CEO Võ Xuân Yên: Cuộc đời kinh doanh của tôi mất rất nhiều tiền vì 'gian thương'

Từng mở nhiều công ty, từng nhiều lần thất bại, nợ nần, tuyệt vọng vì tham vọng làm giàu… Dằn vặt, tìm kiếm bao năm giống như… cái chai bị đậy nắp. Mãi đến năm 40 tuổi Võ Xuân Yên mới thực sự tìm thấy con đường, đó là…tự tu thân.

Từng mở nhiều công ty, từng nhiều lần thất bại, nợ nần, tuyệt vọng vì tham vọng làm giàu… Dằn vặt, tìm kiếm bao năm giống như… cái chai bị đậy nắp. Mãi đến năm 40 tuổi Võ Xuân Yên mới thực sự tìm thấy con đường, đó là…tự tu thân.

Ông Võ Xuân Yên, CEO Công ty dầu nhờn Nano Việt Nam

Nói về mình, ông chia sẻ đầy thấm thía: “Cuộc đời tôi thành công nhất là thay đổi con người mình, đó cũng là đạo của người khởi nghiệp”.

Không chỉ tạo ra thương hiệu dầu nhớt Nano uy tín với doanh thu hơn 100 tỷ đồng/năm, ông còn là cây viết đầy tâm huyết và sắc sảo về kinh tế và xã hội, với cái nhìn trực diện, thẳng thắn, nhân văn.

Những bài viết gần đây của ông trên Facebook như “Trung Quốc không mạnh như mọi người nghĩ”, “ Nhiệt điện, kẻ sát nhân thầm lặng”, ”Tăng thuế xăng dầu: Dân bần cùng hóa”… đã thu hút rất nhiều người đọc, vì sao một doanh nghiệp khởi nghiệp như ông lại rất quan tâm đến kinh tế vĩ mô và bức tranh kinh tế toàn cầu?

Tôi rất ngạc nhiên, không hiểu vì sao đa số doanh nghiệp thờ ơ với chuyện vĩ mô quá. Cũng không hiểu tại sao doanh nghiệp lại không có tiếng nói phản biện mạnh mẽ trước những bất cập của chính sách vĩ mô như trước đây.

Mình phải lên tiếng quyết liệt thì nhà làm chính sách mới biết và điều chỉnh kịp thời chứ.

Tôi nghĩ doanh nghiệp không nên quá sợ sệt, ngại đụng chạm đến công việc làm ăn của mình mà không lên tiếng. Phải nói sự thật để Nhà nước nhận thức cho đúng. Thực ra kinh tế và chính trị ảnh hưởng đến nhau rất nhiều.

Đừng nói tăng thuế xăng dầu không ảnh hưởng tới người lao động. Tháng vừa rồi chị giúp việc nhà tôi tự nhiên khóc mếu máo xin nghỉ việc để đi làm công nhân, một ngày 2 ca mới đủ tiền trả nợ ngân hàng 300 triệu vay làm rẫy cà phê. Nhưng cà phê thất bát, giá xăng dầu tăng gấp đôi, chi phí tưới cũng tăng gấp đôi, hai vợ chồng chị phải vay nóng để đáo hạn, nên số nợ đã tăng lên thêm 100 triệu đồng.

Không biết chúng ta thống kê kiểu gì? Một tô phở năm ngoái 20 ngàn đồng, giờ lên 30 đến 50 ngàn đồng, giữ xe từ 3 ngàn lên 5 ngàn đồng, kể cả ly cà phê cũng lên giá thì làm sao nói lạm phát không tăng?

Liên quan đến vận chuyển, giá điện tăng cũng ảnh hưởng đến mớ rau, con cá. Một ký thanh long ở Hàm Thuận giá 7-8 ngàn, vô Sài Gòn đội lên 40-50 ngàn đồng.

Tôi làm trong ngành vận tải, nên rất hiểu khâu lưu thông hàng hóa cước phí rất cao, chiếm 20-25 %, làm đời sống công nhân và nông dân khó khăn. Một năm công ty tôi tăng lương không thể dưới 10%, phải từ 15-20% mới giúp cho người lao động yên tâm làm việc.

