Vào giữa tháng Bảy, Tập đoàn FPT chính thức sở hữu 90% cổ phần của Intellinet Consulting (Intellinet), một trong những công ty tư vấn công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ.
Đây là lần đầu tiên 1 công ty công nghệ thông tin Việt Nam mua 1 công ty tư vấn của Mỹ. Việc mua bán, sáp nhập (M&A) được xem là một trong những bước đi chiến lược của FPT Software để hiện thực hóa tham vọng 1 tỷ USD doanh thu vào năm 2020.
Phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đã trao đổi với Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến về vấn đề này.
- Thưa ông, đâu là lý do FPT mua lại Intellinet? FPT đã phải trả bao nhiêu tiền cho thương vụ này?
Ông Hoàng Nam Tiến: Chúng tôi tin rằng, Intellinet sẽ giúp FPT nâng tầm vị thế, trở thành đối tác cung cấp các dịch vụ công nghệ tổng thể với giá trị cao hơn và toàn diện hơn cho khách hàng, từ khâu tư vấn chiến lược, thiết kế đến triển khai, bảo hành bảo trì, đặc biệt trong các dự án chuyển đổi số…
Tuy nhiên, chúng tôi chỉ mua lại 90% vì bản thân Intellinet cũng muốn tham gia cùng “gia đình” FPT để hướng tới chiến lược cung cấp các giá trị cao hơn trong bối cảnh chuyển đổi số đang rất hot.
Về giá trị thương vụ thì tương đối linh hoạt. Tại thời điểm này, FPT trả 30 triệu USD, phần còn lại sẽ dựa trên kết quả kinh doanh của Intellinet trong vòng 3 năm tới. Do đó, tổng giá trị thương vụ có thể khoảng 45-50 triệu USD.
- Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Trương Gia Bình nói rằng:”Intellinet chính là giải pháp để FPT cung cấp giải pháp chuyển đổi số tổng thể,” xin ông nói rõ về vấn đề này? Sự kết hợp này liệu có giúp FPT “săn” được nhiều khách hàng trong danh sách Fortune 500 hay không?
Ông Hoàng Nam Tiến: Tôi muốn nói thế này, thực tế FPT Software đã có 19 năm hoạt động trên thị trường toàn cầu. Chúng tôi đang cung cấp dịch vụ cho hàng trăm khách hàng là các tập đoàn lớn ở những nước giàu nhất trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Singapore…
Chúng tôi cũng đã đầu tư nghiên cứu các lĩnh vực công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, IoT (Internet of things), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, xe tự hành… tạo ra các dịch vụ mới như chuyển đổi số (digital transformation). Và, những nghiên cứu này đã giúp chúng tôi có một vị thế khác khi nói chuyện với các tập đoàn lớn.
Trên thực tế, đã có những tập đoàn lớn chọn chúng tôi là đối tác cung cấp dịch vụ chuyển đổi số cho họ và thậm chí là cùng họ nghiên cứu, phát triển một số giải pháp, ứng dụng trên nền tảng công nghệ IoT như Airbus, GE, Siemen, Microsoft, AWS, Daiwa Institute of Research (DIR), Toppan, Toshiba…
Tuy nhiên, cũng phải nói một cách công bằng là chúng tôi chưa có những chuyên gia hàng đầu với 20-30 năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực tư vấn giải pháp quản trị hạ tầng thông tin cho doanh nghiệp, cho các thành phố và cho cao hơn nữa là cho các quốc gia.
Do đó, Intellinet là một lựa chọn của chúng tôi và từ nay chúng tôi có đủ năng lực để có thể thực hiện các dự án End - to - End (dự án hoàn chỉnh cho khách hàng từ khâu tư vấn, xây dựng dự án, tổ chức triển khai, vận hành nâng cấp…) cho khách hàng.
Khi kết hợp thế mạnh của Intellinet và FPT Software, tôi tin rằng tập khách hàng trong danh sách Fortune 500 của hai công ty sẽ tiếp tục được mở rộng, vượt xa con số 100 khách hàng như hiện nay. (FPT Software đang cung cấp dịch vụ cho khoảng 80 khách hàng trong danh sách Fortune 500 và con số này của Intellinet là 20).
- Xin ông tiết lộ con số kỳ vọng khi Intellinet về với FPT?
Ông Hoàng Nam Tiến: Thị trường dịch vụ chuyển đổi số thế giới được IDC dự báo sẽ đạt con số 2.000 tỷ USD vào năm 2020. Đây là cơ hội không giới hạn cho các doanh nghiệp phần mềm như FPT Software.
Bên cạnh cơ hội quy mô thị trường, chúng ta còn đang có cơ hội từ các xu hướng công nghệ mới. Nếu trong các lĩnh vực công nghệ thông tin truyền thống như hệ thống quản trị nguồn lực ERP, hệ thống sản xuất… khoảng cách công nghệ thông tin của Việt Nam với các nước phát triển khoảng 20-30 năm, thì trong lĩnh vực tiên tiến nhất bây giờ như IoT, AI, BigData, Cloud Computing, khoảng cách chỉ là là 2-3 năm. Thậm chí, trong một số lĩnh vực FPT đứng trong hàng ngũ đối tác hàng đầu của các hãng lớn thế giới như AWS, GE Predix, Siemens Mindsphere…
Chúng tôi kỳ vọng với những cơ hội trên và sự kết hợp giữa thế mạnh của FPT và Intellinet, đây sẽ là đòn bẩy để chúng tôi vươn lên nhóm dẫn đầu trên thế giới trong lĩnh vực chuyên đổi số và công nghệ mới.
