Từ sự quan sát, nghiên cứu, suy nghiệm những bài học lịch sử nhân loại, chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng: Việt Nam phải chơi với người đứng đầu mới trở thành người đứng đầu, thi đua với quốc gia vĩ đại mới trở nên vĩ đại.
Mối nguy ngàn năm – Vận hội ngàn năm
Đặng Lê Nguyên Vũ hiện đang sở hữu một hệ thống tư tưởng-triết lý đồ sộ và gần như hoàn thiện. Nghiên cứu lịch sử của nước ta và nhiều nước khác, ông nhận ra rằng, điểm chí tử của dân tộc Việt, cũng giống như các dân tộc không thành công khác, là văn hoá Thái Âm - thiếu niềm tin lớn, không có khát vọng lớn, không có tư tưởng gây ảnh hưởng, không dám tranh tiên đi đầu.
Ông nói, chưa bao giờ thế giới trở nên khó lường như ngày hôm này với hàng loạt khủng hoảng đan xen toàn cầu về biến đổi khí hậu, kinh tế - tài chính, năng lượng, lương thực, đói nghèo, dịch bệnh, xung đột sắc tộc – tôn giáo, đối đầu chính trị - quân sự, khủng hoảng nhân văn và đạo đức xã hội, hiểm họa khủng bố, vũ khí giết người hàng loạt... Đây là chỉ dấu của khủng hoảng toàn diện, đan xen và trầm trọng, khủng hoảng về hệ giá trị phát triển, ngay cả đối với các quốc gia thành công nhất.
Hơn bao giờ hết, toàn thế giới cần phải Tư Duy Lại, Thiết Kế Lại và Vận Hành Lại mô hình phát triển như một chỉnh thể, nếu không sẽ dễ dàng dẫn đến diệt vong. Dân tộc ta cũng phải tự đổi mới tư duy lại – thiết kế lại – vận hành lại trên tầm nhìn toàn cầu với nhãn quan biện chứng lịch sử, toàn diện, toàn cầu và nhân bản.
Đã đến lúc cần có một học thuyết ưu việt đưa nhân loại sang một thời đại phát triển mới, hài hòa giữa người với người, giữa người với tự nhiên.
Theo Chủ tịch Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ, nhân loại có được nền văn minh như ngày nay là nhờ óc sáng tạo. “Không có sáng tạo, không có lịch sử và cũng không có tương lai”, ông nói.
Theo ông, lịch sử loài người được chia làm 3 thời kỳ chính: Sáng tạo để Thích nghi, Sáng tạo vì Lòng tham và giờ đây phải là Sáng tạo có Trách nhiệm. Sáng tạo vì lòng tham và hãnh tiến đã tàn phá thế giới trong mấy trăm năm gần đây.
Theo ông Vũ, có 4 cấp độ quốc gia thành công: Thống nhất giữa dân tộc với quốc gia; Trở thành quốc gia độc lập - hùng mạnh; Trở thành quốc gia chủ chốt trong nền văn minh và một nền văn minh dẫn dắt thế giới. Chúng ta đều đang có vấn đề tại 4 cấp độ này. Muốn đạt được các cấp độ đó, chúng ta cần thấu hiểu mình, hiểu bạn bè, hiểu đối tác và hiểu kẻ thù cũng như hiểu xu hướng chủ lưu của thời đại. Trong đó, quan trọng nhất là ta phải hiểu rõ chân tơ kẽ tóc bản thân mình “biết mình, biết người trăm trận trăm thắng”.
Chúng ta có thừa đủ điều kiện để hiện thực hóa. Nhưng muốn làm nên, nhóm nhân lực dẫn dắt Việt thiết yếu cần có cùng khát vọng, tầm nhìn, đồng tâm và quyết tâm cao độ. Theo ông, tất thảy chúng ta đều phải dốc sức hùng tâm cho các mục tiêu dân tộc vĩ đại. Đại nghiệp sẽ thành nếu ta lựa chọn đúng chiến lược, có phương pháp đúng, và thực thi thông minh. Có như thế, người Việt mới mong tự quyết được số phận.