Nỗi lo lớn nhất của tôi là các doanh nghiệp sản xuất, nội lực của đất nước ngày càng teo tóp, chuyển sang đầu tư bất động sản vì chi phí sử dụng lao động, thuế ngày càng tăng.

Bên cạnh đó hàng Thái, hàng Malaysia cạnh tranh quyết liệt ngay trên sân nhà. Rất nhiều chủ doanh nghiệp lớn có thương hiệu mà tôi biết đã mua nhà nước ngoài, có hai quốc tịch.

Còn các doanh nghiệp FDI đầu tư khôn ngoan hơn, chỉ đầu tư khoảng 20% cho đất đai nhà xưởng, còn lại chuyển giá ào ào, vay ngân hàng Việt Nam để làm ăn, nếu có chuyện gì xảy ra họ sẽ để lại món nợ đó cho Việt Nam…

Tất cả khiến cho nền sản xuất của Việt Nam đã yếu lại càng thêm yếu.

Tôi cũng không cổ súy cho khởi nghiệp nữa, vì thuế má thế này doanh nghiệp khởi nghiệp sao chịu nổi

Vậy theo ông, chiến tranh thương mại Mỹ- Trung đang đặt các doanh nghiệp Việt trước những cơ hội và thách thức nào?

Về cơ hội thì đã nhiều chuyên gia phân tích, tôi chỉ tập trung vào những nguy cơ.

Người Trung Quốc đã quá quen với chiêu “kim thiền thoát xác” và họ cũng đã có sự chuẩn bị rất sớm cho cuộc chiến này.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt chưa ý thức được điều đó.

Trận chiến thứ nhất, khi Mỹ áp thuế 50 tỷ USD, lần tấn công này không ảnh hưởng đến doanh nghiệp Việt nhiều, vì sản phẩm đa số liên quan đến sắt thép và những sản phẩm làm từ kim loại.

Những mặt hàng này Việt Nam không sản xuất được. (Nhiều chủ doanh nghiệp đã “cười khẩy”, bọn nó đánh nhau có liên quan gì đến mình).

Trận chiến thứ hai, ngày 30/8, Chính phủ Mỹ sẽ áp thuế 200 tỷ USD vào sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, thực phẩm, thuốc lá, lốp xe, hóa chất… đây chính là đòn đánh ảnh hưởng ghê gớm nhất đến Việt Nam.

Tôi dự cảm nhiều doanh nghiệp Việt sẽ chết vì bọn “gian thương”, và điều đó xảy ra rất nhanh.

Trung Quốc đã lập tức thành lập 7 khu vực thương mại xuyên biên giới để “hô biến” hàng Trung Quốc thành hàng Made in Vietnam, tìm đường qua thị trường Mỹ.

Cá basa bị áp thuế chống phá giá đã tuồn qua biên giới đóng mác Campuchia hay thép Trung Quốc “quá cảng” Việt Nam đã từng bị Mỹ lật tẩy và chịu mức thuế rất nặng nề.

Gian thương Việt sẽ thu được món lợi nhuận khủng trước mắt, nhưng lâu dài sự tham lam của đám “con buôn” này sẽ giết chết nền sản xuất chế biến còn non trẻ của ta.

Một câu hỏi đặt ra là chúng ta đã có quá nhiều cửa khẩu để xuất hàng qua Trung Quốc dễ dàng, tại sao lại đẻ ra 7 khu thương mại này?

Đó là bước chuẩn bị của Trung Quốc cho cuộc tấn công đợt 3 lên đến 500 tỷ USD.

Nếu Mỹ phát hiện và áp thuế phá giá vào Việt Nam sẽ là thảm họa cho tất cả các doanh nghiệp sản xuất đang làm ăn đàng hoàng với Mỹ.

Việt Nam sẽ biến thành một Campuchia thứ hai khi toàn bộ nền kinh tế chỉ đơn thuần là thương mại và được vận hành bởi những… con buôn.

Vai trò của Nhà nước là phải tạo rào cản để bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Phải xem ngành nào có khả năng sản xuất để bảo vệ thương hiệu Việt.

