Ông Nguyễn Mạnh Hùng và khát vọng về 'một Việt Nam hùng cường, không khoảng cách'

Chiều 23/7, Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận được quyết định của Ban bí thư về việc chỉ định ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương đảng, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) giữ chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, thay cho ông Trương Minh Tuấn.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng và khát vọng về 'một Việt Nam hùng cường, không khoảng cách'
CEO Viettel Nguyễn Mạnh Hùng được chỉ định giữ chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông.)

Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng được giới công nghệ thông tin và truyền thông mệnh danh là “kiến trúc sư trưởng”, là “linh hồn” của đế chế Viettel.

Hôm 5/7 vừa qua, tại buổi lễ vinh danh những tập thể/cá nhân xuất sắc nhất của tập đoàn Viettel – The Best of Viettel, trên cương vị “thuyền trưởng”, ông Hùng đã gửi thông điệp tới hàng chục ngàn “người Viettel”: “Hãy nhớ rằng – Viettel là một tổ chức khởi nguồn từ trí tưởng tượng của những con người mà hành trang không có gì ngoài khát vọng làm nên một điều gì đó”.

“Những thành quả chúng ta đã thực hiện những năm gần đây, đều bắt nguồn từ trí tưởng tượng của chính mình. Chúng ta tưởng tượng ra một Việt Nam không khoảng cách, một Việt Nam hùng cường, một Việt Nam hoà bình lâu dài. Chúng ta luôn ý thức rằng, chúng ta cần tạo ra vận mệnh của chính mình”, vị thiếu tướng này nói thêm.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng sinh năm 1962. Ở tuổi 56, cùng với các cộng sự của mình tại Viettel, di sản lớn nhất của ông Nguyễn Mạnh Hùng chính là việc góp phần đưa di động, Internet trở thành dịch vụ bình dân ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng từng là cử nhân xuất sắc của Đại học Kỹ thuật quân sự khóa 14. Sau đó, ông được Bộ Quốc phòng tuyển chọn đi du học và tốt nghiệp kỹ sư chuyên ngành Điện tử viễn thông ở Liên Xô (cũ).

Ngoài ra, ông còn là Thạc sỹ viễn thông, trường Đại học Tổng hợp Sydney, Australia; Thạc sỹ Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Ông Hùng là người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu dự án máy thông tin quân sự và chế tạo thành công bộ tạo số (trái tim của máy thông tin). Dự án này sau đó đạt giải thưởng quốc gia về nghiên cứu nhưng chưa thể sản xuất hàng loạt vì thiếu vốn, thiếu linh kiện, chưa có thị trường…

Năm 1989, khi Viettel mới được thành lập,  ông Hùng là một trong những nhân sự đầu tiên được Bộ Quốc phòng điều động về Viettel. Trong những năm đó, ông giữ các vị trí trợ lý kỹ thuật, Phó trưởng phòng rồi Trưởng phòng Đầu tư Phát triển.

Năm 2012, sau 23 năm gắn bó với Viettel ở nhiều vị trí khác nhau,  ông Nguyễn Mạnh Hùng được phong quân hàm Thiếu Tướng.

Hai năm sau, ngày 1/3/2014, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội, thay cho Trung tướng Hoàng Anh Xuân về nghỉ hưu.

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng đã có gần 30 năm gắn bó với Viettel)

Ngày 26/1/2016, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần XII của Đảng, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã trúng cử vào Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XII với tỷ lệ 74% phiếu bầu.

Đến ngày 18/5/2016, ông Nguyễn Mạnh Hùng được chỉ định là Ủy viên Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Theo quyết định của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2015- 2020 gồm 23 người. Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam giữ chức Bí thư Quân ủy Trung ương. Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, giữ chức Phó Bí thư Quân ủy Trung ương.

Mới đây nhất, ngày 14/6/2018, Thủ tướng Chính phủ  đã quyết định bổ nhiệm Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng giữ chức vụ Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel).

Tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 27/6 vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã thông báo nhiều tin vui về sự tăng trưởng của Tập đoàn Viettel.

Từ một Viettel nhỏ bé cách đây 30 năm, chỉ phục vụ nhu cầu thông tin trong quân đội, đến nay, Viettel đã trở thành 1 trong 15 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất thế giới với khoảng khoảng 100 triệu khách hàng.

Tập đoàn Viettel cũng đã phát triển thêm nhiều ngành nghề mới như ngành công nghiệp điện tử viễn thông, ngành công nghiệp vũ khí công nghệ cao, ngành công nghiệp an ninh mạng…

Theo báo cáo của Viettel, chỉ riêng hai ngành công nghiệp điện tử viễn thông và công nghiệp vũ khí công nghệ cao đã có doanh thu 12.000 tỷ đồng, tương đương với lĩnh vực đầu tư quốc tế của Tập đoàn. Nhiều sản phẩm trong lĩnh vực này đã được trang bị trong Quân đội và được đánh giá có tính năng tương đương với sản phẩm của NATO, phù hợp với khả năng tác chiến của Quân đội.

Về lĩnh vực dân sự, Viettel đưa vào mạng lưới viễn thông Viettel tại Việt Nam và các thị trường Viettel đầu tư những thành phần quan trọng nhất của hạ tầng mạng viễn thông, như thiết bị đầu cuối, mạng truy nhập, mạng lõi và cung cấp dịch vụ như trạm phát sóng BTS 4G, các loại tổng đài, hệ thống tính cước…. Viettel cũng đã phát triển giải pháp tường lửa quốc gia, chặn lọc tin rác, hệ thống giám sát an ninh mạng 24/7.

Chủ tịch Tập đoàn Viettel Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, mục tiêu của Viettel tới năm 2020 là trở thành một Tập đoàn công nghiệp công nghệ cao, viễn thông, toàn cầu với tăng trưởng 10-15%/năm. Viettel đặt ra chỉ tiêu doanh thu từ 350.000-400.000 tỷ đồng, với lợi nhuận trước thuế 50.000-55.000 tỷ đồng và vào top 10 công ty viễn thông toàn cầu.

Trên cương vị mới -  Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, hy vọng ngọn lửa nhiệt huyết và khát vọng của “thuyền trưởng” Nguyễn Mạnh Hùng sẽ lan tỏa mạnh mẽ trong ngành công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam. Để từ lửa nhiệt huyết và khát vọng đó, chúng ta có "một Việt Nam hùng cường, một Việt Nam không khoảng cách trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0" đang diễn ra mạnh mẽ, đầy thách thức nhưng cũng mở ra nhiều vận hội mới.

Theo Hải Linh/Vietnamfinance

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ong-nguyen-manh-hung-va-khat-vong-ve-mot-viet-nam-hung-cuong-khong-khoang-cach-a27077.html