Ông Vũ nói, sở dĩ thế giới hiện đang khủng hoảng bởi chưa thoát khỏi cái bóng tư tưởng kinh tế cực đoan cũ của Adam Smith, Keynes, cho đến học thuyết địa chính trị Mackinder, học thuyết biển Mahan; học thuyết quyền mưu đối đầu của Tôn Tử, Clausewitz, Machiavelli; học thuyết cạnh tranh sinh tồn Darwin, thuyết dân số tiêu cực Malthus… cũng như các học thuyết mang tính đối kháng về ý thức hệ và các tôn giáo có vũ trụ quan, nhân sinh quan cũ. Tức là nhóm tinh hoa thế giới vẫn tư duy chiến lược theo cách cũ. Einstein tuyên bố “làm như cũng mà mong kết quả mới là điên”.
Những tư tưởng hướng về triệt tiêu này tiếp tục là cội rễ để tạo thành các phân cực đe dọa lẫn nhau. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần có niềm tin rằng, toàn thể nhân loại hoàn toàn có thể tạo ra một thế giới hài hòa và cùng phát triển bền vững với những lợi ích mang tính phổ quát và không loại trừ lẫn nhau. Và chìa khóa không gì khác chính là tinh thần cà phê thần tình.
“Học thuyết Cà phê” ra đời với hạt nhân là Tinh thần Cà Phê - Sáng tạo có trách nhiệm, hướng đến một “cộng đồng sinh mệnh Asean” và một nền văn minh toàn cầu mới. Tinh thần Cà phê phát biểu rằng: Mọi người ai cũng có thể thành công; muốn thành công cần có sáng tạo; cà phê kích xúc sáng tạo; nhưng sáng tạo cần có một số điều kiện nền tảng về văn hoá và chính trị. Từ tinh thần nhân bản đó, có thể nói cà phê là năng lượng của nền kinh tế trí thức, kinh tế sáng tạo, kinh tế bền vững, giúp kiến tạo thế giới mới.
Có gần 3 tỷ người yêu và đam mê cà phê trên toàn cầu, xuyên tôn giáo, văn hóa, địa lý, thể chế chính trị. Đây là một lực lượng sáng tạo hùng hậu nhất, và nếu họ hướng tới sáng tạo có trách nhiệm thì thế giới sẽ vô cùng tốt đẹp.
Điều có thể gây sửng sốt là Học thuyết Cà phê đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt thành của giới tinh hoa trong nước và quốc tế. Ông đã đi khắp thế giới để quảng bá học thuyết, mô hình phát triển và triết lí quản trị. Trong số những người chia sẻ tầm nhìn của ông Vũ có tên Howard Moskowitz (học giả hàng đầu của Mỹ), GS. Romano Prodi - Cựu Thủ tướng Ý, cựu Chủ tịch UB Châu Âu, GS. Joseph Nye (cha đẻ của Quyền lực mềm, quyền lực thông minh – Mỹ), GS. Stephen Sacca (Học viện MIT, Mỹ), GS. Tom Canon (ĐH Liverpool), GS. Peter Timer (ĐH Harvard), những chủ nhân giải Nobel như GS. Roger B. Myerson (Kinh tế), GS. Douglas D. Osheroff (Vật lý), GS. Harald zur Hausen (Y học), Harold W. Kroto (Sinh hóa) v.v…
Chúng ta cần thay đổi để chộp lấy cơ hội hội nhập ngàn năm có một, theo ông. Ông nói, đây là thời khắc định mệnh cho Việt Nam và nhân loại. Đây là thời điểm giao thoa giữa nguy cơ ngàn năm và cơ hội ngàn năm. Đây là thời đại của những “làn sóng thần”.
“Nếu chúng ta làm không khéo thì bị làn sóng nhấn chìm”, ông nói: “Còn biết cách thì ta sẽ cưỡi lên làn sóng đó. Đây là thời đại mà các thế lực dịch chuyển trọng tâm từ Tây sang Đông, cơ hội chúng ta thoát khỏi cách tiếp cận vọng Bắc phương.
Nói cách khác, ta có cơ hội tiếp xúc trọn vẹn ngoài phương Bắc. Bên cạnh đó,sự toàn cầu hóa đang biến đổi nhiều mặt. Đây cũng là thời đại phục hưng của Phương Đông và sự dịch chuyển đủ loại chiến lược. Căn cứ theo thuyết “Chuỗi giá trị” và học thuyết biên giới mềm, ông Vũ cho rằng, những nước nhược tiểu hay những dân tộc tiêu thụ luôn ở phân khúc thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu.