Tốt nghiệp đại học kinh tế năm 2001, từng trải qua nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau, từ kế toán, làm xuất khẩu gỗ, làm thuê cho các tập đoàn đa quốc gia như Pepsico, Chevron… nhưng khi khởi nghiệp với công ty buôn bán phụ tùng xe máy và dầu nhớt, ông đã phải đối diện với biết bao lừa lọc, nhiều lần tưởng như xuống bùn đen?

Với 50 triệu từ bán đất, tôi quyết định khởi nghiệp. Làm ăn chưa tích lũy được bao nhiêu thì lại bị nhà phân phối gian thương lừa lọc.

Thị trường cần mặt hàng dầu nhớt giá rẻ, gặp được một đối tác sản xuất, anh này dẫn tôi đến xưởng, cho xem nguyên liệu dầu gốc trắng tinh và phụ gia nhập từ Mỹ, giá rẻ hơn 40% so với các công ty đa quốc gia.

Tôi rất tin tưởng bỏ ra một số tiền lớn, nhập hàng về, khi tung ra thị trường thì toàn bộ lô dầu bị cặn, yêu cầu trả lại anh ta nói rằng hợp đồng không có điều khoản trả hàng! Vậy là tôi mất gần 500 triệu … đem bán ve chai.

Lần thứ hai, quan sát thị trường tôi thấy một loại ruột xe giá rẻ, hàng bán chạy, nên liên lạc và nhập hàng này về, khi kinh doanh được 6 tháng, mặt hàng bị lỗi, tôi trả hàng cho công ty này.

Nhưng hàng giao đến nơi, công ty nhận xong, không trả tiền và biến mất! Tôi mất thêm 200 triệu nữa!

Lần thứ ba, tôi quyết định không “chơi” với công ty trong nước nữa, mà dùng số vốn còn lại để kinh doanh với một công ty Hàn Quốc ở Thái Bình sản xuất bình ắc quy, giám đốc điều hành là người Việt.

Tôi ra tận nhà máy, thấy hàng hóa rất tốt, xuất đi Hàn cả mấy container, tôi chuyển khoản 700 triệu để lấy hàng, nhưng khi gắn vào xe thì… không có điện, thế là tôi mất toi 700 triệu nữa.

Tưởng chừng xuống bùn với món nợ tới 5 tỷ đồng, nhưng cũng nhờ uy tín trong nghề dầu nhớt, một người anh mang công nghệ nano từ Mỹ về đã mời tôi cùng anh khởi nghiệp một lần nữa với dầu nhớt nano.

Lại một lần nữa bán hết nhà cửa đất đai của ông bà được 1 tỷ đồng, tôi hùn hạp với anh đầu tư công nghệ, xây nhà máy, lo sản xuất kinh doanh.

Va chạm về quản lý, nhân sự là chuyện hàng ngày, vì không quản trị được. Nhưng luật rừng mới đáng sợ, nếu không chấp nhận phí bôi trơn thì không thể kinh doanh được.

Làm phân phối có rất nhiều bài học, bây giờ thấy công an tôi không sợ nữa, vì hiểu ra rằng xã hội đen hay “xã hội đỏ” đều… giống nhau, phải có tiền mới qua được cửa ải đó.

Đó là vấn nạn khiến doanh nghiệp nhỏ chưa kịp lớn đã tơi tả.

Đó là chưa kể bị làm hàng nhái, hàng giả. Hai chục công ty lấy tên dầu nhớt Nano, thậm chí nhân viên ruột của mình bỏ ra ngoài làm công ty, nhái cả kiểu dáng công nghiệp của mình vì thấy bán được. Áp lực ghê lắm.

Rồi cạnh tranh nói xấu, làm mất uy tín của mình vì hàng nhớt tái sinh, vi phạm kiểu dáng công nghiệp của mình luôn.

Tôi từng gặp Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, nhờ nhà báo, công an... rút cuộc chẳng ai làm. Đó là lý do tại sao Mỹ đánh quyền Sở hữu trí tuệ, vì Trung Quốc cũng giống Việt Nam thôi.

