Trước khi xem xét đến nội dung, điều gây ấn tượng đối với các nhà đầu tư là phải nói đến độ “dài” của Báo cáo tình hình quản trị (BCTHQT) giai đoạn 6 tháng đầu năm tại ngân hàng Sacombank (HSX: STB).
Cùng kỳ năm trước, độ dài của báo cáo này là 31 trang, ở mức độ vừa phải nếu so sánh với một số ngân hàng quy mô lớn khác như: Vietcombank (52 trang), BIDV (45 trang), MBBank (31 trang).
Nhưng năm nay, nó đã dài gấp đôi: 56 trang!
Là một báo cáo thường kỳ, nhưng khác với Báo cáo tài chính, BCTHQT ít được nhà đầu tư quan tâm. Bởi lẽ, loại báo cáo này quá thiên về liệt kê (thường là danh sách thống kê lại các thông tin chính yếu đã được công bố).
Cấu trúc báo cáo này thường bao gồm các phần: Hoạt động của Đại hội đồng cổ đông; Hội đồng quản trị (bao gồm danh sách thành viên HĐQT, các nghị quyết và hoạt động liên quan); Ban kiểm soát (danh sách thành viên BKS, các hoạt động có liên quan); Thay đổi danh sách về người có liên quan của công ty đại chúng theo quy định tại khoản 34 Điều 6 Luật Chứng khoán; Giao dịch của cổ đông nội bộ và người liên quan.
Cũng chính vì tính chất liệt kê các sự kiện đã xảy ra này mà báo cáo quản trị thường chỉ được nhà đầu tư đọc lướt qua. Ít người đọc kỹ và đọc rồi có lẽ cũng sớm quên.
Nhưng đối với Sacombank, nếu đã đọc báo cáo của NH này trong 2 lần gần nhất, hẳn người đọc sẽ nhớ. Như đã nói, nó dài đến ấn tượng. Có khi là dài kỷ lục.
Tại sao lại dài vậy và nó cho thấy điều gì?
Trước tiên, hãy đặt trong bối cảnh ngân hàng Sacombank đang đặt mục tiêu xử lý nợ xấu lên hàng đầu mới thấy được sự khác biệt và cần thiết của báo cáo này.
Số trang giấy tăng lên đột biến là dấu hiệu bề ngoài cho thấy khối lượng công việc mà Chủ tịch Dương Công Minh và tập thể ban lãnh đạo Sacombank đã phải xử lý.
Hồi đầu năm nay, trong cuộc phỏng vấn với Thời báo kinh tế Sài Gòn (TBKTSG), ông Dương Công Minh đã tiết lộ nhiều thông tin liên quan đến việc xử lý nợ xấu của Sacombank.
Trả lời câu hỏi liên quan đến kế hoạch xử lý nợ xấu năm tới, vị Chủ tịch này cho biết: “Đề án tái cơ cấu cho phép Sacombank xử lý nợ xấu trong 10 năm. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu, vừa động viên, tạo điều kiện cho chúng tôi xử lý trong vòng 5 đến 7 năm. Tuy nhiên, lãnh đạo và toàn bộ nhân viên Sacombank sẽ nỗ lực hết sức để hoàn tất cơ bản xử lý nợ xấu trong 3 đến 5 năm.” Và đặt ra mục tiêu: “Năm 2018 mục tiêu của Sacombank là giải quyết được giá trị nợ xấu ít nhất tương đương với số nợ đã xử lý trong năm 2017.”
Bài viết này cũng rất dễ tìm trong các phần tin về Sacombank tại trang chủ của ngân hàng.
“Con số tương đương ít nhất của của năm 2017” cũng đã lên tới 19.000 tỷ đồng, đây rõ ràng là thách thức không nhỏ, chưa kể muốn xử lý còn phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài tác động. Nhà đầu tư có thể đánh giá tiến độ thực hiện qua các Báo cáo tài chính thường kỳ (cụ thể là Báo cáo tài chính Quý 2/2018), nhưng để hé lộ khối lượng công việc phải thực hiện để có kết quả đó thì phải “kiên nhẫn” hơn với BCTHQT giai đoạn 6 tháng đầu năm 2018.
Đa số nội dung trong các Nghị quyết là thông qua một loạt các Phương án xử lý các khoản vay, nợ xấu tồn đọng như: Phương án xử lý khoản vay của Nhóm khách hàng Phạm Công Danh; Mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu do CTCP Đầu tư xây dựng Thái Sơn phát hành ngày 18/1/2018 với mệnh giá 2.000 tỷ đồng; Phương án xử lý nợ đối với khoản vay của Tập đoàn Đức Long Gia Lai ...
Để có thể đưa ra các phương án xử lý như vậy, với một ngành có tính chất nhạy cảm và phức tạp như ngân hàng, thì hiếm có ai hiểu hết được thời gian và công sức mà những người có liên quan phải bỏ ra. Bên cạnh đó, việc ban hành các quy định, quy chế và thành lập các phòng ban hoạt động nội bộ trong ngân hàng cũng là công việc đòi hỏi nhiều công sức.
Trong giai đoạn 6 tháng đầu năm, Sacombank đã ban hành một loạt các quy chế mới liên quan đến mua, bán giấy tờ có giá; quy chế cấp hạn mức giao dịch kinh doanh tiền tệ và và giao dịch chứng khoán nợ; quy chế đảm bảo hoạt động liên tục trong điều kiện khủng hoảng; quy chế bảo lãnh ngân hàng; quy chế mua bán nợ; chính sách tín dụng; bổ nhiệm/miễn nhiệm nhân sự. Đến đầu tháng 5, ban lãnh đạo Sacombank ra quyết định thành lập tới 12 Ủy ban, bao quát nhiều mảng hoạt động tại ngân hàng.
Mặc dù Báo cáo tình hình quản trị là một loại báo cáo mang nặng tính chất liệt kê và khô khan với người đọc, những Báo cáo tình hình quản trị với độ dài như thế này tại Sacombank khả năng sẽ còn được duy trì trong giai đoạn cao điểm xử lý nợ xấu từ 3 – 5 năm tới.
Nhưng đặt trong câu chuyện riêng của Sacombank, các nhà đầu tư, cổ đông (kể cả những cổ đông khó tính nhất) có cơ sở để gửi gắm thêm nhiều niềm tin bởi sự cần mẫn của người đứng đầu, ban lãnh đạo và tập thể cán bộ công nhân viên tại ngân hàng này./.
Theo Phạm Duy/VietTime
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/no-luc-cua-ong-duong-cong-minh-nhin-tu-bao-cao-le-the-cua-sacombank-a26550.html