“Với những vốn liếng chiến lược dồi dào, tại sao Việt Nam không thể là một thị trường sáng xuất mà luôn là thị trường lệ thuộc, tiêu thụ văn hoá và hàng hóa?”, ông quắc mắt truy vấn. Theo ông, dân tộc ở phân đoạn giá trị thấp kém và dễ dàng bị xoá sổ nhất. Trước thực tế đó, ông Vũ nghiêm mặt gằn giọng: "Chúng ta phải thắng cuộc chiến kinh tế này. Nếu thua, máu sẽ đổ!".
Ông có trăm ngàn mối lo âu: lo dân tính suy tàn, lo dân khí bạc nhược, lo kinh tế suy thoái, lo bờ cõi lâm nguy, rồi bá tánh sẽ lầm than... Từ trong tiềm thức một người tự trọng, ông lo thế hệ hôm nay là người có đại tội với tổ tiên tiền tổ, với những bậc khai sơn lập quốc, kể cả với chính thế hệ con cháu mai sau.
Mối lo này xuất phát từ những “mối nguy chung” của chúng ta. Một là, toàn bộ thế giới đang rơi vào khủng hoảng chung, và bản chất của cuộc khủng hoảng đó là khủng hoảng tài nguyên thiên nhiên và không gian sinh tồn cho loài người. Hai là, thế giới đang bị chi phối bởi các tư tưởng đối đầu cưc đoan triệt tiêu lẫn nhau. Ba là, tiếp tục có xung đột, tranh chấp đối với các nguồn lực phát triển. Bốn là, loài người vẫn theo quán tính tư duy cũ của nhị nguyên luận dẫn đến phân tranh. Năm là, vấn đề lớn nhất của loài người hiện nay là khủng hoảng niềm tin. Những mối nguy chung đó đáng báo động ở cấp cao nhất.
Mục tiêu của ông là rõ ràng và liên hoàn: “Đoàn kết dân tộc – Thống nhất Asean – Hội tụ thế giới”. Việt Nam có đầy đủ điều kiện để thực thi chiến lược định vị trung tâm.
“Ông hoàng cô đơn”
Nhưng chính lý tưởngđó dường như đã khiến Đặng Lê Nguyên Vũ trở nên cô độc. Lẽ giản đơn là bởi “người quân tử hợp quần mà không bè phái” (Luận Ngữ).
Nhiều người không hiểu vị CEO cá biệt và bài xích ông. Cũng đúng thôi, bởi dân gian ta đã có câu “Kình nghê vui thú kình nghê/Tép tôm thì lại vui bề tép tôm”. Tôi nhận thấy ông Vũ thường xuyên rơi vào cảnh “việc bôn tẩu thiếu kẻ đỡ đần, nơi duy ác thiếu người bàn bạc”...
“Đặng Lê Nguyên Vũ sẽ là một ông hoàng cô đơn”, một giáo sư tại ĐH Harvard là thân hữu của ông Vũ bình luận. Ông cô đơn bởi ông chọn cho mình một lối đi riêng cùng nỗi ưu tư và phương pháp luận không giống ai. Mỗi khi ông đưa ra phát ngôn về một vấn đề hệ trọng, thì ngay lập tức xuất hiện sự hiểu nhầm hay phân hoá sâu sắc về dư luận, trong đó không ít kẻ thừa cơ đả kích.
Người ta gán mác cho ông Vũ với đủ loại tính từ tệ nhất đối với một người sống lý tưởng có thừa nghiêm túc. Nhưng trong bão tố búa rìu dư luận ấy, vị chủ tịch Trung Nguyên vẫn bình thản. Cách hành xử khiến tôi liên tưởng đến hành động hơn người của Sở Trang Vương trong tích “Sở Trang Tuyệt Anh” năm xưa.
Công cuộc lớn khó lòng thành sự nếu chỉ có một mình Đặng Lê Nguyên Vũ hay Trung Nguyên mà cần sự hưởng ứng của mọi tầng lớp nhân dân, sự hậu thuẫn của Nhà nước của nhóm nhân lực dẫn dắt và toàn thể các lực lượng xã hội.
Dĩ nhiên, Đặng Lê Nguyên Vũ không phải không có những nhược điểm mang tính con người. Nếu bạn là người quá nhạy cảm thì hẳn bạn sẽ khó chịu khi tiếp xúc với ông, có ấn tượng dường như như ông quá lạnh lùng. Đó là bởi, ở người đàn ông này không có chỗ cho những cảm xúc nhỏ. Ông có cảm xúc, nhưng là những cảm xúc lớn, cho những việc lớn. Đó có lẽ là đặc điểm chung của những người thuộc về đại sự.