Tôi cũng từng tham vọng phát triển doanh nghiệp nghìn tỷ, cần thay đổi con người. Nhưng lực lượng lao động ngày càng tệ, chụp giật, không có tâm, không làm hết lòng. Tuyển một giám đốc bán hàng toàn quốc từ công ty đa quốc gia về chỉ được ba tháng là phải dừng hợp đồng.

Thế hệ mới sống không đủ tâm để làm CEO, tầm quản lý cấp trung cũng khó kiếm người. Sức lao động phải được khai phóng về tư tưởng, ý thức trách nhiệm mới làm được.

Bản thân họ không nâng cấp lên được thì làm sao làm lớn, xoay qua xoay lại chỉ có mấy CEO làm thuê từ công ty đa quốc gia bị giành giật từ công ty này sang công ty khác. Cuối cùng chỉ biết kiếm CEO nước ngoài.

Chính vì vậy bây giờ tôi chỉ tập trung phục vụ lượng khách hàng ổn định của mình, thu gọn sản xuất, giảm nhân công, không tuyển người mới, có thời gian dành cho mình.

Còn lao động quá vất vả, doanh thu mấy ngàn tỷ, công nhân cả ngàn người rất rủi ro, vì làm đúng cũng chết, tốt nhất là làm nhỏ mà hiệu quả.

Đó có phải là tâm trạng chung của nhiều doanh nghiệp?

Doanh nghiệp lớn không muốn đầu tư lớn nữa, vì rủi ro lớn, nhiều người đẩy tiền ra nước ngoài, rồi vay tiền ngân hàng làm ăn ở đây, khi có chuyện gì thì nhà nước chịu thôi.

Họ có tiền nhưng vẫn đi vay, cùng lắm có gì họ bỏ chạy, đó là lý do chảy máu chất xám, chảy máu tài chính.

Doanh nghiệp thủ thế vậy làm sao đất nước phát triển? Nền kinh tế mạnh là doanh nghiệp phải dốc hết sức đầu tư chứ.

Chiến tranh thương mại, nợ công như thế, núi cũng lở… ông đại gia nào vài trăm tỷ cũng thủ thế, dồn hết vào bất động sản.

Ở nước ngoài kinh doanh bất động sản đóng thuế cao lắm, còn doanh nghiệp mình thì tìm mọi cách né thuế.

Thuế lẽ ra phải đánh vào người đầu cơ, lại đánh vào dân… Đó là lý do mấy doanh nghiệp lớn chuyển đổi, M&A, tìm cách trú ẩn an toàn…

Vậy làm cách nào để ông giữ được mình, không bị cuốn đi?

Tùy nhận thức và bản lĩnh, con người dễ sa ngã lắm, rèn luyện là cả một quá trình, thành công nhanh quá cũng không tốt.

Giáo dục làm sao cho mình nên người cái đã, thì khó khăn mới tồn tại.

Tu thân là quan trọng nhất, vì làm doanh nhân là chấp nhận sứ mệnh đương đầu với khó khăn gian khổ, vì đam mê phát triển kinh tế, nuôi sống bao nhiêu con người, chứ không phải vì lòng tham, vì tiền, nếu không sẽ sa đà vào ăn chơi. Giữ được con người trong sáng là quan trọng nhất.

Còn chà đạp, bè cánh để kiếm tiền, hưởng thụ thì rõ ràng khó phát triển. Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ có chuyện lớn, vì nhiều người làm giàu phi pháp, không có nội lực, không công bằng.

Ngã rẽ nào trong tâm khiến ông nhận ra chức phận của một doanh nhân?

Cuộc đời kinh doanh của tôi mất rất nhiều tiền vì “gian thương”, văn hóa kinh doanh và đạo đức kinh doanh ngày càng đi xuống, con người vì lòng tham sẵn sàng lừa gạt lẫn nhau để kiếm tiền, sẵn sàng phụ bạc bạn bè, anh em, đồng nghiệp để tìm kiếm lợi nhuận, sẵn sàng hại khách hàng của mình bằng thực phẩm bẩn, bằng sản phẩm độc hại.

Chính vì lẽ đó người Việt ngày càng trở nên thiếu đoàn kết và nghi ngờ lẫn nhau.

