Bị ép làm 14-15h/ngày, hàng ngàn thực tập sinh Việt Nam tại Nhật chạy trốn khỏi nơi làm việc

Hơn 7.000 thực tập sinh nước ngoài ở Nhật Bản đã bỏ việc vào năm ngoái khi những người sử dụng lao động đòi hỏi họ phải làm việc trong nhiều giờ hoặc không trả đủ lương, phần lớn trong số đó là người Việt Nam, theo Nikkei Asia.

Vào năm ngoái, 7.089 thực tập sinh đã bỏ trốn - tương ứng với 38,6% thực tập sinh nước ngoài đang làm việc tại Nhật Bản.

Bộ Tư pháp nước này cho biết tính đến cuối năm 2017, có 274.000 thực tập sinh nước ngoài tại Nhật. Số lao động này làm việc tại 5.966 cơ sở của Nhật.

Tuy nhiên, theo một điều tra của Bộ Lao động Nhật Bản, có đến 4.226/5.966 nơi làm việc đã khấu trừ lương hoặc yêu cầu thực tập sinh làm thêm giờ bất hợp pháp.

"Con số 70% nói trên đã nêu bật những vấn đề nghiêm trọng của chương trình thực tập sinh nước ngoài đến Nhật Bản", Nikkie Asia nhận định.

Trong số 7.089 thực tập sinh nước ngoài bỏ trốn, chiếm tỷ lệ lớn là người Việt Nam.

“Những thực tập sinh Việt Nam đang phải đối mặt với những giờ làm việc đầy áp lực nhưng không muốn về nhà. Họ đã tìm được nơi tạm lánh và tìm cách ở lại Nhật Bản”, tờ Nikkei Asia thông tin.

Tình trạng già hóa dân số đã khiến quốc gia mặt trời mọc phải tiến hành nhập khẩu lao động để giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động kinh niên.

"Nhưng chương trình thực tập, một trụ cột trong giải pháp khắc phục thiếu hụt lao động, đang khiến những người lao động nước ngoài muốn ở lại Nhật Bản dễ bị tổn thương khi họ gặp rắc rối", Nikkie Asia nêu vấn đề.

Phạm Nhật Vương, có tên Nhật Bản là Bungo Okabe, một người đàn ông Việt Nam 36 tuổi đến Nhật Bản từ khi 8 tuổi, đã lập nên "một thiên đường" cho hơn 10 đồng bào của mình là những thực tập sinh đang chạy trốn khỏi những cơ sở lao động khắc nghiệt ở Nhật.

Đó là một ngôi nhà 2 tầng cũ kỹ ở quận Fukushima, phía bắc Tokyo. Những người lao động đã trốn khỏi nơi làm việc vì tình trạng làm thêm giờ, áp lực từ cấp trên và đồng nghiệp cũng như nỗi sợ bị đưa trở về quê hương của họ ở Việt Nam.

Một phụ nữ Việt Nam, 36 tuổi, đã vào nhà tạm lánh nói trên vào đầu tháng 3, cho biết cô đã đến Nhật Bản vào tháng 4/2016. Cô nhớ lại những ngày làm việc từ 14 đến 15 tiếng, chỉ được nghỉ 7 ngày/năm. Công việc của cô là thực tập tại một nhà máy may thuộc tỉnh Yamagata, giáp với Fukushima ở phía bắc Nhật Bản. Cô kể mình bị coi là một công nhân chậm chạp và bị áp lực quay trở lại Việt Nam.

Người phụ nữ 36 tuổi đã vay gần 9.000 USD (tương đương 209 triệu đồng) từ ngân hàng để trang trải chi phí đi Nhật Bản. Nếu phải quay về Việt Nam, với mức lương thấp mà cô có khả năng kiếm được ở trong nước, thì hy vọng trả nợ là cực kỳ mong manh.

