Hành trình xây dựng thương hiệu triệu đô của các tỷ phú USD Việt

Việc các doanh nghiệp của bộ tứ tỷ phú USD Việt Nam góp mặt trong TOP 40 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam do Fober bình chọn phần nào nói lên những nỗ lực xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp này. Câu chuyện xây dựng thương hiệu Hòa Phát của ông Trần Đình Long, Vietjet của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, hay Thaco của ông Trần Bá Dương... đều là có giá trị nhất định.

Việc các doanh nghiệp của bộ tứ tỷ phú USD Việt Nam góp mặt trong TOP 40 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam do Fober bình chọn phần nào nói lên những nỗ lực xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp này. Câu chuyện xây dựng thương hiệu Hòa Phát của ông Trần Đình Long, Vietjet của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, hay Thaco của ông Trần Bá Dương... đều là có giá trị nhất định.

Từ “bikini airlines” tới kế hoạch xây dựng hệ sinh thái hàng không

Kể từ khi cất cánh từ năm 2011, sau hơn 6 năm hoạt động, hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air đã chiếm 43% thị phần vận chuyển nội địa, trở thành một trong những hãng hàng không hàng đầu của Việt Nam.

Vietjet Air được đánh giá là có chiến lược marketing hiệu quả với các chương trình khuyến mãi trực tuyến hấp dẫn. Với mô hình “hãng hàng không thế hệ mới”, Vietjet đang xây dựng hình ảnh gắn với đội máy bay trẻ.

Với cách xây dựng chiến lược quảng bá thương hiệu, hình ảnh dựa trên nền trực tuyến, cùng các hình ảnh tươi mới, Vietjet Air được truyền thông trong nước và quốc tế gọi là “hãng hàng không bikini”.

Vietjet Air khai thác đội máy bay gồm 60 chiếc loại A320 và A321, thực hiện hơn 385 chuyến bay mỗi ngày (Ảnh minh họa)

Hiện Vietjet Air khai thác đội máy bay gồm 60 chiếc loại A320 và A321, thực hiện hơn 385 chuyến bay mỗi ngày, với 93 đường bay trong nước và quốc tế đến Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Myanmar, Malaysia, Campuchia… Giữa tháng 7.2018, Vietjet Air kí hợp đồng trị giá 12,7 tỉ đô la Mỹ mua 100 máy bay Boeing B737 MAX, trong kế hoạch phát triển liên minh hàng không của hãng trong khu vực và trên thế giới.

Đầu năm 2018, hãng tỏ ra khá nhạy bén khi đưa chuyên cơ đón đội U23 Việt Nam trở về sau thành công tại giải U23 Châu Á ở Trung Quốc, nhưng sự kiện này đã xuất hiện một số sự cố gây tranh cãi trên mạng xã hội.

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tại tại APEC CEO Summit 2017 (Ảnh: I.T)

Trả lời Bloomberg cách đây ít ngày về tình hình kinh doanh của Vietjet Air, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc, đồng thời là người sáng lập hãng chia sẻ, lợi nhuận trước thuế quý II.2018 của Vietjet Air tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 950 tỷ đồng (41 triệu USD). Doanh thu đạt 8.600 tỷ đồng, tăng 52%, nhờ khoản thu từ bán đồ ăn trên máy bay và mua bảo hiểm bay đạt con số kỷ lục.

Trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các hãng giá rẻ trong khu vực như Lion Air (Indonesia) hay AirAsia (Malaysia), bà Thảo cho biết, chiến lược của Vietjet Air là mở rộng các chặng bay quốc tế và tăng doanh thu từ các nguồn ngoài vé như đồ ăn thức uống phục vụ trên máy bay, phí hành lý và phí bảo hiểm.

Trước đó, tại APEC CEO Summit 2017 diễn ra sáng 9.11.2017, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng bày tỏ tham vọng xây dựng một hãng hàng không gọi là "consumer airlines".

"Tôi gọi hãng hàng không của mình là consumer airlines. Hãng hàng không mới này sẽ cung cấp nhiều sản phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của hành khách, ngoài ra có thể cho vay tài chính, bán bảo hiểm, thương mại điện tử", bà Thảo cho rằng đây là khái niệm mới mẻ so với định nghĩa hàng không lâu nay.

Là người kín tiếng với truyền thông, trả lời Forbes là một trong những lần ít ỏi bà Thảo chia sẽ với truyền thông quốc tế. Bà Thảo cho biết, sự phát triển của VietJet Air là nằm trong kế hoạch của Ban lãnh đạo.

"Tôi nghĩ vì hàng không hơi gây chú ý, nên mọi người tập trung vào nó và thấy rằng VietJet tăng trưởng nhanh so với các hãng khác. Nhưng so với những điều tôi là từ trước đến giờ, thì sự tăng trưởng của nó đều nằm trong kế hoạch cả. Các dự án của tôi như HDBank, chuẩn bị mất 8 năm, và tăng trưởng gấp 15 lần, doanh nghiêp tài chính tiêu dùng tăng 600% trong 3 năm nhưng chẳng qua mọi người không chú ý thôi. Còn tăng trưởng của hãng hàng không này cũng không nằm ngoài kế hoạch của tôi”.

Tham vọng biến Hòa Phát thành người khổng lồ của “vua thép” Trần Đình Long

Xếp vị trí thứ 19 trên bảng xếp hạng của Forbes Việt Nam với giá trị thương hiệu 84,6 triệu USD, Hòa Phát hiện là thương hiệu thép xây dựng uy tín tại thị trường Việt Nam khi chiếm 24% thị phần thép xây dựng và hơn 26% thị phần ống thép.