Chính vì đã nhiều lần đau đớn khi bị đối xử bất công như thế nên tôi luôn tâm niệm trong lòng “điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác”.

Những công ty lừa gạt tôi không có công ty nào tồn tại, người điều hành và cả công ty đều biến mất khỏi thương trường với một kết cục không thể tệ hơn và tôi chiêm nghiệm ra rằng cuộc đời này luôn tồn tại “luật nhân quả”.

Dù nhiều lần thất bại, nhưng tôi luôn giữ tài sản “nhân hiệu” còn nguyên vẹn, tiếp tục mạnh mẽ đứng lên. Mất tiền là không mất gì cả. Mất uy tín là mất tất cả. Mất niềm tin là chôn cất chính mình.

Để tạo ra những doanh nghiệp đủ lớn, vấn đề quan trọng là chủ doanh nghiệp phải có nội lực đủ lớn, điều đó liên quan đến tri thức, kỹ năng.

Quản lý 10 tỷ khác 100 tỷ. Làm lớn phải hiểu biết về tài chính, quản trị, nhân hòa giữa con người, nhà đầu tư…

Từ đó tôi quan tâm khả năng của chính mình, học hỏi để chuẩn bị đủ tư thế làm chủ bằng tri thức.

Sách là ông thầy rất tốt. Ông chủ Trung Nguyên không dở đâu, chỉ có điều cách làm chưa đúng thôi.

Nhưng rất tiếc nhiều bạn trẻ startup ít chịu đọc sách. Bơm tiền cho người không có tri thức chính là con dao hai lưỡi, số tiền quá lớn mà không quản trị được mình thì tác hại ngay.

Khi ý thức cuộc sống dù giàu nghèo nếu sống trong sạch vẫn hạnh phúc, thì mất vài ngàn tỷ vẫn bình thường.

Tôi từng có người bạn làm CEO lớn lương 300-400 triệu đồng nhưng sống khổ lắm, vì tham vọng quá, gắn chặt vào tham vọng, một ngày sang chảnh, xài 20 triệu ngày mới vui…

Nền giáo dục ngày càng xuống, chỉ còn lại thành trì cuối cùng là gia đình, các bậc cha mẹ cố gắng dành thời gian cho con cái mình để còn níu lại nền tảng con người, nếu không cho con bao nhiêu tiền cũng mất thôi…

Dù rất bận rộn làm ăn, ông vẫn dành thời gian để viết, đó là đam mê hay cũng là chức phận?

Viết với tôi là đam mê, thấy những vấn đề kinh tế, xã hội thông tin lệch lạc quá, nhiều người không dám nói ra, tôi muốn viết để nói lên sự thật, tự mỗi người sẽ nhận thức đúng hơn về những gì diễn ra trên thế giới và ở Việt Nam.

Tôi viết không để câu like, cảm thấy cần phải lên tiếng cho người khác có thông tin, vậy thôi…

Hành thiền mỗi ngày có giúp ông nhiều không?

Giúp cho não bộ rất nhiều. Cái đầu mình chứa nhiều rác quá, nhờ thiền sức mạnh tinh thần mạnh mẽ hơn, không bị yếu tố cảm xúc, bên ngoài cuốn đi.

Hành thiền cũng phải thường xuyên, có quá trình, thì những hiểu biết đến với mình mới mở rộng hơn, mới tạo sức mạnh tinh thần lâu dài.

Bây giờ có sản xuất lại, tôi thấy khỏe lắm, thanh thản nhẹ nhàng hơn, hiệu quả hơn.

Mình không có gì phải lo, bình tĩnh, làm hết khả năng những gì tốt nhất, còn cái gì đến sẽ đến, còn muốn giàu nhanh không được, cần cơ duyên nữa…

Ánh sáng của đời mình chính là con đường hoàn thiện bản thân, để thấy cuộc đời thay đổi thật nhanh…

KIM YẾN

Theo BizLive

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ceo-vo-xuan-yen-cuoc-doi-kinh-doanh-cua-toi-mat-rat-nhieu-tien-vi-gian-thuong-a30465.html