Doanh thu chuyển đổi số của FPT Software đang tăng trưởng khoảng 50%. Và, với sự tham gia của Intellinet, con số này được kỳ vọng có thể tăng lên gấp rưỡi hoặc gấp đôi.
- Với kinh nghiệm của hai bên, FPT Software sẽ hoàn thiện dịch vụ của mình như thế nào?
Ông Hoàng Nam Tiến: Đối với khách hàng hiện có và trong tương lai của FPT Software, cùng với chuyên gia của Intellinet chúng tôi sẽ mang đến cho họ những chuyên gia tư vấn đẳng cấp quốc tế với 20-30 năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực chuyên sâu như hàng không vũ trụ, y tế, ngân hàng - tài chính, viễn thông, ôtô…
Còn đối với khách hàng hiện có và trong tương lai của Intellinet, với thế mạnh về nguồn nhân lực, kinh nghiệm triển khai dự án, năng lực công nghệ đặc biệt là các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, IoT (Internet of things), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, xe tự hành…, chúng tôi sẽ cung cấp dịch vụ cho họ với chi phí cạnh tranh hơn hẳn.
- Trước đây, FPT Software từng đặt ra mục tiêu đạt 1 tỷ USD doanh thu vào năm 2020. Với việc mua Intellinet, kế hoạch này liệu có cán đích được không, thưa ông?
Ông Hoàng Nam Tiến: Hiện nay, số lượng các công ty phần mềm có doanh thu từ 1 tỷ USD trở lên trên thế giới có thể đếm được trên đầu ngón tay. Ấn Độ - một quốc gia hùng mạnh về dịch vụ phần mềm, chỉ có 6 công ty đạt doanh thu trên 1 tỷ USD.
Tại thời điểm này, với doanh thu khoảng 300 triệu USD của FPT Software, chúng tôi đứng thứ 12 nếu ở Ấn Độ và đứng thứ 8 nếu ở Trung Quốc. Đây hoàn toàn là con số không tệ.
Chúng tôi kỳ vọng doanh thu năm 2018 của FPT Software sẽ đạt 400 triệu USD. Dựa trên tốc độ tăng trưởng cao của FPT Software là trung bình khoảng 25-30% trong nhiều năm qua thì chúng tôi sẽ đạt khoảng 70% mục tiêu 1 tỷ USD nhờ tăng trưởng tự thân (Organic growth), 30% còn lại sẽ đến từ các hợp đồng mua bán, sáp nhập (Inorganic growth).
Trước đó, chúng tôi đã thực hiện vụ mua bán sáp nhập (M&A) đầu tiên với một công ty tại châu Âu. Thương vụ đã mang về cho chúng tôi một hợp đồng lịch sử có trị giá 100 triệu USD với Innogy SE. Với thương vụ với Intellinet lần này, chúng tôi kỳ vọng sẽ FPT Software sẽ sớm hoàn thành mục tiêu 1 tỷ USD.
- Ngoài ý nghĩa nâng cao năng lực tư vấn chiến lược, năng lực cung cấp dịch vụ công nghệ tổng thể, thúc đẩy tăng trưởng doanh số như ông đã nói ở trên, thương vụ này còn có ý nghĩa nào khác nữa với FPT Software, chẳng hạn như về cơ hội việc làm…?
Ông Hoàng Nam Tiến: Tôi muốn nhấn mạnh, đây là thời đại của chuyển đổi số, là thời đại của những công nghệ 4.0. Do đó, việc học và nắm bắt nhanh các công nghệ mới là một ưu thế của các bạn trẻ Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực đòi hỏi rất khắt khe vì vậy sau khi qua thử thách số các bạn không đáp ứng được cũng rất lớn.
Năm 2018, chúng tôi dự kiến tuyển 6.500 người, trong 6 tháng đầu năm chúng tôi đã tuyển được khoảng 3.000 người. Dự kiến, để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các dự án với khách hàng, năm 2020 chúng tôi cần tuyển khoảng 10.000 người.
Và rõ ràng, những bạn trẻ có năng lực hoàn toàn có cơ hội đầu quân cho FPT Software, khai phá các thị trường trong và ngoài nước.
- Xin cảm ơn ông!
FPT Software thành lập năm 1999, là công ty thành viên của FPT - Tập đoàn Công nghệ hàng đầu của Việt Nam. Sau 19 năm thành lập, FPT Software hiện đang là công ty phần mềm lớn nhất của Việt Nam và đứng trong Top 100 Nhà cung cấp dịch vụ Outsourcing toàn cầu do International Association of Outsourcing Professionals (IAOP) đánh giá.
FPT Software cung cấp các dịch vụ phát triển phần mềm và bảo trì, triển khai ERP, kiểm thử, chuyển đổi ứng dụng, hệ thống nhúng, điện toán di động, điện toán đám mây… trong nhiều lĩnh vực như: Tài chính ngân hàng, Viễn thông, Y tế, Chế tạo, Công nghiệp xe hơi, Dịch vụ công… Doanh nghiệp này hiện đã và đang cung cấp dịch vụ cho khoảng 550 khách hàng là các tập đoàn lớn trên phạm vi toàn cầu, trong đó có khoảng 80 khách hàng nằm trong danh sách Fortune Global 500. |
Theo Trung Hiền/Vietnamplus
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chu-tich-fsoft-hoang-nam-tien-hien-thuc-hoa-giac-mo-my-va-huong-toi-muc-tieu-ty-do-a30839.html