“Nhược điểm của con người ông là quá dương tính”, một người bạn lâu năm của ông nói. Hệ quả của nó là đôi khi cực đoan một cách kinh khủng và khô cứng hay quan điểm rất khó lọt tai đối với người đối diện. Thậm chí đôi khi ông cực đoạn đến mức kiêu bạt áp đặt cả quan điểm của mình không thèm tính đến phản ứng của đối phương với ánh mắt “mục hạ vô nhân”.
Nhưng cái dương tính là đặc biệt thiết yếu trong giai đoạn này của đất nước và, quan điểm lớn nào mà không phát xuất từ niềm tin và sự cực đoan, nhất là khi nó đúng đắn? Tôi cũng được nhiều cho là ngang, gàn, khùng, cực đoan thái quá, nhưng nhiều khi tranh luận với ông tôi cũng phải rất ghìm mình để không chửi thề, đập bàn đập ghế cho bõ tức vì sự độc đoán của ông.
“Thay tủy không chỉ máu”
Có vô số cuộc gặp giữa ông Vũ với giới tinh hoa, những người có tầm ảnh hưởng trên thế giới. Họ luận bàn, kiếm tìm và chưng cất một công thức mới cho quốc gia-dân tộc được rút ra từ bài học thịnh-suy của các đế chế và quốc gia trong lịch sử. Họ chia sẻ sâu sắc và đồng cảm, ủng hộ những lý tưởng, tư duy của ông Vũ.
Ông tin rằng, hưng vong một quốc gia được quyết định bởi 5 yếu tố: Vị trí địa lý, độ lớn diện tích, quy mô dân số, dân tính và đặc tính chính quyền. Trong đó hai yếu tố cuối là quan trọng nhất. Trong phần lớn lịch sử phát triển của dân tộc, chúng ta bị phân rã ở hai nhân tố này, nhất là văn hoá âm tính, kiểu tiểu nông làng xã hẹp hòi. Dân tính cần phải được dương tính hoá và thể chế cần hiệu quả hoá.Chúng ta cần thay đổi toàn bộ “gen lặn”gây ra những bệnh tật trầm kha cho dân tộc.
“Chúng ta cần thay tủy, chứ không chỉ thay máu”, ông nắm bàn tay lại như cú đấm đặt lên mặt bàn đá. Ông nói, mong sao chính quyền nhận diện được và hùng tâm giải quyết được hai khâu sau thì ta sẽ có một dân tộc mới, một Việt Nam mới. Hơn việc nào hết, chúng ta cần cải sửa văn hoá bằng ba Tinh thần bảo vật - Chiến binh, Doanh nhân và Sáng tạo cũng như tìm cách vật chất hoá ba tinh thần này.
Sự phân rã còn bắt nguồn từ sự tàn phá trong lịch sử. Lịch sử chúng ta chứng kiến những cuộc tranh giành quyền lực và thù hận của dòng họ này lên dòng họ khác, của triều đại này lên triều đại khác, không lấy tinh thần quốc gia đặt lên trên các lợi ích nhỏ, không chịu thừa kế những tinh hoa, những công trình, những thực thể văn hóa của triều đại khác, phá hủy không thương tiếc những gì đã được tạo lập trước đó.
Tư tưởng tiểu nông, tầm nhìn bị bao bọc bởi lũy tre làng, không qua ngọn tre, thiếu những khát vọng lớn trong tâm thức bản thân người Việt cũng như điều kiện kinh tế kém cỏi dẫn đến sự bằng lòng với những gì nhỏ bé, tạm bợ. Không có được các tầng lớp trí thức đủ mạnh để có thể là một lực lượng chủ động, dấn thân bảo vệ các giá trị văn hóa, các giá trị lịch sử của dân tộc.
Một nguyên nhân nữa khiến chúng phân rã là các thủ đoạn của kẻ thù khiến chúng ta suy yếu. Tuy nhiên, đối với một dân tộc can đảm thì kẻ thù và nghịch cảnh là báu vật để trưởng thành. Còn đối với dân tộc yếu hèn thì đó là tai hoạ khiến họ khiếp nhược mất hết nhuệ khí và quy phục. Thái độ đối với kẻ thù và nghịch cảnh nói lên một dân tộc có bản lĩnh hay không.
