15 doanh nghiệp cà phê trong danh sách doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2017 tiếp tục không có tên Trung Nguyên.
"Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín" được tổ chức thường niên do Bộ Công thương xét chọn trên cơ sở đề xuất của các cơ quan hữu quan, dựa trên cơ sở các tiêu chí do Bộ Công Thương quy định về mức kim ngạch xuất khẩu tối thiểu, về uy tín trong kinh doanh đối với bạn hàng nước ngoài, về việc chấp hành nghĩa vụ đối với Nhà nước trong lĩnh vực hải quan, lĩnh vực thuế, lĩnh vực môi trường…
Danh sách doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2017 được công bố tuần trước gồm 225 doanh nghiệp (tương đương với 234 lượt doanh nghiệp theo 24 ngành hàng). Trong đó, ngành cà phê có 15 doanh nghiệp, và Trung Nguyên tiếp tục không có tên.
Những rạn nứt trong Trung Nguyên bắt đầu bộc lộ từ tháng 11/2015, khi các sản phẩm cà phê hòa tan mang thương hiệu G7 bị tạm ngưng cung cấp tới các đại lý, cửa hàng kinh doanh với lý do "bảo trì máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất tại các nhà máy trực thuộc CTCP tập đoàn Trung Nguyên".
Các sản phẩm hòa tan của Trung Nguyên được sản xuất tại một trong 3 địa điểm gồm Nhà máy Bình Dương, Nhà máy Bắc Giang và Nhà máy Cà phê Sài Gòn tại Mỹ Phước, Bình Dương. Trong đó, 2 nhà máy tại Bình Dương và Bắc Giang thuộc quyền quản lý của CTCP Cà phê Hòa tan Trung Nguyên - công ty mà trước khi xảy ra tranh chấp bà Lê Hoàng Diệp Thảo, vợ ông Đặng Lê Nguyên Vũ, giữ cương vị Chủ tịch HĐQT.
Tháng 9/2017, loạt lô cà phê hòa tan G7 sản xuất tại CTCP Hòa tan Trung Nguyên chi nhánh Bắc Giang bị giữ lại tại nhiều cửa khẩu. Thậm chí, một số sản phẩm G7 đang lưu thông tại thị trường nội địa cũng đột ngột bị Cục Quản lý thị trường tạm giữ để kiểm tra vì có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu công nghiệp của CTCP Đầu tư Trung Nguyên - nơi ông Vũ làm đại diện pháp luật.
Theo danh sách doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của Bộ Công thương, doanh nghiệp đứng đầu bảng ngành cà phê là CTCP Tập đoàn Intimex với kim ngạch xuất khẩu gần 807 triệu USD. Doanh nghiệp kim ngạch xuất khẩu thấp nhất danh sách là Công ty TNHH Minh Huy, với kim ngạch xuất khẩu gần 20 triệu USD.
Theo Bộ Công thương, danh sách này nhằm ghi nhận đóng góp tích cực của các doanh nghiệp trong tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước; hỗ trợ giới thiệu, tuyên truyền và quảng bá các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam với đối tác nước ngoài thông qua hệ thống Thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài, nhằm tăng khả năng tiếp cận và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa cho các doanh nghiệp.
Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nâng cao hơn nữa uy tín cũng như hình ảnh của mình trong kinh doanh thương mại thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Cà phê Trung Nguyên cũng từng được lọt vào danh sách Thương hiệu quốc gia một lần vào năm 2014. Những năm sau đó, danh sách này cũng không còn tên Trung Nguyên.
Theo Bình An/Trí Thức Trẻ