Thế hệ CEO đời đầu tại nước Mỹ phải chật vật để tồn tại, nhưng hiện nay khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng còn khó khăn hơn.
Khi Warren Buffett còn trẻ, vào thời kì Đại Khủng Hoảng, cha của ông không thể xin việc tại một cửa hàng tạp hoá gia đình. Không công việc, không tiền bạc, hoá đơn chồng chất, mẹ của ông, bà Leila Buffett, từng phải nhịn ăn để trang trải cho gia đình. Do quá nhiều áp lực cùng ảnh hưởng do hít phải khói từ máy li-nô từ khi còn nhỏ, bà thường xuyên mắng nhiếc hai người con của mình.
Từ đó, gia đình Buffett bắt đầu từng bước xây dựng nền tảng tài chính. Cha ông mở một công ty môi giới chứng khoán, và nhiều năm sau ông trở thành một nghị sĩ quốc hội trong suốt bốn nhiệm kỳ. Về Warren Buffett, the "The Snowball: Warren Buffett and the Business of Life", ông đã bộc lộ năng khiếu với những con số ngay từ khi còn nhỏ. Ông ám ảnh với việc lên lịch cho mọi thứ, tính toán tỉ lệ, và thậm chí ông từng tính tần số xuất hiện của những chữ cái xuất hiện nhiều nhất trong kinh thánh. Vào năm 15 tuổi, ông đã có thể kiếm hàng ngàn đô từ công việc giao báo.
Cách đây ít lâu, nhà đầu tư huyền thoại 87 tuổi đã bị tỷ phú trẻ Mark Zuckerberg 34 tuổi soán ngôi. Với giá cổ phiếu Facebook tăng mạnh cùng dòng tiền cho từ thiện của Buffett, Mark Zuckerberg chính thức trở thành một trong ba người giàu nhất thế giới cùng Jeff Bezos và Bill Gates, cả ba đều điều hành các công ty công nghệ.
So với Buffett và nhiều người khác cùng thời, tuổi thơ của Zuckerberg khá tầm thường. Zuckerberg là con trai của một nha sĩ và bác sĩ tâm thần trưởng thành tại Dobbs Ferry, một khu ngoại ô trung lưu nhỏ ngoài New York. Anh bắt đầu sử dụng máy tính của cha mình từ khi còn nhỏ và đã sớm bộc lộ khả năng lập trình trước khi tốt nghiệp một trường dự bị dành cho học sinh ưu tú.
Câu chuyện của Zuckerberg là tiêu biểu cho những tỉ phú công nghệ mới trong bảng xếp hạng của Bloomberg Billionaires Index. Với 64 doanh nhân trên bảng xếp hạng 500 người giàu nhất thế giới, ngành công nghệ đã sản sinh ra nhiều tỉ phú hơn bất kỳ ngành nào. Chỉ riêng trong năm nay, ngành công nghệ đóng góp 11 tỉ phú mới.
Tuy vậy, câu chuyện nền tảng của nhóm tỉ phú tự thân này chưa hoàn chỉnh. Trong khi những thế hệ trước xoay quanh những câu chuyện cảm động, thì thế hệ tỉ phú mới chỉ là tầng lớp trên trung lưu được tiếp xúc sớm với máy tính và hưởng chế độ giáo dục ưu tú. Trước khi rời Harvard, Zuckerberg từng tạo ra một hệ thống nhắn tin tức thì cho phòng khám của cha mình khi mới 12 tuổi. Năm 15 tuổi, Jack Dorsey, nhà sáng lập Twitter, đã gây ấn tượng với ông chủ của mình trong thời gian thực tập lập trình. Travis Kalanick, nhà sáng lập Uber, bắt đầu viết code từ cấp hai.
Hình tượng tỉ phú tự thân luôn đóng một vai trò quan trọng trong tâm trí người Mỹ. Horatio Alger từng viết những câu chuyện về những con người gan dạ xuất thân từ tầng lớp hạ lưu đã thành công toàn thế giới bằng lòng chân thành và sự chăm chỉ. Hollywood cũng luôn tôn sùng những con người bị đánh giá thấp ngay từ khi phim ảnh ra đời. Và trong nhiều năm, giới kinh doanh cũng từng xuất hiện những câu chuyện tương tự có thật.
Tuy nhiên, sự thành công của Zuckerberg sau khi bỏ học tại Harvard (hay Dorsey bỏ học tại New York và Kalanick tại UCLA) đã xáp trộn kịch bản trên. Các nhà sáng lập ngày nay thiếu hụt sự gian nan trong câu chuyện của mình. Rõ ràng người ta khó có thể trở thành thần đồng máy tính nếu không có máy tính. Điều này đã góp phần tạo ra một xu hướng mới trong nền kinh tế Mỹ: Với hàng triệu người thu nhập thấp, khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng ngày càng khó khăn hơn. Để bỏ học tại Harvard, trước hết bạn phải trúng tuyển vào trường.