Như một niềm tin tuyệt đối vào cái ông gọi là “thiên mệnh Việt”, và với niềm xác tín khả tri và tinh thần “nhân định thắng thiên”, ông cho rằng không gì là bất khả thi.
Bất lợi có thể là rất lợi, rất lợi có thể là bất lợi. Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào con người chứ không phải hoàn cảnh. Cái gì đã xảy ra là có lý của nó. Quan trọng là chúng ta tự dịch chuyển vận mệnh của chính mình như thế nào.
Nước Nhật đã bị tàn phá chỉ cách đây 70 năm, một thời gian chả thấm tháp vào đâu so với lịch sử, thế mà họ đã vươn lên thành một cường quốc chỉ sau một thời gian rất ngắn. Năm 1965 Singapore mới phôi thai choáng ngợp trước Sài Gòn - Hòn Ngọc Viễn Đông.
“Người khác làm được thì ta làm được. Dân tộc khác làm được thì dân tộc ta làm được. Nước khác làm được thì Việt Nam làm được và còn làm tốt hơn”, ông Vũ hùng hồn như một tuyên ngôn của người Việt, đoạn nói thêm: “Khi cùng nhau, không gì là không thể”.
Từ sự quan sát, nghiên cứu, suy nghiệm những bài học lịch sử nhân loại, ông Vũ cho rằng, Việt Nam phải chơi với người đứng đầu mới trở thành người đứng đầu, thi đua với quốc gia vĩ đại mới trở nên vĩ đại.
“Xét về căn cơ, dân tộc Việt Nam là một dân tộc vĩ đại. Chúng ta không bao giờ, dù chỉ trong một phút giây, được phép quên rằng chúng ta thuộcdòng dõi Con Rồng Cháu Tiên với phẩm cấp hàng đầu”, ông đập tay nói như một tuyên bố. Cách đây chỉ 70 năm Việt Nam đã là ngọn cờ giải phóng dân tộc cho bao quốc gia bị xâm lăng noi theo. Chỉ chưa đầy 40 năm trước bao người dân thế giới hàng ngày dõi theo tình hình Việt Nam, đã từng nằm mơ trở thành người Việt Nam.
Ai cũng chỉ lo kiếm tiền theo kiểu “vinh thân phì gia” thì “khác gì cầm thú?”
Người ta thường chỉ nhìn ông Vũ như một con người lạnh lùng. Nhưng ngay lúc này đây, tôi tiếp xúc với ông ở góc độ rất đời. Nếu tinh ý bạn sẽ cảm nhận có cái gì khang khác trong giọng nói vốn rất mạnh của ông. Không phải ông là người khô khan mà thực ra ông rất giỏi che giấu cảm xúc. Nước mắt người đàn ông này chảy ngược vào trong. Tôi đảm bảo đã có ai đó nói khích ông Vũ gì đó hôm qua, dường như xát muối đến vết thương lòng sâu kín trong ông. Ông bảo những gì ông đã làm và tiếp tục làm trong tương lai không chỉ vì muốn thương hiệu Trung Nguyên vươn ra thế giới, mà thực sự còn vì đại cục chung của đất nước, vì hàng triệu thanh niên Việt. Theo ông, nếu ai cũng lo cho mỗi bản thân, lo kiếm tiền theo kiểu “vinh thân phì gia” thậm chí còn làm nghèo đất nước thì “khác gì loài cầm thú”? Trong cuộc nói chuyện, đôi khi mắt ông quắc lên dữ dội. Ánh mắt ấy, cùng với hình tướng và thần thái bạo liệt của ông, khoá chặt và ám ánh bất kỳ đối phương nào. Những lời nói của ông như toát thẳng từ cõi lòng bộc trực của một người đàn ông khảng khái, không quen nói lời hoa mỹ. Khi hỏi kỹ tôi mới phần nào hiểu được tính gai góc, quyết liệt của ông, của một người con gốc Quảng Nam, mảnh đất khắc khổ của những bà mẹ anh hùng. |
Buôn Ma Thuột, 6/2013
TS Phan Quốc Việt
Theo Giáo dục Việt Nam
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/dang-le-nguyen-vu-noi-ve-moi-nguy-ngan-nam-van-hoi-ngan-nam-a30470.html