Điều này khiến dư luận không khỏi băn khoăn, nghi ngại khi những “lỗ hổng” BT vẫn còn tồn tại. ĐTTC đã trao đổi với bà BÙI THỊ AN (ảnh), nguyên đại biểu Quốc hội khóa 13 về vấn đề này.
- PV: Thưa bà, nhiều chuyên gia đánh giá các dự án BT đang là mảnh đất màu mỡ của thất thoát, lợi ích nhóm. Quan điểm của bà về việc này?
Bà BÙI THỊ AN, nguyên đại biểu Quốc hội khóa 13. |
- Bà BÙI THỊ AN: Các dự án theo mô hình BT là xã hội hóa để huy động nguồn lực của xã hội trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng. Mô hình này thực hiện theo cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng”. Theo đó, nhà đầu tư bỏ tiền ra đầu tư cơ sở hạ tầng cho Nhà nước, đổi lại Nhà nước sẽ trả lại vốn cho nhà đầu tư bằng quỹ đất do 2 bên thống nhất, lựa chọn và định giá.
Tuy nhiên, không phải đổi chỗ nào cũng được, cần phải xem xét vị trí cụ thể. Phải minh bạch và đổi phải đổi ngang giá và đúng giá, đổi ở đâu, đổi như thế nào, giá cả bao nhiêu, tiêu chí đổi ra sao?
Cùng với đó, phải công khai năng lực tài chính và các thông tin cụ thể của chủ đầu tư để cho dân giám sát. Phải giám sát chặt vì nhiều người đã lợi dụng chính chuyện đổi đất lấy hạ tầng để làm sai. Nhiều thành phố đã mất nhiều “đất vàng” vì đổi đất lấy hạ tầng.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai vừa qua, ở nhiều vùng, nhiều nơi dân kêu ca rất nhiều. Tức khi thực hiện đã có sự đổi không ngang giá. Việc đổi không ngang giá này sẽ đẩy phần thiệt về phía chính quyền, còn phần lợi về phía doanh nghiệp. Việc ưu tiên cho doanh nghiệp là cần thiết, nhưng phải làm sao để lợi ích hài hòa giữa các bên không để bên nào thiệt, vì vậy cần tiến hành đổi phải ngang giá.
Muốn đổi ngang giá phải đấu giá công khai, công bố tất cả chi tiết của khu cần đấu giá như vị trí, giá trị khu đất hiện tại là bao nhiêu...
- Vậy đâu là nguyên nhân của những bất cập trong việc đổi đất lấy hạ tầng?
- Cơ chế đổi đất lấy hạ tầng đã bộc lộ nhiều bất cập và có sự nhập nhèm về giá trị. Khu đất đem đổi thường bị tính giá rất thấp. Thậm chí, nhiều nơi chỉ đổi ngang đất nông nghiệp.
Nguyên nhân chính dẫn tới những bất cập này là việc xây dựng pháp luật cho cơ chế đổi đất lấy hạ tầng quá lỏng lẻo, khung pháp lý chưa phù hợp, đã để lại quá nhiều khoảng trống, tạo ra nguy cơ tham nhũng. Vì thế, ở những nơi phát triển đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM, nên dừng hoàn toàn việc đổi đất lấy hạ tầng, thay vào đó là cơ chế đấu giá đất, lấy tiền để xây dựng hạ tầng.
Các dự án BT nếu chỉ định thầu hoặc đấu thầu đối phó sẽ tạo ra kẽ hở gây tham nhũng. Theo luật, mọi dự án đều phải đấu thầu và dự án BT cũng phải áp dụng cơ chế đấu thầu. Có đấu thầu mới minh bạch được, bởi kẽ hở lớn nhất trong cơ chế BT chính là vấn đề xác định giá trị.
Hiện chưa có quy định rõ ràng về việc xác định chất lượng hạ tầng, cũng như quy định về giá đất được đem đổi, đặc biệt là những khu vực đất gắn với hạ tầng là con đường. Tất cả chỉ dừng lại ở mức chung chung là phù hợp với giá thị trường.
- Theo bà để giám sát các dự án này cơ quan chức năng cần phải làm gì?
- Như tôi đã đề nghị, phải giám sát, đánh giá lại các dự án này. Dự án nào tốt, dự án nào chưa tốt, nguyên nhân, bất cập thế nào. Nếu sai, phải kiên quyết sửa để giữ tài sản cho dân. Lúc này chúng ta đang cần vốn, nguồn lực để phát triển bền vững, nên dứt khoát phải có giám sát, đánh giá, không thể vì chuyện đã lỡ rồi mà bỏ qua.
Thực tế, chủ trương cho thực hiện hợp đồng BT là đúng đắn. Tuy nhiên, khâu thực hiện chưa chuẩn nên cần có đánh giá, giám sát lại xem những bất cập ở đâu để nếu sai phải sửa. Cần xem xét trách nhiệm cá nhân lãnh đạo trong việc ai ký thẩm định, phê duyệt, ai ký cấp phép. Nếu ký quyết định chỉ định nhà đầu tư có vi phạm khuyết điểm phải chịu trách nhiệm.
Thí dụ, trong quyết định chỉ định thầu, khi ký quyết định lãnh đạo thành phố có thẩm định năng lực tài chính của doanh nghiệp hay không? Có nắm rõ tình hình hoạt động của doanh nghiệp hay không? Khi làm rõ trách nhiệm cá nhân trong những vi phạm khuyết điểm tại dự án BT, phải đưa ra xử lý trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm tập thể một cách công khai, minh bạch, sai đâu xử lý ở đó.
- Vậy công khai đấu thầu liệu có phải là giải pháp tốt?
- Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước eo hẹp, các dự án BT là một giải pháp quan trọng để Nhà nước huy động nguồn lực từ khối tư nhân vào đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bản chất hình thức đầu tư BT là tốt, song khi thực hiện một số dự án đã đi sai hướng so với mục đích tốt đẹp ban đầu.
Thay vào đó, dự án BT là cuộc ngã giá mang tên “đổi đất lấy hạ tầng”. Dự án được chỉ định thầu thay vì đấu thầu, không thẩm định đúng giá trị của khu đất so với hạ tầng được đầu tư, dẫn đến nhiều rủi ro, thất thu ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, các dự án BT thường không qua đấu thầu, chỉ thực hiện chỉ định thầu sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Cụ thể, nhà đầu tư được hưởng lợi kép. Lần thứ nhất là khi nhận thầu thi công công trình, và lần thứ hai là khi đầu tư kinh doanh các khu đất đối ứng ở các địa điểm đắc địa đã được tăng cường hệ thống hạ tầng giao thông. Đã có không ít doanh nghiệp nhờ đầu tư dự án theo hình thức BT trở thành đại gia trong giới bất động sản.
Mặt khác, hiện nay có tình trạng nhiều chủ đầu tư tham gia thực hiện dự án BT nhưng vốn sở hữu chỉ có khoảng 10%, 90% còn lại là tiền đi vay ngân hàng. Đây là lý do dẫn đến dự án đổ vỡ do nhà đầu tư “tay không bắt giặc”.
Đông Nghi
Sài Gòn Đầu tư tài chính
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/triet-tieu-cuoc-nga-gia-doi-dat-lay-ha-tang-a31161.html