Không chỉ được biết đến với thương hiệu thép Hòa Phát, công ty được dẫn dắt bởi tỉ phú Trần Đình Long còn sở hữu nhiều thương hiệu khác: bàn ghế nội thất Hòa Phát - dẫn đầu thị phần; sản phẩm điện lạnh thương hiệu Funiki năm 2017 bán được 200.000 sản phẩm…

Cuối năm 2017, Hòa Phát công bố bộ nhận diện thương hiệu mới với slogan: “Hòa hợp cùng Phát triển”, trong đó chữ “và” trước đây chuyển thành “cùng” với thông điệp nâng tầm mối quan hệ hợp tác giữa Hòa Phát với các đối tác, đại lý và cộng đồng xã hội, chuyển từ quan hệ song hành sang tương hỗ. Năm 2018, Hòa Phát đang gia nhập thị trường tôn mạ và gấp rút hoàn thành giai đoạn 1 dự án thép Hòa Phát Dung Quất mà sau khi hoàn thành đưa Hòa Phát thành một trong các công ty thép lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á.

Tỷ phú Trần Đình Long: "Hòa Phát từ người cao 1m7 sẽ thành người cao 3m4" (Ảnh: I.T)

Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2018 của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát diễn ra sáng 22.3.2018, tỷ phú Trần Đình Long không ngần ngại chia sẻ, nhiệm vụ quan trọng nhất với Hòa Phát năm nay và các năm sau là phải tập trung toàn bộ sức lực để hoàn thành khu liên hợp Dung Quất. Đây là dự án có mức đầu tư lên tới 2 tỷ USD và Hòa Phát có rất nhiều việc phải làm với dự án này, thậm chí công việc còn vô cùng phức tạp.

Tuy nhiên, một khi hoàn thành, dự án này sẽ tạo nên tầm vóc mới, một diện mạo mới cho Hòa Phát.

"Nói đơn giản, doanh thu Hòa Phát sẽ tăng gấp đôi và lợi nhuận cũng sẽ tăng tương ứng, Hòa Phát từ người cao 1m7 sẽ thành người cao 3m4" tỷ phú Trần Đình Long ví von.

Hành trình 20 năm xây dựng Thaco của “Vua ô tô” Trần Bá Dương

Xếp vị trí thứ 20 trên bảng xếp hạng của Forbes Việt Nam với giá trị thương hiệu 81 triệu USD, Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) với các thương hiệu Thaco – Bus, Thaco - Truck, Mazda, Peugeot, KIA, Thaco chiếm 35,8% thị phần sản xuất và tiêu thụ xe lắp ráp trong nước năm 2017, với 89.602 xe các loại, theo số liệu của VAMA.

Song ít người biết rằng, để đạt được những kết quả như vậy, trong suốt quá trình 20 năm xây dựng Thaco, tỷ phú Trần Bá Dương đã vấp phải không ít khó khăn.

Trong suốt quá trình 20 năm xây dựng Thaco, tỷ phú Trần Bá Dương đã vấp phải không ít khó khăn (Ảnh: I.T)

CTCP ô tô Trường Hải (Thaco) ra đời vào năm 1997 tại khu công nghiệp Biên Hòa 2, tỉnh Đồng Nai. Khi mới thành lập, hoạt động kinh doanh chủ yếu của công ty là nhập khẩu xe đã qua sử dụng về tân trang lại để cung cấp ra thị trường, đồng thời cung cấp các vật tư phụ tùng cho việc sửa chữa ô tô.

Đến năm 2000, ông Trần Bá Dương mở xưởng lắp ráp xe tải hạng nhẹ mang thương hiệu KIA. Sản phẩm chưa làm xong đã kín đơn đặt hàng. Đến cuối năm 2003, ông Dương quyết định lựa chọn Chu Lai – Quảng Nam để cho ra đời Khu liên hợp Sản xuất ô tô Chu Lai – Trường Hải.

Đến cuối năm 2011, tổng tài sản và vốn chủ sở của Thaco lần lượt là 10.200 tỷ và 4.400 tỷ đồng (vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng). Số lượng nhân viên toàn tập đoàn là hơn 7.000 người.

Công ty CP ô tô Trường Hải hoạt động trên 3 lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính: Ô tô, Địa ốc và Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp.

Về sản xuất và lắp ráp ô tô, công ty có mảng sản xuất tập trung tại Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai – Trường Hải, với các nhà máy lắp ráp xe du lịch, xe tải, xe khách, các nhà máy gia công cơ khí, các nhà máy hóa chất. Ở mảng phân phối, công ty có hệ thống showroom, đại lý khắp cả nước.

Tới năm 2017, các dòng xe tải và xe buýt của Thaco có tỉ lệ nội địa hóa lần lượt từ từ 30 - 40% cho tới trên 55%. Công ty 21 năm tuổi này là chủ đầu tư cụm công nghiệp cơ khí ô tô ở Chu Lai, Quảng Nam.

Tháng 3.2018, Trường Hải đưa vào vận hành nhà máy sản xuất, lắp ráp xe Mazda công suất giai đoạn I là 50.000 xe/năm. 6 tháng đầu năm 2018, công ty tiêu thụ 50.397 xe, chiếm 40,95% tổng lượng xe tiêu thụ. Các công ty thành viên của Thaco cũng đã xuất khẩu linh kiện, phụ kiện sang nhiều nước trên thế giới như nhíp xe tải, thùng ben, bồn nhiên liệu, áo ghế, linh kiện xe buýt và linh kiện composite xe chuyên dụng. Bên cạnh đầu tư vào công nghiệp xe hơi, Trường Hải đang đầu tư phát triển dự án bất động sản Đại Quang Minh.

Nguyên Phương

Theo Dân Việt

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/hanh-trinh-xay-dung-thuong-hieu-trieu-do-cua-cac-ty-phu-usd-viet-a30288.html