của Yeah1 khá phổ biến trên thế giới, nhưng tương đối mới tại Việt Nam. Tuy nhiên, nó đã được một số doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam áp dụng khi lên sàn.
Theo vị chuyên gia này, việc tái cấu trúc của Yeah1 từ sắp xếp lại cổ đông cho tới chuyển nhượng cổ phần giữa các cổ đông trước khi niêm yết hoàn toàn bình thường, không vi phạm quy định hiện hành nào. Bên cạnh đó, trước khi niêm yết, công ty nào cũng có sự tư vấn từ các công ty chứng khoán và luật, kiểm duyệt của sở giao dịch.
Yeah1 sẽ xin nới room nhà đầu tư nước ngoài lên 100% để hoàn tất thương vụ chuyển nhượng cổ phần như thỏa thuận các bên.
Sở dĩ tại Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp áp dụng cấu trúc giao dịch này, do giá trị thương vụ thường rất lớn, đòi hỏi phải có sự tin tưởng lẫn nhau giữa bên bán, bên mua và yêu cầu phải có một nhân vật trung gian được cả 2 bên tín nhiệm. Bên cạnh đó, chi phí lớn và yêu cầu minh bạch giữa các nhóm cổ đông cũng là lý do khiến cấu trúc này ít xuất hiện.
Vị này cũng chia sẻ thêm trước đây, khi mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ, nhà đầu tư phải cam kết nắm giữ 1 năm theo luật định. Tuy nhiên, những biến động của thị trường gây ra rất nhiều rủi ro, đặc biệt là các quỹ đầu tư với vòng quay rất nhanh của dòng tiền, thời hạn 1 năm khiến rủi ro rất cao về thanh khoản.
“Ở nước ngoài, thời điểm IPO cũng là lúc doanh nghiệp niêm yết trên sàn để nhà đầu tư có thể mua bán được ngay. Còn ở Việt Nam, có những doanh nghiệp IPO mấy năm trời vẫn chưa lên sàn. Thậm chí, nước ngoài họ giao dịch ngay trong ngày, nhưng ở Việt Nam là T+3. Rõ ràng rủi ro thanh khoản hai bên rất khác nhau”, ông cho hay.
Trước đó, sau khi hơn 27 triệu cổ phiếu YEG niêm yết, liên tiếp những giao dịch lạ xuất hiện với giá trị hàng nghìn tỷ đồng giữa các nhóm cổ đông với nhau.
Theo Qang Thắng/Zing