Quyết định của cô là phải ở lại Nhật Bản - vì bản thân và vì 2 đứa con của cô ở quê nhà, một đứa 10 tuổi, một đứa 8 tuổi. Chính vì vậy, cô bỏ trốn khỏi ký túc xá của chủ lao động.

Phạm Nhật Vương (đeo kính) và các thực tập sinh tại nhà tạm lánh
Phạm Nhật Vương (đeo kính) và các thực tập sinh tại nhà tạm lánh)

Vào tháng 1 năm nay, Phạm Nhật Vương đã đóng cửa quán ăn mà anh ấy điều hành để lập ra nhà tạm lánh cho các thực tập sinh Việt Nam.

Anh Vương đã huy động khoảng 1 triệu yên (8.989 USD) từ cộng đồng để sửa chữa một căn nhà bỏ hoang thành nơi tạm lánh cho những người chạy trốn.

Hầu hết các chi phí sinh hoạt hàng ngày của các thực tập sinh đều do Vương bỏ tiền túi, vì các học viên cũ không có nguồn thu nhập và sẽ gặp khó khăn khi trả tiền ăn và chỗ ở.

Phạm Nhật Vương đã rời khỏi Việt Nam cùng gia đình khi anh ấy 5 tuổi, sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975. Họ đến Nhật Bản sau thời gian ở một trại tị nạn tại Malaysia.

Anh Vương nói "không thể bỏ rơi" những thực tập sinh chạy trốn, vì họ bị mắc kẹt và không có nơi nào để gọi về nhà.

Nhà tạm lánh của anh tiếp nhận 30 - 40 yêu cầu mỗi tháng, thông qua phương tiện truyền thông xã hội và các kênh khác từ các học viên đã nghe nói về cơ sở.

Theo thông tin từ Nikkei Asia, Tổ chức đào tạo thực tập sinh kỹ thuật do chính phủ Nhật lãnh đạo cũng cung cấp chỗ ở tạm thời cho các học viên bị ngược đãi tại nơi làm việc của họ. Nhưng, tính đến ngày 19/7, dịch vụ này chỉ được sử dụng 10 lần.

Tuy nhiên, chuyện tạm lánh không giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Nhiều thực tập sinh muốn tiếp tục làm việc tại Nhật Bản nhưng chương trình thực tập không cho phép họ chuyển đổi nơi làm việc theo ý muốn. Họ cũng không thể làm việc bán thời gian giống như những du học sinh.

Phạm Nhật Vương thông báo cho Cục Di trú về những người anh ấy cưu mang, sau đó đàm phán với các cơ quan có liên quan của Nhật Bản và Việt Nam về việc chuyển họ đến các nơi làm việc khác.

Cho đến nay, anh ấy đã xoay sở để giúp 2 người chuyển chỗ làm. Ít nhất 10 người vẫn đang chờ đợi.

Bốn trong số các thực tập sinh người Việt bỏ trốn đã nhận đươc trợ cấp thất nghiệp thông qua các cuộc đàm phán với trung tâm dịch vụ việc làm của chính phủ Nhật Bản. Nhưng hầu hết không thể nhận được trợ cấp do nơi làm việc cũ của họ không cung cấp những tài liệu cần thiết.

Nikkei Asia cho biết một số thực tập sinh chạy trốn đã đến Nhật Bản mà không nắm bắt đầy đủ các điều kiện làm việc.

Và theo kết quả khảo sát năm 2017 của Bộ Tư pháp Nhật Bản, nhiều cựu thực tập sinh bỏ trốn đã bày bỏ sự không hài lòng của họ về mức lương. Nhiều người đã làm việc bất hợp pháp sau khi chạy trốn khỏi những nơi thực tập.

Hải Linh
Theo VietnamFinance

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/bi-ep-lam-14-15h-ngay-hang-ngan-thuc-tap-sinh-viet-nam-tai-nhat-chay-tron-khoi-noi-lam-viec-a31417.html