Dù gia đình gặp khó khăn, nhưng cuối cùng Buffett vẫn có thể tới học tại Trường Kinh doanh Columbia. Tuy nhiên, với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cùng thời, ký túc xá không hề tồn tại trong câu chuyện của họ. Ví dụ, Bruton Smith, cựu CEO của Speedway Motorsports, là một trong những lãnh đạo lớn tuổi nhất của một công ty đại chúng. Smith trưởng thành tại một trang trại, chưa từng đi học đại học và từng mang súng lục tới một công trường để giải tán một vụ tranh chấp lao động.
Theo thống kê và qua những câu chuyện truyền miệng, những câu chuyện đi lên từ hai bàn tay trắng ngày càng hiếm hoi. Dịch chuyển xã hội (tức tỉ lệ con cái thu nhập cao hơn cha mẹ mình) giảm liên tục kể từ những năm 1940. Nhà kinh tế học Raj Chetty chỉ ra rằng chỉ khoảng 50% những người sinh vào năm 1980 có thu nhập cao hơn cha mẹ họ. Vào năm 1940, tỉ lệ này là trên 90%.
Đương nhiên hầu hết các doanh nhân khởi nghiệp thành công có thu nhập vượt xa cha mẹ họ. Trên thực tế, thu nhập của họ cao hơn rất nhiều so với thu nhập của hầu hết mỗi người trong lịch sử. Theo thống kê, tỉ lệ tăng trưởng thu nhập ở những mức thu nhập hàng đầu tại Mỹ bỏ xa tỉ lệ tăng trưởng tại phân khúc đáy. Năm ngoái, Oxfam International cho biết hơn 80% thu nhập thuộc về 1% dân số thế giới.
Đương nhiên, vẫn có nhiều tỉ phú tự thân có một tuổi thơ vất vả. Ví dụ như Elon Musk (47 tuổi). Là một người nhập cư từ Nam Phi, ông từng bị bắt nạt khi còn nhỏ trước khi chuyển tới Canada khi mới 17 tuổi. Tại đây, ông học tại Đại học Queens và chuyển đổi sang Đại học Pennsylvania trước khi từ bỏ học chương trình Tiến sĩ tại Đại học Standford. Tuy vậy, hầu hết những nhà sáng lập hiện nay đều có ít nhất bố hoặc mẹ làm trong lĩnh vực khoa học. Điều này khác biệt hoàn toàn so với thời đại trước.
Dù vậy, rõ ràng nền kinh tế dịch chuyển sang khu vực công nghệ không phải lỗi của các tỉ phú công nghệ. Ngay cả khi điều này giúp tăng mức sống của người Mỹ, nhưng với tốc độ cải cách nhanh chóng, giáo dục trở thành một yếu tố quan trọng trong việc quyết định thu nhập. Hiện nay, 70% người trưởng thành tại Mỹ vẫn chưa tốt nghiệp đại học. Do đó, giáo dục sau đại học đã trở thành điều kiện tiên quyết trong giới cổ cồn trắng.
Ngoài ra, không giống như những tỉ phú trước đây, câu chuyện của thế hệ tỉ phú mới không giúp xoa dịu sự oán giận của công chúng. Ba tỉ phú tự thân trẻ nhất trong bảng xếp hạng của Bloomberg đều là nhà đồng sáng lập Facebook. Câu chuyện của họ là huyền thoại: Sau khởi đầu suôn sẻ tại Dobbs Ferry, Zuckerberg tự phát triển công cụ xếp hạng Facemash trước khi anh cùng bạn bè mình sáng tạo Thefacebook.com.
Có vẻ như quan niệm về một thế hệ ưu tú đi lên từ hai bàn tay trắng của người Mỹ chỉ là tưởng tượng. Khả năng một đứa trẻ ngày nay có thể vươn lên từ mức thu nhập thấp nhất lên cao nhất là dưới 10%. Tỉ lệ này thấp hơn so với nhiều quốc gia thịnh vượng khác.
Giấc mơ Mỹ về những con người đi lên từ hai bàn tay trắng luôn là câu chuyện truyền miệng trong đại chúng. Ngày nay, Zuckerberg là một nhà lãnh đạo chuẩn mực. Câu chuyện của anh truyền cảm hứng cho giới trẻ Mỹ nhưng đồng thời cũng khiến họ cảm thấy hụt hẫng.
Theo Quỳnh Mai/Trí Thức Trẻ
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/vi-sao-cac-ty-phu-tre-thuong-rat-nham-chan-a28891.html